Cảnh báo trẻ bị tật giật mắt, nhăn mũi vì chơi điện thoại ‘giết thời gian’
Nếu con trẻ thường xuyên chơi trò chơi trên điện thoại thông minh và sau đó có tình trạng nháy giật mắt, cơ hàm, giật mũi… thì có thể trẻ đã bị hội chứng Tic.
Phụ huynh đừng để con “giết thời gian” bằng điện thoại thông minh, máy tính bảng – Ảnh: Nguyên Mi
Tật do “cắm” mặt vào điện thoại, máy tính bảng
Hội chứng Tic không gây tổn thương về mặt thể chất đối với trẻ nhưng tạo thành tật trong não, không có thuốc điều trị dứt điểm mà chủ yếu là điều chỉnh tâm lý, thói quen, cách sinh hoạt
Thấy con gần đây thường có biểu hiện giật mắt, nhíu mày, nhăn mũi, chị Đ.T.B (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) đã cho con – bé N.M.N (5 tuổi) đi khám mắt. Qua thăm khám và làm nhiều kiểm tra, bác sĩ xác định bé không bị bệnh gì về mắt hay khả năng thị giác.
Bé N. sau đó được chuyển qua Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) để kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ xác định bé bị hội chứng Tic. Theo lời kể của gia đình, do đang trong kỳ nghỉ hè, bé ở nhà hiếu động, thường nghịch phá, chiếc điện thoại, máy tính bảng được dùng để làm “bảo mẫu” giữ cho trẻ ngồi yên. Bé thường xuyên được ông bà và ba mẹ cho xem các chương trình, chơi các trò chơi trên điện thoại, máy tính bảng. Thậm chí, có khi bé N. ngồi chơi say sưa đến hơn 2 tiếng đồng hồ.
Với mức độ của bé N., các bác sĩ không can thiệp cho uống thuốc mà chủ yếu dặn dò gia đình không cho trẻ xem điện thoại, máy tính bảng hay ti vi nữa. Thay vào đó, cần chơi đùa với trẻ, cho trẻ chơi các trò chơi vận động, các hoạt động ngoài trời. Như thế, từ từ trẻ sẽ “quên”, hết giật mắt, nhăn mũi.
“Tic, không có thuật ngữ dịch ra tiếng Việt, là hiện tượng chuyển động của cơ lặp đi lặp lại, thường là cơ vùng mặt, cơ vai; hiếm hơn có thể tạo ra âm thanh (gừ gừ), mũi nhăn, máy mắt, giật đầu, nhăn mặt, nhún vai, cắn môi… Trẻ có khi bị giật cơ vài cái rồi hết, có khi bị liên tiếp không chịu hết, có trường hợp nặng kéo dài cả năm”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết.
Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trẻ đến khám với những biểu hiện như trên và được chẩn đoán bị hội chứng Tic, thường tập trung nhiều vào dịp nghỉ hè, nghỉ tết. Thời gian này, bệnh viện điều trị 4 – 6 ca mỗi ngày. Hầu hết đều có cùng nguyên nhân: trẻ được gia đình cho chơi điện thoại, máy tính bảng, xem ti vi để… ngồi yên.
Giúp trẻ rời xa thiết bị công nghệ
Video đang HOT
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), giải thích: Khi trẻ chơi, xem điện thoại thông minh, máy tính bảng hay coi ti vi quá nhiều, mắt căng thẳng, trẻ bị tập trung vào màn hình thì các cơ cổ, các cơ xung quanh lúc nào cũng căng và trong trạng thái tập trung. Khi đó, sẽ dẫn đến trạng thái mỏi cơ. Khi cơ mỏi, không được nghỉ ngơi, sẽ rung, giật tự phát và đưa đến tình trạng Tic.
Theo các bác sĩ, để chẩn đoán trẻ bị hội chứng Tic, trước đó trẻ đã được thăm khám và loại trừ tất cả những tổn thương thực thể khác (như bệnh lý về mắt, tật khúc xạ, viêm xoang, động kinh, thiếu dinh dưỡng…).
Hội chứng Tic không gây tổn thương về mặt thể chất đối với trẻ nhưng tạo thành tật trong não, không có thuốc điều trị dứt điểm mà chủ yếu là điều chỉnh tâm lý, thói quen, cách sinh hoạt. Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, may mắn là đa số trẻ chỉ bị tạm thời rồi hết dần, hiếm khi cần uống thuốc.
Tuy nhiên, bác sĩ Khanh lưu ý phụ huynh càng chê, la mắng trẻ giật mắt, giật miệng, lắc đầu… là xấu, sẽ thành tật, thì tình trạng trẻ bị càng nặng hơn.
