Câu chuyện vượt lên chính mình của người phụ nữ tí hon
Năm nay đã 39 tuổi nhưng vóc dáng chị Nguyễn Thị Thu Hiền vẫn như một đứa trẻ với chiều cao khiêm tốn 88cm, bàn tay bé xíu, đôi chân yếu ớt bước đi tập tễnh…
Thế nhưng đằng sau dáng vẻ nhỏ bé ấy, chị đã vượt qua số phận, vươn lên học tập với hai bằng đại học, trở thành chủ một doanh nghiệp giúp đỡ nhiều người.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền Ảnh: INT
39 tuổi cao 88cm
Tôi có cơ duyên gặp chị Nguyễn Thị Thu Hiền (SN 1981 ở khu 1, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) tại một buổi giao lưu phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp. Người phụ nữ có thân hình như đứa trẻ đó đã vô cùng gây ấn tượng với tôi và mọi người.
Hỏi tên, chị bảo cứ gọi chị là Hiền Suri. Cái tên ấy khiến tôi rất thắc mắc. Chị cười bảo đó là tên tiếng Anh và cũng có nghĩa là “cô chủ nhỏ”. Chị nói vậy chứ với tôi, Hiền Suri không phải là cô chủ nhỏ mà là một bà chủ lớn đúng nghĩa. Bởi dù chị là một người khuyết tật vận động nhưng đã làm được những điều mà một người bình thường chưa chắc đã làm được. Chị đã học xong 2 bằng đại học, mở cho mình công ty riêng mang tên Công ty TNHH Sản xuất – dịch vụ và thương mại Suri.
39 tuổi, chị chỉ nặng hơn 22kg. Đó là hệ quả của căn bệnh lùn tuyến yên, loãng xương bẩm sinh mà số phận bất hạnh đã đeo bám chị nên cơ thể không thể phát triển bình thường như mọi người.
Theo chia sẻ của chị, khi sinh ra chị cũng bụ bẫm, lành lặn nhưng đến tuổi tập đi thì không được nhanh như bạn bè cùng trang lứa. 3 tuổi, chị được gia đình đưa đi khám và điều trị ở rất nhiều bệnh viện, gặp rất nhiều bác sĩ, giáo sư chuyên khoa đầu ngành về chỉnh hình, phục hồi chức năng nhưng đi tới đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu.
Thương con, bố mẹ chị kiên trì, nhẫn nại tập vận động cho con. Mỗi ngày sánh bước bên con, bố mẹ chị mong mỏi sự biến chuyển và rồi niềm hạnh phúc vỡ òa với họ khi chị bắt đầu chập chững những bước đi đầu tiên ở tuổi lên 5. Tự đứng dậy rồi đi được bằng đôi chân của mình, chị Hiền lại khát khao được cắp sách đến trường như bạn bè cùng trang lứa. 8 tuổi, bố mẹ chị xin cho chị theo học trường hòa nhập cộng đồng.
Video đang HOT
Ngay khi đến trường, hiểu được hoàn cảnh của mình, chị Hiền xác định mình không học thì không làm được gì cả. Hơn nữa, chị ngẫm ra rằng, mình không học thì bạn bè và mọi người sẽ vẫn học, không làm thì mọi người vẫn làm và như vậy mình sẽ tụt hậu với mặt bằng chung của xã hội.
“Người khuyết tật mà không có học vấn thì sẽ càng vất vả. Tôi không muốn phải đón nhận sự thương hại của những người xung quanh. Mình chỉ được sinh ra một lần duy nhất trên đời, nếu cứ nghĩ mãi tới sự khuyết tật bẩm sinh mà tự ti, không phấn đấu sẽ chẳng vươn lên được. Người khuyết tật không vượt qua rào cản này, mất đi niềm tin sẽ càng tăng gánh nặng cho người thân và xã hội”, chị Hiền nói.
Chị Hiền khi tham gia hoạt động và bên người thân ảnh: NVCC
Với cơ thể nhỏ bé, đôi bàn tay bé xíu, mềm oặt, để có thể cầm được bút cũng là cả một quãng thời gian dài chị Hiền phải luyện tập đầy vất vả. Tuy thế, mỗi lần cầm bút chị cứ phải bò ra bàn, mím môi, gồng tay lên mới viết được vài chữ. Hơn thế, đường đến trường đã khó, chị Hiền còn phải vượt qua sự kỳ thị, trêu chọc, định kiến xã hội. Nhiều người nói với chị, người bình thường học đã chả làm được gì huống hồ lại là người khuyết tật.
Bằng tất cả nghị lực, chị đã vượt qua được. Điều may mắn với chị là luôn có gia đình, bạn bè, thầy cô tạo động lực để chị vượt qua mọi vất vả, gian nan suốt 12 năm phổ thông và 7 năm học đại học. Chị đã tự trang bị kiến thức cần thiết làm hành trang bước vào đời. Chị đã có 2 bằng đại học chuyên ngành kế toán doanh nghiệp và tài chính kế toán của Trường ĐH Vinh. Sau khi tốt nghiệp vào năm 2008 với 2 bằng đại học, chị bắt đàu tìm kiếm công việc để nuôi sống bản thân và giúp đỡ bố mẹ.
Vươn lên làm chủ, giúp đỡ nhiều người
Với những cố gắng suốt 39 năm qua, chị Hiền đã nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp hội cho những thành tích của mình: Là một trong 100 phụ nữ tiêu biểu toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ trao Bằng khen trong chương trình “Tự hào phụ nữ Việt Nam”; Giải thưởng KOVA do Hội liên hiệp Phụ nữ đề cử; Bằng khen củaBộ trưởng Bộ LĐ-TB Bằng khen của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam…
Đi học với người khuyết tật đã vất vả, đi xin việc làm càng khó khăn hơn. Sau một thời gian, chị Hiền xin làm thuê cho một số doanh nghiệp tư nhân để trau dồi kĩ năng kế toán của mình. Bằng năng lực của mình, chị đã chứng tỏ được kiến thức của bản thân, nhiều đơn vi gửi chị chứng từ về nhà làm.
Khi công việc kế toán dần ổn định, niềm khát khao khởi nghiệp đã thôi thúc chị. Năm 2010, với vốn kinh nghiệm, tài chính có được từ khi đi làm thuê, sự hậu thuẫn từ gia đình, chị quyết định thành lập công ty riêng. Và Công ty TNHH Sản xuất – Dịch vụ và Thương mại Suri ra đời, chuyên sản xuất bàn, ghế đá Granito cung cấp cho các công viên, trường học, bệnh viện… Đến giờ, Công ty của chị đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động, với mức thu nhập ổn định.
Không dừng lại ở hoạt động kinh doanh mang tính truyền thống của gia đình, năm 2011, chị Hiền đã mở thêm một Câu lạc bộ giải trí Billiards Snooker tại Thanh Hóa. Ngày đó, quyết định của chị đã bị nhiều người phản đối. Ai cũng nói rằng, công việc đó phức tạp chỉ hợp với nam giới. Suốt một thời gian dài, chị phải kiên trì và nỗ lực một mình. Và giờ, mọi thứ đã mang lại cho chị nhiều giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần. Chị không chỉ tự nuôi sống chính bản thân mình mà còn giúp đỡ nhiều người khác.
Chia sẻ về những khó khăn với người khuyết tật khởi nghiệp, chị Hiền cho biết, những ngày đầu khởi nghiệp chị đã gặp không ít rào cản. Nhiều khi đi kí hợp đồng hay đi ra công trường, nhiều người vẫn ngờ vực khi thấy chị chỉ như em bé mà lại làm trong lĩnh vực kinh doanh thường dành cho đàn ông. Nhưng từ chất lượng và hiệu quả công việc, chị đã cho đối tác và mọi người thấy rằng, người “khuyết nhưng không tật”.
“Tôi luôn nghĩ nếu tôi không quyết tâm theo đuổi ước mơ, hoài bão của mình thì chẳng bao giờ tôi có được nó”, chị Hiền nói. Bằng niềm tin đó, chị luôn nỗ lực với mục đích tự giúp chính bản thân để mọi người thay đổi cách nhìn nhận về người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng. Chị mong muốn mọi người hãy nhìn vào chính khả năng của người khuyết tật chứ không phải nhìn ở vẻ bề ngoài khác biệt.
Có lẽ vì bản thân là một người kém may mắn nên chị Hiền bên cạnh hoạt động kinh doanh còn rất tích cực với các công tác xã hội. Chị tham gia Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa, làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên và sinh viên khuyết tật tỉnh Thanh Hoá. Câu lạc bộ với hàng trăm thành viên là nơi chia sẻ, kết nối những con người đồng cảnh ngộ gần lại với nhau. Cùng với các cán bộ Hội, chị đã từng đi về các huyện để thành lập các nhóm tự lực, làm truyền thông về các chính sách, chế độ cho người khuyết tật…
Đối diện người phụ nữ tuy nhỏ bé về hình thể nhưng mang trí tuệ lớn, được nghe về hành trang bước vào đời, tôi càng thêm khâm phục chị Hiền. Ở chị luôn toát lên một nghị lực sống mà nhiều người không có được.
Câu lạc bộ Nghị lực ICTU Ngôi nhà chung của những sinh viên khuyết tật
Không phải ai sinh ra trên đời cũng may mắn được đón nhận những niềm hạnh phúc. Nhưng dù bạn có là ai, bạn đang trải qua những đau khổ, khó khăn gì thì bạn hãy luôn vững tin và sống hết mình, khi đó niềm vui, hạnh phúc và sự thành công sẽ đến
Thầy, cô giáo Trường Đại học Công nghệ thông tin Thái Nguyên chụp cùng các thành viên nhân sự kiện ra mắt Câu lạc bộ Nghị lực ICTU
Đó là tâm niệm của những bạn sinh viên khuyết tật trong Câu lạc bộ Nghị lực ICTU - Trường Đại học Công nghệ thông tin Thái Nguyên. Chính những điều giản dị trong cuộc sống đã tiếp thêm nghị lực để họ trở nên tự tin và can đảm vượt lên số phận.
Được thành lập ngày 10/11/2019, sau 8 tháng chuẩn bị, Câu lạc bộ chính thức hoạt động vào ngày 16/5/2020. Hiện tại CLB bao gồm 12 thành viên, là nơi gặp gỡ chia sẻ của những số phận hoàn cảnh khác nhau như: bị hạn chế vận động, hai chân bị dị tật, tim bẩm sinh, cong vẹo cột sống, liệt nửa người...
Hàng tháng, CLB tổ chức sinh hoạt ít nhất 1 buổi chính thức, thường tranh thủ vào buổi tối để không bị ảnh hưởng đến lịch học tập của các thành viên. Hoạt động của CLB Nghị lực tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập cũng như cuộc sống của những sinh viên khuyết tật trong và ngoài trường.
"Thân hình tôi khuyết tật nhưng trái tim và tâm hồn tôi không khuyết", đó là châm ngôn sống của chàng sinh viên Nguyễn Văn Tuân, Chủ nhiệm CLB Nghị lực. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Tuyên Quang, hiện Tuân đang học lớp công nghệ thông tin K14E.
Tuân tâm sự: "Đang là một người hoàn toàn bình thường, sau một lần mình bị sốt cao, đôi chân bị teo lại. Cuộc sống của mình bị đảo lộn, mọi sinh hoạt đều phải cố gắng khắc phục, dần dần cũng thành quen"
Trong học tập, Tuân đã đạt được một số thành tích như: Báo Tuổi trẻ trao học bổng Tiếp sức đến trường, Đại học Thái nguyên trao tặng học bổng dành cho sinh viên có thành tích xuất sắc trong phong trào công tác hội sinh viên, Hội sinh viên nhà trường trao giấy khen... Với những cố gắng của bản thân, chàng trai nhỏ bé nhưng đầy nghị lực luôn có quyết tâm với ước mơ trở thành một người diễn giả mang đến những nguồn năng lượng tích cực, tạo động lực cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn khác vươn lên trong cuộc sống.
"Không chỉ với tôi mà tất cả 12 thành viên của CLB đều cảm thấy Nghị lực như ngôi nhà thứ 2 của mình. Ở đây, chúng tôi được đối xử bình đẳng, không phân biệt dù bạn là người bình thường hay khuyết tật. Đó chính là động lực giúp chúng tôi tự tin hòa nhập với cuộc sống". Tuân chia sẻ tiếp.
ThS. Lê Anh Tú - Chủ tịch Hội sinh viên chia sẻ: "CLB được thành lập với mong muốn tập hợp các bạn sinh viên khuyết tật trong và ngoài trường, tạo thành một ngôi nhà chung giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi cho các bạn, truyền tải những thông điệp đến các bạn như sống có ích, tự lực trong cuộc sống".
Được sự quan tâm của các thầy cô trong trường, đến nay CLB ngày càng phát triển, đem lại động lực giúp các bạn sinh viên khuyết tật hòa nhập tích cực với bạn bè và cộng đồng. Bên cạnh đó, nhà trường còn phối hợp với các doanh nghiệp, ký kết thỏa thuận hợp tác về việc tiếp nhận sinh viên khuyết tật thực tập, làm việc tại doanh nghiệp, tạo cơ hội cho các bạn có công việc ổn định khi ra trường.
Trong thời gian tới, CLB sẽ tiến hành tổ chức các buổi tọa đàm chia sẻ về nghị lực ở các trường THPT trên địa bàn Thái nguyên, trang bị cho các thành viên trong CLB các kiến thức kỹ năng cần thiết như kỹ năng thuyết trình, giao tiếp...
Viết tiếp những giấc mơ... Sinh ra vốn không được bình thường như những đứa trẻ khác do di chứng của chất độc hóa học, nhưng bằng sự ham học, chị Lê Thị Lan Anh đã vượt lên số phận, chiến thắng bản thân để viết tiếp những giấc mơ của mình và đóng góp tích cực cho xã hội. Nghị lực và ý chí vươn lên của...