Cá hồi tiêu thụ trong nước giảm mạnh, người tiêu dùng hưởng lợi
Do nhiều nhà hàng, khách sạn đóng cửa vì dịch COVID-19 nên cá hồi Sa Pa tiêu thụ giảm. Bên cạnh đó, cá hồi nhập khẩu cũng giảm mạnh chưa từng có giúp người tiêu dùng hưởng lợi.
Chị Thu Hoài, chuyên bán thực phẩm nhập từ nước ngoài chia sẻ: “Chưa có năm nào giá cá hồi về Việt Nam rẻ như thế. Ngoài cá hồi Australia giảm mạnh thì loại này nhập ở Na Uy cũng xuống thấp. Mọi năm tôi chủ yếu lấy sỉ cá hồi Na Uy gần 400.000 đồng/kg thì nay còn 290.000-330.000 đồng/kg”.
Hiện, chị đang bán online giống cá hồi Australia, với loại nguyên con chỉ có giá 230.000 đồng/kg, còn phile không đầu giá 250.000 đồng, giảm 70.000-100.000 đồng so với thời điểm chưa có dịch COVID-19.
Tại cửa hàng thực phẩm sạch Homefarm, cá hồi Na Uy được niêm yết còn 279.000 đồng/kg mua nguyên con hay nửa con. Theo đại diện cửa hàng, một nửa con cá hồi (khoảng 2,5 – 3,5 Kg, tương đương 600-800K), bao gồm: 1/2 thân cá hồi Fillet (đã lọc xương); 1/2 chiếc đầu cá hồi; 1/2 bộ xương và lườn cá hồi.
“Nếu quy đổi ra thì phần thịt cá fillet khi mua nguyên con/ nửa con có giá chỉ khoảng 399.000đ/kg – tốt nhất thị trường hiện nay”, vị này nói.
Anh Minh Kha, chuyên bán hải sản nhập khẩu online cho biết, cá hồi được cấp đông an toàn nên khi về Việt Nam luôn tươi ngon.
“Tôi bán cá hồi Na Uy giá 270.000 đồng một kg loại nguyên con, bỏ đầu, không nội tạng, còn cá hồi phi lê 330.000 đồng. Trước đây tôi bán cá phi lê có đợt 598.000 đồng/kg nhưng nay giá chỉ gần bằng một nửa. Hơn tháng trước bán cả trăm kg cá hồi nhập khẩu Na Uy trên chợ mạng với giá 240.000 đồng/kg (loại 3 con một kg), rẻ hơn nhiều so với giá 350.000-450.000 trước đó”.
Không chỉ cá hồi nhập khẩu rẻ chưa từng có, cá hồi Sa Pa cũng đang tràn ngập thị trường Hà Nội với giá rẻ nhất từ trước đến nay.
Video đang HOT
Tại hệ thống siêu thị Big C miền Bắc đang bán cá hồi với giá khuyến mại với mức giảm từ 13-22%. Cụ thể, cá hồi Sa Pa tươi nguyên con làm giảm còn 265.000 đồng/kg (giảm giá 13%, giá thường là 305.000 đồng/kg); file cá hồi tươi giảm còn 379.000 đồng/kg (giám giá 22%, giá cũ 489.000 đồng/kg); cá hồi Sa Pa cắt khúc giá thường 359.000 đồng/kg, giá bán khuyến mãi chỉ 297.000 đồng/kg (giảm giá 17%).
Lý giải việc cá hồi Sa Pa rẻ và tràn ngập thị trường Hà Nội, ông Đỗ Tiến Thắng – Chủ tịch Hội cá nước lạnh (cá hồi và cá tầm), cho biết: Năm nay, sản lượng cá hồi của Lào Cai đạt khoảng 400-500 tấn vì thời tiết có nhiều thuận lợi: Mưa nhiều, mát mẻ và nước nhiều nên cá chóng lớn.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của COVID-19, hệ thống nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa để ứng phó với dịch bệnh đã ảnh hưởng phần nào đến tiêu thụ hàng hóa, trong đó có cá hồi tại Sa Pa. Hiện nay, lượng cá hồi chỉ mới tiêu thụ được khoảng 100 tấn.
