Chú ý sức khỏe tinh thần cho trẻ khi cha mẹ đi làm lại “bình thường mới”
Trải qua gần nửa năm chỉ ru rú trong nhà vì dịch, hiện nay trẻ em vẫn thuộc diện chưa được ra ngoài dù cha mẹ đã đi làm nên đây là giai đoạn phụ huynh cần hết sức lưu tâm đến sức khỏe tinh thần cho trẻ.
Lo lắng khi con phải tiếp tục ở nhà thêm thời gian dài
Có 2 con đều đang ở bậc tiểu học nên chị Phan Ngọc Hồng Châu (35 tuổi, ngụ tại hẻm 818 Nguyễn Kiệm, P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM) rất lo lắng vì độ tuổi này các con vẫn học trực tuyến, ở nhà lâu quá và giờ muốn được đi ra ngoài.
Chị Châu chia sẻ: “Trẻ ở độ tuổi này thì việc học trực tuyến thật sự khó khăn vì các con chưa có ý thức nhiều trong việc học”.
Chị Châu phải gác lại công việc để đồng hành cùng con ở nhà – NVCC
Chị Châu cho biết mắt của bé trai nhà chị vốn yếu (loạn 4,5 độ) nay lại thêm 1 độ cận. “Nghe nói tình hình học trực tuyến còn có thể kéo dài, thật là quan ngại. Trẻ em chưa được tiêm vắc xin nên không dám cho con ra ngoài. Thỉnh thoảng, con trai của mình lại ụ mặt buồn so. Hôm rồi được đưa đi khám mắt, ảnh háo hức khoe: “Mừng quá, nay con được ra ngoài rồi”, nghe thấy thương”, chị kể.
Còn chị Trịnh Thị Hiền (ngụ tại chung cư Fresca Riverside, P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức) thở dài nói: “2 đứa con nhà mình những ngày đầu còn chịu nghe lời ba mẹ, chia nhau làm việc nhà. Nhưng ở nhà lâu quá nên các con rất dễ nổi cáu với ba mẹ. Nhiều hôm thấy ba mẹ đi làm, hỏi sao con vẫn chưa được ra ngoài đi chơi, nghe mà thấy thương con”.
Chị Hiền kể có đứa cháu, ba đi làm bảo vệ từ sáng đến chiều tối mới về, một mình bé ở nhà nhốt trong phòng học trực tuyến, xong rồi xem mạng xã hội chứ không chịu ra khỏi phòng, suốt mấy tháng dịch qua.
“Người lớn ở nhà suốt còn chịu không nổi huống gì các con, giờ lại học trực tuyến ngồi với cái màn hình mỗi ngày, sợ đủ vấn đề khác phát sinh. Cha mẹ giai đoạn này lại phải lo công việc trở lại, không còn nhiều thời gian đồng hành cùng con như trong dịch”, chị Hiền lo lắng.
Phải luôn có người lớn đồng hành
Nhìn nhận thực tế này, tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, chuyên viên tham vấn tâm lý, giảng viên phân viện Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM, cho biết trong những trường hợp mà chị tư vấn thì các bé ở nhà quá lâu ngày vì dịch nên có những biểu hiện bất ổn như bực bội, buồn chán, căng thẳng, chơi game nhiều, hay cáu gắt với ba mẹ và việc học trực tuyến cũng không tập trung…
Nếu người lớn đi làm hết, trẻ ở nhà tự quản mọi việc thì ngoài vấn đề an toàn cho các con, còn cần phòng ngừa cảm giác cô đơn, nhất là trẻ nhỏ. Ba mẹ ở nhà vừa để quản lý và chăm sóc con mà cũng vừa là chỗ dựa tinh thần cho con trong giai đoạn này.
