Bệnh “lạ”: thấy chết mà không cứu được
Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân ở huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi tiếp tục khiến nhiều người quan tâm và chờ đợi câu trả lời: đâu là nguyên nhân gây bệnh?
Kẻ tạm lánh, người nằm chờ…
Trước hai trường hợp tử vong vừa qua ở làng Rêu, không khí u ám càng bao trùm người dân ở đây. Ông Phạm Văn Bút – chủ tịch UBND xã Ba Điền – cho hay địa phương có chín gia đình đã đưa con mình đi nơi khác tạm lánh bệnh.
Ra viện: bệnh tái phát
Bác sĩ Lê Thị Bích Liên, trưởng khoa da liễu Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, cho biết phác đồ điều trị mới so với phác đồ điều trị cũ trước đó cũng chẳng có gì khác, chỉ khác ở chỗ là phân giai đoạn để điều trị cho đúng tuyến nhằm chăm sóc bệnh nhân được tốt hơn. Về phác đồ điều trị của Bộ Y tế đối với bệnh “lạ”, bác sĩ Liên cho rằng khi bệnh nhân được phát hiện sớm để điều trị thì bệnh giảm hẳn, nhưng khi ra viện về cộng đồng lại tái phát.
BS khám bệnh “lạ” cho người dân địa phương. (Ảnh minh họa)
Tại địa phương, không ít người mắc bệnh này vẫn lo sợ.
Video đang HOT
Theo bác sĩ Đinh Thị Mai Hương, phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), Trung tâm y tế huyện Ba Tơ đã phân loại và yêu cầu 14 bệnh nhân trong số 28 người đang điều trị tại trung tâm y tế lên tuyến trên do men gan cao. Tuy nhiên, người bệnh đang có tâm lý không còn muốn chuyển viện lên tuyến trên.
Đến nhà anh Phạm Văn Gương (sinh 1986), con bà Phạm Thị Ngớt (tử vong ngày 7-5) ở làng Rêu, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, chúng tôi gặp vợ và con anh Gương. Vợ anh Gương, chị Phạm Thị Lấy (30 tuổi), cho biết nhà chị có ba người bị bệnh, đang điều trị ở Bệnh viện phong – da liễu trung ương Quy Hòa. Khi nghe mẹ (bà Ngớt) chết chị mới về đưa tang. Mấy ngày qua, sức khỏe của hai vợ chồng và con trai là Phạm Văn Thu (sinh 2003) ngày càng kiệt dần. “Nó tức ở trong ruột, không ăn được. Mà có ăn vào cũng không tiêu” – chị Lấy nhăn nhó cho biết. Vò đầu con trai, chị Lấy bảo tóc con ngày xưa dày lắm, bây giờ thế này…
Quan sát cháu Thu, tôi thấy da đầu vàng hiện rõ. Còn chị Lấy tóc chỉ thưa thớt trên đầu.
Mẹ con chị Phạm Thị Lấy đang mệt mỏi vì căn bệnh này – Ảnh: P.Long
Tạm biệt chị Lấy, chúng tôi đến nhà chị Phạm Thị Ân (26 tuổi) ở cùng xóm với chị Lấy. Thế nhưng nhà sàn chị Ân cửa im ỉm đóng. Mở cửa bước vào, chúng tôi thấy chị Ân nằm trên võng, ốm còn da bọc xương, bụng thì phình to. Chị Ân thều thào từ mấy tuần nay ở nhà một mình như vậy. Mỗi ngày chị Ân chỉ uống nước và ăn được vài muỗng cháo, không ăn cơm được.
Theo các y, bác sĩ của Trạm y tế xã Ba Điền, chị Ân bệnh nặng quá, bỏ bệnh viện về. Cuối tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về làng Rêu, muốn đưa chị Ân ra Bệnh viện C Đà Nẵng nhưng gia đình không cho đi!
Già làng Phạm Văn Đang buồn bã nói: “Chính quyền phải làm gì đi chứ, để dân làng Rêu mỗi ngày một vắng người”. Trong khi đó, một cán bộ xã Ba Điền than thở: “Thấy chết trước mắt vẫn không cứu được”.
