Cách phiên âm tiếng nước ngoài trong sách giáo khoa: Có còn hợp với thời 4.0?
Trong sách giáo khoa bậc phổ thông hiện nay, tên riêng, tên địa danh… nước ngoài vẫn được viết theo lối phiên âm có gạch ngang.
Ngay cả trong các cuốn sách giáo khoa của Chương trình phổ thông mới, việc phiên âm vẫn được duy trì, tất nhiên, có một số điều chỉnh ở từng khối lớp. Tuy không quá lộn xộn, bất nhất, song thực tế cho thấy cách làm này vẫn gây trở ngại với học sinh. Nhiều ý kiến cho rằng, đã hội nhập quốc tế, và học sinh đã được học ngoại ngữ, thì việc phiên âm đã ‘hoàn thành sứ mệnh lịch sử’.
Phiên âm trong sách giáo khoa Tiếng Việt (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống). Ảnh: Vân Trang.
Gặp khó với phiên âm
Nhiều phụ huynh cảm thấy bất ngờ khi xem sách giáo khoa (SGK) của con. Trong đó, có chuyện phiên âm tiếng nước ngoài trong SGK theo chương trình mới. Chị Khương Diệp Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) kể rằng, chị có 2 con học lớp 3 và lớp 7. Khi kiểm tra SGK của con, chị ngạc nhiên khi thấy các nhà soạn sách vẫn còn sử dụng cách phiên âm tên riêng nước ngoài theo kiểu đọc như thế nào thì viết như vậy. “Tôi không nghĩ rằng SGK vẫn còn dùng cách phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài. Bây giờ trong nhà trường đều đã bắt buộc dạy ngoại ngữ, với trình độ của các con hiện nay đều có thể phát âm chuẩn xác tên các nhân vật lịch sử, địa danh nước ngoài rồi”.
PGS. TS Đặng Thị Oanh – Trưởng tiểu ban Xây dựng và Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông môn Hóa học 2018 cho biết, việc sử dụng tiếng nước ngoài trong SGK mới có sự thống nhất giữa các môn học và cấp học. Môn nào nhắc đến nguyên tố Hóa học thì mới phải dùng tiếng Anh. Tên 13 nguyên tố đã quen dùng trong tiếng Việt tiếp tục được sử dụng nhưng có kèm chú thích tiếng Anh, gồm: vàng, bạc, đồng, chì, sắt, nhôm, kẽm, lưu huỳnh, thiếc, nitơ, natri, kali và thủy ngân.
Không chỉ phụ huynh băn khoăn, nhiều học sinh cũng cảm thấy “có vấn đề”. Tuấn – một học sinh lớp 5 ở Hà Nội cho biết, em gặp khó khăn khi tìm hiểu các địa danh, các nhân vật lịch sử, khoa học kỹ thuật của thế giới. Vì không thể tra trên mạng theo tên các nhân vật mà em đã được học trong SGK để bổ sung kiến thức cho mình.
Tìm hiểu kỹ hơn, được biết, trong SGK dành cho tiểu học, các từ và tên riêng tiếng nước ngoài đều được phiên âm sang tiếng Việt, có cuốn có bảng tra cứu ở cuối sách. Ở bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, sách Tự nhiên và Xã hội lớp 3 ghi khí các-bô-níc, ô-xi; SGK Tiếng Việt 3 phiên âm Vích-to Huy-gô, Liu-xi-a, Pi-vo-va-rô-va.
