Bộ trưởng Y tế chỉ trích truyền thông phòng chống dịch sai
“Mấy hôm nay chúng tôi rất bức xúc về phương thức tiếp truyền kiến thức phòng bệnh cho người dân”. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng các báo đài đang tập trung vào phản ánh dịch bệnh tại bệnh viện khiến người dân hoang mang mà quên truyền thông phòng bệnh.
Mở đầu nội dung phát biểu tại buổi lễ phát động “Chiến dịch phòng chống bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết” (tổ chức tại TPHCM ngày 12/10) Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Cần phải tập trung phòng bệnh để không có người bị mắc bệnh, không có tử vong. Mấy hôm nay chúng tôi rất bức xúc về phương thức tiếp truyền kiến thức cho người dân khi nội dung phòng bệnh, thông điệp truyền thông sai”.
Bộ Trưởng Kim Tiến bức xúc về phương thức truyền thông phòng bệnh sai
Theo Bộ trưởng: Thay vì truyền thông để người dân có hành vi hạn chế nguy cơ mắc bệnh thì các nhà báo đang truyền thông theo hướng khi nào bị bệnh thì đến cơ sở y tế. Đối với tay chân miệng, chỉ truyền thông đây là bệnh lây qua đường phân miệng do vi rút, cơ bản phải vệ sinh tay, rửa tay cho trẻ em người chăm sóc trẻ bằng xà bông, giữ sạch khăn, đồ chơi, nhà vệ sinh, ăn uống đầy đủ… chỉ thế thôi.
Sốt xuất huyết đơn giản là chỉ cho người dân biết con muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết đẻ ở chỗ nước sạch nên phải dẹp bỏ, lật úp vật chứa nước sạch; đổ nước trong bình bông, nước trong chén thờ ở các am thờ ngoài trời, vỏ xe, lon sữa bò, lật úp tất cả lại… chứ không phải chiến dịch vệ sinh môi trường, cầm chổi đi quét rác, phát quang bụi rậm đó là những cách làm không đúng.
Đối với bệnh sởi thì đã có vắc xin phòng bệnh rất hiệu quả. Có những nước đã thông báo loạt trừ bệnh sởi như Châu Âu nhưng sau đó người dân không tiêm phòng khiến bệnh quay lại, rất nhiều ca tử vong. Chỉ cần tiêm sởi cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến 2 tuổi. Vắc xin không thiếu, đừng để trẻ chết vì thiếu hiểu biết, không tiêm vắc xin. Nếu bị bệnh, ngay từ khi có dấu hiệu sốt, bỏ ăn… thì mang đến cơ sở y tế gần nhất để được khám chữa bệnh và luôn theo dõi tình trạng của trẻ.
Sởi và tay chân miệng đang tập trung ở nhóm trẻ nhỏ tuổi nguy cơ cao tại các điểm trường
Bộ trưởng cho rằng: Truyền thông mấy hôm nay toàn quay những cảnh bệnh nhi tay chân miệng, sởi nằm ở bệnh viện, nặng, tử vong, bệnh viện phải kê thêm giường, bác sĩ phải làm suốt ngày đêm… nhưng lại quên tuyên truyền cho người dân hiểu là không nên đưa con em mình vào tuyến cuối bởi ở đó đều là những ca bệnh nặng, có thể bị nhiễm thêm đủ thứ bệnh, nguy cơ tử vong cao.
Nếu chỉ tập trung vào tình trạng bệnh đông tại các bệnh viện với tình huống xảy ra thì đó là sự đã rồi, truyền thông kiểu này càng khiến người dân hoang mang. Bài học cay đắng đã xảy ra với dịch sởi tại Hà Nội (năm 2014) khi người dân hoang mang đổ xô đưa con vào bệnh viện nhưng càng vào nhiều càng chết nhiều.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Kim Tiến bày tỏ sự không hài lòng khi chính những bác sĩ cung cấp thông tin cho báo chí cũng đang đi sai hướng. “Các vị không tập trung vào công tác phòng bệnh, tuyên truyền cho dân hiểu mà đi nói quá nhiều những vấn đề về chuyên môn nào là chủng vi rút, bệnh tật trên thế giới, số liệu dịch bệnh từng năm tăng giảm ra sao… vòng vo một hồi đã hết thời gian, mấy thứ đó để cho hội thảo chuyên môn, dân không cần đâu”.
