Chả trứng mực Đất Mũi – món ngon hiếu khách của người Cà Mau
Với những người con xa xứ, những vị khách phương xa lần đầu đến đất mũi; món chả trứng mực Cà Mau luôn để lại trong tâm trí những kỷ niệm khó quên, những nỗi thương nhớ ngậm ngùi.
Đúng vậy, thật hiếm có một món ngon nào độc đáo như chả trứng mực đất mũi Cà Mau. Độc đáo từ cách chọn nguyên liệu chế biến của người sáng tạo ra chúng và hương vị biển đậm trưng khác biệt chẳng giống ai. Tại sao là trứng mực mà không phải thịt mực, tại sao chỉ làm chả mà không phải nấu, nướng, v.v. Có lẽ chỉ có người dân Cà Mau mới có đáp án chính xác nhất.
Với ngư dân vùng biển, con cá con tôm con mực là miếng cơm manh áo của cả gia đình. Mỗi lần dong thuyền ra khơi là biết bao lo lắng, hi vọng. Hi vọng cá mực đầy khoang chuyến đi thành công. Nhưng một lần đi biển như vậy thường khá dài có khi cả tuần, cả nửa tháng nên họ mới nghĩ ra những cách bảo quản hải sản, chế biến nhanh để đảm bảo giá trị kinh tế. Và món chả trứng mực cũng ra đời từ đây. Mực có nhiều trứng nhất vào thời điểm từ tết cho đến tháng 5 âm lịch, con nào con nấy bụng căng phồng. Vì thế, ngư dân đi đánh bắt xa thường mang theo ít thịt và gan heo cùng trứng vịt để chế biến chả trứng mực ngay trong chuyến đi. Còn đánh bắt gần bờ thì dễ dàng hơn, họ chỉ việc tách buồng trứng mực ướp vào đá lạnh để cho các bà các mẹ chế biến đem ra chợ bán. Làm thế để giúp trứng tươi, không bị ươn hôi.
Trứng mực là một khối dẻo trong suốt bên trong bụng mực, nhiều người không thạo hay nhầm lẫn với hai nang sữa ở cuối bụng mực. Để lấy phần này, chỉ cần ngắt đầu mực rồi dùng tay rút bọc trứng ra. Trứng mực nhẹ cân nên muốn có 1 ký mực trứng, người ta phải làm thịt từ 10 đến 12 kg mực tươi. Bởi vậy, món chả trứng mực mới trở nên quý hiếm khó tìm, không phải có tiền là ăn được.
Video đang HOT
Cách chế biến chả trứng mực
Vì hiếm nên chả trứng mực đất mũi Cà Mau không chỉ được người dân nơi đây bày biện trong những bữa tiệc thịnh soạn đãi khách quý mà còn gói gém thành món quà đặc sản gửi người phương xa, biếu tặng. Họ sẽ lấy cả trứng mực và hai nang sữa tươi đã rửa sạch cho vào cối, quết đều tay đến khi thấy đầu chày có dính keo thì thôi. Trong lúc quết thêm chút gia vị tiêu, bột ngọt, muối cho vừa khẩu vị; hoặc hấp dẫn hơn sẽ cho thêm thịt, trứng vịt hay gan heo vào quết cùng. Trứng mực đã bùi mà có thêm những thứ này thì béo thơm phải biết. Sau đó, dùng bao giấy có thấm dầu ăn nắn hỗn hợp trên thành từng cục tròn, dùng lực bàn tay ép dẹp như chả cá hay làm. Chả làm xong có thể ăn ngay hoặc để dành bằng cách phơi nắng cho se mặt rồi cất vào tủ lạnh.
Thưởng thức chả trứng mực
Không hổ danh món ngon đất mũi, chả trứng mực thu hút thực khách ngay từ cái nhìn, cái hít đầu tiên. Miếng chả được chiên nóng màu vàng rộm cộng thêm mùi thơm đặc trưng thật khiến người khác chảy nước miếng. Cắn miếng thứ nhất thấy béo ngậy, cắn miếng thứ hai thấy thơm bùi, miếng thứ ba thứ tư thì hết cả chén cơm, chén bún. Thưởng thức món ngon này phải có nước mắm nhĩ ngon, chút rau sống the dịu và vài lát bánh tráng tức là ăn kiểu cuốn. Mọi thứ hòa quyện nhẹ nhàng nhưng vị nào ra vị ấy. Ngoài chiên, chả trứng mực nướng cũng rất thú vị. Món này hợp với những ai kiêng dầu mỡ. Hải sản nướng đã có mùi thơm khó cưỡng thì chả trứng mực nướng còn gì sánh bằng.