Sách Ngữ văn 7, bộ Chân trời sáng tạo, cũng phiên âm tiếng Việt tên người nhưng mở ngoặc từ nguyên dạng bên cạnh, ví dụ Rô-mê-ô (Romeo), Sếch-xơ-pia (Shakespeare), Ơ-ni-xơ-tơ Hê-minh-uây (Enest Hemingway). Cuốn Khoa học tự nhiên 7, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, viết: Đê-mô-crit (Democritus), Đan-tơn (J. Dalton), Rơ-dơ-pho (E. Rutherford). Còn ở cuốn Lịch sử và Địa lý lớp 5, các địa danh quen thuộc bỗng có phần lạ lẫm khi được phiên âm: Rừng A-ma-dôn, núi An-đét, hoang mạc Xa-ha-ra…
Giải thích vấn đề phiên âm tiếng nước ngoài trong SGK, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho biết, các từ có nguồn gốc nước ngoài gồm 2 loại: tên riêng nước ngoài (tên người, tên địa lý) và thuật ngữ khoa học. Tên riêng nước ngoài từ trước tới nay có năm cách thể hiện trong sách, báo là: Dịch nghĩa (Thái Bình Dương, Liên Hợp Quốc); phiên âm qua âm Hán Việt (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp); phiên âm tiếng Việt (Niu-Oóc); viết nguyên dạng tiếng nước ngoài đối với những nước sử dụng chữ Latin và chuyển tự đối với một số ngôn ngữ không sử dụng chữ Latin. Thuật ngữ nước ngoài gồm tên các chất hóa học và các thuật ngữ khác, chủ yếu là của các ngành khoa học tự nhiên như Sinh học, Vật lý học.
Khi xây dựng chương trình, ông Thuyết cùng các cộng sự đã đề xuất Bộ GDĐT ban hành quy định chính tả trong chương trình, SGK mới, trong đó ghi rõ, trừ những trường hợp phiên âm Hán Việt hoặc dịch nghĩa đã quen, tất cả trường hợp tên riêng nước ngoài đều giữ nguyên dạng, đối với ngôn ngữ sử dụng chữ viết Latin. Riêng ở tiểu học, học sinh đầu cấp chưa học ngoại ngữ thì phải phiên âm có gạch nối nhưng từ lớp 4 trở lên, khi phiên âm phải chú thích nguyên dạng. Theo đề nghị này, Bộ GDĐT ban hành Quyết định số 1989 hướng dẫn Cách viết tên riêng nước ngoài. Trong đó, trừ cấp tiểu học, Bộ không yêu cầu phiên âm tiếng Việt đối với những cấp học khác.
Nhưng sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 30 về công tác văn thư năm 2020, Bộ đã điều chỉnh quy định về chính tả trong SGK theo Nghị định này. Tất cả tên riêng nước ngoài trong SGK mới đều phải viết dưới hình thức phiên âm tiếng Việt (có chú tên riêng nguyên dạng), kể cả SGK cho học sinh trung học.
Học sinh gặp khó khi tra cứu thông tin trên mạng để tìm hiểu các địa danh mà sách giáo khoa đã hướng dẫn.
Video đang HOT
Đã tới lúc bỏ phiên âm?
Mặc dù những nhà biên soạn SGK đều có những nghiên cứu kỹ về từng độ tuổi và thực thi việc phiên âm theo những quy tắc nhất định, song thực tế cho thấy việc phiên âm vẫn còn những bất cập. Cũng phải khẳng định, chỉ là sự bất cập chứ không phải lộn xộn, vô nguyên tắc.
