Bốn chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng hai
Từ tháng hai, nguyên tắc tổ chức hội thi giáo viên giỏi dựa trên sự tự nguyện, không ép buộc, không tạo áp lực cho thầy, cô.
Ngoài quy định về hội thi giáo viên giỏi, trong tháng hai, quy chế quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức và viên chức; quy định về quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học sửa đổi cũng có hiệu lực.
Giáo viên dự Hội thi giáo viên dạy giỏi trên tinh thần tự nguyện. Ảnh minh họa: Việt Hùng.
Không ép buộc thầy cô thi giáo viên dạy giỏi
Từ ngày 12/2, Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông có hiệu lực.
Theo đó, quy định nguyên tắc tổ chức hội thi là dựa trên sự tự nguyện của giáo viên, không ép buộc, không tạo áp lực cho thầy, cô tham gia; đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đảm bảo thực chất; đảm bảo đúng quy định của chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành.
Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường, huyện được tổ chức theo chu kỳ 2 năm/lần, cấp tỉnh 4 năm/lần.
Số lượng giáo viên tham dự hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi các cấp do hiệu trưởng trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ; hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông; trưởng phòng GD&ĐT; giám đốc sở GD&ĐT quyết định theo phân cấp quản lý, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất, ngân sách của địa phương hàng năm.
Trưởng phòng GD&ĐT quy định cụ thể số lượng giáo viên mầm non tham dự hội thi cấp trường đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.
5 hình thức cử đoàn ra nước ngoài của Bộ GD&ĐT
Thông tư 23/2019/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức và viên chức có hiệu lực từ ngày 10/2.
Theo đó, thông tư bổ sung một hình thức cử đoàn ra nước ngoài. Như vậy, tổng cộng có 5 hình thức.
Hình thức thứ nhất là đoàn tháp tùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đoàn liên ngành.
Hình thức thứ hai là đoàn do lãnh đạo bộ làm trưởng đoàn đi thăm chính thức các nước; tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế; đàm phán, họp liên Chính phủ trong khuôn khổ các hiệp định, nghị định thư, thỏa thuận hợp tác đã ký giữa Bộ GD&ĐT với các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế và khu vực.
Video đang HOT
Hình thức thứ ba là đoàn tham dự hội nghị, hội thảo khoa học; các khóa bồi dưỡng ngắn hạn dưới 180 ngày; hoạt động giao lưu văn hóa, trại hè; cuộc thi quốc tế.
Đoàn đi khảo sát, trao đổi kinh nghiệm; tham gia các hội chợ, triển lãm giáo dục quốc tế trong kế hoạch của các chương trình, dự án hoặc tham gia các hoạt động khác thuộc lĩnh vực giáo dục thuộc hình thức thứ tư.
Hình thức thứ năm là công chức, viên chức tham dự hội nghị, hội thảo, diễn đàn, đàm phán quốc tế, tham dự họp liên Chính phủ; tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn; các hoạt động giao lưu văn hóa, trại hè, đại hội thể thao, cuộc thi quốc tế.
Ngày 15/2, Thông tư 26/2019/TT-BGDĐT quy định về quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên sẽ có hiệu lực.
Thông tư quy định việc triển khai các mã định danh trên cơ sở dữ liệu ngành áp dụng đối với giáo viên, học sinh, nhân viên và cán bộ cơ sở giáo dục.
Cụ thể, mỗi đối tượng có một mã định danh, gồm 20 ký tự, do hệ thống cơ sở dữ liệu ngành cấp tự động trong lần tạo lập hồ sơ đầu tiên trên cơ sở các thông tin bắt buộc khai báo.
Trường hợp giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục chuyển công tác, ngừng làm việc, thôi việc sẽ không xóa hồ sơ, mã định danh mà cập nhật trạng thái, thông tin hồ sơ điện tử.
Trường hợp học sinh nghỉ học, thôi học hoặc chuyển đi không xóa hồ sơ, mã định danh mà cập nhật trạng thái, thông tin hồ sơ điện tử của học sinh.
Trường hợp tiếp nhận học sinh chuyển đến sẽ cập nhật thông tin trên hồ sơ điện tử của học sinh theo mã định danh đã được cấp.
Văn bằng trình độ tương đương
Cũng từ ngày 15/2, Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học sửa đổi có hiệu lực, trong đó có quy định về hệ thống văn bằng giáo dục đại học. Hệ thống này gồm bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.
Bằng cử nhân cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ đại học theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 6 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo.
Bằng thạc sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo.
Bằng tiến sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 8 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo.
Văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học bao gồm bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư, và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ.
Chứng chỉ đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học đã hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp do bộ, cơ quan ngang bộ quy định hoặc cấp cho người học dự thi đạt yêu cầu cấp chứng chỉ, phù hợp với quy định về cấp chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Lạm phát giáo viên giỏi là do nhà trường, đừng đổ lỗi cho Bộ Giáo dục
Thông tư 22 đã thanh lọc giáo viên dự thi ngay từ vòng loại. Những giáo viên đủ điều kiện tham gia Hội thi phải là những thầy cô giáo thật sự xuất sắc trong trường
Câu chuyện về giáo viên giỏi ở các trường học phổ thông hiện nay tuy không mới nhưng vẫn luôn là đề tài được nhiều bạn đọc quan tâm.
Làm sao để chọn được một giáo viên giỏi đúng nghĩa chứ không phải kiểu "giỏi phong trào", "giỏi chạy" vì bệnh sính/ngụy thành tích của nhà trường, của cá nhân vẫn luôn là mong mỏi của nhiều nhà giáo và những người quan tâm đến ngành giáo dục nước nhà.
Hội thi giáo viên dạy giỏi sẽ dần đi vào thực chất (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Hanoi.edu.vn)
Đọc bài viết "Lạm phát" giáo viên giỏi bởi Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT? của tác giả Duyên An đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bản thân người viết bài rất đồng ý khi tác giả nhận định Hội thi giáo viên giỏi vẫn còn nhiều thành tích.
Tuy nhiên, xin được trao đổi để làm rõ thêm nhận định của tác giả về lạm phát giáo viên giỏi do Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT vì theo tác giả, chính Thông tư 22 đã hạ chuẩn giáo viên giỏi.
Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT không hạ chuẩn giáo viên giỏi
Là giáo viên có gần 30 năm công tác, trừ những năm tập sự thì bản thân người viết năm nào cũng đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường. Chẳng riêng gì tôi, thầy cô giáo nào trong trường cũng đều là giáo viên giỏi cấp trường hết.
Năm nào nhà trường cũng tổ chức thi và giáo viên nào cũng đủ điều kiện dự thi và ai thi cũng đỗ.
Nếu có ai thi rớt cũng thật là rất hiếm khi tiết dạy ấy giáo viên dạy quá lố thời gian (gọi là cháy giáo án), hoặc quá ít thời gian (gọi là ướt giáo án), hoặc là bị sai kiến thức (sai đến mức không thể du di).
Để đạt được danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường thì thầy cô giáo nào cũng phải trải qua 3 vòng thi như vòng thi sáng kiến kinh nghiệm, thi năng lực và thi 3 tiết dạy (sau này đổi còn 2 tiết).
Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cũng vậy. Cứ ai là giáo viên chủ nhiệm thì cuối năm buộc phải dự thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường và ai thi cũng đỗ.
Thế nên trong báo cáo tổng kết cuối năm của các trường gần như bao giờ cũng có dòng chữ 100% giáo viên dạy giỏi cấp trường. Ai cũng đủ điều kiện thi và ai thi cũng đỗ nên cái giấy chứng nhận đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường do hiệu trưởng ký nhiều thầy cô giáo cũng không muốn nhận vì thấy nó rẻ rúng vô cùng.
Sau rất nhiều phản ánh, về áp lực các Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT về Hội thi giáo viên giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cơ sở giáo dục phổ thông (gọi chung là Hội thi giáo viên giỏi).
Những quy định của Thông tư 22 không chỉ giảm áp lực cho giáo viên đi thi (vì giáo viên không phải trải qua vòng thi năng lực và thay vì dạy 2 tiết, nay chỉ còn 1 tiết) mà còn đưa Hội thi trở về thực chất hơn (không phải nộp sáng kiến kinh nghiệm mà phải trình bày trực tiếp một giải pháp trước giám khảo).
Bên cạnh đó, nếu các trường thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của thông tư này, người viết đảm bảo chắc chắn không còn cảnh lạm phát giáo viên giỏi như trước.
Lạm phát giáo viên giỏi là do tư duy, quan niệm chạy theo thành tích ảo của các trường
Không thể căn cứ vào việc Hội thi giáo viên giỏi chỉ phải dạy một tiết để kết luận một tiết dạy chẳng nói lên điều gì và như thế là thông tư đã hạ chuẩn so với nhiều hướng dẫn trước đây.
Người viết bài cho rằng, Thông tư 22 đã thanh lọc giáo viên dự thi ngay từ vòng loại. Những giáo viên đủ điều kiện tham gia hội thi phải là những thầy cô giáo thật sự xuất sắc và có mong muốn đi thi.
Thông tư 22 quy định giáo viên muốn tham gia Hội thi giáo viên giỏi cấp trường thì phải đảm bảo đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức khá trở lên của năm liền kề năm tham dự Hội thi.
Trong đó, các tiêu chí của Tiêu chuẩn 2 ( Tiêu chuẩn Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ) được quy định tại Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông đạt mức Tốt ;
Để đạt mức Tốt của Tiêu chuẩn Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ không dễ dàng gì. Giáo viên ấy phải là người biết hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển chuyên môn của bản thân, trong việc xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục, về kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm vận dụng những phương pháp...
Trong trường, giáo viên hướng dẫn được đồng nghiệp về chuyên môn phải là những giáo viên thật sự giỏi, phải được những đồng nghiệp khác tin tưởng, tín nhiệm, hoàn toàn không phải ai cũng có được điều này.
Chiếu theo những quy định này, hỏi thử mỗi trường học sẽ có được bao nhiêu giáo viên đủ điều kiện xếp loại Tốt ở các tiêu chí của Tiêu chuẩn 2 ( Tiêu chuẩn Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ)?
Nếu xếp đúng, người viết bài xin dám chắc, đối với trường có khoảng 40 giáo viên thì nhiều nhất cũng chỉ khoảng chục người, trường chỉ hơn 20 giáo viên tối đa cũng chỉ dăm người đủ tiêu chuẩn tham dự Hội thi.
Nếu địa phương nào tổ chức Hội thi giáo viên giỏi mà số lượng thầy cô giáo trong trường tham gia đông thì dám chắc việc xếp loại theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên của trường ấy có sự du di, dễ dãi để chạy theo thành tích ảo.
Và như thế, tỷ lệ giáo viên giỏi cấp trường sau khi thi (dù chỉ dạy 1 tiết) nhiều nhất cũng chỉ đạt vài chục phần trăm là nhiều. Nếu so với trước đây, trường nào chẳng đạt 100% giáo viên giỏi cấp trường, cho chúng ta thấy thật sự Thông tư 22 2019/TT-BGDĐT đã hạ chuẩn hay là đã đưa hội thi giáo viên giỏi về thực chất hơn?
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Thầy Bùi Nam đề xuất phương án thay hội thi giáo viên giỏi, chủ nhiệm giỏi Những danh hiệu giáo viên giỏi hiện nay thông qua một tiết dạy không nói lên được vấn đề gì để chứng tỏ là một giáo viên giỏi thật sự trong nhà trường. Một trong những giải pháp để giáo viên chuyên tâm vào việc dạy thật để học sinh được học thật, thi thật và tạo ra lực lượng nhân tài thật...