Chàng trai người Mông quyết tâm ‘bắt cái tương lai’ blouse trắng
Mỗi sáng sớm đi lâm sàng ở bệnh viện, chiều vào giảng đường, có hôm trực viện xuyên đêm, Giàng A Chính – chàng trai người Mông năm nào sợ phải bỏ học, nay tự tin bước đi trên con đường đã chọn.
Chàng trai người Mông Giàng A Chính, sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội, trông chững chạc, tự tin hơn khi khoác lên mình chiếc blouse trắng – Ảnh: NAM TRẦN
“Nghĩ lại 4 năm trước mình vẫn thấy đúng đắn. Học vất vả thật đấy nhưng so với ở nhà làm nương thì đỡ hơn nhiều à. Giờ nghĩ lại nếu ngày ấy không đi học, bây giờ ở nhà chắc mình… đi lấy vợ mất” – Giàng A Chính, 21 tuổi, sinh viên năm 4 Trường ĐH Y Hà Nội, bẽn lẽn mở đầu câu chuyện.
Mình mãi tri ân những ân nhân đã trao tặng học bổng cho mình. Mong các bạn nhận học bổng hôm nay lấy đó làm động lực để bản thân phấn đấu, vượt qua khó khăn, đi đến cuộc sống tốt đẹp hơn.
GIÀNG A CHÍNH
“Nghèo thì nghèo thật, nhưng phải đi học”
Gương mặt điển trai với mái tóc xoăn tít tự nhiên, chàng trai người Mông nom chững chạc, tự tin hơn khi khoác lên mình chiếc blouse trắng. A Chính vẫn nhớ như in giây phút xúc động chứng kiến người bố vượt cung đường Tây Bắc xa xôi đến tham dự lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” năm 2017 cùng con trai.
A Chính giãi bày đó là lần đầu tiên bố cậu – ông Giàng A Lồng – đi xa đến thế. Suốt cuộc đời bố chưa bao giờ đi xa hơn mảnh đất huyện Trạm Tấu ( Yên Bái).
“Ngày nhận học bổng, lần đầu tiên được nhà báo phỏng vấn, được lên tivi, bố nói rất hãnh diện, rất vui. Bố bảo với mình: Nghèo thì nghèo thật nhưng phải đi học, sau này mới đổi đời được, chứ sống thế này khổ quá. Bố cho đi học, bố lo được hết”, A Chính nhớ lời bố dặn.
A Chính là con thứ tư, trước có 3 chị gái, sau còn 3 em nhỏ, tổng cộng có 7 anh chị em. Vợ thường xuyên ốm đau, cái chân bị gãy giờ không thể làm việc nặng, nơi núi rừng Tây Bắc một mình ông Lồng làm lụng quần quật trên nương ngô nương sắn cũng chẳng đủ cho bấy nhiêu miệng ăn trong nhà.
Cái đói cái nghèo bủa vây, ấy vậy mà thấy con trai sáng dạ thông minh, ông Lồng nói có khó đến mấy cũng cho nó học. Lên cấp hai, ông tiễn con đi học trường huyện. Lên cấp ba, Chính đỗ vào phổ thông dân tộc nội trú, học ở đâu tận tít Thái Nguyên cách nhà bao nhiêu cây số ông chẳng biết. Nhưng hễ con xách balô đi học, ông lại tiễn Chính đi một đoạn đường, thấy con lên xe khách rồi mới an tâm quay về.
Suốt 12 năm miệt mài, hay tin cậu bé người Mông sáng dạ đỗ đại học, lại còn đỗ cao, đỗ trường tốp đầu ở thủ đô, bản làng ai cũng mừng. Riêng A Chính cầm trên tay giấy báo mà vừa mừng vừa lo vì chẳng biết mức học phí ra sao.