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng – Tổng chủ biên SGK Tiếng Việt – Ngữ văn, bộ sách Kết nối Tri thức với cuộc sống, thừa nhận rằng, đã là phiên âm thì không thể thống nhất được. Một tên nước ngoài, chẳng hạn như tiếng Đức, Tây Ban Nha, Italy, Thụy Điển thì không nhiều người biết đọc thành tiếng thế nào để phiên âm cho đúng. Đấy là bất cập rất lớn. Vì vậy, mặc dù khi biên soạn SGK mới, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng và các đồng nghiệp rất muốn khắc phục bằng một giải pháp căn bản hơn, khoa học hơn nhưng quy định chính tả hiện nay khiến ý muốn đó không thực hiện được.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi chúng ta đang hội nhập với thế giới, và việc SGK bộ mới cho lớp 7 môn Khoa học tự nhiên, và lớp 10 môn Hóa học đã thực hiện việc đổi tên theo tiếng Anh hàng loạt nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn, thì cớ sao không “đồng bộ hóa” các tên riêng khác theo cách viết đúng với tên nguyên gốc?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng, hiện Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, những từ tiếng nước ngoài xuất hiện liên tục nên dùng phiên âm không hợp lý vì mỗi người phiên âm một cách khác nhau do tai người nghe và quan điểm của người phiên âm. Phiên âm tiếng nước ngoài cũng khiến học sinh gặp khó khăn trong hội nhập do khác xa với nguyên gốc. Các em khó hiểu nổi khi đọc tài liệu nước ngoài. Hơn nữa, lúc tham dự các kỳ thi quốc tế, thi tuyển sinh đại học, thi học sinh giỏi hoặc các hoạt động giao lưu có yếu tố nước ngoài, học sinh sẽ vướng mắc.
Theo GS Thuyết, cách viết phiên âm có thể phù hợp với sách báo phổ cập hoặc văn bản hành chính nhưng SGK thì phiên âm vừa không cần thiết, vừa cồng kềnh, lại không thống nhất. Theo ông, mỗi nước có cách viết khác nhau nhưng phần lớn các nước sử dụng chữ ghi âm (như chữ Latin) đều viết nguyên dạng, không phiên âm tên riêng nước ngoài.
“Việc phiên âm hiện không đến nỗi quá lộn xộn nhưng thời đại này, đối với SGK, nhất là khi học sinh đã bắt đầu học ngoại ngữ rồi, cần phải viết nguyên dạng mới đỡ gây khó khăn cho các em khi hội nhập”, ông Thuyết bày tỏ.
Trao đổi với báo chí, TS Đinh Đức Tiến – Giảng viên khoa Lịch sử – Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) nêu quan điểm: Việc phiên âm tên riêng nước ngoài đến nay đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” của mình, và trong giai đoạn mới hiện nay, nó không còn phù hợp trong việc giảng dạy, hay dùng trên sách báo nữa. “Thứ nhất là việc chúng ta đã phổ biến ngoại ngữ trong trường học, hầu hết học sinh cũng như các thế hệ lớn tuổi hơn đều đã biết ít nhất một ngoại ngữ… Hơn nữa chúng ta đã có những công cụ truyền thông mở, từ tivi, đài báo, thậm chí là các công cụ trên internet… đã quá phổ biến, việc phiên âm như vậy không còn phù hợp nữa”, TS Tiến phân tích, đồng thời nêu giải pháp: Nên giữ nguyên gốc tên riêng nhân vật, địa danh nước ngoài.
“Chúng ta mới chỉ có chuyển tự, tức là hai ngôn ngữ theo hệ thống chữ viết khác nhau thì đưa về một hệ thống chữ viết như tiếng Nga theo hệ chữ Kirin được chuyển về hệ khác như Latin. Tiếng Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Anh đều có cách đọc khác nhau, lấy tiếng Anh đọc tiếng Đức không đúng nhưng không phải ai cũng biết tiếng Đức để đọc. Do đó, tôi nghĩ nên ghi nguyên dạng, có thể mở ngoặc đơn thêm cách đọc tham khảo”.
Đọc tên nguyên tố bằng tiếng Anh, GV có khi phải dành nguyên buổi cho HS phát âm
Khi dạy tích hợp 7, giáo viên phải "bơi" trong bể kiến thức khi phải tìm hiểu thêm các phân môn không đúng chuyên ngành đào tạo.
Năm học 2022-2023, triển khai dạy tích hợp đối với lớp 7, kiến thức "nặng" hơn so với lớp 6 nên giáo viên không dễ gì dạy cả 2-3 phân môn cùng lúc.
Để học tích hợp, có lúc học sinh phải ngồi luyện phát âm nguyên tố hóa học bằng Tiếng Anh
Tốt nghiệp chuyên ngành Sinh - Hoá, cô Hoa về công tác tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Chiềng Sung (huyện Mai Sơn, Sơn La) và được phân công dạy môn Sinh học. Đến nay, dù có nhiều năm kinh nghiệm nhưng khi chuyển sang dạy tích hợp, cô Hoa vẫn gặp nhiều khó khăn.
Giờ thực hành môn Hóa học của học sinh huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh minh họa: Báo Sơn La.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hoa nói: "Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, tích hợp Khoa học tự nhiên có 3 phân môn, trong đó, tôi được trường phân công dạy Sinh học.
Năm học trước, bên cạnh dạy các lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2006, trường phân công tôi dạy phân môn Sinh học trong môn tích hợp Khoa học tự nhiên lớp 6. Năm nay, tôi tiếp tục dạy phân môn này ở lớp 7.
Kiến thức từng phân môn trong tích hợp Khoa học tự nhiên lớp 7 thiết kế khá rõ ràng, không rối rắm nên tôi vừa có thể dạy tốt chuyên môn của mình, vừa đảm bảo liên kết phân môn, đặc biệt là môn Hoá học do chuyên ngành đào tạo sư phạm trước đây của tôi là Sinh - Hoá.
Tuy nhiên điểm khó với giáo viên dạy tích hợp là quá trình kiểm tra, đánh giá. Từ ra đề kiểm tra đến công tác chấm bài, tôi phải dành nhiều thời gian ngồi lại với 2 giáo viên cùng dạy tích hợp Khoa học tự nhiên để xây dựng câu hỏi, phân chia tỷ lệ và chấm bài nên tốn khá nhiều thời gian".
Lý giải nguyên nhân dù tốt nghiệp chuyên ngành Sinh - Hoá nhưng chỉ dạy Sinh học ở tích hợp Khoa học tự nhiên chứ không đảm nhiệm dạy cả Hóa học, cô Hoa cho biết, mục tiêu của nhà trường đang xây dựng là tạo điều kiện để tất cả giáo viên đều được tham gia dạy tích hợp.
Do vậy, trường phân công mỗi giáo viên sẽ đảm nhận 1 phân môn. Hơn nữa, trường chưa có giáo viên được đào tạo tích hợp bài bản, trong khi kiến thức lớp 7 được "nâng cấp" và tách biệt hơn so với lớp 6 nên giáo viên đơn môn khó lòng dạy được cả 2-3 môn cùng lúc.
Năm thứ 2 trực tiếp dạy tích hợp, cô Hoa chỉ ra những khó khăn thách thức đối với giáo viên như cô.
Thứ nhất, bản thân giáo viên chủ yếu được đào tạo đơn môn chuyển sang dạy liên môn nên phải vừa dạy theo chuyên môn của mình, vừa tự học thêm môn khác, sẽ khó đạt chất lượng.
Thứ hai, học sinh ở trường chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số khiến giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian, công sức hơn.
Theo cô Hoa, học sinh của trường ngay cả với vốn Tiếng Việt cũng có những em gặp khó khăn nên năng lực Tiếng Anh của các em rất hạn chế. Việc học và đọc tên nguyên tố hoá học (bằng Tiếng Anh) sai nhiều.
"Do học sinh phát âm sai nên có những buổi chiều, giáo viên phải tổ chức cho học sinh chỉ ngồi học phát âm, đọc đúng tên nguyên tố hoá học để tạo tiền đề dạy tốt môn tích hợp Khoa học tự nhiên", cô Hoa chia sẻ.
Thứ ba, giáo viên sẵn sàng đăng ký học chứng chỉ tích hợp nhưng chưa có lớp đào tạo, kinh phí phải tự lo.
Cô Hoa cho biết, hầu hết giáo viên của trường đã đăng ký học chứng chỉ tích hợp vào tháng 5, 6/2022 với tinh thần sẵn sàng bồi dưỡng kiến thức để đáp ứng yêu cầu chương trình mới. Tuy nhiên, chưa có lớp đào tạo nào được mở khiến giáo viên thấp thỏm, vừa dạy, vừa tự "bơi" trong bể kiến thức mênh mông.
"Việc mở lớp đào tạo chứng chỉ cần thực hiện sớm và vào thời điểm thích hợp như cuối tuần để tạo điều kiện cho giáo viên. Ngoài ra, để việc học tránh đứt gãy kiến thức, lớp đào tạo chứng chỉ cũng có thể được mở vào kỳ nghỉ hè", cô Hoa kiến nghị.
Đội ngũ con người chưa thực sự làm chủ sách giáo khoa chương trình mới
Cùng bàn luận về vấn đề này, thầy Dương Thế Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Chiềng Sung (huyện Mai Sơn, Sơn La) chia sẻ: "Hiện tại, các khoá sinh viên sư phạm đào tạo dạy tích hợp chưa ra trường nên các trường phổ thông không có đội ngũ giáo viên đủ trình độ, chuyên môn dạy tích hợp.
Từ khi triển khai chương trình mới, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Chiềng Sung linh hoạt bố trí giáo viên theo biên chế được giao. Cụ thể, trường có 6 giáo viên đảm nhiệm dạy Khoa học tự nhiên. Còn với môn tích hợp Lịch sử và Địa lý trường phân giáo viên đơn môn Lịch sử và đơn môn Địa lý cùng kết hợp dạy".
Xây dựng thời khoá biểu là "bài toán" khó đối với rất nhiều trường khi triển khai dạy tích hợp lớp 6, 7 và Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Chiềng Sung cũng không ngoại lệ.
Thầy Phó Hiệu trưởng cho biết, việc xếp thời khóa biểu tương đối khó. Bởi, nếu "bổ dọc" theo 2-3 phân môn trong môn tích hợp thì là trái với ý đồ của tác giả viết sách giáo khoa. Trường phải căn cứ vào trình tự, kết cấu của bài học để xây dựng thời khoá biểu, đến nội dung phân môn nào thì giáo viên đó đảm nhận.
"1 môn học vốn để một người dạy thì giờ bổ thành 2-3 người nên chắc chắn sẽ vất vả cho cả thầy và trò vì thời khóa biểu môn học không cố định. Trường cân nhắc bố trí lịch dạy để tránh tình trạng giáo viên có tuần dạy ít, có tuần lại quá tải, đồng thời, tránh để kiến thức liên quan ở phân môn này đã học từ lâu mà mãi sau mới xuất hiện ở phân môn kia", thầy Dương Thế Hiệp chia sẻ.
Cũng theo vị Phó Hiệu trưởng, mục tiêu của dạy tích hợp là để tạo liên kết, cho học trò hình thành góc nhìn đa dạng, tổng hợp. Do vậy, dù phân 2-3 giáo viên dạy chung 1 sách thì trường vẫn quán triệt trong công tác soạn giảng của giáo viên đó là phải chủ động trao đổi, thống nhất kiến thức.
"Ví dụ, đến tuần tới sẽ dạy phân môn Địa lý thì trước đó, giáo viên môn tích hợp Lịch sử và Địa lý phải thảo luận trước để xây dựng chương trình, thống nhất nội dung, liên kết và chuyển giao kiến thức cho nhau", thầy Hiệp cho biết.
Xác định công tác tập huấn, đào tạo chứng chỉ tích hợp cho giáo viên rất quan trọng, góp phần thực hiện thành công chương trình mới, thầy Phó Hiệu trưởng cho biết, thực tế, giáo viên hầu hết muốn đăng ký đào tạo chứng chỉ tích hợp. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, trường không biết khi nào sẽ có lớp đào tạo.