Bộ trưởng đi soi bọ gậy, kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết
Bộ trưởng khuyến cáo cộng đồng: “Những bệnh viện tuyến cuối toàn bệnh nặng, nằm viện chật chội, trong khi bác sĩ chỉ có giới hạn vừa lo chăm trẻ bệnh nhẹ, vừa lo chăm trẻ bệnh nặng bệnh quá động không xử lý nổi sẽ khiến trẻ bệnh nặng chết, trẻ bệnh nhẹ nặng thêm. Nguy hiểm hơn là nguy cơ nhiễm chéo trong bệnh viện khi bệnh nọ lây sang bệnh kia hậu quả sẽ khôn lường. Phác đồ điều trị ở mọi nơi là như nhau, bác sĩ tuyến dưới chuyên môn cũng rất tốt, đừng mang con trẻ dồn lên tuyến trên mà tội nghiệp các cháu”.
Bộ trưởng khẳng định: “Những loại bệnh truyền nhiễm cấp tính lây rất nhanh, đôi khi đi qua đầu giường đã nhiễm bệnh nên phải cách li tuyệt đối. Tuy nhiên, hiện nay ngay trong công đoạn tiếp nhận khám các bệnh viện đã để sởi ngồi chung với tay chân miệng, hô hấp và các bệnh khác thì nguy cơ nhiễm chéo rất khủng khiếp”. Để hạn chế tử vong ở trẻ, sớm khống chế đẩy lùi dịch bệnh, Bộ trưởng Kim Tiến đề nghị các bệnh viện: “Lọc bệnh và cách li là 2 nguyên tắc phải tuân thủ, ca nặng phải đưa vào cấp cứu theo dõi từng ngày từng giờ để xử lý kịp thời, ca bệnh nhẹ dùng phương pháp điều trị trong ngày, cho về các phòng khám vệ tinh theo dõi, điều trị”.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Bộ trưởng Bộ Y tế: Luật về bia rượu không phá vỡ văn hoá
"Luật phòng chống tác hại của bia, rượu phải có. Đề ra luật này không phải ngăn cản phát triển kinh tế, hay phá vỡ văn hoá mà là nhân văn vì sức khoẻ con người, cũng là chức trách của ngành y tế"
Tại phiên họp về luật phòng chống tác hại của bia, rượu của Uỷ ban Các vấn đề về xã hội của Quốc hội diễn ra tại Đà Nẵng sáng 11/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định như trên.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: "Luật phòng chống tác hại của rượu, bia là nhân văn"
Tại phiên họp, đại diện Bộ Y tế đã trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo luật phòng chống tác hại của bia, rượu. Qua đó, phiên họp ghi nhận nhiều góp ý cho dự thảo luật từ các thành viên Uỷ ban Các vấn đề về xã hội của Quốc hội
Phiên họp về luật phòng chống tác hại của bia, rượu của UB Các vấn đề về xã hội của Quốc hội vừa diễn ra tại Đà Nẵng ngày 11/10
Nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng trong thực tế, một số quy định liên quan đến sử dụng bia rượu đã cho thấy hiệu quả. Ví dụ, quy định cấm cán bộ, công chức uống bia, rượu vào buổi trưa cho thấy không chỉ tốt cho sức khoẻ, mà còn không ảnh hưởng đến công việc buổi chiều. Hoặc cấm điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu bia đã giảm đáng kể tai nạn giao thông
Các ĐB thống nhất cao việc cần thiết phải có ngay luật phòng chống tác hại của bia, rượu
Đối với dự thảo luật phòng chống tác hại của bia, rượu, ĐB Phạm Khánh Phong Lan góp ý cần nhất quán điều luật quy định người dưới 18 tuổi không được uống bia, rượu với việc không mua bán, sử dụng bia rượu.