Tiến sĩ xã hội học PHẠM THỊ THÚY
Video đang HOT
“Nếu trẻ còn phải ở nhà thêm thời gian nữa thì cha mẹ cần hết sức lưu tâm đến sức khỏe tinh thần của con. Điều lý tưởng nhất hiện nay là trẻ được tiêm vắc xin để sớm quay trở lại trường lớp. Khi trẻ được gặp thầy cô, bạn bè và được trở về trạng thái bình thường sẽ bớt đi những bất ổn về tâm lý. Còn nếu ngược lại, trẻ phải ở nhà thêm thời gian dài nữa thì đáng lo nếu phụ huynh không có những biện pháp phù hợp”, tiến sĩ Thúy bày tỏ.
Chia sẻ về những biện pháp mà phụ huynh có thể áp dụng để tránh những bất ổn về mặt tâm lý cho con, theo tiến sĩ Thúy, hiện nay có rất nhiều gia đình phải lựa chọn trong gia đình một người đi làm còn một người ở nhà lo cho con. Đây là giải pháp bắt buộc, vì chúng ta không thể để mặc con cho dù trẻ có thể tự lập được việc nhà nhưng các vấn đề như quản lý giờ giấc học hành, sinh hoạt và quản lý phương tiện công nghệ, cùng vui chơi, trò chuyện với con… phải luôn có sự đồng hành của người lớn.
“Nếu người lớn đi làm hết, trẻ ở nhà tự quản mọi việc thì ngoài vấn đề an toàn cho các con, còn cần phòng ngừa cảm giác cô đơn, nhất là trẻ nhỏ. Ba mẹ ở nhà vừa để quản lý và chăm sóc con mà cũng vừa là chỗ dựa tinh thần cho con trong giai đoạn này”, tiến sĩ Thúy gửi gắm.
Người lớn bên cạnh vừa để quản lý và chăm sóc con mà cũng vừa là chỗ dựa tinh thần cho con trong giai đoạn này – NVCC
Điều thứ 2 cần lưu ý, theo tiến sĩ Thúy, dù đi làm hay ở nhà, việc quan tâm đến tâm trạng của con hết sức quan trọng. Ngoài việc đảm bảo cho con giờ ăn, giờ ngủ sao cho điều độ thì phải lưu ý vận động thể chất cho trẻ, đặc biệt là con ở độ tuổi vị thành niên vì trẻ ở lứa tuổi này rất ít đi ra ngoài, thích ở trong phòng và ôm máy tính, điện thoại thường xuyên. Cha mẹ cần có những biện pháp để cho trẻ làm việc nhà, vận động trong nhà…
Điều thứ 3 mà tiến sĩ Thúy gửi gắm là ba mẹ phải quan tâm đến việc học trực tuyến của con. Phải đồng hành cùng con trong việc học trực tuyến, xem con có gặp phải vấn đề gì để điều chỉnh và kịp thời hỗ trợ… Cha mẹ giờ đi làm trở lại, không có nhiều thời gian theo sát, con học trực tuyến lơ mơ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập.
Giấc mơ Australia xa vời vì mắc kẹt trong dịch
Hàng chục nghìn sinh viên quốc tế đăng ký vào các trường đại học Australia gần 2 năm trước vẫn chưa thể nhập cảnh. Sức khỏe tinh thần của họ bị ảnh hưởng vì chờ đợi trong mỏi mòn.
Khi Sovia Gill (23 tuổi, Ấn Độ) nghe tin Australia sẽ mở cửa biên giới quốc tế từ tháng 11, cô choáng ngợp trong sự nhẹ nhõm đến mức bật khóc.
Tuy nhiên, lúc đọc hết tin tức, tâm trạng của nữ du học sinh nhanh chóng chuyển sang thất thần khi nhận ra công dân và thường trú nhân là các đối tượng được ưu tiên.
"Thật đau lòng", Gill, theo học thạc sĩ ngành Kỹ thuật tại ĐH South Queensland, cho biết cô đã học online từ tháng 2/2020.
"Tiếp theo là điệp khúc sinh viên sẽ quay lại vào năm sau. Đó là những gì chúng tôi đã nghe trong gần 2 năm qua. Tôi đã hết hy vọng", cô nói với SCMP.
