Cảnh báo tình trạng rung nhĩ nguy hiểm và phổ biến gấp 3 lần so với thực tế
Các nhà khoa học Mỹ phát hiện tình trạng rung nhĩ – một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đột quỵ và cục máu đông – thực tế nguy hiểm và phổ biến gấp 3 lần so với những ước tính trước đây.
Tình trạng rung nhĩ được phát hiện phổ biến gấp 3 lần so với thực tế. (Ảnh: Getty)
Một nghiên cứu mới tại Mỹ đã chỉ ra rằng rung nhĩ (Afib), một loại loạn nhịp tim thường gặp có tỷ lệ mắc tăng lên theo tuổi, thực tế đang ngày càng trẻ hóa và phổ biến gấp 3 lần so với suy nghĩ trước đây.
Theo ước tính từ hơn hai thập kỷ trước, 3,3 triệu người trưởng thành ở Mỹ bị rung nhĩ, nhưng các nhà nghiên cứu tại Đại học California, San Francisco (UCSF), phát hiện ra rằng thực tế Afib ảnh hưởng đến 10,5 triệu người lớn, tương đương gần 5% dân số trưởng thành ở nước này.
Các nhà nghiên cứu tại UCSF đã xem xét hồ sơ bệnh án của gần 30 triệu người trưởng thành đã được điều trị cấp tính hoặc từng làm thủ thuật y tế tại California từ năm 2005-2019 và phát hiện ra rằng khoảng 2 triệu bệnh nhân trong số đó đã được chẩn đoán mắc bệnh rung nhĩ.
Số lượng chẩn đoán tăng theo thời gian, từ gần 4,5% bệnh nhân trong giai đoạn 2005-2009 tăng lên 6,8% bệnh nhân trong giai đoạn 2015-2019. Sau đó, dữ liệu được chuẩn hóa để có tính đại diện trên toàn quốc, giúp các nhà nghiên cứu ước tính con số cuối cùng là ít nhất 10,5 triệu trường hợp bị rung nhĩ trên toàn nước Mỹ.
Rung nhĩ là một tình trạng rối loạn nhịp tim đang ngày càng trẻ hóa. (Ảnh: iStock)
Rung nhĩ là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đột quỵ và có thể làm tăng nguy cơ suy tim, cục máu đông, bệnh thận mãn tính và chứng mất trí .
Tiến sỹ Gregory Marcus, tác giả chính của nghiên cứu và là bác sỹ tim mạch tại UCSF Health, cho biết các nhà nghiên cứu đã nghi ngờ chứng rung nhĩ phổ biến hơn so với ước tính trước đây, nhưng họ vẫn ngạc nhiên trước mức độ khác biệt thực tế lớn được quan sát thấy trong nghiên cứu.
Tiến sỹ Marcus hy vọng những phát hiện của nghiên cứu sẽ dẫn đến việc phân bổ nhiều nguồn lực hơn để giúp đỡ bệnh nhân Afib, bao gồm nhiều nguồn tài trợ hơn cho nghiên cứu và điều trị.
Video đang HOT
Lý giải về sự gia tăng số lượng bệnh nhân bị rung nhĩ, các chuyên gia cho biết có thể là do sự kết hợp của nhiều chứng bệnh mãn tính và việc phát hiện bệnh được cải thiện nhờ các thiết bị hiện đại.
“Những người mắc các bệnh lý mãn tính, chẳng hạn như huyết áp cao, tiểu đường, hội chứng chuyển hóa, béo phì, ngưng thở khi ngủ và các vấn đề y tế khác… đều có nguy cơ cao bị tình trạng rung nhĩ,” Tiến sỹ Paul Wang, Giám đốc Dịch vụ chăm sóc rối loạn nhịp tim Stanford, cho biết.
Tiến sỹ Rod Passman, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu loạn nhịp tim tại Đại học Northwestern, nói thêm rằng béo phì – hiện cũng đang gia tăng ở Mỹ cũng như ở nhiều nước trên thế giới nói chung – thường là nguyên nhân gây ra các trường hợp rung nhĩ ở những bệnh nhân trẻ tuổi.
Phát hiện và điều trị sớm tình trạng rung nhĩ rất quan trọng để giảm nguy cơ bị đột quỵ.(Ảnh: iStock)
Các ca bệnh rung nhĩ cũng được phát hiện nhiều hơn sau khi các thiết bị điện tử như Apple Watches và Fitbits ra đời.