Chả trứng mực đất mũi Cà Mau là lạ mà ngon ngon, ai ai cũng phải tấm tắc khen ngon. Thế mới xứng danh món ngon ẩm thực Cà Mau.
Bánh tằm Hương vị "mê người"
Đến Cà Mau, bên cạnh việc thưởng thức những món ăn đặc trưng như: cua biển Cà Mau, ốc len xào dừa, bồn bồn xào tép, tôm hấp nước dừa, cá dứa kho tộ, mực trứng hấp..., du khách còn vô cùng ấn tượng với món bánh tằm.
Bánh tằm là món ăn độc đáo, mới lạ, khiến cho những vị khách khi thưởng thức thường liên tưởng đến những món ăn quê nhà. Với những người khách từ phương Tây đến, món ăn này hao hao giống món mì spaghetti của Ý, khách Hàn Quốc thì liên tưởng đến món mì chachang, dân xứ Quảng thì nhớ đến món cao lầu... nhưng khi thưởng thức thì thật sự bất ngờ với hương vị độc đáo của bánh. Bánh tằm không pha lẫn mùi vị nào của những món ăn nói trên, có chăng là một mùi vị rất lạ, rất đặc biệt và rất Cà Mau.
Người Cà Mau gọi bánh là bánh tằm vì sợi bánh tròn tròn có đường kính tương đương với một con tằm, lớn hơn sợi bún một chút. Để có được hương vị hấp dẫn của một đĩa bánh tằm Cà Mau, đòi hỏi người đầu bếp phải chuẩn bị hết sức công phu từ khâu nguyên liệu cho đến gia vị.
Đầu tiên phải kể đến là công đoạn làm những sợi bánh tằm. Ngày xưa, khi điều kiện về trang thiết bị máy móc chưa có, người dân Cà Mau chủ yếu làm bánh tằm bằng phương pháp thủ công, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mẩn của người đầu bếp. Người ta chọn ra loại gạo nếp ngon, cho vào cối xay ra thành bột, đem bột đó khuấy đều trên bếp lửa cho đến khi thành hồ, để hồ nguội dần và đem se thành sợi trên tấm thớt hoặc mâm lớn. Sau đó đem bánh đã se xong để trên một cái xửng hấp nóng liu riu, khi ăn sẽ lấy ra.
Tiếp theo là công đoạn làm nước sốt, xíu mại và gà dai. Không như những món ăn được chế biến từ cà ri, bánh tằm Cà Mau không sử dụng nước cốt dừa béo ngậy mà thay vào đó là nước dừa tươi thanh mát kết hợp với nước mía để làm nước sốt. Những thành phần khác được thêm vào là cà ri, ngũ vị hương, sốt cà chua, ớt đỏ luộc xay nhuyễn, hành tây, bột năng..., nhưng để có được hương vị "mê người" thì đó là bí quyết riêng, bí truyền của mỗi quán ăn.
Xíu mại được nấu chung với nước sốt cũng cầu kỳ không kém. Vị béo ngậy của thịt mỡ, vị thơm của hành, độ săn chắc của tôm, giòn sần sật của củ sắn băm nhuyễn. Tất cả hòa quyện với nhau và được phủ bóng bởi một lớp nước sốt cà ri hơi ươm vàng vô cùng bắt mắt. Gà được chọn để nấu bánh tằm phải là gà thả vườn tự nhiên, thịt chắc và thơm.
Một đĩa bánh tằm khi được dọn ra vô cùng bắt mắt bởi màu trắng mềm của bánh tằm; màu xanh của các loại xà lách, rau thơm, giá đỗ; màu vàng ươm phơn phớt đỏ của nước sốt cà ri cay nóng phủ lên trên mặt bánh cùng với miếng thịt gà tươi ngon hoặc viên xíu mại mọng thịt. Người ăn có thể kết hợp thêm với quẩy hoặc bánh mì và chấm kèm với muối tiêu chanh thì thật tuyệt vời.
Ngoài ra, người Cà Mau còn chế biến bánh tằm thành nhiều kiểu khác nhau như bánh tằm bì, bánh tầm tàu hủ ky, bánh tằm thịt nướng, bánh tằm khoai mì... Mỗi loại đều có vị ngon đặc trưng và cuốn hút riêng.
Văn hóa ẩm thực Khmer trong món ăn của người Cà Mau Người Khmer Cà Mau có thói quen tập trung tại chùa vào những ngày lễ hội, họ chuẩn bị và đem theo các loại thức ăn truyền thống đến chùa cúng phật và cùng nhau thưởng thức các món ăn một cách rất thân tình. Dần dần các món ăn của người Khmer đã lan tỏa và ảnh hưởng ít nhiều trong khẩu...