Tòa nhà tứ giác tại ĐH Sydney, Australia. Nhiều sinh viên quốc tế hy vọng các hạn chế đi lại được nới lỏng để có thể đặt chân đến trường đại học của họ. Ảnh: AP.
Mắc kẹt
Sau khi đóng toàn bộ học phí cho trải nghiệm hạn chế ở trường đại học, Gill không mấy tin tưởng rằng cô sẽ sớm được đặt chân đến xứ sở chuột túi.
"Tôi không có Internet ổn định và các tài nguyên khác ở quê. Tôi mất vài giờ để tải một bài giảng dài hàng tiếng đồng hồ. Những ngày thi, tôi phải vào thành phố để có thể truy cập mạng. Tôi từng nghĩ tất cả chỉ là tạm thời nên tiếp tục thích ứng. Nhưng một học kỳ nữa sắp kết thúc. Tôi đang đấu tranh để vượt qua".
Gil nói thêm: "Bạn bè nhận được thị thực muộn hơn tôi vài tháng đều đã ở Canada, Pháp, Anh và Mỹ. Tôi cảm thấy bị phản bội. Tôi nghĩ sinh viên quốc tế chỉ là một nguồn thu nhập của nền giáo dục Australia. Những gì chúng tôi nhận được hoàn toàn không khiến họ bận tâm".
Gill là một trong số hàng chục nghìn sinh viên quốc tế theo học tại các trường đại học của Australia. Họ đang hồi hộp chờ đợi sự chấm dứt của đại dịch sau gần 2 năm mắc kẹt trong nước.
Khoảng một nửa sinh viên quốc tế tại Australia đến từ Trung Quốc và Ấn Độ. Ảnh: Reuters.
Khi Australia phong tỏa biên giới vào tháng 3/2020 để phòng dịch Covid-19, nhiều sinh viên quốc tế như Gill chọn tiếp tục học trực tuyến.
Những người khác trì hoãn việc học với hy vọng các hạn chế về đại dịch sẽ giảm bớt vào kỳ tiếp theo. Theo số liệu của chính phủ, khoảng 130.000 sinh viên quốc tế vẫn đang chờ đợi để được nhập cảnh Australia.
Theo kế hoạch nới lỏng kiểm soát biên giới cực kỳ nghiêm ngặt của Canberra, sinh viên quốc tế sẽ chỉ được phép vào quốc gia này với số lượng hạn chế trước khi kết thúc năm học. Theo kế hoạch thí điểm được phê duyệt vào tháng trước, bang New South Wales dự kiến đưa 500 sinh viên quốc tế đến đất nước này trên các chuyến bay riêng trước Giáng sinh.
Các bang Victoria và South Australia đã đệ trình kế hoạch thí điểm tương tự để được liên bang phê duyệt nhằm chào đón một số lượng nhỏ học sinh. Các tiểu bang khác bao gồm Queensland và Western Australia vẫn chưa vạch ra bất kỳ kế hoạch nào để đưa sinh viên trở lại.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Australia Alan Tudge cho biết ông hy vọng hàng chục nghìn sinh viên có thể trở lại vào năm tới, nhưng chưa đưa ra bất kỳ thời gian biểu hoặc kế hoạch cụ thể nào cho số lượng lớn người đến.
Trong động thái giải quyết trở ngại lớn đối với sự trở lại của sinh viên Trung Quốc và Ấn Độ, Australia vào tháng này đã tuyên bố công nhận vaccine Sinovac và AstraZeneca. Hai quốc gia này chiếm khoảng một nửa tổng số sinh viên quốc tế ở Australia với hơn 250.000 người nhập học vào năm 2020-2021.
Chờ đợi trong vô vọng
Victoria Cao (đến từ Việt Nam) nhận được thị thực vào tháng 7/2020 để theo học ngành Tài chính tại ĐH Newcastle. Cô đã trì hoãn việc học của mình 4 lần và cảm thấy thất vọng khi vẫn mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng ở quê hương.
