Biden muốn 70% người Mỹ được tiêm vaccine trong hai tháng tới
Biden đặt mục tiêu 70% người Mỹ được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 trước ngày quốc khánh 4/7 và sẽ sớm tiêm cho trẻ em.
Thế giới đã ghi nhận 154.940.173 ca nhiễm nCoV và 3.239.609 ca tử vong, tăng lần lượt 747.203 và 12.649, trong khi 133.045.362 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Mỹ , vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 33.267.769 ca nhiễm và 592.286 ca tử vong do nCoV, tăng 35.464 ca nhiễm và 728 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 4/5 đặt mục tiêu mới trong chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19, trong đó 70% cư dân được tiêm ít nhất một liều trước ngày quốc khánh Mỹ 4/7, thêm rằng chính phủ sẽ bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em 12-15 tuổi càng sớm càng tốt. Mục tiêu này cũng tính tới khó khăn khi tiêm cho những người còn e ngại về vaccine.
Biden họp báo tại Nhà Trắng hôm 4/5. Ảnh: AFP .
“Chúng ta có nguồn cung vaccine và cần tập trung thuyết phục thêm nhiều người Mỹ đến các điểm tiêm chủng. Nếu nỗ lực này thành công, người dân Mỹ sẽ đạt bước tiến quan trọng để trở lại cuộc sống bình thường”, Biden nói.
Ông chủ Nhà Trắng trước đó coi 4/7 là thời điểm người Mỹ có thể tụ tập theo nhóm nhỏ để mừng quốc khánh và đưa xã hội dần trở lại bình thường. Biden cho biết chính quyền sẽ tập trung triển khai vaccine cho những vùng hẻo lánh, sử dụng các địa điểm nhỏ thay thế cho trung tâm tiêm chủng lớn.
Quan chức chính quyền Mỹ cho biết 105 triệu dân Mỹ đã tiêm đủ hai liều vaccine, trong khi 56% người trưởng thành, tương đương 147 triệu người, đã được tiêm ít nhất một liều.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 20.658.234 ca nhiễm và 226.169 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 382.691 và 3.786 ca.
Tình trạng thiếu vaccine đang cản trở nỗ lực tiêm chủng của Ấn Độ. Tuần trước, chính phủ nước này thông báo cho phép tiêm chủng cho những người từ 18 tuổi trở lên, nhưng chỉ có 12 trong 36 bang và vùng lãnh thổ Ấn Độ có đủ vaccine để triển khai.
Một số bệnh viện ở New Delhi tiếp tục từ chối tiếp nhận bệnh nhân vì thiếu nguồn oxy y tế. Ấn Độ đã phải huy động sinh viên y khoa và nhân viên y tế của hải quân tới các bệnh viện trên khắp đất nước để hỗ trợ cuộc chiến chống Covid-19.
Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố “sát cánh cùng Ấn Độ” và sẽ cung cấp thêm hỗ trợ cho quốc gia Nam Á chống dịch, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đăng Twitter ngày 3/5, sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Video đang HOT
Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 14.856.888 ca nhiễm và 411.588 ca tử vong, tăng lần lượt 65.454 và 2.759.
Bộ trưởng Y tế Marcelo Queiroga cho biết Brazil sắp ký hợp đồng thứ hai với Pfizer để mua thêm 100 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó 35 triệu mũi sẽ được bàn giao vào tháng 10 tới. Với hợp đồng mới, Brazil sẽ có 200 triệu liều vaccine Pfizer để giảm bớt tình trạng thiếu vaccine của nước này.
Rio de Janeiro, thành phố lớn thứ hai của Brazil, cuối tuần qua thông báo đang tạm dừng tiêm mũi thứ hai vaccine CoronaVac, loại vaccine do công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất, vì hết nguồn cung. Chương trình tiêm chủng của Brazil cho tới nay phụ thuộc chủ yếu vào loại vaccine này.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.686.373 ca nhiễm, tăng 4.369, trong đó 46.137 người chết, tăng 188.