“Đừng tập trung vào chuyện bị Tic mà quên chuyện Tic đi. Hãy cho trẻ chơi trò khác, để trẻ thư giãn, ngủ đủ giấc. Đặc biệt, không cho trẻ chơi máy tính bảng, điện thoại thông minh hay xem ti vi nhiều”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến hướng dẫn phụ huynh nên khéo léo giúp trẻ rời xa màn hình thiết bị công nghệ. Nếu trẻ đã thuộc dạng “nghiện”, mỗi ngày chơi nhiều giờ, khóc la, tỏ ra hung bạo khi bị lấy mất điện thoại hay máy tính bảng thì phụ huynh nên giảm từ từ. Với trẻ chưa “nghiện” thì chỉ cần vài ngày là từ bỏ được chiếc điện thoại, với trẻ nghiện thiết bị công nghệ rồi thì có thể mất nhiều tuần.
Ví dụ, trước đây mỗi ngày trẻ chơi 2 giờ thì ba mẹ nên giảm dần trong một ngày chỉ cho trẻ chơi 1 giờ; tuần sau, giảm thời gian chơi nhiều hơn nữa. Trẻ không cần cai điện thoại hoàn toàn nhưng hạn chế càng nhiều càng tốt.
“Để làm được điều này, phụ huynh phải cho bé các phương án thay thế món đồ chơi công nghệ. Đó có thể là đồ chơi bình thường, đồ chơi phát triển trí tuệ, hoặc hay hơn là cho trẻ tham gia một môn thể thao, các hoạt động vui chơi ngoài trời”, bác sĩ Tiến chia sẻ. Như vậy, sau một thời gian, hội chứng Tic của trẻ sẽ giảm dần và chấm dứt.
Theo Thanh niên
Hoang mang khi nghe con mắc bệnh Tic
Thấy con bỗng dưng hay nháy mắt, giật mũi, nhún vai, lắc đầu, giật cơ hàm..., nhiều cha mẹ sợ con mắc bệnh nan y.
Do cha mẹ đi làm công nhân cả ngày trong khu công nghiệp nên bé trai (sáu tuổi, ngụ Bình Dương) thường ở nhà với ông bà ngoại. Ông bà đã lớn tuổi, ngại quản sự hiếu động của cháu, thấy cho coi tivi hoặc chơi điện thoại thì cháu xem chăm chú, xao nhãng chuyện nghịch phá nên rất yên tâm. Từ đó, kể cả giờ nghỉ trưa, nếu cháu đòi xem tivi hay điện thoại, ông bà đều chiều.
Bỗng dưng trẻ nheo mắt, giật miệng
Chừng nửa tháng nay, cha mẹ bé về nhà thấy con trai bỗng dưng có biểu hiện hay nheo mắt, giật giật miệng. Lo sợ con có vấn đề về thần kinh hoặc gặp rối loạn ở mắt nên họ đã đưa con đến khám ở BV Nhi đồng 1 (TP.HCM).
Tại đây, sau khi loại trừ các bệnh liệt mặt, méo mặt, viêm kết mạc mắt và các rối loạn thần kinh khác, bé được chẩn đoán mắc rối loạn tic, một dạng rối loạn vận động hoặc âm thanh, lặp đi lặp lại nhiều lần. Bé được bác sĩ (BS) cho uống thuốc và hẹn tái khám, đồng thời khuyên cha mẹ nên ngưng cho con chơi điện thoại, xem tivi, dành nhiều thời gian tương tác với con như cùng chơi các trò chơi, đạp xe, bơi lội...
Một trường hợp khác là bé trai (12 tuổi, ngụ TP.HCM) mặc dù được cha mẹ đưa rước đi học hằng ngày nhưng vẫn lén trốn đi chơi game. Hai tháng trước, cậu bé xuất hiện biểu hiện nheo mắt với cường độ ngày càng dày nên được mẹ đưa tới gặp BS chuyên khoa mắt. Thấy cậu không cận thị, không viêm kết mạc..., BS khuyên bà mẹ đưa con đi khám khoa thần kinh.
Tại BV Nhi đồng 1, các BS nhận thấy ngoài nheo mắt, cậu bé còn có thêm biểu hiện giật ở cơ dưới cổ và cơ bụng. Sau khi được cho uống thuốc và hẹn tái khám, BS khuyên cậu cần từ bỏ game.
