Chiến dịch tuyệt mật trục vớt tàu ngầm Liên Xô
Cách đây 40 năm, CIA đã bí mật triển khai dự án thuộc dạng phức tạp, bí mật, đắt đỏ nhất để khai thác công nghệ tàu ngầm và hạt nhân của Liên Xô.
Vụ việc bắt đầu từ tháng 8.1974, đó là chương trình “đứng đầu trong các chiến dịch sáng tạo và táo bạo nhất từng được thực hiện trong suốt chiều dài lịch sử của hoạt động thu thập thông tin tình báo Mỹ”, theo đánh giá trong một tài liệu được Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) giải mật.
Dự án Azorian
Theo bài báo đăng trên chuyên san nội bộ Nghiên cứu tình báo của CIA, dự án Azorian là sự hợp tác giữa CIA và các công ty hàng hải tư nhân, nằm trục vớt một xác tàu ngầm Liên Xô nằm dưới đáy biển Thái Bình Dương, cách quần đảo Hawaii khoảng 2.890 km về phía tây bắc.
Đây không phải là xác tàu bình thường. Tàu ngầm K-129 của Liên Xô vào năm 1968 đã chở theo 3 tên lửa đạn đạo trang bị đầu đạn hạt nhân SS-N-4 Sark rời quân cảng Petropavlovsk trên bán đảo Kamchatka hướng đến một địa điểm ở phía đông bắc tiểu bang Hawaii của Mỹ. Tuy nhiên, con tàu đã bị đắm một cách bí ẩn, chôn theo toàn bộ thủy thủ đoàn trong một thảm kịch vào tháng 3.1968.
Mô hình tàu ngầm K-129 của Liên Xô
Video đang HOT
Mỹ cho rằng chỉ cần vớt con tàu lên là có thể nghiên cứu và nắm nhiều bí mật quân sự về đối thủ đáng gờm thời Chiến tranh lạnh. Chẳng hạn, CIA có thể phát hiện bí mật về thiết kế vũ khí của Liên Xô, cũng như các tin tức đáng giá khác về tình báo. May mắn cho người Mỹ, lúc đó Moscow không có thông tin về vị trí đắm tàu.
Tất nhiên, điều đầu tiên là Mỹ phải tìm cách trục vớt được con tàu nặng 1.750 tấn, nằm ở độ sâu hơn 4.800 m so với mặt nước biển, trong điều kiện áp suất cực lớn. Giải pháp của CIA là triển khai một con tàu được đóng riêng cho sứ mệnh này.
Theo đó, tàu Hughes Glomar Explorer sẽ đến tận nơi, dùng cần cẩu khổng lồ với 8 chấu, cắp lấy con tàu và lôi lên mặt nước. Hãng Global Marine và các công ty khác đồng ý che giấu chức năng thực sự của con tàu chuyên dụng bằng cách tạo nên một vỏ bọc cho nó.
Đối với dư luận, Glomar là một tàu thí nghiệm trong lĩnh vực thăm dò dầu mỏ nơi biển sâu, và buổi lễ hạ thủy được tổ chức long trọng với đủ các nghi thức như đập chai sâm banh và những bài phát biểu hồ hởi về viễn cảnh xán lạn của ngành khai khoáng biển khơi từ các đại diện trong ngành hàng hải. Đối với những người trong cuộc, Glomar là một con tàu hết sức đắt đỏ, chi phí đến 350 triệu USD, tương đương 1,67 tỉ USD theo trượt giá hiện nay.
Khó khăn nghìn trùng
Ngay từ lúc bắt đầu, lãnh đạo Lầu Năm Góc không đặt quá nhiều hy vọng về tính khả thi, do công nghệ thời đó bị giới hạn. Thứ trưởng Quốc phòng Kenneth Rush ước lượng xác suất thành công chỉ dao động trong khoảng từ 20 – 30%.
Tuy nhiên, Giám đốc CIA Richard Helms lại suy tính đến hậu quả về mặt dài hạn trong trường hợp dự án bị hủy, lo lắng các nhà thầu sẽ bất mãn, làm ảnh hưởng đến các dự án hợp tác sau này. Cuối cùng, Tổng thống Richard Nixon quyết định bật đèn xanh cho sứ mệnh sau “một loạt các cuộc đánh giá được triển khai ở cấp cao”.
Con tàu tham gia vào sứ mệnh tuyệt mật của tình báo Mỹ
Sau khi vượt qua đủ mọi trở ngại về thủ tục giấy tờ, sứ mệnh trên tiếp tục đối mặt với thách thức về chính trị. Do kích thước quá cỡ để có thể đi lọt kênh đào Panama, chiếc tàu Glomar buộc phải vòng qua mũi nam của Nam Mỹ trên đường tới Thái Bình Dương.