Với tư cách là Chủ tịch hội, ông Thắng cũng nuôi loại cá cao cấp này với quy mô và sản lượng lớn nhất Sa Pa.
“Ngoài nuôi cá, tôi có hệ thống nhà hàng để tiêu thụ, tuy nhiên do dịch COVID-19 nên hiện tôi còn khoảng 30-40 tấn cá hồi chưa bán được, hiện đang giữ trong đầm để nuôi tiếp”- ông Thắng nói.
Cũng theo ông Đỗ Tiến Thắng, nhiều hộ nuôi cá hồi ở Sa Pa đã tiêu thụ hết vì quy mô chỉ ở mức trung bình, lượng cá không nhiều.
“Những hộ có nhiều cá thì vẫn tiếp tục nuôi và vẫn bán được, giá đều không dưới 200.000 đồng/kg. Tôi bán cá tầm to loại ngon với giá từ 300.000 đồng/kg, hoàn toàn không có chuyện giá cá hồi tồn không ai mua” – ông Thắng khẳng định.
Giải thích thêm về thông tin hồi tháng 3/2020, một số người nuôi cá hồi tại Lào Cai phản ánh 2 loại cá đặc sản là cá hồi và cá tầm bị “rớt giá” do dịch Covid-19, ông Thắng cho biết: Lượng cá bán ra có chậm hơn, giá giảm nhẹ, nhưng cá tầm và cá hồi là đặc sản cao cấp, không có chuyện phải “giải cứu” với giá rẻ như các loại nông sản, trái cây khác.
“Hàng ngày, các xe chở cá hồi và cá tầm từ Lào Cai về Hà Nội với số lượng hàng chục tấn và được tiêu thụ khá tốt”- ông Thắng nói.
Ngọc Mai
Cá hồi Sa Pa giảm giá sốc vẫn ế: Gian nan trong việc "giải cứu" tại Hà Nội
Người nuôi cá hồi tại Sa Pa đang đứng ngồi không yên khi hàng chục tấn cá không tìm được đầu ra, nhưng người tiêu dùng tại Hà Nội muốn "giải cứu" cá hồi Sa Pa cũng không biết mua ở đâu vì siêu thị, cửa hàng hiện mới chỉ bán cá hồi Na-Uy.
Sa Pa không bóng du khách, hầu hết nhà hàng, khách sạn đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19. Hệ luỵ là các hộ dân nuôi cá hồi có nguy cơ vỡ nợ vì không bán được cá.
Là hộ nuôi cá hồi lớn nhất Sa Pa với hơn 100 bể nuôi, hiện anh Trần Thái và chị Bùi Ngọc Hương đang đứng ngồi không yên vì có khoảng 65 tấn cá hồi đến tuổi thu hoạch nhưng không biết bán cho ai.
Hơn 40 bể cá với 65 tấn cá hồi Sa Pa đến kỳ thu hoạch nhưng không có người thu mua.
"Nhà tôi nuôi cá hồi theo tiêu chuẩn VietGap, giống cá được nhập khẩu trực tiếp từ Ukraina. Quá trình nuôi yêu cầu phải rất cẩn thận và tỉ mỉ như: ghi chép cẩn thận về ngày xuống giống, chủng loại giống, loại thức ăn cho ăn; đặc biệt có sổ theo dõi các bể nuôi về lượng thức ăn, thuốc phòng bệnh. Chi phí nuôi cá tăng lên 20 - 25%. Trước đây, cá nuôi không đủ cung cấp cho thị trường tại Sa Pa để phục vụ khách du lịch với giá bán tại bể khoảng 260.000 đồng/kg", anh Thái cho biết.