Bác sĩ khoa Nhiễm-Thần kinh BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) đang khám thần kinh cho trẻ. Ảnh: HL
Trẻ rối loạn Tic khá phổ biến
Theo ThS-BS Nguyễn Thị Thùy Vân, khoa Nhiễm-Thần kinh BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), mỗi ngày khoa tiếp nhận 8-10 ca bị rối loạn tic trong số 60-70 ca đến khám rối loạn thần kinh, độ tuổi từ hai đến 16. Thông thường khi cha mẹ nghe con bị rối loạn tic thì rất bất ngờ vì chưa từng nghe qua. Bệnh này không nguy hiểm nhưng gây mất thẩm mỹ cho trẻ khiến cha mẹ rất stress. Trẻ mắc rối loạn tic thường do cha mẹ quá bận bịu, giao con cho ông bà giữ hoặc cho con xem tivi, Internet, chơi game, chơi iPad... quá nhiều.
Rối loạn Tic (Tic disoder) là cử động bất thường của các cơ, lặp đi lặp lại không kiểm soát được. Nếu xảy ra ở các cơ vận động thì được gọi là "Tic vận động", xảy ra ở các cơ hô hấp thì gọi là "tic âm thanh".
Các biểu hiện của bệnh rối loạn tic là trẻ thường nheo mắt, nháy mũi, nháy miệng, khi la thì trẻ dừng nhưng sau đó lại lặp đi lặp lại. Một số trẻ gặp rối loạn tic phức tạp hơn như giật ở dưới bụng, rối loạn âm thanh như có thể phát ra tiếng kêu "ót ót" ở cổ họng như con gà nuốt sợi dây thun, số khác giật bụng, tay chân. Khi làm xét nghiệm khác trẻ đều bình thường, chụp cộng hưởng từ MRI não không có tổn thương thực thể trên não, đo điện não không có bệnh lý, không có bất thường về tai mũi họng, mắt.
Cũng theo BS Vân, chưa có nghiên cứu cho thấy trẻ lạm dụng công nghệ là nguyên nhân dẫn đến rối loạn tic vì khi công nghệ chưa phát triển, bệnh này đã được lịch sử y khoa ghi nhận. Tuy nhiên, khi được khuyên từ bỏ thiết bị công nghệ, những trẻ mắc bệnh lại cải thiện tình trạng rất tốt. Trẻ bệnh nhẹ có thể được điều trị bằng thuốc bổ và làm biện pháp tâm lý, đa phần chỉ cần theo dõi ngoại trú và tái khám định kỳ. Trẻ bị nặng phải dùng thuốc đặc trị nhưng giai đoạn này thường rất khó chữa, cha mẹ phải kiên trì phối hợp cùng BS.
Cá biệt, cách đây hai năm có trường hợp quá nặng đã phải nhập viện điều trị hơn hai tuần. Đó là trường hợp một bé trai (13 tuổi), khi tới bệnh viện đã ở trong tình trạng giật liên tục mặt, uốn người, uốn cổ, phát ra âm thanh ở cổ họng... Mặc dù các kết quả xét nghiệm bình thường nhưng BS vẫn cho trẻ nhập viện điều trị để phòng ngừa các biến chứng thần kinh. "Cha mẹ nên để ý các dấu hiệu bệnh tic như ở trên để đưa con đi khám kịp thời. Không nên cho con trẻ lạm dụng công nghệ, tăng cường thời gian gần gũi, chơi trò chơi vận động với con như bơi lội, chơi cờ, đạp xe đạp..." - BS Vân khuyến cáo.
Chăm sóc tâm lý cho trẻ bị rối loạn Tic
- Giải thích cho trẻ đầy đủ về vấn đề của trẻ, cố gắng thuyết phục trẻ tham gia vào việc giải quyết vấn đề đó.
- Hạn chế các yếu tố tâm lý gây căng thẳng, lo lắng cho trẻ như học tập. Nghỉ ngơi hợp lý, tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, vui vẻ.
- Tránh la mắng, ép trẻ làm theo mệnh lệnh cứng nhắc. Nên chú ý lắng nghe trẻ, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn trẻ gặp phải.
- Động viên trẻ, tạo niềm tin và sự yên tâm cho trẻ.
- Tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, hợp tác với bác sĩ trong quá trình điều trị cho trẻ.
(Nguồn: Khoa Thần kinh, BV Nhi đồng 2, TP.HCM)
Hoàng Lan
Theo PLTPHCM
Trẻ bị tật từ... smartphone? Bé trai có hiện tượng giật vùng mắt, cơ hàm, phụ huynh nghi ngờ hội chứng TIC nhưng bác sĩ đưa ra nhiều nhóm nguyên nhân. Ảnh minh họa Bạn đọc H.C. (hachuye...@gmail.com) hỏi: Con tôi có biểu hiện hay nháy mắt, giật cơ hàm. Tôi tìm hiểu qua mạng, nghi ngờ bé mắc hội chứng TIC. Tôi mong được tư vấn thêm....