Tiến sỹ Passman cho hay hầu như tuần nào văn phòng của ông cũng có trường hợp bệnh nhân báo cáo rằng Apple Watch của họ cảnh báo họ bị rung nhĩ nhưng bản thân họ không cảm thấy gì cả.
Ông lưu ý những trường hợp này cần phải đến khám bác sỹ để được chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe của mình. Phát hiện và điều trị sớm rất quan trọng vì có thể làm giúp giảm nguy cơ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như đột quỵ và cục máu đông.
Vào năm 2016, toàn thế giới ghi nhận 46,3 triệu người mắc rung nhĩ. Dự đoán đến năm 2050, số lượng người mắc rung nhĩ tiếp tục gia tăng thêm khoảng 23%. Riêng tại châu Á dự đoán có ít nhất 72 triệu người bị rung nhĩ và có 3 triệu người đột quỵ do rung nhĩ vào năm 2050.
Để giảm nguy cơ rung nhĩ cũng như các bệnh tim mạch, các chuyên gia y tế khuyên bạn cần xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh và điều độ; ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng; có chế độ ăn hợp lý, không uống rượu bia, hút thuốc lá bởi những chất kích thích này có thể làm xấu hơn các tình trạng rối loạn nhịp tim.
Nếu mắc các bệnh lý mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu… thì cần theo dõi và điều trị ổn định các tình trạng này. Lưu ý không tự ý uống thuốc, kể cả các loại thuốc thông thường bởi một số thuốc có thể ảnh hưởng đến tình trạng rối loạn nhịp hoặc tương tác với thuốc chống loạn nhịp./.
4 rối loạn nhịp tim thường gặp tiềm ẩn nguy cơ gây đột tử
Rối loạn nhịp tim là tình trạng bất thường về nhịp tim, thay đổi dòng máu lên não và các cơ quan, gây hậu quả nặng nề thậm chí tử vong.
TS.BS Ngô Chí Hiếu, Khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội cho biết, rối loạn nhịp tim là tình trạng bất thường trong quá trình tạo nhịp và dẫn truyền điện học, khi đó nhịp tim quá nhanh (tần số hơn 100 lần/phút) hoặc quá chậm (tần số dưới 60 lần/phút), nhịp tim cũng có thể không đều lúc nhanh lúc chậm.
Rối loạn nhịp tim là bệnh lý khá phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính với nhiều hình thái khác nhau. Có thể kể đến 4 rối loạn nhịp tim thường gặp nhất, tiềm ẩn nguy cơ cao gây đột tử.
Ngoại tâm thu - rối loạn nhịp tim phổ biến nhất
Đây là rối loạn nhịp tim phổ biến nhất. Ngoại tâm thu là tình trạng xuất hiện các ổ phát nhịp ngoại lai ở tâm thất hoặc tâm nhĩ. Các ổ phát nhịp này phát ra xung nhịp cạnh tranh với với ổ chủ nhịp, do vậy tạo ra các nhịp tim ngoại lai.
Người bị ngoại tâm thu thường xuất hiện cảm giác hồi hộp, đánh trống ngưc, khó thở, mệt mỏi. Ảnh minh họa
Người bị ngoại tâm thu thường xuất hiện cảm giác hồi hộp, đánh trống ngưc, khó thở, mệt mỏi. Bệnh tiến triển nặng làm tim co bóp không đều, giảm dòng chảy tưới máu mạch vành dẫn đến suy tim, tăng nguy cơ đột tử. Do đó ngay khi có các triệu chứng bất thường, người bệnh cần được thăm khám chuyên khoa để kịp thời điều trị.
Rung nhĩ - rối loạn nhịp nhanh khá phổ biến
Rung nhĩ, còn gọi là rung tâm nhĩ, là rối loạn nhịp nhanh khá phổ biến. Đây là tình trạng xuất hiện nhiều ổ phát nhịp liên tục ở tầng nhĩ. Tâm nhĩ co bóp nhanh hơn, hỗn loạn hơn, do đó dòng máu xuống tâm thất và đại tuần hoàn không ổn định. Tần số tim phát không đều, gây các rối loạn về huyết động, tụt huyết áp và suy tim.
Người bị rung nhĩ thường có cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở, choáng váng. Tuy nhiên, người bệnh rung nhĩ mãn tính có thể không cảm thấy triệu chứng rõ ràng.