Indonesia hôm 3/5 ghi nhận các trường hợp mang biến chủng B.1.617 được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ và biến chủng nCoV nguồn gốc Nam Phi. “Hai ca nhiễm biến chủng Ấn Độ được phát hiện tại Jakarta, một người mang biến chủng Nam Phi được báo cáo ở Bali”, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho hay.
Indonesia hồi tháng trước đã ngừng cấp visa cho người nước ngoài từng đến Ấn Độ trong vòng 14 ngày.
Campuchia ghi nhận thêm 938 ca nhiễm nCoV và 1 ca tử vong, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 16.299, trong đó 107 người đã tử vong. Dịch bùng phát và diễn biến phức tạp tại Campuchia từ tháng 2, bắt đầu từ cộng đồng người Trung Quốc nhập cư. Thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmau đã trải qua 20 ngày phong tỏa.
Chính phủ Campuchia dự kiến chấm dứt biện pháp phong tỏa toàn diện từ ngày 6/5 và chỉ duy trì phong tỏa cục bộ một số địa bàn có mức lây nhiễm cao.
Giới chức đang trưng dụng trường học, nhà hàng tiệc cưới làm bệnh viện dã chiến nhằm giảm áp lực cho bệnh viện và hệ thống y tế Campuchia. Thủ tướng Hun Sen có thời điểm phải cảnh báo đất nước “bên bờ vực tử thần” vì Covid-19 và kêu gọi người dân tuân thủ khuyến cáo y tế.
Biden nguy cơ bị 'phản đòn' trong đại dịch
Biden hứa đưa Mỹ trở lại bình thường vào Quốc khánh 4/7, nhưng có nguy cơ bị "phản đòn" vì những lý do ngoài tầm kiểm soát.
Cam kết đầy tham vọng được Tổng thống Joe Biden đưa ra trong bài phát biểu giờ vàng hôm 11/3, kỷ niệm một năm Covid-19 bùng phát ở Mỹ, đã thắp hy vọng cho những người dân đang mong mỏi về một mùa hè thoải mái và thú vị.
Lời hứa này được coi là một "canh bạc", khi nó có thể mang tới những phần thưởng chính trị lớn cho Biden nếu đạt được, nhưng cũng có thể tạo ra rủi ro cao nếu đà giảm số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 hiện nay bị đảo ngược bởi những lý do mà ông không thể kiểm soát được.
"Việc đưa ra những lời hứa cụ thể luôn khó khăn. Có rủi ro hay không? Bạn phải đặt cược. Trách nhiệm đi kèm với nó ra sao? Bạn cũng phải đặt cược?", Kathleen Sebelius, cựu bộ trưởng y tế và dịch vụ nhân sinh dưới thời Barack Obama, nói.
Sebelius đã trải qua cảm giác này khi giữ chức Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh. Khi Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (ACA) được triển khai, nó lập tức vấp trở ngại do trang web quản lý bị trục trặc, buộc bà phải đưa ra lời hứa về thời gian khắc phục cụ thể.
"Một trong những điều đáng sợ nhất tôi phải làm trong sự nghiệp của mình là sau khi thừa nhận trang web Healthcare.gov bị trục trặc tới mức không sử dụng được, chúng tôi phải nói 'nó sẽ được khắc phục vào ngày 1/12'", Sebelius nhớ lại.
Tổng thống Joe Biden tại Vườn Hồng Nhà Trắng hôm 12/3. Ảnh: AP .
Giới chuyên gia y tế cộng đồng cho biết cuộc chiến chống Covid-19 tại Mỹ luôn tiềm ẩn những yếu tố khôn lường, như mức độ lây lan của các biến chủng nguy hiểm, nguy cơ bùng phát dịch từ quyết định vội vã "mở cửa 100%" của các bang, chia rẽ văn hóa về khẩu trang và giãn cách xã hội, hay thái độ của người Mỹ với tiêm chủng.
Ngoài ra, bài học từ sự cố sập trang web Healthcare.gov cho thấy những thách thức về kỹ thuật và rào cản quan liêu có thể cản trở chính phủ thực hiện cam kết. Những sự cố như vậy cũng có thể là lưỡi dao treo lơ lửng trên đầu trang web và đường dây nóng "tìm kiếm điểm tiêm chủng" mà Biden hứa hẹn.
Sau thời gian dài né tránh đưa ra câu trả lời về thời điểm nước Mỹ trở lại bình thường, Biden dường như đi đến kết luận rằng đã đến lúc thay đổi thông điệp của mình, rằng người Mỹ sẽ chán nản với quy định đeo khẩu trang và giãn cách nếu không cung cấp cho họ lý do để hy vọng cùng niềm tin rằng mọi thứ sẽ tươi sáng hơn, theo biên tập viên Sean Sullivan của Washington Post .
"Hỡi tất cả người Mỹ đang theo dõi, tôi muốn nói rằng sự trợ giúp ở đây và chúng tôi không ngừng làm việc vì các bạn ", Biden thông báo trong sự kiện tại Vườn Hồng Nhà Trắng hôm 12/3 về gói cứu trợ 1.900 tỷ USD vừa được ông ký thông qua.
Sau khi điểm qua các nét chính của gói cứu trợ, bao gồm khoản tiền 1.400 USD được gửi tới nhiều người Mỹ, Tổng thống Biden không quên cảnh báo về các yếu tố có thể cản trở nỗ lực phục hồi đất nước.
"Như tôi nói tối qua, đại dịch chưa kết thúc. Mọi thứ có thể thay đổi. Chúng ta chưa hoàn thành công việc", Biden nói. "Sai một li đi một dặm. Chúng ta phải làm đúng. Các tiểu tiết đều rất quan trọng, bởi chúng ta phải tiếp tục xây dựng niềm tin trong lòng người Mỹ rằng chính phủ có thể làm việc vì họ và giúp đỡ họ".
Tuy nhiên, biên tập viên Sullivan cho rằng việc truyền tải nhiều sắc thái và cảnh báo tới công chúng, những người đang háo hức với kế hoạch cưới hỏi, tụ họp gia đình, kỳ nghỉ hay các sự kiện khác không thể thực hiện vào năm ngoái, có thể là một thách thức lớn. Biden hôm 11/3 đã đưa ra mốc thời gian cụ thể cho người Mỹ, khi cam kết tiêm chủng cho tất cả người trưởng thành trước 1/5 và đưa đất nước trở lại bình thường vào 4/7.
Các thành viên đảng Cộng hòa đã mang tới thách thức đầu tiên cho Biden. "Nếu tới tháng 5 mọi người Mỹ sẵn sàng đều được tiêm vaccine Covid-19 như Tổng thống nói, tại sao cuộc sống của chúng ta phải đợi đến 4/7 mới trở lại bình thường?", thượng nghị sĩ John Cornyn của bang Texas đăng Twitter.
Trong phát biểu tối 11/3, Biden đã nói rằng tới ngày 1/5, tất cả người Mỹ có thể đăng ký tiêm vaccine, bất kể tuổi tác, nghề nghiệp hay tình trạng sức khỏe. Ông cũng nhiều lần lưu ý rằng người dân có thể vẫn phải chờ đợi một thời gian để đặt lịch và tiêm chủng. Tuy nhiên, bài đăng Twitter của Cornyn đã nhấn mạnh những câu hỏi chưa lời đáp về tình hình Mỹ sẽ như thế nào vào ngày 4/7.
Quan chức Nhà Trắng và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) từ chối đặt mục tiêu cụ thể về số lượng người cần được tiêm chủng để đạt được mục tiêu của Tổng thống, cho phép những nhóm nhỏ tụ tập kỷ niệm Quốc khánh Mỹ.
"Tôi không nghĩ chúng ta có thể đưa ra một chỉ số nào về điều đó", Rochelle Walensky, giám đốc CDC, nói.
Quan chức Nhà Trắng hôm 12/3 nói rằng mốc thời gian mà Tổng thống Biden đặt ra dựa trên dữ liệu về nguồn cung vaccine và số nhân viên y tế sẵn có để triển khai chiến dịch tiêm chủng. Họ thêm rằng việc đặt ra các cột mốc để đánh dấu bước tiến của đất nước là điều quan trọng.
"Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều nhất trí rằng điều quan trọng là phải đặt thời hạn và mục tiêu", Jeff Zients, điều phối viên nhóm ứng phó Covid-19 Nhà Trắng, nói.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki thừa nhận chính quyền có thể không dễ dàng đạt được tất cả mục tiêu đặt ra, nhưng thêm rằng không có lý do gì để không nỗ lực.
"Chúng tôi sẽ không để các thách thức ngăn cản mình thiết lập mục tiêu", Psaki nói. "Tổng thống, Jeff Zients, Ron Klain và nhiều lãnh đạo cấp cao của nhóm đều thấy cần thiết phải đặt ra mục tiêu rõ ràng cho chính mình".
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho cảnh sát bang New Jersey tại điểm tiêm chủng ở Rockaway hồi tháng 1. Ảnh: NYTimes.
Khi đắc cử tổng thống, Biden đặt mục tiêu tiêm chủng một triệu liều mỗi ngày, ngay cả khi một số người hoài nghi nó quá tham vọng. Một tháng rưỡi sau đó, Biden đã dần hiện thực hóa cam kết, một phần nhờ tốc độ tiêm chủng được tăng tốc hơn trong những ngày cuối nhiệm kỳ Trump. Bây giờ, ông đã thực hiện được gấp đôi mục tiêu đó.
Một số chuyên gia y tế cộng đồng nói rằng tới ngày 1/5, các bang có khả năng cung cấp đủ vaccine cho tất cả người trưởng thành ở Mỹ. Nhưng bằng cách đưa ra cam kết trong bài phát biểu khung giờ vàng, Biden đã biến đây trở thành mục tiêu của riêng mình, có khả năng giúp ông tăng tín nhiệm nếu thành công.
Tính tới ngày 14/3, đã có 69,8 triệu người Mỹ được tiêm vaccine Covid-19, trong đó 37,5 triệu người đã hoàn thành hai mũi tiêm, theo CDC. Psaki cho biết chính quyền sẽ sớm bắt tay vào chiến dịch chống lại tình trạng chần chừ tiêm chủng ở nhiều khu dân cư.
Thái độ hoài nghi vaccine được coi là thách thức lớn đối với nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng của Biden. Một nghiên cứu của Quỹ Gia đình Kaiser chỉ ra tỷ lệ người Mỹ muốn "chờ xem" hiệu quả của vaccine vẫn khá lớn, dù đã giảm từ 31% hồi tháng 1 xuống 22% trong tháng 2.
Biden hôm 12/3 nhấn mạnh để có thể đạt được mục tiêu đề ra, người Mỹ cần góp sức bằng cách tiêm chủng, đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội. Ông cảnh báo nếu các cá nhân lơ là cảnh giác hoặc có hành vi nguy hiểm, nỗ lực chống dịch có thể bị thụt lùi. Tuy nhiên, thông điệp của Biden có thể vấp trở ngại khi nhiều bang dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang và cho phép "mở cửa 100%".
Dù đối mặt nhiều thách thức, Biden dường như vẫn lạc quan khi ám chỉ cuộc sống bình thường như trước đại dịch sẽ không còn xa vời.
"Tôi ước mình có thể tới bắt tay tất cả các bạn", Biden nói với các thành viên quốc hội trước khi kết thúc bài phát biểu ở Vườn Hồng. "Nhưng lần tới, chúng ta sẽ không xa cách như vậy".
Biden tung đòn không kích đầu tiên tại Syria Quân đội Mỹ tiến hành đòn không kích đầu tiên được Biden phê chuẩn, nhằm vào công trình được cho là do dân quân thân Iran kiểm soát ở Syria. Hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết đòn không kích diễn ra tại Syria hôm 25/2 sau khi được Tổng thống Mỹ Joe Biden phê chuẩn, nhưng không tiết lộ địa điểm...