Bộ Công an thông tin kết quả điều tra bước đầu về các nghệ sĩ làm từ thiện
Chiều 28/12, tại cuộc họp báo về kết quả công tác năm 2021, đại diện Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ công an đã thông tin bước đầu kết quả điều tra việc các nghệ sĩ làm từ thiện.
Cuộc họp báo về tình hình, kết quả công tác công an năm 2021 do Bộ Công an tổ chức. Tại cuộc họp, báo giới đề nghị Bộ Công an cho biết kết quả điều tra ban đầu về các tố cáo liên quan việc kêu gọi từ thiện của các nghệ sĩ.
Trao đổi về nội dung này, đại diện Cục Cảnh sát hình sự ( C02), Bộ Công an cho biết, trong thời gian từ tháng 5/2021 đến nay, trên các trang mạng xã hội liên tiếp đưa tin phản ánh về tình hình các cá nhân kêu gọi từ thiện. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, C02 đã vào cuộc điều tra, ngoài mạng xã hội, một số trường hợp gửi đơn tố cáo một số cá nhân chiếm đoạt tiền từ thiện.
Quá trình làm việc với trường hợp tố cáo, C02 xác định, những cá nhân này có gửi tiền làm từ thiện (từ 100.000 đến 200.000 đồng) qua các thông tin kêu gọi trên mạng xã hội và làm đơn lên Bộ Công an phản ánh việc tiền bị chiếm đoạt. Sau khi nhận đơn, C02 đã kết hợp với ngân hàng, địa phương bị bão lũ xác định các cá nhân có kêu gọi từ thiện, huy động tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt công khai tài khoản, số tiền thu/chi.
“Qua xem xét tài khoản của các cá nhân này, chúng tôi xác định số tiền vào còn ít hơn so với lượng tiền mà cá nhân đã phát cho người dân các tỉnh. Đến nay C02 đã tổng hợp, trao đổi với phía Viện kiểm soát, tiếp tục xác minh một số nội dung khác. Đến 15/1, hết hạn xử lý vụ việc, chúng tôi sẽ thông tin cụ thể đến các cơ quan báo chí”, đại diện C02 nói.
Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì họp báo.
Trước đó, bà Nguyễn Phương Hằng (49 tuổi, ở Quận 1, TPHCM) đã liên tục livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội để nói về việc kêu gọi, quyên góp tiền làm từ thiện của các nghệ sĩ, ca sĩ, như: Hoài Linh, Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành,…
Phản ứng với những thông tin bà Hằng nêu ra, nghệ sĩ Hoài Linh sau đó cũng sử dụng kênh Youtube cá nhân để giải thích việc chậm giải ngân số tiền 14 tỷ đồng mà anh kêu gọi từ thiện. Lý do đưa ra là vì dịch bệnh, bận việc nên chưa đi trao tiền được.
Cũng giống như Hoài Linh, ca sĩ Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, nghệ sĩ Trấn Thành lần lượt lên tiếng khi bị cho là đã thiếu minh bạch thu – chi trong hoạt động kêu gọi, quyên góp tiền từ thiện.
Khoảng tháng 8/2021, Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ video anh trực tiếp phản bác tin đồn nhận được 98 tỷ đồng tiền quyên góp ủng hộ trong khi chỉ giải ngân 1,8 tỷ đồng. Đàm Vĩnh Hưng khẳng định, đó là thông tin sai sự thật.
Video đang HOT
Đến lượt Trấn Thành, chiều 7/9, nghệ sĩ này công khai 1.000 trang sao kê có dấu đỏ của ngân hàng để làm sáng tỏ số tiền hơn 9 tỷ đồng trong tài khoản sau khi bị bà Phương Hằng “nhắc tên”.
Chiều 17/9, vợ chồng Công Vinh – Thủy Tiên cũng có mặt tại ngân hàng, livestream việc sao kê tài khoản đã sử dụng để nhận tiền quyên góp từ thiện hỗ trợ người dân miền Trung. Công Vinh cho biết, tính từ thời điểm đứng ra kêu gọi đến khi kết thúc chuyến từ thiện (13/10/2020 – 23/11/2020), số tiền trong tài khoản mà họ nhận được là hơn 177 tỷ đồng.
