Bánh mì ‘khổng lồ’ Việt Nam dù vào top món ăn kì lạ nhưng không còn bán
Bánh mì ‘khổng lồ’ ở An Giang được trang tin Bright Side (Mỹ) xếp hạng là 1 trong 15 món ăn lạ nhất thế giới năm 2018, đã chứng tỏ sự sáng tạo không giới hạn của thợ làm bánh. Đáng tiếc, nơi sản xuất đã đóng cửa.
Bà Phạm Thị Bạc chuẩn bị giao bánh thời điểm tiệm còn hoạt động
Bánh mì “khổng lồ” nói trên xuất xứ ở thị trấn Nhà Bàng (H.Tịnh Biên, An Giang), một vùng đất núi non nổi tiếng với bao truyền kỳ. Và thợ làm ra ổ bánh “khủng” là ông Thái Văn Sơn (47 tuổi) và vợ là bà Phạm Thị Bạc (46 tuổi, cùng ngụ An Giang). Tiệm bánh mì của vợ chồng ông Sơn có mặt tiền ngay quốc lộ 91.
Sáng ngày 10.10, PV Thanh Niên đến thị trấn Nhà Bàng tìm thợ bánh này nhưng khi đến nơi thì “cửa đóng, then cài”. Người dân bản xứ cho biết, lò bánh mì của ông Sơn và bà Bạc đã ngưng hoạt động, giờ hai vợ chồng đi đâu không rõ.
Bánh mì “khổng lồ” của gia đình ông Sơn hay được khách du lịch tìm mua
Những hộ dân gần tiệm bánh ông Sơn nói, mấy ngày trước xem báo thấy thông tin bánh mì An Giang được chọn là một trong những món ăn lạ nhất thế giới. Họ nói, lúc lò bánh ông Sơn hoạt động không khí rất nhộn nhịp vì xe du lịch, xe khách chạy tới đây đều tấp vào mua bánh mì “khổng lồ” ăn hay làm quà.
Video đang HOT
Ông K., hàng xóm của ông Sơn, kể : “Vợ chồng ổng làm đủ loại bánh mì to, ổ to nhất dài 1,2m bán giá 50.000 đồng/ổ nhưng thỉnh thoảng ông ấy vẫn làm ổ dài gần 1,5m theo yêu cầu của khách và bán với giá 70.000 đồng/ ổ”. Theo ông K., ông Sơn làm đủ loại bánh mì với nhiều kích cỡ nhưng ổ rẻ nhất là 10.000 đồng, còn lại giá từ 15.000-30.000 đồng/ổ.
Để chế biến bánh mì khủng, ông Sơn đã thiết kế lò làm bánh khá đặc biệt và dùng củi để nấu bánh vì theo ông tâm sự với xóm giềng, “nấu bằng củi thì lửa sẽ cháy đều đều nên ổ bánh mì nở to hơn và màu sắc cũng đẹp hơn so với nấu bằng lò điện”.
Người dân cho biết, ngày thường ông nấu khoảng 120 kg bột, còn thứ bảy và chủ nhật nấu khoảng 180 kg bột vì 2 ngày này khách du lịch rất đông. Bánh mì của ông Sơn trộn thêm nhiều bơ và đường nên ngọt và ngon những loại khác. Nhiều người ở Sài Gòn xuống du lịch mua ăn xong, không có dịp đi Tịnh Biên thì gọi điện ông Sơn nhờ gửi bánh mì 50.000 đồng/ổ theo xe khách mang lên Sài Gòn.
Tiệm bánh mì giờ “cửa đóng, then cài” THANH DŨNG
Một hộ dân nói: “Lúc vợ chồng ông Sơn thuê nhà ở đây làm lò bánh mì thấy bán đắc lắm, một ngày mấy trăm ổ bánh. Tiệm bánh nằm ở mặt tiền nên khách du lịch đi xe ngang qua thấy ổ bánh to treo lủng lẳng. Họ thấy lạ quá nên tấp vào mua và thường mua ổ bánh mì dài 1,2m. Khách nước ngoài cũng đến đây mua, có người còn quay phim chụp hình vợ chồng ông chủ bán bánh mì nữa”.
Lâu lâu ông Sơn lại chở bánh mì khủng đi “rao hàng” bán cho khách du lịch tới Núi Sam (TP.Châu Đốc, An Giang) và thậm chí mang tới TP.Long Xuyên (An Giang) bán.
Nhiều người cho rằng vợ chồng ông Sơn âm thầm bỏ đi vì nợ nần khá nhiều. Những ngày ông Sơn đóng cửa tiệm, trả lại nhà thuê cho chủ thì khu vực này bớt náo nhiệt hẳn đi. Các hộ dân nói, mấy xe du lịch chạy tới đây hay đảo tới lui tìm bánh mì “khổng lồ” mua ăn thử cho biết nhưng khi biết ông Sơn không còn bán bánh ai cũng tiếc.
Hỏi người dân gần nhà ông Sơn bánh mì ăn ngon không, họ trả lời cũng thỉnh thoảng mua ổ bánh to giá 10.000 đồng ăn và thấy cũng ngon. Rồi họ xuýt xoa, sau này muốn ăn nữa rất khó vì thợ nấu đi biệt xứ không biết khi nào quay về.
