Chiến sĩ biên phòng: Cha nuôi nơi địa đầu Tổ quốc
Cha mất sớm, mẹ bỏ nhà đi, ba chị em Thò Thị Dính, Thò Mí Và, Thò Thị Xúa (dân tộc Mông) tại xã Ma Lé, huyện Đồng Văn ( Hà Giang) rơi vào cảnh mồ côi cha mẹ.
Cán bộ, chiến sĩ đồn Lũng Cú luôn yêu thương và chăm sóc hết mình cho 3 chị em Thò Thị Dính, Thò Mí Và, Thò Thị Xúa (dân tộc Mông) có hoàn cảnh bất hạnh. Ảnh: Đơn vị cung cấp
Đứng trước hoàn cảnh đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú (BCH – BĐBP Hà Giang) đã đón các em về nuôi dưỡng, cho đi học. Những đứa trẻ không nơi nương tựa đã có một gia đình mới với những người cha mang quân hàm xanh.
Chia sẻ cùng những mảnh đời bất hạnh
Thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu – nhân viên Đội Kiểm soát hành chính (Đồn Biên phòng Lũng Cú) – người dạy bảo trực tiếp cho các em cho biết: 15 ngày sau khi bố đẻ của 3 chị em Thò Thị Dính, Thò Mí Và, Thò Thị Xúa mất vì bệnh, người mẹ cũng bỏ đi dắt theo con bò giống – tài sản lớn nhất trong nhà. Đã 4 năm trôi qua, chưa một lần người phụ nữ ấy về tìm con hoặc có thông tin đang ở đâu, làm gì.
Mất cha, thiếu vắng mẹ khi đứa lớn nhất mới 11 tuổi, đứa giữa 8 tuổi, đứa bé 4 tuổi. Ông bà nội ngoài 70, “kéo cầy trên đá” bươn chải đủ việc để nuôi cháu ăn học cũng không đủ. Cuộc sống khó khăn khiến chị cả Thò Thị Dính và em trai Thò Mí Và sớm phải tham gia lao động phụ giúp gia đình. Sự học của các em vì thế bị ảnh hưởng và đứng trước nguy cơ đứt đoạn.
Trong quá trình phụ trách địa bàn, chứng kiến hoàn cảnh bất hạnh của 3 đứa trẻ, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú đã đề xuất với BCH BĐBP tỉnh Hà Giang đưa các em về đồn nuôi dạy, chăm sóc và được chấp nhận.
Thế nhưng, để đón được 3 đứa trẻ về đồn không dễ bởi trong suy nghĩ của bà con là “dù thiếu thốn chật vật đến mấy cũng không “cho” cháu, giao cho bộ đội nuôi thì “mất” cháu bởi chúng xuống Đồn ở làm sao còn nhớ đường về với gia đình. Cứ để bọn trẻ ở nhà, chỉ có ngô khoai ăn cũng lớn. Học hành nhiều ít không quan trọng” – Thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu kể.
Vậy là, cán bộ chiến sĩ đồn phải bàn bạc, phối hợp với chính quyền địa phương, Bí thư Chi bộ xã, Trưởng thôn… năm lần bảy lượt xuống nhà gặp gia đình tuyên truyền, vận động, giải thích. Khi hiểu hết tấm lòng, tình cảm của bộ đội dành cho gia đình mình và như vậy tương lai của 3 cháu tốt hơn, ông bà nội mới đồng ý để cán bộ đưa về đồn nuôi.
Video đang HOT
Ban Chỉ huy đồn Lũng Cú đã thành lập tổ chăm sóc với 5 người đảm trách để nuôi dạy 3 cháu. Trong đó Thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu trực tiếp dạy bảo hàng ngày. Những người lính biên phòng quanh năm với nhiệm vụ bảo vệ đường biên cột mốc, quen với xương gió biên thùy… bỗng trở thành những người cha nuôi và đảm trách thêm nhiệm vụ nuôi, dạy trẻ.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu vượt hơn 150km đưa cháu Thò Mí Và xuống Hà Giang chữa bệnh. Ảnh: NVCC
Người cha mang quân hàm xanh
Nhớ lại ngày đầu 3 chị em Thò Thị Dính, Thò Mí Và, Thò Thị Xúa xuống đồn bắt đầu cuộc sống mới, Thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu chia sẻ: Dù chuẩn bị trước tâm lý các con chưa quen môi trường mới xong không thể ngờ chúng khóc nhiều vì nhớ nhà và nhất mực đòi về như vậy. Môi trường sống, nếp sinh hoạt mới khiến chúng sợ và cảm thấy xa lạ.
