Băn khoăn điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH-CĐ
Sáng nay, 22-7, thí sinh trên cả nước bắt đầu được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH-CĐ chính thức và chỉ một đợt duy nhất.
Ngày 21-7, tại Hà Nội và TP.HCM đã đồng loạt diễn ra ngày hội “Tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ năm 2019″. Sự kiện do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp tổ chức. Ngày hội đã thu hút hơn 200 trường ĐH, CĐ trên cả nước đến tư vấn cho phụ huynh, thí sinh về các vấn đề liên quan đến điều chỉnh nguyện vọng (NV).
Điều chỉnh trực tuyến hoặc bằng phiếu
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh đăng ký NV xét tuyển một lần trong thời gian quy định. Tức phương thức trực tuyến đến 17 giờ ngày 29-7 và bằng phiếu đến 17 giờ ngày 31-7.
Theo đó, các thí sinh sẽ chọn một trong hai phương thức điều chỉnh là trực tuyến hoặc bằng phiếu. Thí sinh đã điều chỉnh NV trực tuyến thì không được điều chỉnh bằng phiếu. Riêng các thí sinh phúc khảo các bài thi, môn thi sẽ điều chỉnh NV sau khi có kết quả phúc khảo thi THPT quốc gia.
Bộ GD&ĐT lưu ý: Thí sinh phải ghi đúng mã trường, mã ngành hoặc mã nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển theo quy định của trường. NV nào ghi không đúng sẽ không được hệ thống phần mềm chấp nhận và bị loại. Điểm thu nhận hồ sơ phải yêu cầu thí sinh kiểm tra kết quả điều chỉnh NV đăng ký xét tuyển trong thời gian quy định và đề nghị điều chỉnh sai sót (nếu có).
Bộ GD&ĐT cũng lưu ý: Trong thời gian thí sinh điều chỉnh NV, các trường không cập nhật, không công bố thông tin thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường mình.
Cán bộ các trường đại học đang tư vấn cho phụ huynh, thí sinh tại ngày hội. Ảnh: LÊ PHƯƠNG
Cân nhắc kỹ ngành học và điểm thi
Video đang HOT
Tại ngày hội tư vấn, rất nhiều thí sinh và phụ huynh băn khoăn về việc thay đổi NV sao cho cơ hội trúng tuyển cao. Cụ thể như sắp xếp thứ tự NV như thế nào để dễ đậu ĐH, điểm thi không cao nhưng muốn chọn ngành học mình thích thì làm sao, cách tính điểm như thế nào để chọn ngành phù hợp…
PGS-TS Bùi Hoài Thắng (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng với phổ điểm năm nay, những ngành 22, 23 điểm sẽ tăng khoảng 1,5 điểm chuẩn; những ngành 20, 21 điểm chắc khó tăng vì số thí sinh không tăng nhiều.
Vì vậy, thí sinh có thể đặt những ngành mình có điểm bằng điểm chuẩn các năm trước ở NV trên, kế tiếp là những ngành mình cao điểm hơn chút và dưới nữa là những ngành điểm của mình cao hơn vài điểm.
Về vấn đề này, TS Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng lưu ý: Thí sinh có thể đăng ký nhiều NV vào nhiều trường khác nhau nhưng NV cuối cùng nên chọn trường nào có điểm chuẩn những năm trước thấp hơn điểm thi của mình ít nhất 2 điểm để đảm bảo cơ hội trúng tuyển.
Ở góc nhìn khác, PGS-TS Đinh Đức Anh Vũ (Trưởng ban Đào tạo ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng thí sinh trúng tuyển ngành nào phải theo học ngành đó. Trong trường hợp chưa thực sự thích ngành đã trúng tuyển bằng phương thức khác, thí sinh có thể không nhập học và chọn xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia.
Và các chuyên gia cũng lưu ý: Năm nay, các NV đều có giá trị bình đẳng như nhau. Thí sinh trúng tuyển NV nào trước thì các NV còn lại sẽ vô hiệu. Và nếu thí sinh đã trúng tuyển và nhập học bằng phương thức khác thì sẽ không được tham gia xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia nữa. Do đó thí sinh cần cân nhắc kỹ hơn trong việc chọn ngành học, trường học và thứ tự ưu tiên NV trong điều chỉnh.
Khối ngành đào tạo giáo viên có tỉ lệ chọi thấp nhất
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2019 có hơn 653.000 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ với hơn 2,5 triệu NV. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường tăng gần 7,6% so với năm 2018, tương đương gần 490.000 chỉ tiêu.
Trong đó, nhóm ngành có tỉ lệ chọi cao nhất là khối ngành VII (nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, khách sạn – du lịch – thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng) khi có đến 739.587 NV nhưng chỉ tiêu chỉ 104.769.
Kế đến là khối ngành III (kinh doanh, quản lý và pháp luật) khi có đến 822.956 NV, trong khi chỉ tiêu là 126.473.
Khối ngành sức khỏe (khối VI) tuy có tổng số NV đăng ký không nhiều (199.573 NV) nhưng do chỉ tiêu ít (34.352) nên tỉ lệ chọi cũng rất cao: 5,8/1.
Và khối ngành có tỉ lệ chọi thấp nhất là khối ngành I (khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên) khi tổng NV đăng ký là 17.281 nhưng tổng chỉ tiêu cũng chỉ hơn 17.500.
PHẠM ANH
Theo PLO
Cẩn trọng vì chỉ được đổi nguyện vọng một lần
Trước khi bước vào thời điểm điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ, các chuyên gia lưu ý thí sinh hết sức cẩn trọng
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam - cho biết theo quy định sau khi biết điểm thi, thí sinh (TS) sẽ được điều chỉnh, thay đổi, bổ sung các nguyện vọng (NV) đã đăng ký. Nhưng lưu ý, chỉ có TS đã đăng ký xét tuyển trong đợt từ ngày 1-4 đến 20-4 thì đợt này mới được thay đổi, điều chỉnh NV của mình, chứ không được đăng ký mới.
Điều chỉnh căn cứ điểm từng môn
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa lưu ý cần thay đổi căn cứ vào phổ điểm từng môn thi và đặc biệt là phổ điểm tổ hợp các môn thi xét tuyển các trường ĐH thì TS sẽ cân nhắc xem mình có cần thay đổi, điều chỉnh NV hay không cho phù hợp với điểm thi thực tế của mình.
Từ ngày 16 đến 18-7 cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT mở để cho TS có thể thực hành điều chỉnh, thay đổi thử NV, các kết quả điều chỉnh thử này sẽ được xóa sau ngày 18-7 để TS bước vào đợt điều chỉnh chính thức.
TS có thể thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung NV theo 2 cách: phương thức trực tuyến từ ngày 22-7 đến 17 giờ ngày 29-7. Theo cách này thì TS được thay đổi, điều chỉnh NV chứ không được bổ sung số lượng NV, phương thức trực tiếp bằng phiếu thay đổi NV thì TS phải đến nơi đã đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển trước đây (thường là tại trường THPT) để thực hiện việc điều chỉnh trên phiếu điều chỉnh NV và TS có thể đóng lệ phí xét tuyển để bổ sung các NV, việc điều chỉnh trên phiếu bắt đầu từ ngày 22 đến 17 giờ ngày 31-7.
Thí sinh thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Hoàng Triều
Cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân - TP HCM, cho rằng thay đổi NV hay không là tùy theo mỗi TS, TS nên xem kỹ lại trường ĐH đã đăng ký. Thứ nhất, TS theo đúng ngành nghề đó mức điểm có phù hợp hay không, có bao nhiêu khối có thể nộp vào ngành đó, coi lại điểm của từng khối của mình. Thứ hai, TS nên chọn NV theo 3 cấp độ theo sức học, lực học của mình: trên sức, vừa sức, dưới sức. Phải suy nghĩ thật kỹ NV đó bây giờ có còn phù hợp hay không, nên đặt NV1 ở đâu, NV2 ở đâu. TS cứ đăng ký nhiều tổ hợp nếu điểm mình thấy thích hợp, cũng nên xem xét nhiều trường có ngành nghề mình muốn. Thời gian thay đổi NV cũng dài nên TS cân nhắc kỹ, vì đây là tương lai của mình, không nên vội, chỉ được thay đổi một lần.
Chỉ được học một ngành tại một trường
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Kiểm định chất lượng ĐHQG TP HCM, cho biết vài năm gần đây các phương thức xét tuyển được mở rộng, đa dạng và một TS có khả năng tham dự tất cả phương thức xét tuyển vào nhiều ngành hoặc là nhiều trường. Tuy nhiên, TS cần lưu ý là khi học, TS chỉ được chọn học một ngành, tại một trường. Do đó, mặc dù ứng tuyển nhiều nơi nhưng phải chọn ngành phù hợp nhất với mình và nộp hồ sơ đăng ký học vào đúng ngành đó. Khi lựa chọn cần lựa chọn thật chính xác để bảo đảm điều lựa chọn là đúng.
Tiến sĩ Đặng Thị Ngọc Lan, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing, chia sẻ sau khi có kết quả thi, rất nhiều TS hỏi có nên điều chỉnh NV hay không. "Tôi nghĩ các em phải hết sức bình tĩnh, thận trọng. Về nguyên tắc chọn, nên ưu tiên chọn ngành. Sau đó, tìm những trường có đào tạo ngành đó và khi tìm được trường TS quan tâm xem trường đó có chất lượng hay không? Trường đó đã được kiểm định chưa... Kiểm định là một yếu tố để xác định tiêu chí chất lượng nhà trường. Và trong trường ĐH có nhiều chương trình đào tạo, cần xem xét học phí mỗi chương trình, TS có đủ khả năng để tham gia chương trình hay không" - tiến sĩ Ngọc Lan.
Nộp hồ sơ phúc khảo tại nơi đăng ký thi
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, trong 10 ngày sau khi công bố kết quả thi, TS có NV chấm phúc khảo các môn thi, bài thi, phải nộp hồ sơ tại nơi mình đã nộp đăng ký dự thi và kết quả sẽ được công bố trước ngày 4-8. Kết quả cũng sẽ được công bố trên mạng để các trường ĐH có thể xét các điểm phúc khảo thay đổi nếu có. Với NV chấm phúc khảo sẽ là giải pháp cho những TS có những thắc mắc về điểm số và cải thiện kết quả của mình.
Ng.Trinh
Nguyễn Thuận - Mỹ Anh
Theo nguoilaodong
Bí quyết điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học 'ăn chắc' đỗ Cán bộ phụ trách tuyển sinh của các trường đại học chia sẻ với thí sinh bí quyết để điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển phù hợp, "chắc chắn đỗ". Thi sinh làm hồ sơ xét tuyển đại học. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnamplus) Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 22 đến 29/7 tới đây, các thí sinh đăng...