Các bác sĩ lo ngại về những chiếc khẩu trang vứt bừa bãi
Dù trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ từ khẩu trang đến nước rửa tay để phòng dịch corona, nhưng nếu sử dụng sai cách sẽ gây phản tác dụng.
Dịch corona diễn biến phức tạp thời gian qua đã làm bùng theo cuộc “khủng hoảng” về nguồn cung khẩu trang, khi người người đổ xô đi mua khẩu trang phòng dịch bệnh. Tuy nhiên, giới chuyên gia y tế đã khẳng định việc sử dụng khẩu trang, rửa tay không đúng cách sẽ gây phản tác dụng, thậm chí khiến dịch bệnh dễ lây lan và phát tán hơn.
Khẩu trang y tế không bỏ trong thùng rác kín tại một chung cư ở Hà Nội.
Sau những ngày ráo riết, tranh giành mua khẩu trang y tế – những chiếc khẩu trang dùng một lần này lại được thay ra và vứt đi mỗi ngày. Không khó để bắt gặp khẩu trang y tế sau khi sử dụng bị vứt bỏ đầy đường phố, trong công viên hay tại các địa điểm công cộng.
Trong cuộc tọa đàm trực tuyến với Báo Sức khỏe và Đời sống, ThS.BS Võ Ngọc Anh Thơ – Phó Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy cho biết, sau cơn sốt khẩu trang đã nổi lên một vấn đề là người dân không có thói quen vứt khẩu trang vào thùng rác kín: “Nhận thức của người dân là vô cùng quan trọng, tạo thói quen đeo khẩu trang đúng cách, thường xuyên vệ sinh sạch tay là rất tốt, song việc vứt bỏ khẩu trang bừa bãi lại tạo thành nguồn lây nhiễm bệnh”.
Giữa mùa dịch corona, việc dùng khẩu trang đúng cách để bảo vệ bản thân mình và tránh lây nhiễm bệnh cho người khác dù nhắc lại bao nhiêu lần thì cũng vẫn không thừa.
Khuyến cáo được rất nhiều bác sĩ, chuyên gia y tế lặp đi lặp lại là việc lựa chọn khẩu trang nào, vào thời điểm và trong thời điểm nào để thích hợp nhất, để phòng bệnh hiệu quả nhất. Trong trường hợp không có khẩu trang y tế chuyên dụng, thì liệu dùng khẩu trang vải ngăn bụi thông thường có được hay không?
Bác sĩ Thơ cho biết, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CD) sẽ áp dụng khác nhau cho mỗi quốc gia. Với Việt Nam, những người mắc bệnh về hô hấp, có triệu chứng viêm long đường hô hấp trên như sốt, ho, đau họng, ho khạc đờm… thì chắc chắn phải sử dụng khẩu trang để hạn chế lây bệnh cho người khác. Tuy nhiên, với nhóm người bình thường, khuyến cáo đầu tiên là tránh tiếp xúc ở khoảng cách gần – giữ khoảng cách 1,5m-2m, để phòng ngừa nguy cơ bị lây bệnh qua giọt bắn hoặc chất tiết của đường hô hấp.
Video đang HOT
BS Võ Ngọc Anh Thơ – Phó Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy. Ảnh: KT
Trong trường hợp ở nơi đông người, những địa điểm công cộng như trong bệnh viện hay bến xe (không kiểm soát được nguy cơ tiếp xúc với đối tượng mang mầm bệnh), bác sĩ khuyến cáo nên mang khẩu trang và khẩu trang vải cũng có thể sử dụng được.
Bác sĩ Thơ nhấn mạnh, có khẩu trang chỉ là một phần, phần quan trọng khác là sử dụng đúng cách là đeo vào thời điểm nào và tháo bỏ khẩu trang ra sao.
“Đừng nghĩ rằng, đã đeo khẩu trang thì có thể quên đi các biện pháp khác như rửa tay và tránh tiếp xúc bề mặt. Bởi người dân sẽ có tâm lý mang khẩu trang là an toàn rồi. Mọi người cũng sẽ không để ý đến thói quen đưa tay lên chỉnh khẩu trang. Nhân viên y tế được huấn luyện, nên sẽ không vi phạm điều này, nhưng người dân sẽ có thói quen chỉnh và chạm vào mặt ngoài khẩu trang. Lúc đó nguy cơ lây bệnh càng cao hơn”.
PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cũng khuyến cáo, việc đeo khẩu trang không đúng cách sẽ gây phản tác dụng và khiến dịch bệnh lây lan mạnh mẽ hơn./.
Theo VOV
Nước rửa tay nào đủ tiêu chuẩn sát khuẩn để phòng virus corona?
Để phòng tránh sự lây lan của virus corona, ngoài đeo khẩu trang đúng cách, hãy rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước trước khi ăn bất cứ thứ gì, đặc biệt là khi ho và hắt hơi.
Nếu không có xà phòng và nước, thì các loại dung dịch sát khuẩn chứa ít nhất 60% cồn là một lựa chọn tốt.
Ảnh minh họa: Internet
Theo Dược sĩ Nguyễn Thị Ngân Thảo, bàn tay là nơi trực tiếp và thường xuyên tiếp xúc nhiều với dịch tiết cơ thể và môi trường chứa mầm bệnh. Chỉ cần chạm vào một người, hoặc bề mặt một vật nào đó, tay chúng ta đã có nguy cơ tích tụ vi trùng.
Virus corona lây truyền qua đường hô hấp nhờ những giọt bắn lớn khi một người nhiễm virus ho hoặc hắt hơi. Một số trường hợp, virus có thể lan truyền khi tay một người tiếp xúc với các đồ vật bị nhiễm bẩn, sau đó tay tiếp xúc với miệng hoặc mũi.
Vì vậy, đối với các bệnh lây qua đường hô hấp, Tổ chức Y tế Thế giới khuyên dùng khẩu trang và nhấn mạnh việc rửa tay đúng cách trước khi cầm nắm thức ăn hay dụng cụ đưa vào mũi, miệng. Hãy rửa tay, đặc biệt là khi ho, hắt hơi, trước khi: tháo/lắp kính áp tròng, chăm sóc vết thương hoặc người đang bị bệnh, chuẩn bị thức ăn và trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã cho trẻ em, chơi với chó/mèo, cho động vật ăn, hoặc xử lý rác...
Ảnh minh họa: Internet
Cách tốt nhất để phòng ngừa nCoV là rửa tay bằng xà phòng với nước trong ít nhất 30 giây. Xà phòng với nước làm giảm hầu hết các loại vi khuẩn trên tay của bạn. Rửa tay với xà phòng và nước theo quy trình rửa tay 6 bước của Bộ Y tế sẽ làm sạch và loại bỏ mầm bệnh trên tay. Xà phòng có tính lưỡng cực, giúp tách rời các chất bẩn ra khỏi da và sau đó nhờ dòng nước rửa trôi đi. Do đó, xà phòng có tính loại khuẩn chứ không phải diệt khuẩn.
Nếu không có xà phòng và nước hoặc không thể rửa tay liên tục (như các nhân viên y tế tham gia khám chữa bệnh; học sinh, sinh viên ngồi trong lớp...), thì dung dịch rửa tay sát khuẩn có ít nhất 60% cồn là một lựa chọn tốt. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, cần thực hiện theo 2 bước: Cho nước rửa tay vào lòng bàn tay để ướt hoàn toàn; chà xát hai bàn tay trong khoảng 30 giây, đảm bảo tất cả các vị trí trên da tay đều tiếp xúc chất khử trùng, và để khô tự nhiên thay vì lau khô.
Virus cúm sẽ bị bất hoạt sau khoảng 3 - 4 phút dùng dung dịch này. Do đó, cần chú ý, trong vòng 3 - 4 phút sau khi rửa tay nhanh, virus trên tay chưa kịp bị tiêu diệt vẫn có thể lây sang người khác.
Còn theo Bác sĩ Đào Trường Giang, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các dung dịch sát khuẩn với 60 - 75% cồn tốt hơn nhiều so với những loại có ít cồn hoặc không có cồn.
Tuân thủ quy trình rửa tay đúng cách để phòng chống sự lây lan của virus, vi khuẩn. Nguồn: Bộ Y tế
Một số vi khuẩn như: Trực khuẩn mủ bị tiêu diệt trong 10 giây bởi cồn có từ 30-100 độ; Serratia marcescens, E. coli (vi khuẩn hay gây tiêu chảy); Salmonella typhosa bị tiêu diệt trong 10 giây bởi cồn có nồng độ từ 40-100 độ. Các vi khuẩn gram dương như Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) và Streptococcus pyogenes bị tiêu diệt sau 10 giây bởi cồn là 60 độ. Cồn từ 60-80 độ cũng là một tác nhân diệt virus mạnh làm bất hoạt các virus lipophilic (herpes, virus cúm...). Nhiều virus ưa nước (ví dụ: adenovirus, enterovirus, rhovirus và rotavirus...). Như vậy, tùy vào các loại vi khuẩn, virus mà cồn có tác dụng khác nhau.
Như vậy, chúng ta cũng dễ nhận thấy với một số loại vi khuẩn, virus hay gặp thì nên dùng cồn có nồng độ từ 60 - 80 độ sẽ cho hiệu quả tối ưu. Trong thực tế, không phải ngẫu nhiên mà các cơ sở y tế thường dùng cồn 70 độ để sát khuẩn chứ không dùng cồn 90 độ. Điều này còn được giải thích là do cồn 90 độ làm đông vón protein vùng vỏ của virus, vi khuẩn quá nhanh nên không thấm vào bên trong được. Ngoài ra, cồn 90 độ bay hơi quá nhanh nên thời gian không đủ để có tác dụng. Thêm nữa là cồn 90 độ rất dễ gây cháy nên sẽ nguy hiểm hơn là dùng cồn 70 độ. Vậy nên dùng cồn 70 độ, không nên dùng cồn 90 độ để sát khuẩn nhanh.
QUẢNG AN (TỔNG HỢP)
Theo Tiền phong
Để hoàn thiện "lá chắn" virus corona hãy lưu tâm đến những điều cực quan trọng này Để hoàn thiện "lá chắn" virus corona, chúng ta cần đặc biệt lưu ý đến những điều đặc biệt quan trọng sau! Trong khi thị trường đang nhộn nhạo mua khẩu trang và dung dịch sát khuẩn siêu đa dạng để tích trữ qua mùa dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra, nhiều người vẫn chưa nắm rõ, nắm đủ những...