Bánh cuốn Tây Hồ: 50 năm một hương vị
Xin mách nhỏ cho bạn một địa chỉ thưởng thức món bánh cuốn thuộc hàng lâu đời nhất ở Sài Gòn.
Vì sao quán lại có tên là “bánh cuốn Tây Hồ”? Đó là vì vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước quán bánh cuốn này còn nằm trong đình thờ cụ Phan Châu Trinh (biệt danh là Phan Tây Hồ) ở gần chợ Đa Kao, rồi dần dần “chết tên” là bánh cuốn Tây Hồ luôn.
Sau đó một thời gian mới dời về địa điểm trên đường Đinh Tiên Hoàng (TP. HCM) như bây giờ. Cách đây vài năm quán còn có thêm một chi nhánh nằm ở đường Phan Xích Long quận Phú Nhuận (TP. HCM).
Với tôi thưởng thức bánh cuốn Tây Hồ là cả một “đặc ăn”, có lẽ vì tôi chưa từng ăn dĩa bánh cuốn nào ngon như ở đây. Mà cũng lạ, nhìn cái dĩa là biết ngay bánh cuốn Tây Hồ. 4 cuốn bánh được xếp gọn gàng trên dĩa nhỏ như lòng bàn tay kèm theo phần rau giá và chút hành phi ở phía trên.
Video đang HOT
Dĩa bánh cuốn 50 năm tuổi
Chả lụa với chả quế thì được dọn riêng trên một dĩa khác. Nhưng vậy cũng chưa đủ mà phải kêu thêm cái bánh đậu nữa. Nước mắm thì múc ra cái chén nhỏ, gọi thêm 1, 2 giọt tinh dầu cà cuống nữa cho nổi hẳn vị nước chấm lên.
Gắp từng cuốn bánh chấm vào chén nước mắm cà cuống đó, kẹp thêm chút giá mới thấy hết cái ngon của dĩa bánh cuốn nơi đây. Phần nhân bánh khá đặc biệt bởi ngoài phần củ sắn thường thấy còn là thịt heo xắt viên nhỏ xíu mà khi ăn cho ta cảm giác dai dai thú vị.
Rồi còn ăn thêm miếng bánh đậu, chả lụa và chả quế cho đủ bộ. Tự nhiên tôi nhớ đến Vũ Bằng trong quyển “Món ngon Hà Nội” khi ông diễn tả cảm xúc của mình: “Có khi đương cầm đũa, ta muốn bỏ ngay ra để lấy ngón tay nhón từng chiếc bánh đưa lên cho khẽ chạm lấy môi ta như kiểu một cái hôn yêu trong buổi trao duyên thứ nhất”. Nghe mới thi vị làm sao.
Món bánh đậu ăn kèm không thể không gọi
Sẽ có chút ngạc nhiên khi bạn đến chi nhánh thứ 2 của Tây Hồ trên đường Phan Xích Long. Thay cho thần thái năm xưa là những cảm xúc thật tươi mới và khác biệt: từ logo, quy cách phục vụ cho đến menu đều được chuẩn hóa, sẵn sàng cho kế hoạch nhượng quyền rộng rãi thương hiệu này.
Những thay đổi ít nhiều đều để lại những nhận định trái ngược nhau nhưng tôi nghĩ đây là một lựa chọn đúng đắn trong việc gìn giữ và phát triển thương hiệu lâu đời này.
Một địa điểm thú vị nếu bạn muốn thưởng thức hương vị món bánh cuốn thuộc hàng lâu đời nhất Sài Gòn này. Không chỉ bánh cuốn mà còn là chả quế, chả lụa, bánh đậu và cả những giọt cà cuống thơm lừng nữa… tất cả hẳn sẽ để lại những dư vị khó quên.
Theo SGAT
Cá rô kho khế: món ngon khó tả
Cá rô và khế mà phối ngẫu với nhau sẽ tạo thành một món ngon khó tả.
Khế là một trong những loại trái cây khá phổ biến ở nước ta. Khế không những để ăn mà còn dùng làm thuốc, đặc biệt là khế chua có rất nhiều công dụng.
Theo các tài liệu Đông y, lá khế có thể chữa dị ứng, mẩn ngứa, cảm nóng... Quả khế có công dụng chữa cảm ho, viêm họng, sổ mũi... Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường cũng cho biết, khế chua chứa nhiều vitamin A, C và vitamin nhóm B rất có lợi cho sức khỏe, nhất là đối với những người cao huyết áp. Nhờ chứa nhiều vitamin C nên khế có thể giúp chúng ta ngăn ngừa cảm, hạ sốt, đồng thời giúp da mịn màng. Do đó, dùng khế nấu chung với các món ăn từ thịt và cá nhằm kích thích tiêu hóa và bồi dưỡng cơ thể là một quá trình trải nghiệm lâu đời của ông cha ta.
Cá rô là loại cá đồng có thịt thơm ngon. Cá rô và khế mà phối ngẫu với nhau sẽ tạo thành một món ngon khó tả. Cũng là cá, nhưng chất lượng cá rô vượt hẳn nhiều loại cá đồng khác. Cũng là chất chua, nhưng vị chua của khế không giống với bất cứ vị chua nào. Chính vì vậy mà cá rô nấu khế được coi là món ngon, vừa lạ miệng, vừa đậm chất hương đồng cỏ nội.
Cá rô nấu khế được coi là món ngon, vừa lạ miệng, vừa đậm chất hương đồng cỏ nội.
Muốn làm món này, trước hết chúng ta nên chọn một vài con cá còn tươi sống, khoảng 100gr/con (nếu cá bắt ngoài thiên nhiên càng tốt). Việc đầu tiên là làm sạch rồi để nguyên con cho ráo nước. Sau đó đem ướp cá với hành, tiêu, tỏi, ớt, chút nước màu, nước mắm độ 10 phút cho thấm đều.
Trong khi chờ đợi, chúng ta chọn vài trái khế chua còn xanh hoặc ửng hồng xắt ra từng lát mỏng (bình quân ba trái khế cho nửa ký cá, nếu thích ăn chua có thể dùng nhiều hơn).
Trước khi bắt nồi cá lên bếp, chúng ta cho vào ít nước, đợi đến khi nào nước vừa sôi mới cho khế vào, trộn đều và bớt lửa cho cá và khế từ từ thấm vào nhau. Sau cùng là thêm nước, nêm nếm cho vừa ăn. Món này nên kho hơi lạt để vừa ăn cá vừa thưởng thức mùi vị đặc trưng của nước. Đây là món kho có vị mặn - ngọt - chua - cay thật độc đáo, hoàn toàn không nhầm lẫn với các mùi vị khác. Hấp dẫn nhất là vị chua thanh và mùi thơm nhẹ của khế, tạo cho người ăn có một cảm giác ngon miệng, nếu không muốn nói là tuyệt hảo.
Món cá rô kho khế hấp dẫn nhất là ăn lúc còn nóng. Nếu "điệu đàng" hơn, chúng ta có thể kho theo kiểu nấu lẩu càng tuyệt. Muốn cho bữa cơm thêm đậm đà thi vị, chúng ta có thể dùng các loại rau, như: xà lách, cà chua, dưa leo, chuối chát, rau ghém, bắp chuối... chấm với nước cá. Bảo đảm đây là món ăn bắt mắt, ăn không ngán, rất hợp khẩu vị, dù là người miền quê hay thành thị. Ngoài ra, đây còn là món ăn bổ dưỡng, có công dụng giải cảm, nhất là trong mùa nắng nóng.
Theo 24h
Bánh đúc nóng vỉa hè gần 40 năm tuổi Bánh mềm, nhân thơm và nước mắm ngon, tất cả hòa quyện thật nhuần nhuyễn, một vị ngon khó tả... và điều quan trọng là bạn không cảm thấy ngán. Bát bánh đúc thơm ngon với nhân thịt, nấm mèo, hành phi, nước mắm... Những người yêu thích món bánh đúc có lẽ không ai không biết đến quán bánh đúc Phan Đăng...