Bộ GD&ĐT thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2016
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết đề thi THPT quốc gia 2016 đã có và đảm bảo không đánh đố thí sinh, không có câu hỏi yêu cầu thí sinh phải học thuộc lòng.
Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra thường vào mùa mưa lũ. Khâu vận chuyển đề thi, bài thi năm nay sẽ được xử lý như thế nào trong những tình huống thời tiết không thuận lợi?
Năm nay, đề thi được Bộ GD&ĐT làm sớm hơn 3 ngày so với những mùa thi trước. Do đó, các cụm thi có thể tùy thuộc vào tình hình đường sá đi lại, thời tiết để vận chuyển như các điểm thi ở xa có thể tùy thuộc vào tình hình cụ thể để nhận sớm, nhận trước đề thi.
Bộ GD&ĐT cũng như các trường ĐH, các địa phương đã lường trước vấn đề này. Đề thi đã được Bộ GD&ĐT giao từ hôm thứ 3 vừa qua, hiện nay các cơ sở đang in sao. Đầu tuần sau sẽ in sao xong có thể giao cho các trường để đảm bảo an toàn cũng như thời gian vận chuyển cho kịp với thời gian thi.
Thí sinh sau giờ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2015. Ảnh: Tiền Phong.
- Các trường ĐH chủ trì các cụm thi ở xa sẽ phải vận chuyển bài thi như thế nào, thưa ông?
- Các trường chủ trì cụm thi đã có phương án cụ thể. Họ có thể vận chuyển bài thi từng môn về trụ sở chính của họ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Huế… Quá trình vận chuyển phải có đại diện của Hội đồng thi, lực lượng an ninh để đảm bảo an toàn.
Năm nay, điểm thi Phú Quốc (thuộc huyện đảo Phú Quốc – Kiên Giang) xa nhất, ở ngoài đất liền và ĐH Kiên Giang chủ trì. Trường đã chọn phương án vận chuyển đề thi, bài thi bằng máy bay ra đảo và về đất liền để tránh những tác động xấu của thời tiết.
Bộ cũng chỉ đạo ĐH Kiên Giang kiểm tra chặt chẽ kế hoạch vận chuyển, kiểm tra tất cả các khâu chuẩn bị để đảm bảo tuyệt đối an toàn đề thi và bài thi.
Video đang HOT
Đề thi không đánh đố, học thuộc lòng
- Kỳ thi THPT quốc gia đang đến gần, ông có lưu ý gì đối với các trường chủ trì cụm thi?
“Cấu trúc đề thi năm nay không khác năm 2015, nên các em không phải lo lắng. Chỉ tập trung ôn thi thật tốt. Nội dung đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Đề thi năm nay không đánh đố, không có những câu hỏi yêu cầu thí sinh phải học thuộc lòng”.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga
- Năm nay, các cụm thi do các trường ĐH chủ trì được tổ chức rải đều ở tất cả các địa phương. Một số địa phương, một số trường năm nay mới tham gia chủ trì cụm thi, nên với những cụm thi này, Bộ quán triệt theo tinh thần nếu xảy ra vấn đề gì thì báo cáo về Ban chỉ đạo thi để có hướng xử lý.
Lãnh Bộ GD&ĐT vừa qua đi kiểm tra cũng chủ yếu đến các địa phương lần đầu tiên tổ chức các cụm thi để quán triệt theo đúng tinh thần bám sát quy chế. Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy các địa phương đã nắm chắc quy chế và có giải pháp, phương án rất chi tiết để xử lý những tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.
- Với thí sinh, ông có lưu ý gì, thưa ông?
- Cấu trúc đề thi năm nay không khác năm 2015, nên các em không phải lo lắng. Chỉ tập trung ôn thi thật tốt. Nội dung đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Đề thi năm nay không đánh đố, không có những câu hỏi yêu cầu thí sinh phải học thuộc lòng. Sau khi có kết quả, các em dựa vào đó cân nhắc chọn ngành, chọn trường phù hợp với sức của mình.
- Dư luận vẫn băn khoăn về công bằng giữa các cụm thi, ông nghĩ sao?
- Các cụm thi dù địa phương chủ trì hay trường ĐH chủ trì đều đảm bảo tính công bằng như nhau. Cụm thi do các trường ĐH chủ trì có các thầy cô ở các sở GD&ĐT cùng tham gia.
Cụm thi địa phương chủ trì cũng có giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia. Nên về nguyên tắc các cụm thi đều có sự phối hợp giữa các trường ĐH và các Sở GD&ĐT.