TS.BS Ngô Chí Hiếu, Khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội
Người bị rung nhĩ nếu không được được điều trị kịp thời, tim thường xuyên phải đập nhanh khiến tim bị giãn ra, ảnh hưởng đến quá trình bơm máu tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới suy tim. Rung nhĩ, cùng với cuồng nhĩ, là hai tình trạng có thể dẫn đến việc hình thành cục máu đông trong nhĩ trái, khi cục máu di chuyển lên não sẽ gây ra đột quỵ, nhồi máu não. Theo thống kê, khoảng 5% trường hợp đột quỵ hàng năm là do rung nhĩ.
Block nhĩ thất - nguy cơ đột tử cao
Block nhĩ thất là tình trạng tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ dẫn truyền xung điện từ tâm nhĩ đến tâm thất.
Nhịp tim trung bình của người khỏe mạnh dao động từ 60 - 100 lần/phút, được điều khiển bằng hệ thống thần kinh tự động, truyền dẫn từ tâm nhĩ đến tâm thất. Nếu con đường này bị tắc nghẽn sẽ tạo thành block nhĩ thất. Tùy vào mức độ tắc nghẽn mà block nhĩ thất được chia ra thành các mức độ khác nhau: block nhĩ thất độ 1, block nhĩ thất độ 2, block nhĩ thất độ 3.
Nếu không điều trị kịp thời, block nhĩ thất có thể dẫn đến tình trạng tim đập chậm, ngừng đập, suy tuần hoàn, đột quỵ, thậm chí dẫn đến tử vong... Ảnh minh họa
Ở giai đoạn đầu, triệu chứng của block nhĩ thất khá giống các bệnh lý khác nên dễ dàng bị bỏ qua. Nhiều bệnh nhân chỉ đến khi bệnh tiến triển nặng mới được phát hiện. Nếu không điều trị kịp thời, block nhĩ thất có thể dẫn đến tình trạng tim đập chậm, ngừng đập, suy tuần hoàn, đột quỵ, thậm chí dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn sau khi khởi phát bệnh.
Nhịp nhanh thất - một trong những rối loạn nhịp tim nguy hiểm nhất
Nhịp nhanh thất là một trong những rối loạn nhịp tim nguy hiểm nhất. Đây là tình trạng cơ tâm thất co bóp với tần số rất nhanh 140-160 nhịp/phút. Tâm thất không đủ thời gian làm đầy thất, tim bóp rỗng, dẫn đến thiếu máu nuôi toàn bộ cơ thể.
Người bị nhịp nhanh thất có thể ngất xỉu, choáng váng, cần phải được xử lý cấp cứu ngay nếu không có thể dẫn tới các di chứng không thể hồi phục.
Người bị nhịp nhanh thất có thể ngất xỉu, choáng váng, cần phải được xử lý cấp cứu ngay nếu không có thể dẫn tới các di chứng không thể hồi phục. Ảnh minh họa
Bác sĩ Ngô Chí Hiếu cho biết người bệnh bị nhịp nhanh thất thường do hậu quả của thiếu máu cơ tim hoặc do các rối loạn nhịp khác không được phát hiện và điều trị hiệu quả. Để phát hiện sớm và phòng ngừa nhịp nhanh thất, mọi người cần kiểm tra tim mạch định kỳ, đặc biệt ở những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch cao như người cao tuổi, béo phì, hút thuốc lá....
Trên đây là 4 loạn rối loạn nhịp tim nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ đột tử cao. Ngay khi có các biểu hiện, triệu chứng bất thường như khó thở, đau tức ngực, hồi hộp, đánh trống ngực, ngất xỉu, chóng mắt... bạn cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. Đồng thời, bạn nên xây dựng thói quen thăm khám tổng quát, định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần để đánh giá và theo dõi tình trạng sức khỏe.
Người đàn ông phải cấp cứu sau bữa ăn một mình tại nhà Sau ăn 30 phút, ông T. xuất hiện dấu hiệu tê lưỡi, buồn nôn và khó thở. Gia đình đã vội vàng đưa đi cấp cứu nhưng bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng nguy kịch, ngừng thở. Ông H.Đ.T. (68 tuổi, trú tại thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) được người nhà đưa vào viện cấp cứu do ngộ độc...