Bánh bột sắn dây – món ăn vặt tuổi thơ
Người ta thường nhắc đến bột sắn dây như một loại thực phẩm dùng để pha nước uống hoặc nấu chè cùng các loại đậu giải nhiệt mùa hè, nhưng có một món ăn làm từ bột sắn dây gắn liền với tuổi thơ của tôi, đó là món bột sắn khuấy chấm mắm.
Ngày trước, cũng bởi điều kiện còn khó khăn, đồ ăn chẳng thể nhiều và đa dạng như bây giờ, nên nhiều món ăn trông có vẻ đơn giản, nhưng chứa đựng bao ký ức tuổi thơ không thể nào quên. Hồi đó, ngay cả bữa ăn sáng, nhiều khi mẹ tôi chỉ pha ít bột sắn dây, thêm chút đường, rồi bỏ lên bếp vừa nấu vừa quấy đều, thành phẩm là món bột khuấy sền sệt với vị ngọt thanh trở thành bữa sáng cho mấy chị em.
Bánh bột sắn dây chấm mắm là món ăn đơn giản nhưng được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: X.Hiếu
Vì tôi không thích mấy đồ ngọt nên thường giấu túi sắn dây vào góc gác-măng-rê để không phải ăn món ấy thường xuyên. Nhưng một hôm, nhờ bà nội mà chị em tôi không bỏ phí một món ngon, dù rằng cách thức chế biến lại đơn giản vô cùng.
Video đang HOT
Bà nội tôi ngày trước làm công tác phụ nữ của tỉnh Nghĩa Bình cũ, bà thường xuyên đi khắp các địa phương, vì thế bà cũng biết rất nhiều món ăn thú vị của vùng “xứ nẫu”. Một bữa, thấy gói bột sắn dây nằm chèo queo trong góc chạn, bà bảo: “Để bà chế biến món này cho mấy đứa ăn thử xem ngon không? Món này bà học được của các bà, các mẹ người Bình Định. Ngon lắm!”.
Nói là làm, bà lấy bột sắn dây vừa ăn cho vào nồi rồi trộn thêm nước rồi quấy đều cho tan bột ra, thêm chút dầu ăn. Đặt nồi lên bếp đun với lửa nhỏ, vừa đun vừa quấy đều tay cho đến khi bột chín trong và sánh lại là được. Khó nhất là ở công đoạn pha bột để không bị quá loãng hay quá đặc và không bị cặn, sau đó phải đảo liền tay trên chảo để không bị vón cục, chín đều, không cháy. Phần ở đáy nồi hơi xém một tí, nhưng đó cũng là phần ngon nhất.
Sau đó bà pha nước mắm để chấm cùng, thường là tỏi ớt phải cay mới đã. Cầu kỳ hơn thì thêm quả trứng luộc, dầm lòng đỏ béo ngậy. Cũng có bữa bà đổi vị cho chúng tôi chén mắm nêm ăn cùng con cá cơm vừa muối chín tới.
Cách ăn cũng đơn giản, dùng tay không ngắt một miếng bột dẻo dẻo, nong nóng rồi chấm vào nước mắm. Món ăn này được chuộng vào những ngày mưa, miếng bột nóng kết hợp với ớt tạo nên vị bùi bùi, cay cay, vừa ăn vừa xuýt xoa mới thích. Món bột khuấy khi đó bỗng trở thành món sơn hào hải vị, ngon vô cùng.
Không chỉ riêng mấy chị em nhà tôi được thưởng thức món ăn này, mấy đứa trẻ chung xóm cũng bắt chước làm theo. Những ngày mưa, có tiếng gọi í ới: “Tao có bột sắn dây nè, xách qua nhà mày làm chảo bột khuấy chấm mắm ăn chơi”, một lũ nhao nhao đáp lại: “Được đó, qua làm liền đi rồi cho tao xin miếng”…
Bò hít - món ăn vặt tuổi thơ
Có lần, người bạn từ Sài Gòn trên đường về quê ở tít vùng cao phía Bắc, đã tiện đường ghé ngang nhà tôi chơi. Bạn bảo: "Có món gì đặc sản ở đây, dẫn mình đi thưởng thức cho bằng hết nhé".
Tôi chở bạn lòng vòng thành phố, rồi tạt vào quán don, quán ốc hút, bánh rập... Bữa cuối trước khi tiễn bạn lên xe để tiếp tục về lại quê, tôi chợt nhớ ra còn một món ăn gắn liền với nhiều thế hệ học sinh ở quê mình.
Món tôi dẫn bạn đi ăn, là món ăn vặt hầu như không đứa học trò nào là không biết, đó là bò hít. Thật sự, món bò hít có ở nhiều nơi, với các tên gọi khác nhau như: Gỏi đu đủ, nộm đu đủ chua ngọt... Nhưng ở Quảng Ngãi, món này có cách gọi và hương vị đặc biệt hơn khi ăn kèm với bánh tráng nướng và có vị cay đặc trưng.
Nguyên liệu để chế biến món này rất đơn giản, gồm đu đủ, củ cà rốt, khô bò, đậu phụng, rau răm và các loại gia vị như mắm, đường, tương ớt... Đặc biệt, rau răm và tương ớt không thể thiếu, nếu thiếu hai nguyên liệu này sẽ mất đi mùi thơm và vị cay đặc trưng của món bò hít. Công đoạn chế biến rất đơn giản. Chọn loại đu đủ xanh, không được non quá và cũng không được chín để có độ giòn, gọt bỏ vỏ rồi đem bào thành sợi. Củ cà rốt cũng được bào tương tự đu đủ. Sau đó rửa sạch rồi ngâm nước muối độ 30 phút, vớt ra vắt cho ráo nước.
Nước trộn được pha rất nhanh gọn, pha nước mắm và nước ấm với một tỉ lệ vừa miệng, tùy theo từng người, sau đó thêm ớt, tỏi băm, đường, bột ngọt rồi vắt chanh vào. Tiếp theo cho sợi đu đủ và cà rốt đã bào sẵn vào đĩa, thêm nước trộn. Bò khô xé sợi cho lên trên mặt đĩa. Thêm đậu phộng rang bóc sạch vỏ và rau răm thái nhỏ là bạn đã hoàn thành xong món ăn.
Khi thưởng thức món này, bạn cho thêm ít tương ớt vào, trộn lên cho đều. Dùng miếng bánh tráng xúc một ít đu đủ đã thấm đủ gia vị cho vào miệng. Miếng bánh tráng giòn tan, mùi thơm của rau răm lẫn vào mùi thơm nước mắm, độ giòn dai của đu đủ và cà rốt, vị ngọt của bò khô và đặc biệt là vị cay xè của ớt kích thích vị giác... Các quán bán bò hít thường dùng thêm vụn bò khô, phần vụn này phần lớn là ớt khô cay nồng, vì thế khi ăn món này, vị cay sẽ khiến bạn không thôi hít hà, cũng chính vì điều này nên mới có cái tên "bò hít" rất lạ lẫm so với các tỉnh khác.
Ở Quảng Ngãi, các quán bán món bò hít có rải rác khắp nơi, nhưng nhiều nhất vẫn là gần các trường học. Như đã thành thói quen, cứ tan học là học trò lại kéo vào quán. Giá cả cũng rất mềm, tầm 15.000 - 20.000 đồng/phần là đã có một đĩa để thưởng thức. Ngoài món bò hít trộn bò khô "truyền thống", giờ các hàng quán cũng biến tấu thêm các món bò hít gân bò, bò hít trộn xoài... để phục vụ khẩu vị đa dạng của đám "nhất quỷ, nhì ma", nhưng điều không thể thay đổi đó là cái vị cay nồng hít hà của nó vẫn nguyên vẹn như xưa!
Bí kíp làm bánh chuối chiên giòn tan chuẩn vị cả nhà khen tít mắt Bánh chuối chiên là món ăn quen thuộc của miền Tây, cách làm bánh chuối chiên chẳng những dễ mà nguyên liệu lại còn đơn giản, chất lượng bánh thì khỏi phải chê, vào bếp làm bánh ngay bạn nhé. Bánh chuối chiên là một món ăn vặt phổ biến, có vị ngọt thanh, cho vào miệng giòn tan ăn hoài không ngán....