Chất bổ sung cho người tóc mỏng, rụng tóc có hiệu quả không?
Một số thực phẩm chức năng được quảng bá rộng rãi là có hiệu quả trong việc kích thích mọc tóc.
Tuy nhiên chất bổ sung này là gì và hiệu quả đến đâu là điều không phải ai cũng biết.
Những lọn tóc bồng bềnh, một mái tóc dày mượt là thứ mà nhiều người khao khát nhưng các yếu tố như di truyền, căng thẳng, tình trạng bệnh lý (như suy giáp) hoặc việc dùng một số loại thuốc, rụng tóc sau sinh… có thể ảnh hưởng đến độ dày, đẹp của mái tóc. Do đó, nhiều người trông đợi vào việc sử dụng các chất bổ sung giúp mọc tóc. Nhưng các chất bổ sung được quảng cáo như một giải pháp mọc tóc có thực sự hiệu quả?
1. Vitamin và khoáng chất
Thực tế không có định nghĩa chính thức nào cho thuật ngữ “chất bổ sung mọc tóc”. Các chất bổ sung được phân loại như vậy có chứa các thành phần được cho là giúp tóc mọc, chẳng hạn như một số chất dinh dưỡng và/hoặc thực vật. Có nhiều loại chất bổ sung mọc tóc khác nhau như nhóm vitamin và khoáng chất, các loại thảo mộc…
Có nhiều chất bổ sung được giới thiệu là giúp mọc tóc. Ảnh minh họa.
Vào năm 2022, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đã công bố một bài đánh giá có hệ thống tập trung vào các chất bổ sung cho tóc trên tạp chí JAMA Dermatology. Sau khi đánh giá 30 nghiên cứu được công bố trước đó, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng bổ sung “capsaicin, isoflavone, omega-3 và 6 với chất chống oxy hóa, dược phẩm dinh dưỡng từ táo, glucoside tổng số của paeony và viên hợp chất glycyrrhizin, kẽm, tocotrienol và dầu hạt bí ngô” cũng mang lại một số lợi ích cho sự phát triển của tóc. Tác dụng phụ rất hiếm và nhẹ đối với tất cả các liệu pháp được đánh giá.
Trong hầu hết các trường hợp, những người nhận thấy lợi ích từ việc bổ sung vitamin giúp mọc tóc là những người bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, vì việc cung cấp không đủ một số chất dinh dưỡng – như sắt, kẽm và vitamin D – có liên quan đến tình trạng rụng tóc. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu nghiên cứu cụ thể về hiệu quả của vitamin mọc tóc ở những người khỏe mạnh nói chung.
Thiếu vitamin và khoáng chất cụ thể có liên quan đến rụng tóc. Các chất dinh dưỡng như vitamin A, B, C, D và E, sắt, selen, kẽm thường có trong các chất bổ sung này.
Đủ vitamin và khoáng chất hỗ trợ mái tóc khỏe mạnh nhưng tiêu thụ quá nhiều một số loại, chẳng hạn như vitamin A và E, có thể dẫn đến rụng tóc, thậm chí là ngộ độc vitamin. Vì vậy nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng chất bổ sung để bảo đảm an toàn cho sức khỏe.
2. Protein và acid amin ngăn ngừa rụng tóc
Acid amin là thành phần cấu tạo nên các tế bào của cơ thể và một số loại acid amin nhất định được tìm thấy trong một số chất bổ sung giúp mọc tóc. L-cystine, L-lysine và L-methionine là những acid amin phổ biến. Theo một nghiên cứu trên chuột năm 2022 được công bố trên Tạp chí Khoa học Phân tử Quốc tế, các peptide collagen cũng được sử dụng, vì việc sử dụng chúng đã được chứng minh là giúp ngăn ngừa rụng tóc và thúc đẩy tóc mọc lại.
3. Các loại thảo mộc và thực vật
Một số loại thực vật nhất định chẳng hạn như curcumin, capsaicin và cây cọ lùn có liên quan đến sự phát triển của tóc trong một số trường hợp, chẳng hạn như rụng tóc và tóc mỏng, theo một thử nghiệm năm 2022 trên Tạp chí Da liễu Mỹ phẩm và đánh giá năm 2020 về Rối loạn phần phụ của da.
Video đang HOT
Một số loại thực vật, thảo dược ở Việt Nam như cỏ mần trầu, hương nhu, bồ kết, hà thủ ô… được đánh giá là có tác dụng trong ngăn ngừa rụng tóc.
4. Chất dinh dưỡng nào thúc đẩy sức khỏe của tóc?
Nghiên cứu về hiệu quả của các chất bổ sung cho tóc vẫn đang được tiến hành, trong đó có biotin và một số chất khác như:
Biotin: Là một loại vitamin B rất phổ biến mà mọi người thường sử dụng cho sức khỏe của tóc, da và móng. Biotin có thể cải thiện cấu trúc của một loại protein gọi là keratin, có nhiều trong tóc và được cho là cải thiện lượng tóc, độ che phủ của da đầu. Tuy nhiên, nghiên cứu về hiệu quả của nó là hỗn hợp. Không có bằng chứng cho thấy biotin có bất kỳ tác động nào trong việc kích thích mọc tóc ở những người có mức biotin trung bình.
Acid folic: Acid olic là một thành viên khác của họ vitamin B có thể có lợi cho sức khỏe của tóc. Acid folic hỗ trợ quá trình sản xuất tế bào và giúp tái tạo các tế bào tóc mới, khỏe mạnh hơn.
Vitamin E: Vitamin E là một loại vitamin chống oxy hóa có thể giúp chống lại tổn thương oxy hóa bên trong cơ thể. Căng thẳng oxy hóa có tác động tiêu cực đến sức khỏe của tóc, khiến vitamin E trở thành một chất dinh dưỡng tuyệt vời để đưa vào thói quen chăm sóc tóc khỏe mạnh.
Kẽm: Kẽm là một khoáng chất vi lượng có lợi cho sự phát triển của tóc. Thiếu kẽm cũng dễ dẫn đến rụng tóc, mỏng tóc.
Vitamin D: Đây là chất dinh dưỡng quan trọng có ảnh hưởng đến sức khỏe của tóc. Thiếu vitamin D có liên quan đến tình trạng tóc mỏng và rụng tóc. Vitamin D đã được biết là có tác dụng kích thích các nang tóc và có thể hỗ trợ hấp thụ các chất dinh dưỡng khác, chẳng hạn như canxi và magie, khiến nó trở thành một lựa chọn bổ sung toàn diện.
Các chất bổ sung cho tóc có thể giúp hỗ trợ sự phát triển của tóc và sức khỏe của tóc ở những người bị thiếu hụt hoặc dưới mức tối ưu của một số chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, chất bổ sung cho tóc không phải là giải pháp kỳ diệu cho mọi vấn đề về tóc và hiệu quả của chúng khác nhau tùy thuộc vào di truyền, lối sống cũng như sức khỏe tổng thể của từng cá nhân.
Mặc dù một số chất bổ sung giúp mọc tóc có thể mang lại một số lợi ích để thúc đẩy mọc tóc nhưng một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là những chất hỗ trợ sức khỏe của tóc quan trọng hơn.
Đối với việc dùng thực phẩm chức năng để thúc đẩy mọc tóc, việc chỉ dựa vào chất bổ sung để giúp tóc chắc khỏe không phải là cách tốt nhất. Các chuyên gia da liễu và dinh dưỡng cho biết để thúc đẩy mái tóc dày hơn, một chế độ ăn uống lành mạnh và các phương pháp chăm sóc tóc nhẹ nhàng là chìa khóa.
Chất bổ sung không thể thay thế chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh.
5. Làm thế nào để biết cơ thể thiếu vitamin?
Biết mình có bị thiếu vitamin hay không và bổ sung cho phù hợp nếu thiếu là một trong những cách tốt nhất để hỗ trợ hành trình mọc tóc của bạn. Các dấu hiệu thiếu vitamin khác nhau nhưng thường bao gồm mệt mỏi, suy nhược, rụng tóc, móng tay giòn và phát ban trên da. Nếu nghi ngờ mình bị rụng tóc do thiếu chất dinh dưỡng nên nói chuyện với bác sĩ da liễu về việc đi xét nghiệm và xem xét có thiếu một chất dinh dưỡng cụ thể trong chế độ ăn hàng ngày hay không.
Thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng với đầy đủ các vi chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin B, vitamin E, kẽm để ngăn ngừa sự thiếu hụt và tăng cường sức khỏe cho tóc. Chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh có thể giúp hỗ trợ sức khỏe tổng thể và góp phần làm tóc khỏe hơn.
Ngoài dinh dưỡng cần chú ý chăm sóc tóc nhẹ nhàng, hạn chế tạo kiểu tóc bằng nhiệt.
6. Điều cần lưu ý khi chăm sóc tóc
Tuy các chất bổ sung mọc tóc rất phổ biến nhưng việc sử dụng chúng sẽ không đảm bảo kết quả cho mọi người, vì ngoài thiếu hụt dinh dưỡng, sức khỏe của tóc có thể do nhiều yếu tố như di truyền, thay đổi nội tiết tố, căng thẳng và một số tình trạng y tế.
Hầu hết các chất bổ sung vitamin và khoáng chất được coi là an toàn cho người lớn khỏe mạnh. Tuy nhiên, nhiều người có thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng thông qua chế độ ăn uống và việc uống thực phẩm bổ sung dễ khiến họ tiêu thụ quá nhiều chất dinh dưỡng. Do đó, nên tham khảo ý kiến của chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi bắt đầu sử dụng bất kỳ loại thực phẩm bổ sung mới nào, đặc biệt nếu bạn đang mang thai, cho con bú hoặc đang dùng thuốc.
Về vấn đề rụng tóc, phải xác định nguyên nhân cơ bản gây ra rụng tóc và trao đổi với bác sĩ da liễu về các lựa chọn điều trị tiềm năng như dùng thuốc bôi hoặc thuốc uống.
Bên cạnh đó, mọi người cũng có thể thử kết hợp các biện pháp chăm sóc tóc nhẹ nhàng, chẳng hạn như tránh dùng hóa chất mạnh và giảm tạo kiểu tóc bằng nhiệt giúp giảm thiểu khả năng gãy rụng tóc. Cân nhắc dùng dầu gội có chứa các thành phần làm dịu để giúp tóc chắc khỏe và hỗ trợ mọc tóc. Một cách khác để kích thích các nang tóc là massage da đầu giúp thúc đẩy sự phát triển và độ dày của tóc.
Mẹo kích thích tóc mọc nhanh
Việc tóc liên tục rụng khiến cho nhiều người lo lắng và tìm kiếm giải phải để tóc mọc nhanh trở lại.
Tóc mọc nhanh hay chậm phụ thuộc vào cách chăm sóc tóc, chế độ ăn uống hàng ngày của mỗi người. Tuy nhiên có một số mẹo giúp kích thích mọc tóc nhanh hiệu quả dễ áp dụng cho để mang lại mái tóc khỏe đẹp, mềm mượt.
Xoa bóp da đầu
Xoa bóp da đầu có thể kích thích mọc tóc. Lực kéo căng trong quá trình massage sẽ kích thích mọc tóc và tăng độ dày của tóc trong các tế bào.
Bạn có thể kết hợp xoa bóp cùng sử dụng các loại mặt nạ và dầu dưỡng tóc để tăng thêm hiệu quả. Bên cạnh giúp kích thích mọc tóc, xoa bóp da đầu còn giúp giảm căng thẳng và áp lực.
Massage da đầu giúp tóc mọc nhanh.
Giảm căng thẳng
Khi căng thẳng, cơ thể có khả năng làm tăng nồng độ cortisol, gây gián đoạn chu kỳ của tóc, dẫn đến các tình trạng khiến tóc sớm bước vào giai đoạn nghỉ ngơi và cuối cùng là rụng tóc. Kiểm soát căng thẳng bằng các kỹ thuật thư giãn, tập thể dục, ngủ đủ giấc, nhờ đó duy trì tốc độ phát triển tóc khỏe.
Ngủ đủ giấc
Thức khuya, mất ngủ làm gia tăng gốc tự do trong cơ thể, tăng nguy cơ tổn hại sức khỏe da đầu, cản trở sự hình thành và phát triển của tóc. Vì vậy, cần ngủ đủ giấc (7-8 tiếng mỗi ngày) để khỏe mạnh cả thể chất lẫn tinh thần, kích thích mọc tóc khỏe đẹp.
Ngoài ra, khi đi ngủ nên thả tóc để hạn chế tác động và không ngủ khi tóc còn ướt sẽ hạn chế tình trạng gãy rụng.
Giữ da đầu sạch
Da đầu không khỏe khiến tóc yếu, gãy rụng. Các bệnh da đầu ảnh hưởng đến tóc như vảy nến, viêm da tiết bã và gàu. Giữ da đầu sạch sẽ tạo môi trường tối ưu cho nang tóc, giảm nguy cơ nhiễm trùng, viêm và gàu, những tác nhân có thể tác động tiêu cực đến tóc.
Giữ da đầu luôn sạch sẽ.
Chải tóc đúng cách
Chải tóc có thể thúc đẩy quá trình lưu thông máu, tăng cường sức sống của tế bào da đầu, giúp tóc mọc nhanh nhưng thực tế nhiều người chưa chải đúng cách.
Cách chải tóc đúng là sử dụng lược gỗ hoặc lược sừng, có thể chải 2 đến 3 lần một ngày. Khi chải, nên chải nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương tóc, không nên dùng lược giằng tóc rối, dễ làm tổn thương da đầu.
Cắt tóc thường xuyên
Tóc cần được cắt tỉa thường xuyên. Việc cắt tỉa thường xuyên rất có lợi cho sự phát triển của tóc. Nếu thấy có phần đuôi tóc bị chẻ ngọn thì hãy cắt bỏ ngay.
Công dụng bất ngờ của nước trà để qua đêm Một số công dụng bất ngờ của nước trà để qua đêm: Cầm máu, giúp cây tươi tốt, giảm hôi miệng, khử mùi tanh... Chúng ta thường nghe khuyến cáo không uống trà để qua đêm, bởi lượng lớn acid tannic trong loại trà này khi vào dạ dày sẽ kết tủa lại, gây cản trở sự hấp thụ chất sắt, đồng thời...