Bác sĩ tuyến đầu chia sẻ sáng tạo chống dịch Covid-19 của Việt Nam
Cùng với những kinh nghiệm chống dịch sẵn có, Việt Nam áp dụng sáng tạo nhiều giải pháp để chống dịch Covid-19 và đã bước đầu thành công.
Kinh nghiệm sống còn học từ dịch SARS
Chia sẻ tại tọa đàm “Tăng sức đề kháng phòng chống dịch Covid-19″ ngày 28/2, khi nói về kinh nghiệm chống dịch của Việt Nam, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đánh giá, có thể thấy Việt Nam có bản lĩnh chống dịch và được rèn luyện từ lâu.
Ngay từ khi dịch chưa xâm nhập vào Việt Nam, các hệ thống chống dịch đã được khởi động, điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Khi dịch xâm nhập vào nước ta, khi khởi đầu có thể có một số điểm chưa ổn nhưng ngay lập tức được rút kinh nghiệm và được điều chỉnh từ công tác tổ chức cách ly, truyền thông nguy cơ đến công tác tổ chức hậu cần, nhân sự chống dịch….
BS Nguyễn Trung Cấp cho biết, Việt Nam học được nhiều kinh nghiệm từ dịch SARS trong ngăn ngừa, điều trị dịch Covid-19
“Cứ mỗi một mùa dịch, chúng ta đều triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn, hỗ trợ các tuyến, cho nên càng ngày các năng lực của các tuyến tham gia vào quá trình chống dịch ngày càng tốt lên”, BS Cấp nhìn nhận.
Riêng dịch Covid-19, có rất nhiều điểm gần với dịch SARS do cùng họ coronavirus. Do đó, những kinh nghiệm từ dịch SARS cũng hỗ trợ rất nhiều cho Việt Nam khi phòng chống dịch Covid-19.
“Một trong những kinh nghiệm sống còn của dịch SARS là việc chúng ta không sử dụng khu cách ly đóng kín mà sử dụng các khu cách ly mở. Do vậy, việc cách ly và điều trị có thể đưa về địa phương và thậm chí có thể đưa về đến phòng khám khu vực như ở Vĩnh Phúc và vẫn bảo đảm được chất lượng điều trị tốt”, BS Cấp chia sẻ.
Hơn nữa, do làm tốt thông tin nội bộ nên việc điều trị mặc dù ở các tuyến khác nhau nhưng quy trình điều trị và kỹ thuật không khác nhau nhiều do có sự liên kết, chuyển giao kỹ thuật cũng như tăng cường của tuyến trên cho tuyến dưới. Đó là những cái chúng ta thu được qua nhiều vụ dịch.
Ngoài ra, theo BS Cấp, năng lực chống dịch của quốc gia tăng lên là nhờ sự tham gia của tất cả người dân. Có thể thấy, qua mỗi mùa dịch, nhận thức của người dân đều tăng lên rõ rệt như việc rửa tay, đeo khẩu trang…
“4 tại chỗ” phát huy hiệu quả
Video đang HOT
Về phác đồ điều trị, BS Cấp khẳng định, đến nay hầu hết kiến thức về bệnh Covid-19 tại Việt Nam thu nhận được từ các nghiên cứu ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Vì vậy, phác đồ điều trị của Việt Nam và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là hoàn toàn thống nhất với nhau, không có gì khác biệt. Tuy nhiên, khi áp dụng cụ thể trên thực tế, chúng có những điểm sáng tạo.
BS Cấp dẫn chứng, phương châm phòng dịch của Trung Quốc là áp dụng “4 sớm” và “4 tập trung”, gồm: “Phát hiện sớm, báo cáo sớm, cách ly sớm, điều trị sớm” và “tập trung người bệnh, tập trung chuyên gia, tập trung tài nguyên, tập trung cứu chữa”.
Trong khi đó, Việt Nam áp dụng 4 tại chỗ: Cách ly tại chỗ, điều trị tại chỗ, nguồn lực tại chỗ và vật tư tại chỗ.
Việt Nam thực hiện cách ly, điều trị ngay tại tuyến dưới, thay vì đổ dồn về tuyến trung ương. Trong ảnh, bệnh nhân dương tính Covid-19 được điều trị tại phòng khám Quang Hà, Vĩnh Phúc
“Không phải là cái nào ưu thế hơn cái nào mà “4 tập trung” phù hợp hơn với hoàn cảnh của Trung Quốc và “4 tại chỗ” phù hợp hơn với hoàn cảnh của Việt Nam”, BS Cấp nói.
Hay việc sử dụng các khu cách ly mở phù hợp với điều kiện khí hậu và thời tiết của Việt Nam, nhưng với Vũ Hán, cách ly mở sẽ rất lạnh. Do đó Vũ Hán bắt buộc phải sử dụng phòng áp lực âm hoặc khu cách ly áp lực âm.