"Chúng tôi vẫn phải trả toàn bộ học phí dù không thể học trong khuôn viên trường. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự nghiệp tương lai mà còn khiến sức khỏe tinh thần của chúng tôi giảm sút vì chờ đợi trong vô vọng", Cao nói.
Lĩnh vực giáo dục quốc tế của Australia đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, với doanh thu năm nay giảm xuống còn 26,7 tỷ AUD (19,6 tỷ USD) so với hơn 40 tỷ AUD năm 2019.
Gần 550.000 sinh viên quốc tế đăng ký học tại Australia trong năm 2020-2021, giảm mạnh so với 750.000 trước khi đại dịch xảy ra. Sau Trung Quốc và Ấn Độ, sinh viên đến từ Nepal, Việt Nam, Malaysia, Brazil, Colombia, Indonesia, Philippines và Hàn Quốc chiếm tỷ trọng đăng ký học cao nhất.
Nhiều sinh viên quốc tế tuyệt vọng vì mắc kẹt ở quê hương 2 năm qua. Nhiều người chọn học online, trong khi số khác trì hoãn để chờ đợi. Ảnh: Reuters.
Catriona Jackson, giám đốc điều hành của các trường đại học hàng đầu Australia, đồng cảm với hoàn cảnh của các sinh viên quốc tế bị mắc kẹt ở quê hương.
"Đó là tình huống khó khăn cho hơn 132.000 sinh viên đại học và sau đại học ở bên ngoài đất nước. Tuy nhiên, nhiều sinh viên đã bắt đầu học tập, nghiên cứu trực tuyến với ý định nhập cảnh ngay khi hạn chế đi lại cho phép. Họ đã rất kiên cường", bà nói.
Jackson cho biết các trường đại học đang cung cấp loạt dịch vụ hỗ trợ về học phí trực tuyến, khó khăn tài chính và trợ giúp tinh thần cho học sinh, sinh viên quốc tế.
"Trước đại dịch, chúng tôi thu hút học giả từ hơn 140 quốc gia khác nhau. Sức hấp dẫn của nền giáo dục Australia vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết nhờ các trường đại học chất lượng kết hợp với phong cách sống đáng trải nghiệm", Jackson khẳng định.
Vicki Thomson, giám đốc điều hành của Nhóm 8 Đại học, quy tụ các trường đại học hàng đầu Australia, cho biết thông báo gần đây về các chương trình thí điểm và công nhận vaccine rộng rãi hơn sẽ mang lại cho sinh viên quốc tế sự chắc chắn và tin tưởng.
"Chúng tôi hiểu rõ sự thất vọng đi kèm với sự không chắc chắn. Tuy nhiên, giống như tất cả quốc gia trong khu vực, chúng tôi muốn đảm bảo sự an toàn cho tất cả sinh viên, cả quốc tế và trong nước, cùng với nhân viên trường đại học và cộng đồng rộng lớn hơn", ông nói.
Đối với những sinh viên như Ariana Bejikin Gregory (đến từ Bangladesh), thật khó để cảm thấy lạc quan về kế hoạch của chính phủ Australia. Cô đã chờ đợi 15 tháng để được đặt chân tới khuôn viên ĐH Adelaide.
Gregory cho biết: "Tôi không tin vào bất kỳ lời hứa hay khẳng định nào. Họ không đưa ra kịch bản thực tế. Làm sao người ngoài cuộc có thể cảm thấy tích cực nếu chính phủ thậm chí không thể đảm bảo những điều tốt nhất cho chính công dân của mình!".
"Tôi cảm thấy mình giống như con rối và họ là người điều khiển", cô nói.
TP Hà Tĩnh khai mạc tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời 2021 Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2021 có chủ đề "Chuyển đổi số để xây dựng thành công một xã hội học tập mới". Sáng 1/10, UBND thành phố Hà Tĩnh phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) khai mạc tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2021. Những năm qua, ngành GD&ĐT TP Hà...