Các món bánh bình dị
Bánh cuốn, bánh bèo chén hay bánh ướt… là những món bánh bình dị, phổ biến, được nhiều người chọn cho bữa điểm tâm ở Sài Gòn.
Bánh cuốn
Đây là món ăn đơn giản nhưng rất tinh tế của người Bắc. Nguyên liệu cơ bản để làm bánh cuốn gồm bột gạo, thịt nạc, nấm hương, một nhĩ và một ít hành phi. Sau khi được làm chín trên nồi hấp, bánh được cuốn lại với nhân thịt, nấm hương, mộc nhĩ đã được xào chín rồi chia thành từng phần nhỏ.
Ăn kèm với bánh cuốn là chả quế được thái từng lát. Ngoài ra một số hàng bánh cuốn còn có thêm bánh tôm nóng giòn ăn kèm rất ngon miệng. Những chiếc bánh cuốn nóng hổi được sắp lên đĩa, thêm một ít rau, hành phi, lát chả quế, miếng bánh tôm cùng một chén nước chấm là đã có một món ăn hấp dẫn cho bạn bữa sáng ngon miệng.
Địa chỉ: hẻm 157 đường Vườn Chuối, phường 4, quận 3, TP HCM. Quán bán vào buổi sáng hằng ngày.
Bánh ướt
Bánh ướt là món ăn bình dị của người dân miền Trung, có thành phần tương tự như bánh cuốn miền Bắc, chỉ khác là không nhân được ăn kèm với chả, nem chua… Nguyên liệu ăn kèm bánh ướt rất phong phú như: thịt nướng, thịt heo quay, lòng heo, tôm, nem… nhưng phổ biến và đơn giản hơn cả là ăn với chả lụa cùng một ít rau thơm, húng quế và giá và hành phi. Nước chấm ăn kèm thường được làm hơi ngọt và có vị chua, tùy theo từng vùng mà nước chấm được pha theo nhiều cách khác nhau. Nước chấm của người miền Trung thường ít chua và đậm hơn, trong khi miền Nam nước chấm được pha rất loãng nhưng vị chua ngọt thì rất hài hòa.
Địa chỉ: 91 Nguyễn Cư Trinh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP HCM để thưởng thức món ăn này. Quán bắt đầu bán từ 6h đến 11h hằng ngày.
Bánh bèo chén
Bánh bèo chén là món ăn phổ biến dọc theo các tỉnh duyên hải miền Trung. Nguyên liệu chính để làm bánh là bột gạo. Tùy từng vùng mà bánh bèo chén được ăn kèm với phần nhân khác nhau như: tôm cháy của xứ Huế hay phần nhân đậu xanh hơi sánh của người xứ Quảng…
Video đang HOT
Ăn bánh bèo chén ngon nhất là trong những ngày mưa phùn trời hơi se lạnh. Rưới đều nước mắm ngọt lên chén bánh bèo đang bốc khói, dùng thìa xắn thành từng phần nhỏ rồi cho vào miệng. Lớp bột bánh mềm dai, phần nhân thơm ngon hòa trong nước mắm đậm đà không chỉ ngon miệng mà còn rất ấm lòng.
Địa chỉ: Đường Trần Mai Ninh, phường 12, quận Tân Bình, TP HCM là khu vực tập trung nhiều quán bánh bèo xứ Quảng ở địa chỉ 64, 68 hoặc 76. Hoặc bánh bèo xứ Huế ở quán Thanh Nga – 45C Kỳ Đồng, phường 9, quận 3.
Bánh hỏi nem nướng
Có nguồn gốc từ miền Trung, bánh hỏi mong manh và giản dị, mộc mạc chân quê nhưng lại không kém phần tinh tế như chính tính cách con người ở đây. Bánh hỏi thường được ăn kèm với nhiều nguyên liệu, tạo thành các món đặc trưng như bánh hỏi lòng heo; bánh hỏi thịt nướng, bánh hỏi thịt heo quay hay nem nướng… Tùy vào nguyên liệu ăn kèm mà mỗi cách thưởng thức có một sức hấp dẫn khác nhau.
Với bánh hỏi nem nướng, đây là sự kết hợp được nhiều người ưa thích vì hương vị thơm ngon của những chiếc nem được nướng vàng ươm, cháy cạnh. Khi ăn món này, bạn có thể cuốn như món gỏi của người miền Nam với rau sống, đồ chua cùng chén nước chắm chua ngọt. Ngoài ra, bạn cũng có thể thưởng thức món ăn này bằng cách xếp bánh hỏi và nem nướng vào bát, chan nước mắm vào và thưởng thức. Bánh hỏi là món rất dễ ăn nên bạn có thể thưởng thức món ăn này vào buổi sáng, trưa hay chiều tối đều thích hợp.