Đó chính là một vài áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện khí hậu của Việt Nam so với hướng dẫn và phác đồ của các nước lân cận.
Theo BS Cấp, kinh nghiệm trong việc điều trị 16 ca nhiễm Covid-19 đợt này cũng như trước kia với các ca điều trị dịch SARS hoặc các dịch bệnh khác đã từng xảy ra ở Việt Nam cho thấy ngành y tế Việt Nam có đủ năng lực để đối phó với những tình huống phức tạp cũng như các bệnh nhân nặng, khó.
Tuy nhiên, kinh nghiệm qua tất cả các mùa dịch vừa qua là việc khống chế thành công đòi hỏi có sự tham gia của tất cả các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội cũng như của mọi người dân.
“Đến thời điểm hiện tại, người dân hoàn toàn có thể tin tưởng vào năng lực dự phòng của toàn ngành y tế. Tuy nhiên mọi thành công cần phải có sự chung tay đóng góp của người dân”, BS Cấp nhấn mạnh.
BS Cấp khuyến cáo, với tình hình hiện tại, người dân có thể bình tĩnh, tự tin nhưng không được chủ quan khi dịch đã lan rộng tới hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tại Trung Quốc, chỉ 1 trường hợp trốn cách ly, đã phải giám sát 4.000 người, 1 bệnh nhân của Hàn Quốc không chấp hành cách ly đã lây ra vài chục người và có thể con số chưa dừng lại ở đó nên việc chung tay phối hợp của mọi người dân đặc biệt quan trọng.
Với những nỗ lực, thành công bước đầu, WHO và CDC Mỹ đánh giá rất cao các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam với quyết tâm rất cao, các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch, đặc biệt là công tác cách ly, khoanh vùng, điều trị và bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh Covid-19 với cộng đồng quốc tế;
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet
Bệnh nhân nhiễm Covid-19: "Tôi không đơn độc những ngày cách ly"
Đến nay, Việt Nam đã chữa khỏi cho 11/16 bệnh nhân nhiễm Covid-19. Các trường hợp còn lại đều đang tiến triển ổn định.
Mang tâm lý hoang mang vì mắc căn bệnh mới bắt nguồn từ Vũ Hán (Trung Quốc) đang khiến cả thế giới lo sợ, 2 bệnh nhân khi được điều trị khỏi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã rất vui mừng trong ngày xuất viện.
Đây là 2 trường hợp bệnh nhân nhiễm Covid-19 cuối cùng điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Như vậy, cả 5 ca điều trị tại đây đều đã khỏi và xuất viện. Chia sẻ sự xúc động ngày ra viện, các bệnh nhân cho biết họ đã đặt hết tin tưởng vào các y bác sĩ trong hành trình đi đến chiến thắng Covid-19.
Hai bệnh nhân nhiễm Covid-19 được điều trị khỏi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và được xuất viện sáng 18/2.
"Tôi xin cảm ơn tất cả các y bác sĩ. Trong thời gian điều trị cách ly, từ các bác sĩ đến các y tá đều rất quan tâm, động viên chúng tôi. Khi tôi vào viện, các y bác sĩ đã thông báo tôi dương tính với Covid-19 và tuổi cao nên tôi phải cẩn trọng hơn. Tôi đã rất lo lắng và nói với các bác sĩ rằng nếu chữa được thì tiếp tục chữa, còn không thì dừng lại. Nhưng các bác sĩ thường xuyên động viên tôi mạnh mẽ lên. Đây mới là bước điều trị đầu, còn bước thứ 2, thứ 3 điều trị cao hơn nữa và tôi hoàn tin tưởng các bác sĩ" - đây là những lời chia sẻ đầy xúc động của bệnh nhân N.T.Y (55 tuổi), địa chỉ: Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc khi được xuất viện sáng 18/2.
Bệnh nhân Y là trường hợp có tiếp xúc với người được xác định nhiễm Covid-19. Kết quả xét nghiệm các ngày 12/2 và 15/2 của bệnh nhân đều âm tính, tình trạng viêm phổi cải thiện. Hiện tại toàn trạng bệnh nhân ổn định. Các kết quả XQ, xét nghiệm đều bình thường.
Bệnh nhân Y nhắc lại câu nói "Còn chúng em đây. Còn rất nhiều người ngoài kia và cả Việt Nam mình mong chị khỏe" của các bác sĩ đã giúp bà thêm niềm tin và lạc quan chiến thắng bệnh tật.
"Tôi rất mệt vì sốt cao trên 39,7 độ C. Từ Quang Hà chuyển xuống Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương được 3 ngày thì tôi ngừng sốt. Những ngày cách ly tôi rất buồn và chán nản vì không biết tin tức gì ở ngoài, lo lắng cho mọi người ở nhà, cho cộng đồng ở Sơn Lôi. Các y bác sĩ luôn động viên tôi yên tâm điều trị. Phòng điều trị của tôi rất tốt, môi trường đủ ấm, các bác sĩ điều trị đều tận tình và mỗi ngày tôi cảm thấy khỏe hơn", bà Y kể lại.