“Chỉ sợ xuống đây (Hà Nội – PV) học giữa chừng là bỏ, sợ không có tiền, sợ không theo được”, A Chính lo lắng. Nhưng ông Lồng động viên con trai: “Cứ đi học, sợ không đủ kiến thức không thi được, chứ thi được cứ đi học”. Có gia đình ủng hộ, A Chính không ngại nữa, cậu mạnh dạn khăn gói xuống thủ đô nhập học.
Nhưng A Chính không mang đủ tiền, cậu đành xin thầy cô cho được khất học phí. May mắn duyên đến, được giới thiệu đến quỹ học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ, Chính mượn máy tính của bạn miệt mài gõ hồ sơ, suốt một tuần trời chạy đi chạy lại làm giấy tờ.
Trách nhiệm khi khoác áo blouse trắng
“Dù có phải ăn ngô, ăn sắn tôi cũng cho con đi học, con học được không thể để con bỏ học. Vì tôi không được đi học, không được biết, nên dù có khó khăn thế nào cũng phải cho con đi học mới bắt được cái tương lai”, bố A Chính xúc động chia sẻ tại lễ trao học bổng.
Video đang HOT
Ngày ấy, câu chuyện về quyết tâm “bắt cái tương lai” của hai bố con người Mông khiến cả hội trường thán phục. Học bổng đặc biệt với số tiền 10 triệu đồng đến kịp thời, trao tận tay giúp A Chính trang trải học phí. Chưa kể cậu còn được hỗ trợ học bổng trong 4 năm học đầu tiên để an tâm vững bước trên giảng đường.
Thương bố vất vả, dù lịch học ở trường dày đặc nhưng A Chính vẫn tranh thủ sắp xếp thời gian làm gia sư trang trải sinh hoạt phí, mỗi buổi dạy nhận 120.000 đồng.
“Kiến thức ở trường nhiều lắm, phải học thật thi thật. Học khá vất vả, có mấy bạn bỏ giữa chừng nhưng mình thích nghề này, mình vẫn cứ cố gắng học. Đến bây giờ hòa nhập rồi, có bạn bè vui vẻ hơn, có động lực học hơn, mấy bạn trong phòng còn hay giảng bài cho nhau, đợt thi là tổ chức học nhóm để thảo luận. Cuộc sống bây giờ ổn định rồi, mình đỡ nhút nhát hơn trước nữa”, A Chính thật thà giãi bày.
Nay thì mỗi sáng A Chính đi lâm sàng ở Bệnh viện Bạch Mai, chiều đến lại vào giảng đường. Thân hình vẫn nhỏ thó như mấy năm về trước, thế nhưng khi khoác lên mình chiếc blouse trắng, chàng trai người Mông nom chững chạc và tự tin hơn.
“Đến từng phòng bệnh, khoác lên mình áo blouse, mình là người khác hẳn. Ở viện được bệnh nhân, người nhà tôn trọng, mình thấy có trách nhiệm hẳn. Làm nghề này liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, từ khi khoác áo blouse lên, mình cảm nhận được trách nhiệm của mình. Do đó lúc học phải tập trung học, phải học thật chứ không thể qua loa đại khái”, Giàng A Chính bộc bạch.
Ở trường, Chính còn được miễn giảm 70% học phí. Cứ cuối năm là nhà trường trả học phí về tài khoản nhưng cậu nói “chẳng dám tiêu đâu vì nhỡ mình tiêu xong không kiếm được, cứ để tài khoản à, năm sau đến kỳ hạn mình sẽ đóng thêm tiền vào”.
Vừa bước sang năm thứ 4 là năm quan trọng nhất liên quan đến nghề y, A Chính nói nếu việc học căng quá sẽ dừng làm gia sư để tập trung học tập. Cậu dự tính với chiếc máy tính cũ sẽ tranh thủ nhận thêm giải đề trên mạng để trang trải thêm tiền học, tiền thuê trọ.
Chính bày tỏ sau này ra trường nếu may mắn được ở lại thủ đô làm việc, có cơ sở vật chất, máy móc và được làm cùng người giỏi thì tốt, nhưng nếu không thể ở đây Chính sẽ ráng xin về tỉnh làm việc. Như vậy sẽ giúp đỡ được người dân ở quê mình, giúp đỡ những người từng giúp đỡ mình và gia đình.