Chưa có gạo mới
Cuối tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi làm việc với tỉnh Quảng Ngãi, đã đề nghị cấp gạo trắng để thay gạo lứt người dân đang dùng. Thế nhưng đến ngày 10-5, hỏi từ cán bộ đến người dân, họ trả lời: gạo chỉ nghe nói mà thôi chứ chưa thấy cấp! Ông Bút cho biết đến nay người dân bị mắc bệnh này được hỗ trợ 2 triệu đồng/trường hợp, còn gạo thì “chỉ nghe nói, dân vẫn ăn gạo cũ “.
Trao đổi về việc gạo bà con dùng có bị mốc không, ông Bút lắc đầu quầy quậy: “Gạo này bà con dùng từ trước giờ, có bị mốc và ai đau yếu bao giờ. Chỉ có mất chất thôi. Cán bộ dưới xuôi lên vẫn ăn gạo này với bà con đó”. PGS-TS Phan Trọng Lân, phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cũng cho biết nghi ngờ ăn gạo mốc gây bệnh “lạ” chỉ là nghi ngờ, yếu tố chỉ điểm để kiểm tra chứ không phải nguyên nhân và mọi thứ vẫn chưa có kết luận chính thức.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, người bị mắc bệnh này cần bổ sung vitamine, khoáng chất và bồi dưỡng thức ăn để tăng sức đề kháng. Thế nhưng khi tiếp xúc với chúng tôi, bà con ở đây nói không biết lấy gì để bồi dưỡng. Chị Phạm Thị Phiên (sinh 1993) vừa điều trị ở Bệnh viện phong – da liễu trung ương Quy Hòa về hơn hai tuần nay cho hay “không được nhận một viên vitamine và khoáng chất nào cả. Còn bồi dưỡng thêm thức ăn thì lấy tiền đâu mua đây”!
Đoàn công tác hùng hậu trên 70 cán bộ của Bộ Y tế, do Cục Y tế dự phòng sẽ lên “ăn, ở” với người dân Ba Điền khoảng mười ngày. Trong đó, ngoài việc khử trùng, phun thuốc diệt côn trùng bọ chét, lấy mẫu xét nghiệm, đoàn sẽ phát chăn màn, chiếu cho 395 hộ dân Ba Điền. Dự kiến khi đủ 800 chiếc chiếu vào ngày 11-5, đoàn sẽ cấp cho dân.
Chiều 10-5 mới chuyển tiền mua gạo
Trước phản ảnh của người dân Ba Điền vẫn chưa được phát gạo, ông Nguyễn Minh Tuấn – chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Quảng Ngãi – cho biết đến chiều 9-5, UBND tỉnh mới có văn bản gửi cho đơn vị cho ứng 1,3 tỉ đồng để hỗ trợ người dân Ba Điền. Chiều 10-5, MTTQ tỉnh sẽ làm thủ tục chuyển số tiền này cho UBND huyện Ba Tơ. “Đây là tiền Ủy ban MTTQ tỉnh giao cho huyện Ba Tơ, còn chừng nào huyện mua gạo cấp cho dân thì do huyện tổ chức” – ông Tuấn nói.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ về việc người dân khu vực nhiễm bệnh “lạ” chưa nhận được gạo trắng và vitamine, khoáng chất cải thiện sức khỏe, đại diện Bộ Y tế cho hay trong hoạt động ngăn ngừa bệnh “lạ”, Bộ Y tế có trách nhiệm tổ chức tập huấn điều trị bằng phác đồ mới, nghiên cứu tìm nguyên nhân bệnh “lạ”, cách phòng chống và giảm tử vong, hỗ trợ trang thiết bị y tế… hiện tất cả công việc này đã được tiến hành. Về việc người dân chưa nhận được gạo trắng, Bộ Y tế cho biết cách đây hai ngày, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã thông báo cho Bộ Y tế về việc cấp 15kg gạo trắng/tháng/người dân tại khu vực có bệnh “lạ” trong vòng sáu tháng.
P.LONG – L.ANH
Theo Phúc Long- Võ Minh (Tuổi trẻ)
Bộ Y tế nhận định nguyên nhân gây "bệnh lạ"
Ngày 7/5, Bộ Y tế đã có báo cáo về các yếu tố nguy cơ gây ra hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân (hay được gọi là "bệnh lạ") tại huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi).