"Dạy tích hợp đòi hỏi giáo viên phải làm chủ kiến thức các phân môn, có sự liên kết với các môn thì mới đạt kết quả. Do vậy, giáo viên hiện vừa dạy, vừa tự bồi dưỡng, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp thì việc truyền thụ kiến thức sẽ không đảm bảo", thầy Hiệp chia sẻ thêm.
Lãnh đạo nhiều trường trung học cơ sở mong muốn bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất để giáo viên đi học, bổ sung chứng chỉ tích hợp. Đồng thời, ngành giáo dục cân nhắc thời gian mở lớp đào tạo. Nếu chỉ tập trung đào tạo hè thì từ nay đến hè sẽ không kịp chuẩn bị đội ngũ, việc dạy học sẽ khó khăn.
"Năm học 2022-2023, trường đáp ứng đủ quân số giáo viên chứ chưa đảm bảo linh hoạt dạy tích hợp. Việc nhiều giáo viên dạy cùng 1 môn tích hợp với phương pháp khác nhau sẽ ngắt quãng mạch kiến thức của học sinh.
Sang năm thứ 2 đưa vào dạy môn tích hợp, lãnh đạo nhà trường nhận thấy, khi không có giáo viên tích hợp chính quy thì để dạy tốt, đầu tiên phải chọn được giáo viên vừa giỏi chuyên môn, vừa có khả năng đánh giá, đúc rút kinh nghiệm. Đồng thời, những giáo viên này phải hiểu được hết ý đồ của người viết sách. Tránh việc "bổ dọc" kiến thức thành 2-3 phân môn riêng lẻ, sẽ dẫn đến trường hợp có kiến thức liên môn đã học ở phân môn này nhưng lại chưa học đến ở phân môn kia.
Trường đang cho giáo viên dạy "đuổi" từ lớp 6 đến lớp 9, tức là giáo viên dạy tích hợp lớp 6 năm trước thì năm nay tiếp tục dạy lớp 7. Khi tập huấn, trường yêu cầu toàn bộ giáo viên không phân biệt khối nào, cũng đều phải tham gia nhằm giúp giáo viên mường tượng ra chương trình như thế nào, cách dạy ra sao để khi bắt tay vào giảng dạy thực tế, giáo viên ít nhiều đã có định hướng, không rơi vào thế bị động.
Mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới là đổi mới, trong đó có đổi mới hướng tiếp cận kiến thức, vì thế phải có chuẩn bị đội ngũ về lâu dài. Khi giáo viên làm chủ được sách giáo khoa chương trình mới thì dạy và học mới hiệu quả. Tuy nhiên, thực chất quá trình dạy tích hợp hiện tại, con người chưa đồng hành với sách. Giáo viên vừa đang khai thác, vừa tìm tòi, tự học kiến thức môn khác, vừa tìm cách làm chủ kiến thức thì khó đạt hiệu quả, nhất là khi những năm tới dạy tích hợp cho lớp 8, 9", Phó Hiệu trưởng nhà trường nhận định.
Với chương trình tích hợp lớp 7, kiến thức nhiều, chuyên sâu hơn lớp 6 nên rất khó để 1 giáo viên đơn môn đảm trách 2-3 phân môn. Hơn nữa, 1 lớp có nhiều đối tượng học sinh khác nhau, trong đó, những học sinh có năng lực học tốt thì đòi hỏi giáo viên phải dạy kiến thức vận dụng, nâng cao.
Sẽ thế nào nếu học trò đặt câu hỏi mà giáo viên lại ậm ừ, bó tay vì đó là kiến thức nằm ngoài môn chính mà lâu nay giáo viên đảm nhiệm?
Cơ sở vật chất đang thiếu, có nên đầu tư hàng ngàn tỷ đồng mua SGK cho HS mượn? Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đồng tình ủng hộ việc chi ngân sách để mua sách giáo khoa cho học sinh mượn học. Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề xuất phương án trích ngân sách 3500 tỷ đồng để mua sách giáo khoa đáp ứng 70% nhu cầu học sinh trong năm học 2023-2024. Trước đó, Chính...