Tân sinh viên khó khăn hãy gọi Tuổi Trẻ
1.000 suất học bổng “Tiếp sức đến trường” thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ dành cho tân sinh viên hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển đại học, cao đẳng năm học 2020 – 2021 trị giá 10 triệu đồng/học bổng và suất đặc biệt là 15 triệu đồng.
Báo Tuổi Trẻ rất mong bạn đọc giới thiệu những tân sinh viên học giỏi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ bỏ học nếu không được tiếp sức kịp thời qua địa chỉ email: tiepsucdentruong@tuoitre.com.vn hoặc điện thoại: 0283.997.3838.
Bạn đọc có thể đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ ủng hộ kinh phí học bổng, chỗ ở, phương tiện học tập… cho tân sinh viên, giúp các bạn vững tin trong học tập.
Kinh phí học bổng chuyển về: phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ các khu vực.
Chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM hoặc ví điện tử MoMo “Chung tay cùng Tuổi Trẻ”. Nội dung chuyển tiền: “Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên”. ( CÔNG TRIỆU)
Tuyển sinh đại học: Nhận con người hay điểm số?
Dư luận quan tâm học sinh Ngô Văn Hiếu giúp đỡ bạn đến trường 10 năm, thiếu 0,25 điểm đỗ vào Trường ĐH Y Hà Nội nhưng không được đặc cách. Từ câu chuyện này có thể đặt vấn đề về tiêu chí tuyển sinh đại học.
Đôi bạn Ngô Văn Hiếu - Nguyễn Tất Minh - ẢNH: PHÚC NGƯ
Ràng buộc bởi quy chế và điểm số
Hình ảnh giúp người bạn khuyết tật đến trường suốt 10 năm trời dù nắng hay mưa, thể hiện ý chí và tình thương bạn bè cao quý, đó là hình ảnh nhân văn và là biểu tượng cho truyền thống giáo dục Việt Nam. Trường ĐH Y Hà Nội, theo đúng quy chế, không xét các yếu tố khác ngoài điểm thi. Điều này không thể trách Trường ĐH Y Hà Nội được.
Tuyển sinh ở Việt Nam, kể cả các trường đặc thù như y khoa cũng chỉ dựa vào điểm số - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Chia sẻ với Thanh Niên, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết các trường tự chủ trong việc tuyển sinh. Mỗi trường sẽ có các tiêu chí khác nhau để xét tuyển đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường mình, các tiêu chí này được thể hiện trong đề án tuyển sinh và được thông báo công khai trước khi thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển.
"Trường chưa đề xuất, nên chúng tôi không biết trong đề án tuyển sinh của trường có tiêu chí nào để làm căn cứ cho trường xét đặc cách em Ngô Văn Hiếu. Tuy nhiên, Vụ Giáo dục ĐH sẽ ủng hộ nếu như trường có tiêu chí phù hợp, quan trọng là phải có căn cứ, phải thực hiện đúng quy chế tuyển sinh", bà Thủy nói.
Còn theo GS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, sau khi dư luận bàn tán trường hợp Ngô Văn Hiếu, nhà trường đã quan tâm và chủ động xem xét. Tuy nhiên, sau khi xem lại nội dung đề án tuyển sinh của trường, không thấy có bất kỳ tiêu chí nào để có thể vận dụng xét trúng tuyển đặc cách với thí sinh này.
Các nước khác sẽ giải quyết thế nào?
Ở Mỹ và các nước khác trong trường hợp này sẽ giải quyết thế nào? Khi tuyển sinh vào ĐH họ chú trọng vào điểm số hay con người? Câu chuyện từ các nước cũng có thể là một góc nhìn khác cho tuyển sinh của Việt Nam trong tương lai.