Theo nhận định ban đầu của Bộ Y tế thì nhiều khả năng các trường hợp mắc bệnh do bị nhiễm độc, có thể do tiếp xúc trực tiếp hoặc qua thực phẩm bị nhiễm độc.
Qua khảo sát ban đầu, các chuyên gia khẳng định, đây là một thể bệnh không có yếu tố chứng tỏ nhiễm trùng (từ virus, vi khuẩn, Rickettsia) do không có trường hợp nào sốt khi khởi phát bệnh. Bệnh có tái phát và không tiến triển cấp tính.
Ngoài ra, 100% bệnh nhân có men gan tăng, các xét nghiệm huyết học cho thấy tình trạng dinh dưỡng kém. Với các trường hợp bệnh, không có sự khác biệt rõ rệt về tuổi, giới ở nhóm người nhiễm bệnh, không có bằng chứng lây từ người sang người.
Nhận định ban đầu của Bộ Y tế cho thấy nguyên nhân gây bệnh lạ có thể do thực phẩm nhiễm độc
Để khống chế tối đa trường hợp tử vong, phác đồ điều trị mới hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân của Bộ Y tế đã được thực hiện trong đó chú trọng đến hồi sức, chống độc tổ chức phun thuốc diệt côn trùng, mò, vẹt, tiệt trùng, tăng cường dinh dưỡng cho người dân ở các xã thuộc địa bàn huyện Ba Tơ.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND tỉnh đẩy nhanh việc cấp gạo trắng cho các hộ gia đình, đồng thời thu đổi gạo ủ, gạo mốc vận động người dân đi bệnh viện điều trị ngay khi có các biểu hiện của hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân.
Trước đó, vào ngày 4/5, Bộ Y tế cũng đã ban hành phác đồ mới điều trị bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân (bệnh lạ) ở Quảng Ngãi. Theo đó, các ca bệnh được chẩn đoán sống trong vùng dịch tễ, có các biểu hiện lâm sàng tổn thương cơ bản gồm: mảng da đỏ thẫm, ranh giới rõ với da lành, dày sừng nứt nẻ, bong vảy ở bàn tay, bàn chân. Có đau rát tại thương tổn, xét nghiệm có thể men gan tăng.
Bộ Y tế cũng lưu ý các đối tượng dễ có nguy cơ tiến triển nặng gồm trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mạn tính, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất, thiếu máu.
Việc điều trị các ca bệnh ở mức độ nhẹ được chỉ định tại bệnh viện huyện hoặc các đơn vị chuyên khoa da liễu bằng các biện pháp điều trị tại chỗ tổn thương da. Với mức độ nặng và biến chứng phải điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu của các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hoặc trung ương. Khi cần phải hội chẩn với các chuyên khoa có liên quan.
Về diễn biến mới nhất của căn bệnh này tại Quảng Ngãi: Vào ngày hôm qua (7/5), bà Phạm Thị Ngớt (SN 1952), ở thôn Làng Rêu, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi đã tử vong tại Bệnh viện huyện Ba Tơ do mắc hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân (thường gọi là bệnh lạ).
Cái chết của bà Ngớt khiến dân làng càng thêm hoang mang, lo sợ. Con đường duy nhất từ UBND xã Ba Điền về các làng Rêu, Gò Nghênh bị người dân dùng hàng rào tre chặn lại, không cho "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Tính đến thời điểm này, riêng tại xã Ba Điền có 171 trường hợp mắc hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân, trong đó có 20 trường hợp tử vong.
Theo N.Anh (Vietnamnet)
Tìm nguyên nhân và điều trị bệnh "lạ": quá chậm Đoàn đến, đoàn về bệnh "lạ" vẫn tăng. (Ảnh minh họa) Trong hai ngày 7 và 8-4, khi trên 70 chuyên gia đầu ngành của Bộ Y tế đang tìm nguyên nhân gây ra hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân ở xã Ba Điền, tiếp tục có hai người mắc bệnh này tử vong. Điều đáng lo là người...