“Lúc đó, anh em chiến sĩ chỉ biết kiên nhẫn dùng tình cảm yêu thương, gần gũi để dỗ dành, động viên các cháu như con mình. Ngày nào trôi qua bình yên, chúng tôi yên tâm ngày ấy bởi nỗi lo 3 đứa trẻ tìm cách trốn, băng rừng về nhà và gặp nguy hiểm luôn thường trực. Mặt khác, những ngày cuối tuần cán bộ chiến sĩ dù bận công việc đến mấy vẫn phải cắt cử nhau dành thời gian đưa 3 đứa trẻ về thăm ông bà. Có như vậy nỗi nhớ nhà mới vơi đi để các cháu yên tâm và nhanh chóng hòa nhập với môi trường sống mới, đồng thời chú tâm học tập…” – Thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu chia sẻ.
Lúc mới về đồn, chiều cao cân nặng của 3 đứa trẻ đều không đạt chuẩn, nhỏ thó so với các bạn cùng tuổi. Kĩ năng sống thiếu và yếu, không biết tự chăm sóc, vệ sinh cá nhân. Cả 3 đều nhút nhát và sợ người lạ mỗi khi ai đến gần hỏi thăm. Sức học của Thò Thị Dính và Thò Mí Và đều trung bình.
Sau thời gian ngắn dưới sự chăm sóc của cán bộ, chiến sĩ đồn Lũng Cú từng bữa cơm, giấc ngủ, hướng dẫn tập thể dục đều đặn… thể trạng 3 chị em tăng nhanh và khỏe mạnh. Thò Mí Và (12 tuổi) nhỏ thó ngày nào hiện đã nặng 49kg, cao 1,6m. Và nhờ sự kèm cặp sát sao của Thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu cùng sự quan tâm, chỉ bảo hết lòng của các cô giáo, học lực Thò Thị Dính và Thò Mí Và đều đạt loại khá, giỏi.
Không có sự dạy bảo của bố mẹ, trẻ em dân tộc lại ít tiếp xúc với xã hội, tiếng Kinh chưa nói sõi… nên 3 chị em bị hạn chế nhiều mặt. Do đó sự hỗ trợ kiến thức văn hóa chỉ là một phần, quan trọng hơn phải giáo dục, bồi đắp kĩ năng sống khi các em chuẩn bị bước vào tuổi lớn. Và chỉ có như vậy mới giúp các em nhanh chóng hòa nhập cùng môi trường mới. Đó là vấn đề tổ chăm sóc và Thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu nhận định và đặt ra để thực hiện.
Với Thò Thị Dính bước vào tuổi dậy thì, Thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu lại bàn bạc, phối hợp với GV chủ nhiệm trên lớp để nhờ dạy bảo, hỗ trợ những kiến thức về sức khỏe sinh sản, chia sẻ những điều thầm kín như người mẹ…
“Dạy bảo, chăm sóc 1 đứa trẻ đã khó, 3 đứa trẻ đủ lứa tuổi là việc không dễ dàng. Mặt khác, giáo dục hiện nay với nhiều đổi mới đòi hỏi người lính phải học hỏi thêm để giúp trẻ tiếp thu nhanh, quan tâm dạy kĩ năng sống, giáo dục đạo đức giúp trẻ phát triển toàn diện… Tuy nhiên, được đơn vị phân công, chúng tôi coi đây là nhiệm vụ đầy cơ duyên, luôn trách nhiệm hết mình và dành tình yêu thương chân thành cho các cháu. Chúng tôi phải làm thật tốt vì các cháu, uy tín và danh dự của những người lính biên phòng” – Thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu bày tỏ.
Thiếu tá Hà Văn Đô – Chính trị viên Đồn Biên phòng Lũng Cú cho biết: Trong những năm qua, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú không chỉ thực hiện tốt chương trình “Nâng bước em tới trường” mà còn triển khai hiệu quả mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng”. Có thể làm tốt công việc này bởi cán bộ, chiến sĩ luôn ý thức trách nhiệm chia sẻ, đồng hành với khó khăn của bà con dân tộc nơi biên giới và đặc biệt với thế hệ chủ nhân tương lai đất nước.
Tiếp bước em đến trường
Mô hình "Con nuôi Đồn Biên phòng" tới nay đã được đông đảo cán bộ, chiến sĩ Biên phòng cả nước tham gia, hưởng ứng và được nhân dân ghi nhận.
Từ đây, mô hình được nhân rộng ra tại các Đồn Biên phòng ở tỉnh Lai Châu và nhiều tỉnh trong cả nước. Nhờ đó, hàng nghìn học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được giúp đỡ, nuôi dưỡng, tạo động lực, ý chí vươn lên.
Trẻ em vùng biên giới Lai Châu.
Điểm tựa vững chắc
Đại tá Phan Hồng Minh, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu cho hay: Mô hình "Con nuôi Đồn Biên phòng" là hoạt động thiết thực, ý nghĩa của lực lượng Biên phòng đối với sự nghiệp giáo dục vùng biên. Từ mô hình này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đã nhân rộng ra toàn tỉnh.
Đến nay, Lai Châu có 9 cháu có hoàn cảnh khó khăn được 4 Đồn Biên phòng Thu Lũm, Ka Lăng, Pa Ủ, Sin Suối Hồ nhận nuôi tại Đồn. Trong đó, riêng huyện Mường Tè có 7 cháu được nhận nuôi tại 3/5 Đồn Biên phòng và 12 cháu được nhận đỡ đầu, hỗ trợ.