Đề thi chung như nhau, cách tổ chức như nhau. Việc chấm thi do giảng viên ĐH và giáo viên các trường THPT cùng chấm nên đảm bảo công bằng giữa tất cả các thí sinh.
- Cảm ơn ông.
Theo Hoa Ban/Tiền Phong
Thi THPT quốc gia: Chấm bài tại TP HCM để tránh gian lận
Năm nay, nhiều trường ĐH ở TP HCM phải về các địa phương chủ trì cụm thi. Khó khăn về nhân lực, tổ chức không khiến các trường lo ngại bằng việc chấm thi sao cho đảm bảo công bằng.
ĐH Nông lâm TP HCM sẽ chủ trì cụm thi số 45 tại tỉnh Gia Lai với khoảng 12.000 thí sinh, ĐH Tài chính - Marketing chủ trì cụm thi tại tỉnh Đắk Nông, ĐH Giao thông vận tải TP HCM chủ trì cụm thi tại tỉnh Ninh Thuận, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM chủ trì cụm thi của tỉnh Bình Thuận.
ĐH Công nghiệp TP HCM chủ trì cụm thi tỉnh Đồng Nai với khoảng 13.000 thí sinh, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM năm nay tổ chức thi và chấm cho khoảng 9.000 thí sinh tỉnh Tây Ninh, các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh sẽ lần lượt được các trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP HCM), ĐH Kinh tế TP HCM tổ chức thi.
ĐH Sài Gòn chủ trì cụm thi tại tỉnh Long An, ĐH Tôn Đức Thắng chủ trì cụm thi tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ĐH Luật TP HCM chủ trì cụm thi tại tỉnh Bến Tre, ĐH Ngân hàng TP HCM tổ chức cụm thi tại tỉnh Sóc Trăng...
Bên cạnh đó, nhiều trường ĐH khác của TP HCM còn tham gia phối hợp các trường ĐH địa phương tổ chức thi.
Để tránh xáo trộn và hạn chế chi phí đi lại, ăn ở... các trường ĐH dự kiến gom bài thi về TP HCM chấm thay vì điều động lực lượng giám khảo đi xa.
ThS. Phạm Thái Sơn - Phó trưởng phòng Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM - cho biết, phương án di chuyển giám khảo đi tỉnh chấm thi rất bất tiện, do đó trường sẽ gom bài thi về TP HCM chấm.
Lực lượng chấm thi dự kiến gồm 60% giảng viên của trường và 40% giáo viên phổ thông của hai sở GDĐT TP HCM và Tây Ninh. Môn Văn sẽ có khoảng 30 người chấm; 10 giám khảo chấm môn Sử, Địa; gần 60 giám khảo chấm môn Toán.
Theo nhà trường, việc phối hợp chấm thi giữa giảng viên ĐH với giáo viên THPT của Tây Ninh và TP HCM sẽ đem lại kết quả tin tưởng.
ĐH Công nghiệp TP HCM cũng cho rằng, việc các trường ĐH không di chuyển giám khảo mà gom bài thi về TP HCM chấm liên quan đến vấn đề ăn ở, đi lại hay khâu quản lý bài thi, điều động nhân sự...
Bên cạnh đó, chấm thi tại TP HCM nếu thiếu chỗ nào có thể điều động giám khảo vào chỗ đó, nếu phải đi xa sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
ĐH Công nghiệp TP HCM dự tính dùng chủ yếu lực lượng chấm là giảng viên của mình và giáo viên phổ thông của TP HCM. Nếu chủ động bố trí ổn thỏa được lực lượng giáo viên TP HCM chấm, trường sẽ không mời giáo viên các tỉnh khác.
ĐH Nông lâm TP HCM cũng đã có phương án mời giáo viên THPT tại quận 9, quận Thủ Đức (TP HCM) và của Đồng Nai tham gia chấm thi sắp tới. Nhà trường cũng đã chuẩn bị phương án mang bài thi về TP HCM để chấm thi.
Các trường ĐH khác cũng dự tính không điều giám khảo xuống địa phương chấm thi để tránh tốn kém, đồng thời cũng để đảm bảo công bằng, tránh tình trạng giáo viên địa phương sẽ "nương tay" khi chấm thi cho học sinh của mình.
Theo Bạch Dương/Infonet
Một phần ba thí sinh từ chối thi đại học Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, theo số liệu thống kê ngày 21/6, 32% thí sinh không đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Cụ thể, theo số liệu thống kê sơ bộ, 880.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia, giảm 12% so với năm ngoái. Số thí sinh dự thi chỉ để xét...