Theo anh Thái, những năm trước, thời điểm ra Tết có đông khách du lịch lên Sa Pa du xuân nhất, cá hồi được thu mua hàng ngày với giá cao, vì thế các hộ nuôi sẽ xuống giống vào thời điểm phù hợp để ra Tết được thu hoạch. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên Sa Pa vắng bóng du khách, nhà hàng đóng cửa, cá hồi Sa Pa không có nơi tiêu thụ. Hiện tại, anh Thái đang tiến hành sản xuất thêm cá hồi hun khói và ruốc cá hồi nhằm đa dạng sản phẩm, phục vụ được nhiều đối tượng khách hàng
Không còn cách nào khác, vợ chồng anh Thái đã đăng bài kêu gọi "giải cứu" trên chợ online nhằm tìm đầu ra cho cá hồi Sa Pa.
"40 bể cá nhà tôi đến kỳ thu hoạch nhưng không có đầu ra dù tôi chấp nhận lỗ để bán với giá thấp. Hai vợ chồng tôi tìm cách đăng bài bán online nhưng lại không có điểm tập kết giao hàng tại Hà Nội, cũng không có cách nào đưa hàng vào hệ thống siêu thị hoặc cửa hàng thực phẩm", anh Thái thở dài.
Anh Nguyễn Văn Hưng - người thu mua cá hồi nhằm tiêu thụ cho người dân Sa Pa - cho biết từ khi có lệnh cách ly toàn xã hội, các tuyến xe khách từ Sa Pa đi Hà Nội và các tỉnh không hoạt động nên anh cũng dừng việc tiêu thụ cá. "Trước đây, cứ 15-20 phút lại có một chuyến xe từ Sa Pa đi các tỉnh, mỗi ngày tôi đều đi đến các bản cách thị trấn 20-30 km để thu mua cá tiêu thụ giúp bà con nhưng giờ xe không chạy, muốn bán cũng không có cách nào".
Cá hồi được rao bán với giá rẻ chưa từng có, chỉ từ 200.000 đồng/kg.
Theo anh Hưng, chưa bao giờ Sa Pa lại vắng tanh, không một bóng du khách như thời điểm này. Không có khách du lịch cũng đồng nghĩa với việc không có người ăn cá hồi trong khi cá hồi nuôi tại Sa Pa chủ yếu phục vụ tại chỗ cho khách du lịch.
"Tôi cũng đã nghĩ đến phương án dùng xe tải vận chuyển cá tươi sống xuống Hà Nội để bán nhưng khách hàng chỉ mua số lượng ít, chi phí cầu đường, vận chuyển tốn quá nhiều. Giá như có cửa hàng hoặc siêu thị đứng ra làm đầu mối thu mua thì chúng tôi chở cá xuống ngay, thậm chí có thể sơ chế, hút chân không theo yêu cầu của khách.
Theo tôi tìm hiểu, đa số siêu thị và cửa hàng hải sản lớn tại Hà Nội hiện đang chỉ bán cá hồi Na-Uy với giá từ 350-500.000 đồng/kg mà chưa bày bán sản phẩm cá hồi Sa Pa giúp bà con nông dân trong nước", anh Hưng nhận định.
Theo quan sát, trên mạng xã hội có rất nhiều bài viết đăng bán cá hồi Sa Pa theo giá "giải cứu" chỉ từ 200-250.000 đồng/kg với số lượng đặt hàng tương đối nhiều. Tuy nhiên, cũng không ít người bán phải đứng ra "xin lỗi" khách hàng vì gom đơn xong không có hàng trả khách vì khó khăn trong việc vận chuyển.
Khánh An
"Món ăn sang chảnh" rẻ chưa từng có được rao bán ngập tràn trên chợ mạng Những ngày gần đây, trên nhiều hội nhóm xuất hiện người rao bán cá hồi Sa Pa - món ăn được coi là đắt đỏ với những dòng trạng thái "giải cứu cá hồi"... Dịch Covid-19 khiến cho cá hồi ế ẩm Theo tìm hiểu của , những ngày gần đây trên nhiều hội nhóm, xuất hiện nhiều dòng trạng thái rao bán...