Kế đến, thủy thủ đoàn neo tàu ở thành phố cảng Valparaiso (Chile), nhưng đột nhiên lại phát hiện họ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng chính trị, đánh dấu bằng cuộc đảo chính lật đổ chính quyền theo đường lối xã hội chủ nghĩa của Tổng thống dân cử Salvador Allende, diễn ra vào ngày 11.9.1973.
Tại bờ tây nước Mỹ, chiếc Glomar suýt nữa thì bị “chìm” trong phong trào công nhân đình công vì bất mãn với lãnh đạo hãng Global Marine. Dù chẳng biết gì về sứ mệnh đặc biệt của con tàu, những người biểu tình đã làm chậm lịch trình của Glomar đến vài tuần.
Khi đến được điểm trục vớt, chiếc Glomar đối đầu với sức ép từ hải quân Liên Xô, dù đối thủ chưa biết rõ mục đích của con tàu. Một tàu quân sự Liên Xô hai lần điều trực thăng tiếp cận, chụp ảnh con tàu đang nằm im lìm ở đó. Thủy thủ đoàn bắt đầu đặt các thùng gỗ lên bãi đáp trực thăng nhằm tránh nguy cơ trực thăng Liên Xô tìm cách đáp lên boong tàu, và thậm chí còn lên kế hoạch phá hủy các thiết bị thu thập tình báo có bề ngoài quá lộ liễu.
Đồ hoạ quy trình trục vớt tàu ngầm K-129 của Liên Xô
Ngoài việc đánh lừa đối thủ, thuyền viên trên tàu Glomar còn phải xoay xở che giấu thân phận của con tàu trước tàu bạn. Chẳng hạn, một tàu chở hàng mang cờ Anh đã tiếp cận Glomar nhờ hỗ trợ điều trị thủy thủ bị bệnh. Trong cái rủi có cái may, tàu Mỹ liên lạc với tàu Anh qua sóng vô tuyến mở, giải thích hoạt động của mình tại khu vực, và hy vọng cuộc điện đàm được phía Liên Xô nghe thấy. Cuối cùng, tàu Glomar cũng vượt qua những trở ngại trên để vào giai đoạn trục vớt xác tàu ngầm.
Bất chấp nỗ lực của thủy thủ đoàn, sứ mệnh trên chỉ thành công một phần. Theo như quan chức CIA David Sharp có mặt trên tàu lúc đó, phần lớn hơn của chiếc tàu ngầm bị vỡ ra trong lúc kéo lên mặt biển và rơi thẳng xuống đáy. Phần nhỏ hơn được đưa lên boong của Glomar vào ngày 8.8.1974, và họ tìm thấy xác của 3 thủy thủ trên chiếc tàu ngầm.
Tờ Los Angeles Times sau đó đưa tin tổng cộng đã tìm được 70 thi thể và tất cả đều được hải táng. Trong một chuyến thăm Nga vào tháng 10.1992, Giám đốc CIA lúc đó là Robert Gates đã trao cho phía Nga đoạn băng quay lại cảnh hải táng các thủy thủ với đầy đủ nghi thức nhà binh.
Theo ước tính, tổng chi phí dự án Azorian đã ngốn đến 800 triệu USD, tương đương 3,8 tỉ USD hiện nay. Mặc dù CIA tuyên bố dự án là một thất bại do không thu được thông tin hữu ích nào, phía Nga một mực cho rằng Mỹ đã lấy những thiết bị quan trọng trên tàu, nhiều khả năng có cả đầu đạn hạt nhân, theo tờ Pravda. Thực hư như thế nào đến nay vẫn còn là điều bí mật.
Giả thuyết về vụ chìm tàu K-129
Chiếc tàu ngầm K-129, lớp Golf-II chở theo 98 người khi bị đắm vào ngày 11.3.1968. Theo tờ Pravda, từ lâu giới chức quân sự Nga luôn nghi ngờ chiếc K-129 bị một tàu ngầm Mỹ đâm trúng và chiếc tàu nằm trong diện tình nghi là USS Swordfish. Tuy nhiên, hải quân Mỹ một mực cho rằng con tàu bị nổ từ bên trong. Đại tá hải quân về hưu của Nga Pavel Dementiev cho hay hạm trưởng của con tàu là Vladimir Kobzar và hạm phó là chuẩn đô đốc Viktor A.Dygalo đều là những sĩ quan hải quân tài ba và đầy kinh nghiệm. “Chỉ có lý do duy nhất: chiếc K-129 bị tàu ngầm Mỹ tông trúng”, theo ông Dementiev. Sự ngờ vực của Nga về tàu USS Swordfish dựa trên dữ liệu cho thấy kính tiềm vọng trên tàu được sửa chữa vào ban đêm tại Yokosuka (Nhật Bản), vào ngày 17.3, tức 6 ngày sau khi K-129 chìm. Về phần mình, Lầu Năm Góc giải thích chiếc Swordfish đã va phải một tảng băng lớn ở địa điểm cách con tàu ngầm Liên Xô khoảng 3.218 km.
The Thanh Niên