Vợ chồng Công Vinh – Thủy Tiên bác bỏ thông tin dùng nhiều tài khoản kêu gọi từ thiện.
Không dừng lại ở việc “livestream giải trình”, các nghệ sĩ, ca sĩ nói trên đã làm đơn tố cáo bà Phương Hằng vu khống. Trong đó, đơn tố cáo bà Hằng của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã được Công an TPHCM chuyển Công an tỉnh Bình Dương giải quyết theo thẩm quyền.
Liên quan đến các sự việc trên, tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra chiều 2/10/2021, Trung tướng Tô Ân Xô – Chánh Văn phòng Bộ Công an cũng đã xác nhận, Bộ Công an nhận được tin báo tố giác tội phạm và tin báo liên quan đến một số cá nhân có hoạt động gây quỹ quyên góp từ thiện thời điểm xảy ra bão lũ miền Trung năm 2020.
Theo đó, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự thụ lý, kiểm tra, xác minh các nguồn tin. Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp với các ngân hàng để tiến hành rà soát, xác định tài khoản đã huy động tiền từ thiện để làm rõ việc tiếp nhận, quyên góp, quá trình giải ngân.
Đơn tố giác gian lận tiền từ thiện sẽ được giải quyết theo quy trình nào?
Bạn đọc thắc mắc về quy trình giải quyết đơn tố giác hành vi vi phạm trong hoạt động từ thiện của một số nghệ sĩ sẽ được thực hiện thế nào? Thời hạn giải quyết tin báo tố giác bao lâu?
Trước thông tin cho rằng, Bộ Công an đã tiếp nhận đơn tố cáo và đang vào cuộc điều tra xác minh liên quan đến việc minh bạch tiền trong hoạt động quyên góp từ thiện của một số cá nhân, nghệ sĩ gây ồn ào dư luận thời gian qua, lãnh đạo một Cục chuyên môn của Bộ Công an cho biết: Đơn vị đang rà soát cơ quan công an các địa phương xem có nhận đơn trình báo về việc làm từ thiện của các nghệ sĩ để chỉ đạo xử lý.
"Chúng tôi thấy các báo điện tử, các phương tiện truyền thông đưa tin nhiều về vấn đề này. Chúng tôi đang rà soát công an các địa phương xem có nhận được đơn trình báo nào không để chỉ đạo xử lý. Trên các báo mạng cũng nói là công an TPHCM, Bình Dương đã nhận được đơn, việc này chúng tôi đang cho rà soát để chỉ đạo, xử lý" - vị lãnh đạo Cục chuyên môn của Bộ Công an cho biết.
Tối ngày 16/9, VTV đã phát sóng bản tin với chủ đề Câu chuyện văn hóa: Nghệ sĩ và văn hóa ứng xử; trong đó có vấn đề làm từ thiện, tính minh bạch trong từ thiện và cụm từ "nóng" sao kê (Ảnh chụp màn hình).
Quy trình giải quyết tin báo tố giác
Luật sư Quách Thành Lực, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Điều 147 Bộ luật hình sự năm 2015, điều 9 và điều 11 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC, điều 12 Thông tư số 28/2020/TT-BCA quy định thời hạn cơ quan điều tra giải quyết tin báo tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tin báo tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:
1) Quyết định khởi tố vụ án hình sự;
2) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
3) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng (trong trường hợp được Thủ trưởng ủy quyền hoặc phân công), cấp trưởng, cấp phó (trong trường hợp được cấp trưởng ủy quyền hoặc phân công) cơ quan đang thụ lý, giải quyết có thể kéo dài thời hạn giải quyết nhưng không quá 02 tháng kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng tính từ ngày hết hạn giải quyết của cơ quan điều tra ở mục trên.