Tuyển sinh ĐH Mỹ khác nhiều so với ĐH Việt Nam. Trường ở Mỹ tuyển sinh viên là "chọn lựa con người chứ không chọn điểm". Chính vì thế hồ sơ ĐH bao gồm nhiều yếu tố phản ảnh một cách tốt nhất và trung thực nhất về con người của sinh viên. Các yếu tố bao gồm: điểm học tại trường, điểm thi SAT-ACT, bài luận văn, thư đánh giá của hai giáo viên, trích dẫn hoạt động xã hội, thành tích trong việc học và sinh hoạt ngoại khóa.
ối với học sinh nộp đơn vào các ĐH danh tiếng trong top 25 hay top 50 ở Mỹ thì các yếu tố về hoạt động xã hội, thành tích học và sinh hoạt ngoại khóa là cực kỳ quan trọng. Những điểm này tạo sự khác biệt trong hàng ngàn hồ sơ ĐH mà học sinh phải cạnh tranh với nhau để vượt qua vòng xét tuyển. Cách làm hồ sơ vào ĐH Mỹ tạo cho học sinh mạnh mẽ, có nhiều trải nghiệm khi tìm hiểu trường ĐH và chọn ngành học.
Hồ sơ vào ĐH Mỹ có nhiều yếu tố vì thế học sinh sẽ cân bằng các yếu tố và làm cho nó tốt nhất có thể có. Các yếu tố này học sinh Mỹ đều chuẩn bị từ lớp 9 - 10. Tôi vẫn còn nhớ đứa cháu trong nhà, khi còn lớp 9, mỗi lần tham dự trình diễn piano là xin ảnh và ghi thời gian biểu diễn, hỏi ra mới biết để chuẩn bị cho hồ sơ ĐH sau này.
Nhiều học sinh Việt Nam du học tại Mỹ, có điểm học tập rất cao trên 4.0 và SAT rất ấn tượng trên 1.450 nhưng đều trượt toàn bộ các trường trong top 35 của Mỹ. Và nhiều học sinh châu Á du học tại Mỹ cũng có kết quả tương tự. Yếu tố điểm cao của học sinh châu Á không còn là thế mạnh khi nộp đơn vào các ĐH danh tiếng Mỹ.
Nên có tỷ lệ 2 - 5% chỉ tiêu xét tuyển đặc cách với thí sinh đặc biệt?
Tại hội nghị tổng kết chương trình phối hợp giữa ngành giáo dục và T.Ư Đoàn tổ chức sáng 8.10, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh đặt vấn đề: "Vừa rồi công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, dù các trường đã tự chủ nhưng chúng ta cứ căng cứng quá về điểm".
Bà Minh phân tích: "Ví dụ trường hợp thí sinh thiếu 0,25 điểm dù hoạt động rất nhân văn cõng bạn tới trường, có tài năng thực sự... Chúng ta phải xem trong phối hợp, có đề nghị với Bộ GD-ĐT hay có chỉ đạo với các nhà trường nên có tỷ lệ 2 - 5% chỉ tiêu để xét tuyển với chế độ đặc cách và giao đặc quyền cho các trường mà vẫn đảm bảo tuyển sinh chung".
Ông Huỳnh Công Ba, Trưởng phòng Công tác chính trị và học sinh - sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho rằng cần có quy chế phối hợp để những thanh niên đặc biệt có thể được xét tuyển thẳng trong những trường hợp cần thiết. Người được đặc cách phải là những nhân tố điển hình, xuất sắc trong các phong trào tình nguyện, có những hành động nhân văn lan tỏa cộng đồng... Ngoài kết quả học tập, những thí sinh này có thể tính cộng điểm trong quá trình xét tuyển vào các trường ĐH. Khi đó, những tấm gương sống đẹp vì cộng đồng được ghi nhận và tiếp tục truyền lửa cho thế hệ trẻ trong giảng đường ĐH.