Địa chỉ: 299 Võ Văn Tần, phường 5, quận 3 để thưởng thức món ăn này. Quán bán từ 6h30 đến 21h30 hằng ngày.
Theo Tapchiamthuc
[Chế biến] - Những món ngon bình dị từ khoai mỡ
Từ những củ khoai mỡ dân dã, bạn có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon miệng.
1. Canh khoai mỡ nấu tôm thịt
Nguyên liệu:
- 1 củ khoai mỡ (400g), 100 g thịt bằm, 200 g tôm sú.
- Hạt nêm, đường, muối, ngò om.
Cách chế biến:
- Khoai mỡ rửa thật sạch vỏ. Gọt vỏ để riêng. Khoai nạo nhuyễn, ngâm vào nước lọc. Vỏ khoai cho vào nồi đun với ít nước để lấy màu tím đặc trưng của khoai.
- Tôm rửa sạch, bóc vỏ, bỏ chỉ đen rồi giã dập. Thịt nạc bằm nhuyễn. Cho tôm thịt vào bát ướp chung với ít hạt nêm, đường, muối. Phi thơm hành, cho tôm, thịt vào xào chín.
- Cho nước vào xâm xấp rồi đun sôi, sau đó cho khoai mỡ vào nấu chín mềm. Tiếp đến cho bát nước tím của vỏ khoai vào, nêm lại gia vị cho vừa ăn. Canh khoai mỡ phải dùng khi nóng, khi ăn cho ít ngò ôm vào để món canh dậy mùi thơm.
2. Giòn rụm bánh khoai mỡ
Nguyên liệu:
- 300 g khoai mỡ.
- 5 thìa canh bột mì, 4 thìa canh bột năng, 4 thìa canh đường cát trắng.
Cách chế biến:
- Khoai mỡ gọt sạch vỏ, rửa sạch rồi nạo nhuyễn. Tiếp đến cho khoai mỡ vào nồi nấu chín, tán nhuyễn.
- Sau khi nấu, cho khoai mỡ vào bát. Tiếp đến cho bột năng, bột mì cùng đường cát vào. Trộn đều rồi nhồi mạnh tay đến khi hỗn hợp đó dẻo, mềm, mịn là được. Sau đó chia bột thành từng phần nhỏ rồi tạo hình theo ý thích của bạn.
- Làm nóng chảo dầu, cho bánh vào chiên vàng. Bạn nhớ chiên nhỏ lửa để bánh chín vàng giòn, không bị cháy. Bánh khoai mỡ chín vàng đẹp mắt, tuy là món ăn bình dị nhưng lại rất ngon miệng.
3. Chè khoai mỡ
Nguyên liệu:
- 1 củ khoai mỡ khoảng 500 g.
- 1 kg dừa nạo vắt lấy nước cốt, 1 ống vani, 200 g đường phèn bột.
Cách chế biến:
Khoai mỡ gọt vỏ, rửa sạch, thái thành từng phần nhỏ rồi cho vào nồi nấu chín. Tiếp đến chắt phần nước màu tím để riêng. Vỏ khoai rửa sạch, nấu lấy nước.
Tán nhuyễn khoai mỡ với nước luộc vỏ khoai. Sau đó cho vào rây lược lấy phần bột mịn, bỏ phần sơ. Khoai mỡ lược xong cho vào nồi nấu sôi với nước luộc khoai. Cho đường phèn bột vào đánh tan, nếm thử có vị ngọt vừa là được. Thêm một ống vani để món chè dạy mùi thơm.
Dừa nạo vắt lấy nước cốt, cho vào nồi đun với lá dứa, sữa tươi, ít muối. Khuấy đều đến khi nước cốt dừa sôi thì tắt bếp. Chè khoai mỡ có thể dùng nóng hoặc dùng lạnh đều ngon miệng.
Theo MNMN
Canh chua 3 miền và tâm hồn bình dị của ẩm thực Việt Nam Không cần cầu kỳ phức tạp, ở mỗi miền đất nước, món canh chua lại có cách đi vào lòng người rất riêng. Nhắc đến ẩm thực Việt, người ta thường nói tới phở như món ăn quốc hồn quốc túy và mang tính đại diện cho quốc gia. Song sẽ thật thiếu sót nếu chỉ chọn duy nhất Phở để thay mặt...