Theo Thanhnien
Bánh chưng rán báo đông về
Ngậy và béo, giòn vỏ và dẻo nhân. Bánh chưng rán là món ấm nhất khi mùa đông về ngoài bắc.
Bánh chưng rán báo hiệu mùa đông đang về trên phố Hà Nội
Bà Minh Hằng, một cán bộ nghỉ hưu ở Q.Thanh Xuân (Hà Nội), lại bắt đầu mùa đông với việc mua hai chiếc bánh chưng rán ở chợ để hai vợ chồng cùng ăn sáng.
"Chúng tôi nghỉ hưu rồi, có thời gian rán bánh chưng nhưng vẫn thích mua ở ngoài chợ. Bánh nhỏ, cũng không nhiều nhân nhưng ăn lại rất thú, chẳng biết có phải tại bánh rán bằng mâm không bằng chảo không", bà nói. Bà mang bánh về trong hộp xốp có lót lá bánh chưng rồi bày ra đĩa nhỏ, thêm chút dưa góp cũng của hàng bên cạnh. Rót bát xì dầu, cắt ớt tươi để chấm. Với ông bà, thế là mùa đông đã về.
Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Quang Việt không đánh giá cao chất lượng của những chiếc bánh chưng nhỏ thường được người bán bánh chưng rán ngoài chợ sử dụng.
Theo ông, loại bánh này rẻ nên nếp thường không ngon, nhân lại ít. Mặc dù vậy, ông vẫn phải công nhận khi rán lên, bánh trở nên hấp dẫn vì độ giòn của vỏ, độ dẻo của bánh nóng. Tất nhiên, người bán phải kiểm soát được kỹ thuật rán bánh. Chưa kể, ngồi ăn bánh chưng rán trong gió lạnh mùa đông càng khiến người ta hiểu hơn thế nào là ấm nóng. Người xa Hà Nội có lẽ nhớ món này nhiều phần vì lẽ đó.
Hàng bán bánh chưng rán ở Hà Nội thường không dùng chảo mà dùng mâm - thứ mà nhiều gia đình cũng không dùng để sắp cơm nữa. Họ cũng rán bằng mỡ để tạo độ ngậy cho bánh. Một cách dùng mỡ rất hay là dùng luôn miếng mỡ thăn xoa đều trên mâm và để luôn ở đó. Khi đó mỡ cứ tiết ra trong quá trình rán bánh. Trên phố cổ còn có hàng rán bánh chưng bằng mỡ gà. Miếng bánh chưng khi đó có mùi thơm như xôi gà tết vậy.
Tuy nhiên, như mọi món ăn, lửa mới là bí quyết cốt tử. Bánh chưng phải được rán nhỏ lửa. Nhà nào vội, lùa lửa to hơn là mặt bánh bị xém vừa xấu vừa cứng. Miếng bánh chưng thả lên mâm lúc đầu được đặt ở trung tâm chảo, sau đó, khi đủ thời gian đủ độ giòn thì lật mặt. Sau đó nó được chuyển ra phía xa gần mép mâm nơi sức nóng kém hơn. Khách ăn nhờ thế có bánh nóng liên tục.
Bánh xếp lên đĩa, chủ hàng dùng kéo cắt trên bề mặt những nhát cắt không quá sâu để bánh tuy được chia thành nhiều ô vuông mà vẫn dính. Theo xu hướng, người bán cũng thêm thịt vào bánh chưng rán bằng cách rán thêm xúc xích và lạp sườn. Nhưng việc rán chung xúc xích, lạp sườn trên chảo cũng dễ làm mỡ mất mùi thơm khiến bánh cũng bị ảnh hưởng.
Bánh chưng rán ở hàng thường đắt khách cho đến trước khi tết tới. Sau đó, người dân thường ăn bánh chưng rán ở nhà tự làm rả rích. Họ dùng bánh chưng to để rán. Vì thế, khi rán muốn ngon phải đập dẹp bánh cho thật mỏng.
Bánh chưng rán ở nhà nhiều nhân hơn, cũng mỏng hơn nhiều so với bánh ngoài hàng, vị tiêu và độ ngậy của đỗ cũng cao hơn hẳn. Nó còn để khoe kỹ thuật lật bánh, làm thế nào để tung lên thật dứt khoát cho bánh bay vèo rồi đáp xuống bằng mặt bên kia... Rồi thú vui bánh chưng cũng sẽ lùi lại, nhường chỗ cho những món ngon khác... Cho tới lúc đông về, gió mùa thổi, nỗi nhớ bánh chưng rán lại nguyên vẹn như ngày này năm trước.
Theo Thanhnien
4 thập kỷ món chè nóng cô Điệp ở xứ nắng Sài Gòn Chè nóng Võ Văn Tần hay còn gọi là chè nóng cô Điệp đã tồn tại giữa lòng Sài Gòn được trên dưới 4 thập kỷ. Quán nằm kế bên hông chùa Thiên Bản Tự, mở bán từ lúc trời chập choạng tối tới gần nửa đêm. Sài Gòn quanh năm đón nắng, nhưng tới tối thường tiết trời trở nên dịu mát....