Hà Ánh
Cần thay đổi cách thức xét tuyển ĐH
Trở lại vấn đề Ngô Văn Hiếu giúp bạn học trong 10 năm đến trường, và nhiều tấm gương đẹp khác của học sinh, chúng ta cần phải cổ vũ và phát huy những hình ảnh đẹp này như là một phần của truyền thống giáo dục Việt Nam.
Chọn học sinh vào ĐH, ngoài việc đánh giá năng lực học tập thì cần có những đức tính nhân văn, kỹ năng sống, sự hiểu biết về ngành học, sinh hoạt ngoại khóa. Bộ hồ sơ ĐH như vậy đòi hỏi các trường ĐH làm việc nhiều hơn, và có hội đồng xét tuyển chuyên nghiệp. Cách thức xét tuyển chọn theo phương cách này tuy đa dạng nhưng vẫn đảm bảo tính công bằng, vẫn đề cao năng lực học tập và sáng tạo.
Nền giáo dục Việt Nam cần thay đổi tư duy giáo dục, thay đổi cách thức thi cử, thay đổi cách thức xét tuyển ĐH. Cần có một nền giáo dục khoa học và sáng tạo thì mới đào tạo ra những thế hệ sinh viên có đầy đủ phẩm chất về chuyên môn và tính nhân văn. Một thế hệ mới hòa nhập trong cuộc thay đổi của đất nước. ( còn tiếp)
Ý kiến
Cần thay đổi cách thức tuyển sinh ĐH
ẢNH: NVCC
Vấn đề sâu xa hơn cần bàn ở đây không phải là chuyện đặc cách hay không, mà là đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại cách thức tuyển sinh ĐH hiện tại, vốn đã không còn phù hợp với thực tế, và thậm chí lạc hậu so với dòng chảy chung của giáo dục hiện đại. Ở các nền giáo dục tiên tiến, việc tuyển sinh ĐH không chỉ dựa vào điểm số, dù hệ thống đánh giá điểm số của họ được xây dựng một cách minh bạch, khoa học như kỳ thi chuẩn hóa SAT của Mỹ chẳng hạn. Tuy nhiên, việc xét tuyển được thực hiện một cách toàn diện, trên từng hồ sơ của cá nhân, với nhiều tiêu chí như bài luận cá nhân, các hoạt động xã hội, thư giới thiệu...
Bùi Việt Lâm (Giám đốc truyền thông Trường ĐH Fulbright Việt Nam)
Có thể sẽ thêm quy định để tuyển người phù hợp
ẢNH: ĐÀO NGOC THẠCH
Với những ngành đòi hỏi đặc thù, cần phải có năng lực đặc biệt thì đúng là cần có kiểm tra riêng để xem người đó có phù hợp ngành nghề hay không chứ nếu căn cứ vào điểm số thôi thì sẽ khó tìm ra những điều này.
Chắc chắn là nhiều hình thức tuyển sinh sẽ phải thay đổi. Các trường được quyền thêm vào phương thức tuyển sinh những quy định mới để tìm ra thí sinh phù hợp. Chẳng hạn, để tuyển sinh ngành báo chí, có thể yêu cầu thí sinh gửi thêm những bài viết, bài báo đã đăng ở trong trường, trên báo trong thời gian đi học... để đánh giá thêm về năng lực. Hay ngành tâm lý học, thí sinh có khả năng nhạy cảm, lắng nghe, phân tích, thấu cảm hay không.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)
Đăng Nguyên (ghi)
Bất ngờ dàn học sinh ôn thi online điểm cao ngất ngưởng, đỗ nhiều trường ĐH top 1 Trong kỳ tuyển sinh ĐH 2020, nhiều sĩ tử đạt kết quả cao khiến vạn người mê, cùng điểm qua top 10 gương mặt vàng là học sinh tuyensinh247. Top 10 gương mặt vàng là học sinh tuyensinh247 đạt điểm cao Trong kỳ tuyển sinh ĐH 2020, nhiều sĩ tử đạt kết quả cao khiến vạn người mê. Cùng điểm qua Top 10...