Thời hạn giải quyết tiếp trong trường hợp Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan đang thụ lý, giải quyết là không quá 01 tháng kể từ ngày cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố nhận được quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ.
Như vậy theo những văn bản trên đây, Đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố sau khi tiếp nhận đã rõ về dấu hiệu của tội phạm, đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự thì Cơ quan điều tra ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự ngay mà không cần không phải ra Quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, chờ đợi trong thời hạn 20 ngày.
Trường hợp nếu không có việc tạm đình chỉ quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì thời hạn tối đa là 04 tháng kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp nếu có việc tạm đình chỉ quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì thời hạn tối đa là 05 tháng kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết.
Trong trường hợp vụ án bị tạm đình chỉ điều tra thì chỉ khi nào căn cứ tạm đình chỉ không còn, cơ quan điều tra có quyết định khôi phục thì việc điều tra mới được tiến hành lại. Thời hạn tạm đình chỉ điều tra không tính vào thời hạn giải quyết tin báo tố giác tội phạm.
"Pháp luật nghiêm cấm hoạt động cứu trợ, thiện nguyện để vụ lợi"
Trước đó, trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp báo Chính phủ tối 6/9 khi nhận các câu hỏi xung quanh sự việc gây tranh cãi về chuyện vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên, cầu thủ Công Vinh được yêu cầu công khai bản sao kê hoạt động thu - chi quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung, Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh nguyên tắc phải đảm bảo minh bạch trong hoạt động từ thiện.
Thời gian qua câu chuyện làm từ thiện của nhiều nghệ sĩ Việt đang gây tranh cãi, xôn xao dư luận, bị "tố" là thiếu minh bạch...
Trên mạng xã hội xuất hiện những cuộc livestream "bóc phốt" nghệ sĩ làm từ thiện gây chú ý lớn. Từ đó, nhiều hoạt động từ thiện có dấu hiệu nghi vấn được đề cập tới.
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an tại cuộc họp báo tối 6/9 (Ảnh: Nguyễn Quân).
Nói về hiện tượng này, Trung tướng Tô Ân Xô phân tích, việc cá nhân, tổ chức đứng ra kêu gọi ủng hộ đồng bào vượt qua khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, hoạn nạn là nghĩa cử rất cao đẹp, mang tính nhân văn. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đóng góp này.
Việc tiếp nhận và vận động, phân phối việc sử dụng nguồn đóng góp này được pháp luật quy định rõ ràng tại Nghị định 64/2008 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
"Theo quy định, việc vận động, tiếp nhận phân bổ sử dụng tiền, hàng, phải được thực hiện kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng, minh bạch, công khai. Pháp luật nghiêm cấm hoạt động cứu trợ, thiện nguyện để vụ lợi; nghiêm cấm việc gian lận, báo cáo sai sự thật để chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng của tổ chức, cá nhân quyên góp" - Chánh Văn phòng Bộ Công an nhấn mạnh.
Trung tướng Tô Ân Xô cũng khẳng định, khi có dấu hiệu về việc chiếm đoạt tài sản, tiền, hàng từ hoạt động quyên góp, ủng hộ, thì cơ quan chức năng xem xét xử lý với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" hoặc "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
"Trong bối cảnh hiện nay, dư luận quan tâm chú ý vấn đề này, nếu ai có chứng cứ, tài liệu về việc lừa đảo trong quyên góp từ thiện thì hãy tố giác, gửi cho cơ quan điều tra. Các cục nghiệp vụ của Bộ Công an sẽ vào cuộc, đảm bảo đúng quy định" - ông Tô Ân Xô cho hay.
Người giữ lại tiền từ thiện sẽ bị xử lý thế nào? Nếu có đủ căn cứ chứng minh cá nhân vi phạm trong hoạt động từ thiện sẽ bị xử lý về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hoặc tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Liên quan đến việc Bộ Công an xác minh, thu thập chứng cứ liên quan hoạt động từ thiện của Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng...