Cấp cứu vì tập thể dục theo đĩa CD
Tập thể dục theo đĩa CD, đang tập đến bài luyện tim mạch thì chị Thương thấy cơ thể mệt nhoài, không đưa nổi tay chân lên và ngất đi lúc nào không hay…
Tập tại gia, ngất tại chỗ
Chị Nguyễn Hoài Thương (Trần Khát Chân, Hà Nội) thấy bạn bè khen đĩa CD tập thể dục của MC NCKD (hải ngoại) hay, có hiệu quả trong việc rèn luyện sức khoẻ và giữ dáng liền mua về tập theo. Cứ sau bữa tối khoảng 30 phút, chị tập theo đĩa. Đĩa có 6 bài tập, mỗi bài dài 5 phút.
Ngày tập đầu tiên thấy cơ thể đau nhức, mệt mỏi, nhưng vì chủ quan cho rằng bài tập ngắn lại lâu ngày không vận động nên mệt và đau cơ là chuyện thường. Ngày thứ hai, khi đang tập đến bài luyện tim mạch thì cơ thể mệt nhoài, không đưa nổi tay chân lên và ngất đi lúc nào không hay. May mà chị được người nhà đưa vào viện cấp cứu kịp thời.
Video đang HOT
Lên kế hoạch tập phù hợp, chú ý sự thay đổi thể trạng để điều chỉnh hợp lý.
Theo ThS.BS Nguyễn Văn Phú – Trưởng khoa Y học thể thao (Bệnh viện y học thể thao Việt Nam), đây không phải là trường hợp cá biệt khi tập thể dục theo đĩa được lập sẵn chương trình như hiện nay. Đĩa nào không có hướng dẫn cho từng nhóm đối tượng đặc biệt (thanh thiếu niên đang ở lứa tuổi dậy thì, người cao tuổi, người mang thai…) là chưa hợp lý.
Nhưng người dùng đĩa cũng sai khi chỉ cần mua về và áp dụng, không thông qua người hướng dẫn hoặc kiểm tra sức khoẻ, tự sàng lọc có hợp hay không. “Mặc dù thông thường bài tập được phổ biến ra cộng đồng và được nhiều người tập thì nói chung là bài tập đó có thể tập được. Tuy nhiên cần hướng dẫn riêng cho từng đối tượng và khi động tác quá khó”, ThS Phú cho hay.
Sàng lọc chương trình trước khi tập
Theo ThS.BS Phú, khi tập thể dục theo chương trình, cần có người hướng dẫn để tránh phản tác dụng. Tập luyện quá mức gây nên đau cơ, sang chấn về khớp, rối loạn hệ chức năng, khó thở hụt hơi dẫn đến trụy tim, làm khởi phát tình trạng bệnh tiền sử, rối loạn nội tiết… Nếu tập đủ động tác mà không đạt yêu cầu cũng không giúp cải thiện sức khoẻ.
Giáo viên hướng dẫn thể dục thẩm mỹ Đào Thu Hương (Trung tâm thẩm mỹ Body, Hà Nội) cho biết: Có thể tập tại nhà riêng theo đĩa mà không người hướng dẫn với các điều kiện như người tập nên biết tự sàng lọc trước. Ví dụ, xem đĩa này có hợp với trình độ vận động của mình hay không phù hợp với sức khoẻ và lứa tuổi nào…
Khi tập cần lên kế hoạch tập phù hợp và chú ý đến sự thay đổi thể trạng để điều chỉnh hợp lý như: Xem qua một lượt các động tác của đĩa và tự xây dựng kế hoạch cho riêng mình, ước xem mình đạt được đến đâu. Đầu tiên nên tập 70% số động tác, sau đó tăng dần thêm 5% nữa trong vòng vài ba tuần. Lúc tập nên chậm sau đó nhanh dần để tập đúng động tác được hướng dẫn. Điều này giúp tránh cơ thể bị quá ngưỡng và gây ra các phản ứng thái quá.
Ba dấu hiệu người tập tự kiểm soát sức khoẻ khi tập theo đĩa là cảm giác đau, nhịp tim và trống ngực. Tập có cảm giác đau nhưng nhẹ, đến buổi tập ngày hôm sau cảm thấy bình thường là an toàn. Về nhịp tim chỉ nên dừng lại ở mức 60 – 70% theo công thức: 220 – (số tuổi) = nhịp tim tối đa. Nếu đạt mức tối đa tức là cơ thể đang ở trạng thái cực kỳ nguy hiểm. Ngoài ra, nên giảm cường độ tập khi trống ngực đánh thình thịch. (ThS.BS Nguyễn Văn Phú)
Theo Thu Hiền
Bee