Ngoài nhận nuôi các cháu, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu còn triển khai chương trình "Nâng bước em đến trường". Chương trình này hỗ trợ các cháu có hoàn cảnh khó khăn từ lúc nhận đỡ đầu đến khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, với mức hỗ trợ 500.000 đồng/cháu/tháng. Hiện toàn tỉnh Lai Châu có 59 cháu được lãnh đạo Bộ Chỉ huy, các phòng, ban, 13 Đồn Biên phòng và Tiểu đoàn huấn luyện cơ động đỡ đầu, hỗ trợ.
Đặc biệt, năm 2019, nhận thấy mô hình "Con nuôi Đồn Biên phòng" mang lại hiệu quả, ý nghĩa thiết thực, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phát động ra cả nước. Đến nay, mô hình được triển khai từ Bắc tới Nam tại nhiều Đồn Biên phòng ở các tỉnh như: Điện Biên, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum, Kiên Giang... Nhờ đó đã có nhiều cháu được đỡ đầu, nuôi dưỡng.
"Đây là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự tri ân của lực lượng Bộ đội Biên phòng với nhân dân khu vực biên giới. Hiệu quả của mô hình là động lực để cán bộ, chiến sỹ Biên phòng cả nước nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng tiếp tục duy trì, phát triển, nhân rộng mô hình nhằm hướng về cộng đồng. Qua đó, góp phần nâng cao dân trí; tăng cường tình đoàn kết quân dân, xây dựng nền biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc", Đại tá Đại tá Phan Hồng Minh cho biết thêm.
Các chú bộ đội đưa học sinh đến trường.
Tạo động lực vươn lên
Từ hiệu quả thực tế mô hình "Con nuôi Đồn Biên phòng", nhiều trường học, nhân dân trong cả nước đều mong muốn mô hình này ngày càng phát triển hơn nữa về số lượng, chất lượng. Thầy giáo Nguyễn Văn Duy, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thu Lũm cho hay: Nếu không có mô hình này nhiều học sinh phải nghỉ học ở nhà làm nương, rẫy, khó có cơ hội được đến trường như các bạn cùng trang lứa. Mặt khác, mô hình cũng tạo động lực thúc đẩy các em đi học đều hơn, giúp nhà trường nâng cao tỷ lệ chuyên cần của học sinh. Thầy Duy mong muốn, mô hình "Con nuôi Đồn Biên phòng" tiếp tục được duy trì, phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu Lưu Hồng Phương cho biết: Thời gian qua, mô hình "Con nuôi Đồn Biên phòng" trên địa bàn tỉnh Lai Châu có ý nghĩa quan trọng đối với học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Khi các cháu được chiến sĩ Biên phòng nhận nuôi sẽ có điều kiện tốt hơn để đến trường, tỷ lệ chuyên cần nâng cao và yên tâm trong học tập. Thời gian tới, ngành giáo dục Lai Châu mong muốn, mô hình "Con nuôi Đồn Biên phòng" phát triển hơn nữa với nhiều cháu được nhận nuôi. Từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở những xã vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Mô hình "Con nuôi Đồn Biên phòng" cũng cho thấy, khi các cháu sống trong môi trường quân đội sẽ học được nhiều điều như: tính kỷ luật, sự gọn gàng, ngăn nắp...Ngoài ra, còn giúp các cháu dần tự tin giao tiếp, ăn nói lễ phép, hòa nhã với mọi người xung quanh.
Với những việc làm thiết thực trên, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đã góp phần chia sẻ khó khăn với đồng bào biên giới, qua đó giúp học sinh nghèo có điều kiện tốt hơn để vững bước trên con đường học tập, hướng đến tương lai tươi sáng.
Thời gian tới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu tiếp tục rà soát học sinh có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ, đỡ đầu, tạo điều kiện cho các em đến trường. Bên cạnh đó tiếp tục phối hợp với các đơn vị nhà trường rà soát học sinh có học lực khá, giỏi để hỗ trợ các em học tiếp lên Cao đẳng, Đại học hoặc đi học nghề. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh khuyến khích các Đồn Biên phòng tiếp tục nhận nuôi, đỡ đầu các em cả về số lượng và chất lượng.
Tiếp bước em đến trường nơi vùng cao biên giới - Bài cuối: Tạo sự lan tỏa trong cộng đồng Mô hình "Con nuôi Đồn Biên phòng" xuất phát từ Đồn Biên phòng Thu Lũm đã cho thấy hiệu quả thiết thực. Mô hình này được đông đảo cán bộ, chiến sĩ Biên phòng cả nước tham gia, hưởng ứng và được nhân dân ghi nhận. Từ đây, mô hình được nhân rộng ra tại các Đồn Biên phòng ở tỉnh Lai Châu...