ĐB Lan cũng đề nghị cân nhắc điều luật tăng giá bia, rượu. Điều này dẫn đến hệ luỵ là hàng lậu, hàng giả nhiều; không công bằng cho những doanh nghiệp kinh doanh tử tế.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng lại nêu vấn đề nếp văn hoá bia, rượu. Ở nhiều địa phương, trong các đám cưới, đám tiệc, mời nhau ly rượu là một nét văn hoá giao tiếp. Có những người ngâm hàng nghìn lít rượu, hay trưng bày hàng trăm chai rượu chỉ để ngắm. Theo ĐB này, rượu, bia không phải là đối tượng cấm, không phải độc dược mà nghe đến là "bỏ chạy". Bia, rượu có đời sống văn hoá riêng của nó.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng: "Bia, rượu có đời sống văn hoá riêng của nó"
Các ĐB khác cho rằng quan trọng là phải hình thành một văn hoá không lạm dụng rượu, bia. Trong một bữa tiệc, uống 1 ly cho vui thì cũng được chứ đừng say bí tỉ mới thôi. Nhất là phải bỏ việc ép nhau uống bia, rượu.
Các ĐB cũng góp ý phải quy định cụ thể như thế nào là lạm dụng bia, rượu. Ví dụ, uống quá ba ly rượu là lạm dụng, quá một lon bia là lạm dụng, cho trẻ nhỏ uống bia, rượu là làm dụng...
Các ĐB cũng cho rằng cần mở rộng các đối tượng bị ảnh hưởng bởi tác động của bia, rượu, không chỉ là phụ nữ, trẻ em bị tác động khi bia, rượu là nguyên nhân tăng nguy cơ bạo lực gia đình. ĐB Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề về xã hội của Quốc hội cho rằng chăm sóc trẻ em khỏi tác động của bia, rượu cần nói rộng ra là tất cả trẻ em đều cần, chứ không như dự thảo luật ghi chú trọng trẻ là con em gia đình nghèo khó, ở vùng sâu, vùng xa.
Các ĐB góp ý cần mở rộng đối tượng bị ảnh hưởng bởi tác động của bia, rượu
Cá biệt có ý kiến của ĐB Xuân ở Cần Thơ là chưa nên ra luật vào thời điểm này, vì trong dự thảo luật vẫn còn nhiều điều cấm khó khả thi; và đối tượng chịu ảnh hưởng bởi tác động của bia rượu cần mở rộng hơn.
Tiếp thu các ý kiến của các ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: "Luật phòng chống tác hại của bia, rượu phải có. Đề ra luật này không phải ngăn cản phát triển kinh tế, hay phá vỡ văn hoá mà là nhân văn vì sức khoẻ con người, cũng là chức trách của ngành y tế"
Theo Bộ trưởng Tiến, luật ra đời theo tinh thần Nghị quyết của TW đến 2020 phải giảm 10% lượng tiêu thụ rượu bia. Hiện trên thế giới đã có 100 quốc gia có luật này, trong đó có cả những nước có truyền thống sản xuất bia, rượu nổi tiếng như Argentina nổi tiếng với rượu vang đã có luật này từ 1996. Hiệu quả của luật cũng thấy rõ ở các nước như Thái Lan giảm 50% ca tử vong do rượu, bia sau khi có luật.
Còn về kiểm soát bia, rượu hay hàng lậu, hàng giả thuộc chức năng của bộ, ngành khác. Ngành y tế chỉ quan tâm chức trách chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, phòng chống tác hại không thể phủ nhận của rượu, bia đến sức khoẻ ở mọi góc độ.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề về xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh đồng ý tinh thần chung của dự thảo luật.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thống nhất với các ĐB về việc bỏ điều luật cấm bán bia, rượu qua internet vì trong thực tiễn, điều luật này khó khả thi, không thể kiểm soát hết được. Thêm vào đó, rượu, bia là thực phẩm chứ không phải hàng cấm.
Khánh Hiền
Theo Dân trí
Mình ngành y tế không thể chống nổi dịch Ngành y tế đang "khá" đơn độc trong cuộc chiến với cùng lúc 3 loại dịch bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết. Nếu không có sự vào cuộc của hệ thông chính trị các cấp chính quyền và người dân mình ngành y tế không thể chống nổi dịch. Đó là thông điệp được PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục...