Chườm nóng để nhanh lấy lại dáng sau sinh, sản phụ bị băng huyết
Sản phụ 29 tuổi ở TP HCM mất nhiều máu, tử cung nhão, được đưa vào Bệnh viện Mỹ Đức cấp cứu sau khi sinh con một tuần.
Ảnh minh họa
Bác sĩ Hồ Cao Cường, Bệnh viện Mỹ Đức (TP HCM), cho biết sản phụ cấp cứu tuần trước với vẻ mặt nhợt nhạt, vùng da bụng dưới rốn có mảng da bầm đỏ. Bệnh nhân vừa sinh thường em bé nặng 2,9 kg, muốn nhanh lấy lại vóc dáng nên chườm muối nóng vùng bụng mỗi ngày 3 lần và liên tục một tuần.
Sản phụ được bù dịch, chích thuốc cầm máu, co hồi tử cung và chuyển sang phòng mổ. Sau hơn một giờ cấp cứu, bệnh nhân vượt qua được nguy hiểm, may mắn tránh nguy cơ cắt tử cung.
Theo bác sĩ Cường, sau khi sinh, tử cung sản phụ sẽ co lại để cầm máu. Ban đầu tử cung co lại ngang rốn, sau đó mỗi ngày co lại một cm. Hai tuần sau sinh tử cung nhỏ xuống dưới xương vệ. Sáu tuần sau, các cơ quan sinh dục trở về bình thường. Do vậy trong vòng sáu tuần sau sinh, nếu sản phụ chườm nóng, nịt quế, thảo dược nóng sẽ làm tử cung không co lại được gây băng huyết, gọi là băng huyết muộn sau sinh. Nhiều bệnh nhân mất máu, thậm chí cắt bỏ tử cung vì chườm nóng để lấy lại vóc dáng.
Bác sĩ Cường khuyến cáo để mau lấy lại vóc dáng sau sinh, bà mẹ cần kết hợp tập thể dục, ăn nhiều rau, giảm chất béo, giảm ngọt và uống nhiều nước. Cho con bú mẹ hoàn toàn không chỉ tốt cho trẻ mà còn giúp người mẹ giảm vòng hai, giảm cân hiệu quả.
Đầu năm nay, một sản phụ 26 tuổi ở TP HCM tử vong sau hơn 2 tháng liên tục uống rượu gừng sau sinh con với mục đích “làm ấm bụng”.
Lê Phương
Video đang HOT
Theo VNE
Tử vong mẹ khi sinh ám ảnh cả bác sĩ và người bệnh
Việc chăm sóc y tế trong suốt thai kỳ và hỗ trợ sinh sản chưa tốt là nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong mẹ khi sinh ở Việt Nam còn cao. Tiền sản giật, sản giật không chỉ gây ra nỗi ám ảnh với các thai phụ mà còn là sự lo ngại của những người làm công tác chuyên môn.
Tử vong mẹ tại Việt Nam ở mức cao
Sau khi sinh thường con lần 2 có cân nặng 2,9kg chị Nguyễn Thị Thu C. (43 tuổi, ngụ tại Tiền Giang) rơi vào nguy kịch vì băng huyết. Bác sĩ bệnh viện địa phương đã tiến hành cắt tử cung và 2 phần phụ cho bệnh nhân đồng thời truyền máu bổ sung chuyển lên Bệnh viện Từ Dũ. Tại đây, bệnh nhân phải mổ lần 2 để thắt động mạch chậu trong.
So với thế giới, tỷ lệ tử vong mẹ sau sinh tại Việt Nam đang ở mức cao
Sau mổ (ngày 25/2), người bệnh tiếp tục phải chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị trong tình trạng hôn mê, rối loạn đông máu, thở máy, suy đa cơ quan. Các bac sĩ nỗ lực cứu chữa, sử dụng hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) lọc máu liên tục kết hợp sử dụng kháng sinh, truyền máu nhưng sau 1 tuần điều trị tích cực sản phụ không qua được nguy kịch.
Một trường hợp khác là chị Nguyễn Thị T.M. bị biến chứng tim mạch do tiền sản giật rơi vào nguy kịch trong quá trình vượt cạn (ngày 1/3). Chị may mắn được các bác sĩ phát hiện, kịp thời cứu chữa, sức khỏe đang dần bình phục.
PGS.TS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Chủ nhiệm bộ môn Sản phụ khoa, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Hùng Vương cho hay: Ước tính, mỗi năm cả nước có khoảng 1 triệu ca sinh mới, thống kê sơ bộ cho thấy, tỷ lệ tử vong mẹ ở Việt Nam hiện đang ở mức từ 80 đến 100 trường hợp/100.000 ca sinh.
Xuất huyết sau sinh đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ
Tử vong mẹ ở Việt Nam đang cao hơn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tại Malaysia chỉ có khoảng 25 trường hợp tử vong mẹ/100.000 ca sinh; tại Nhật Bản là 7 trường hợp/100.000 ca sinh. Ở một số nước có nền kinh tế và y tế phát triển như Hoa Kỳ hoặc Thụy Sỹ tử vong mẹ chỉ khoảng 4 trường hợp/100.000 ca sinh.