Bà Y xúc động trước sự chăm sóc của các y bác sĩ.
Theo ThS. BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cùng với 3 bệnh nhân đã khỏi bệnh, 2 bệnh nhân ra viện sáng 18/2 là 2 ca cuối cùng điều trị tại Bệnh viện. BS Cấp khẳng định, kết quả điều trị này có được là nhờ sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Y tế và lãnh đạo Bệnh viện.
"Trong quá trình điều trị, các bệnh nhân đều tuân thủ tốt các hướng dẫn, quy trình điều trị của Bộ Y tế. Không chỉ các y bác sĩ chúng tôi mà toàn bộ xã hội đều quan tâm tới tình hình sức khỏe của người bệnh và mong mỏi họ khỏi bệnh", BS Cấp nói.
Với các bệnh nhân - những người trực tiếp đối mặt với căn bệnh lạ, họ không hề đơn độc trong cuộc chiến chống Covid-19.
Cùng với bệnh nhân N.T.Y được điều trị khỏi và xuất viện sáng 18/2, anh P.V.C (29 tuổi), địa chỉ: Hợp Hòa, Tam Dương, Vĩnh Phúc, đã rất xúc động và cám ơn sự chăm sóc và chữa trị tận tình của các y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Bệnh nhân C là một người trong đoàn công ty TNHH Nihon Plast của Nhật Bản cử sang Trung Quốc tập huấn tại Vũ Hán, Hồ Bắc trong 2,5 tháng. Trở về Việt Nam ngày 17/1. Bệnh nhân xuất hiện đau rát họng, ho từ 21/1, đến 26/1 bệnh nhân còn sốt cao, đến khám và nhập viện tại Khoa Cấp cứu được xác định dương tính với mẫu xét lấy cùng ngày.
Bệnh nhân C đã có kết quả xét nghiệm 2 mẫu âm tính ngày 11 và 12/2. Hiện tại bệnh nhân sức khỏe ổn định, hết sốt trong 10 ngày qua, toàn trạng ổn định.
Bệnh nhân C chia sẻ cảm xúc khi ra viện.
24 ngày nhập viện và điều trị Covid-19, anh C khẳng định mình không đơn độc trong cuộc chiến này: "Ban đầu tôi cũng lo lắng vì đây là căn bệnh mới nên không biết sẽ như thế nào. Nhưng sau một thời gian tôi thấy cơ thể mình khỏe hơn và thấy căn bệnh cũng giống như cúm thông thường. Được các bác sĩ động viên tôi thấy thoải mái hơn. Các bác sĩ mỗi buổi sáng đều đến khám và hỏi thăm sức khỏe, các y tá luôn dặn dò súc miệng nước muối, rửa tay sạch... Tôi uống thuốc và truyền khoảng 2 ngày, sau đó khi hết sốt tôi chỉ uống thêm thuốc bổ để tăng cường sức đề kháng".
Chiều cùng ngày 18/2, tại khu điều trị Phòng khám đa khoa Quang Hà (Bình Xuyên - Vĩnh Phúc), có thêm 2 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh và xuất viện. Trong đó, bệnh nhân P.T.B (42 tuổi, ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đã có kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính ngày 8/2, lần 3 âm tính vào ngày 14/2. Hiện, tình trạng bệnh nhân không ho, nhiệt độ 36,8 độ C. Bệnh nhân thứ hai là chị N.T.N (29 tuổi, quê ở xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) là công nhân Công ty Nihon Plast ở khu công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Bệnh nhân N có kết quả lần 3 âm tính vào ngày 15/2 và hiện bệnh nhân không ho, nhiệt độ 36,6 độ.
Các bệnh nhân sau khi ra viện tiếp tục được theo dõi y tế chặt chẽ. Theo thông tin mới nhất, trong số các ca xác định dương tính với Covid-19 đang được điều trị, bệnh nhi 3 tháng tuổi (điều trị tại Bệnh viện nhi Trung ương) và Việt kiều Mỹ (điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy) đã có xét nghiệm âm tính và đang tiếp tục được theo dõi thêm./.
Theo VOV
Bộ Y tế lý giải vì sao vẫn chỉ cách ly 14 ngày với người nghi mắc Corona? Với việc ca nhiễm Covid-19 mới nhất ở nước ta mắc bệnh ngày 13-2 được xác định bị lây từ con gái nhiễm bệnh từ ngày 25-1 khiến nhiều người đặt câu hỏi về thời gian ủ bệnh của virus corona có thể kéo dài hơn 14 ngày... Những người trở về từ vùng dịch nghi nhiễm Covid-19 vẫn được cách ly 14...