PGS Khánh Trang nhận định: "Tỷ lệ tử vong mẹ ở Việt Nam còn cao chứng tỏ việc chăm sóc y tế trong suốt thai kỳ và hỗ trợ sinh sản đang làm chưa tốt".
Hiện nay, xuất huyết sau sinh là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho sản phụ, kế đến là tiền sản giật, sản giật. Các thống kê của Bộ Y tế chỉ ra nguyên nhân tử vong mẹ gồm cao huyết áp, bệnh lý mạch máu, hô hấp còn chiếm tỷ lệ cao.
Tiền sản giật cần tầm soát sớm
Những năm qua, số ca bệnh bị tiền sản giật, sản giật được phát hiện trong quá trình mang thai, hỗ trợ sinh sản ngày càng nhiều. Đây là tình trạng nguy hiểm có thể gây biến chứng phù não, xuất huyết não, màng não, phù võng mạc, xuất huyết vùng dưới bao gan, suy tim, suy thận, phù phổi cấp, rối loạn đông xuất huyết trong lòng mạch, giảm tiểu cầu gây tử vong mẹ. Tiền sản giật, sản giật cũng sẽ khiến thai nhi bị chậm phát triển, suy thai, tử vong...
Phát hiện sớm nguy cơ tiền sản giật để có giải pháp dự phòng sẽ hạn chế tối đa rủi ro cho cả mẹ và bé
Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân được phát hiện bệnh khi đã vượt qua giai đoạn có thể dự phòng. Phân tích chuyên môn của PGS Khánh Trang chỉ ra: "Các dấu hiệu tiền sản giật xuất hiện từ tuần thứ 6 của thai kỳ với những diễn tiến âm thầm cho tới tuần 20 mới có những biểu hiện lâm sàng. Viêc hỗ trợ về y tế lúc này chỉ còn có ý nghĩa giảm tỷ suất tử vong, hạn chế rủi ro chứ không giúp bệnh nhân thoát khỏi các nguy cơ".
Làm thế nào để phát hiện, giải pháp nào để ngăn chặn, hỗ trợ góp phần giảm bớt các tác hại do tiền sản giật, sản giật đang là vấn đề khó khăn. Việc tầm soát, phát hiện sớm các biểu hiện lâm sàng từ tuần 11 đến tuần 13 của thai kỳ sẽ là tiền đề đặc biệt quan trọng để thực hiện giải pháp dự phòng. Tuy nhiên, phác đồ điều trị, chăm sóc sức khỏe của Việt Nam chỉ mới bắt đầu ở tuần 20 của thai kỳ trở đi tức là giai đoạn xuất hiện triệu chứng khi bệnh nhân đã đối mặt với những rủi ro.
Tiền sản giật, sản giật đang khiến nhiều đứa trẻ chào đời nhưng không còn mẹ
Dự báo tiền sản giật sẽ dựa vào các yếu tố nguy cơ nhưng rất khó khăn trong việc tiếp cận bệnh nhân, thu thập thông tin liên quan đến yếu tố nguy cơ hoặc phiếu khám thai, mẫu khám thai tại các bệnh viện. Số hóa thông tin của người bệnh để tổng hợp, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ tiền sản giật trong quá trình theo dõi thai kỳ là việc đặc biệt cần thiết nhưng ngành y tế mới chỉ trong giai đoạn triển khai bước đầu.
PGS Khánh Trang cho rằng, nếu hệ thống y tế nắm rõ các yếu tố bệnh sử, tầm soát bằng các phương pháp đo huyết áp trung bình, siêu âm kiểm tra, đánh giá bất thường hình thái, xét nghiệm đánh giá các yếu tố tăng trưởng tác động lên mạch máu... ở thai phụ sẽ giúp phát hiện sớm được khoảng 93% số ca bệnh có nguy cơ tiến triển thành tiền sản giật. Đây là mục tiêu sắp tới các bệnh viện cần phải thực hiện thì mới có cơ hội dự phòng (sử dụng aspirin, bổ sung calci) cho người bệnh. Phát hiện sớm cũng sẽ giúp bác sĩ chủ động theo dõi, chấm dứt thai kỳ trong thời điểm thích hợp nhưng vẫn giúp thai phụ tránh được những nguy hiểm do biến chứng của tiền sản giật.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Mang khối u như bụng bầu sắp sinh mà tưởng... mập Người phụ nữ chỉ nghĩ do mập ra vì không thấy đau, còn các bác sĩ thì khá bất ngờ trước sự chịu đựng của chị. Chị LTM (51 tuổi, ngụ Trà Vinh) phát hiện bụng to lên từ 6 tháng nay nhưng chị không đi khám vì không thấy cơ thể có bất thường khác. Mãi đến gần đây, khi khối u...