Bác sĩ ơi: Thắt ống dẫn tinh có làm nam giới ‘yếu đi’?
Tôi dự định triệt sản bằng cách thắt ống dẫn tinh nhưng lo lắng liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe và làm ‘yếu đi’ bản lĩnh phái mạnh? (Ngô Văn M., 45 tuổi, ngụ TP.HCM)
Phẫu thuật nối ống dẫn tinh tại Khoa nam học, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) – Ảnh: Dũng Tiến
Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Hồ Vĩnh Phước, chuyên khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM):
Nhìn chung, các tài liệu cho thấy thắt ống dẫn tinh không ảnh hưởng đến sức khỏe và giảm “phong độ” của phái mạnh. Tuy nhiên, đây là một biện pháp tránh thai vĩnh viễn ở nam giới. Vì vậy, trước khi lựa chọn phương pháp triệt sản này, anh cần phải cân nhắc rất kỹ. Phải chắc chắn rằng mình không muốn có con trong tương lai.
Trên thực tế tại phòng khám nam khoa, nhiều nam giới chia sẻ với bác sĩ lo lắng rằng sau khi thắt ống dẫn tinh thì ham muốn và khả năng chăn gối có thể bị ảnh hưởng. Về vấn đề này thì các anh có thể yên tâm!
Nhiều nghiên cứu khác nhau cho thấy sau khi phẫu thuật thắt ống dẫn tinh, nam giới không bị ảnh hưởng đến chức năng chăn gối, cũng như là nam tính. Thủ thuật này không ảnh hưởng đến chuyện “yêu” và không gây ảnh hưởng nhiều đến các cơ quan trong hệ sinh dục.
Chỉ có sự khác biệt trong tinh dịch của nam giới sau thắt ống dẫn tinh là không có sự hiện diện của tinh trùng, nhưng nam giới vẫn có xuất tinh với dịch tiết chủ yếu từ tuyến tiền liệt và túi tinh.
Một số nghiên cứu còn cho thấy, trên một người nam giới sau khi thắt ống dẫn tinh, khi đã an tâm hơn vì đã loại trừ được những vấn đề “vỡ kế hoạch”, “người nữ có thai ngoài ý muốn”, thì cả hai có thể đạt mức độ hài lòng trong đời sống vợ chồng cao hơn.
Video đang HOT
Sau khi thắt ống dẫn tinh, nếu muốn có con trở lại thì nam giới có thể phẫu thuật nối ống dẫn tinh. Tuy nhiên, so với việc thắt ống dẫn tinh thì nối ống dẫn tinh sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Người bệnh cần phải nhập viện, tiến hành nối lại ống dẫn tinh tại phòng phẫu thuật. Mặt khác, phẫu thuật nối ống dẫn tinh không phải lúc nào cũng thành công, có những trường hợp sau khi nối ống dẫn tinh, người bệnh vẫn không có lại được sự hiện diện của tinh trùng trong tinh dịch. Như vậy, người đó không thể có con bằng biện pháp giao hợp tự nhiên nữa. Trong trường hợp này, nếu nam giới vẫn muốn có con thì có thể dùng các phương pháp hỗ trợ sinh sản để có con.
Thắt ống dẫn tinh là một thủ thuật không phức tạp, rất ít có biến chứng. Đối với hầu hết nam giới, thắt ống dẫn tinh không gây ra bất kỳ tác dụng phụ đáng chú ý nào, cũng như không ảnh hưởng gì đến tình trạng sức khỏe; các biến chứng nghiêm trọng là rất hiếm.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng, thắt ống dẫn tinh chỉ là một biện pháp tránh thai, chứ không giúp bảo vệ nam giới và người bạn đời khỏi các bệnh lây truyền qua đường quan hệ.
Theo Thanh niên
Triệt sản như ca sĩ Hoàng Bách liệu có ảnh hưởng đến "bản lĩnh phái mạnh" của nam giới?
Triệt sản nam là một phương pháp tránh thai vĩnh viễn và an toàn, được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc nam giới lựa chọn phương pháp triệt sản để kế hoạch hóa gia đình gần như không nhiều.
Mới đây, trên trang Facebook cá nhân, ca sĩ Hoàng Bách đã đăng tải ảnh chụp tại bệnh viện kèm dòng trạng thái: "Ngày này cuối cùng cũng đến, sắp toang" . Dưới phần bình luận, nam ca sĩ chia sẻ cùng những người bạn thân thiết rằng, mình quyết định đi triệt sản vì thương vợ đã phải trải qua 3 lần sinh nở, hành động này sẽ giúp bà xã không còn lo đến việc mang thai ngoài ý muốn.
Chia sẻ của ca sĩ Hoàng Bách khiến nhiều người cảm động vì anh là người chồng biết yêu thương vợ, sẵn sàng chịu đau thay vợ. Tuy nhiên, cũng có một số người lo ngại việc triệt sản của nam ca sĩ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là về "bản lĩnh phái mạnh".
Dòng trạng thái trên trang Facebook cá nhân của ca sĩ Hoàng Bách thu hút sự chú ý của người hâm mộ. Ảnh FBNV
Trên thực tế, ở Việt Nam, việc nam giới quyết định lựa chọn phương pháp triệt sản để kế hoạch hóa gia đình không nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý của các đấng mày râu sợ ảnh hưởng đến chuyện giao hợp sau này giữa hai vợ chồng. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, mình sẽ thành "thái giám" sau khi thực hiện biện pháp này.
Như câu chuyện của vợ chồng anh Quyết, chị Hương (cùng quê Hà Nam) là một ví dụ. Hai vợ chồng anh chị đã có ba con, một trai, hai gái. Bé gái thứ ba được sinh ra cũng là vì bị "nhỡ". Vì sợ tiếp tục bị vỡ kế hoạch, chị Hương bàn với chồng sử dụng một biện pháp tránh thai lâu dài. Và triệt sản là phương pháp được chốt cuối cùng.
Tuy nhiên, ai là người thực hiện biện pháp này lại là vấn đề khiến hai vợ chồng đau đầu tranh luận. Theo chị Hương tìm hiểu, triệt sản ở nam giới sẽ an toàn và tốn ít thời gian hơn khi thực hiện ở nữ giới nên chị ngỏ lời muốn chồng thực hiện.
Thế nhưng, vừa nghe việc mình phải đi triệt sản, anh Quyết đã giãy nảy lên không đồng ý. Anh cho rằng, việc triệt sản dĩ nhiên phải thực hiện ở nữ giới vì phụ nữ là người trực tiếp mang thai và sinh nở. Hơn nữa, đặt vòng tránh thai hay cấy que... cũng đều ở nữ nên không có lý do gì, anh lại là người thực hiện phương pháp kế hoạch này (?!).
Mặt khác, người đàn ông này cũng lý sự với vợ rằng: "Cắt ống dẫn tinh chứ không phải cắt bỏ tinh hoàn nên không ảnh hưởng gì đến hoạt động tình dục cũng như không đáng sợ như nhiều nam giới vẫn nghĩ.
Mặt khác, khả năng cương cứng của dương vật, ham muốn "chuyện ấy" không hề suy giảm thậm chí còn mạnh hơn lúc chưa triệt sản vì nam giới không phải lo chuyện khiến vợ mang thai ngoài ý muốn nữa.
Nam giới cần làm gì sau khi triệt sản?
BS Ngô Thị Yên - Trưởng Khoa Kế hoạch hóa gia đình (Bệnh viện Từ Dũ) cho biết, triệt sản nam là một tiểu phẫu đơn giản, có thể tiến hành trong các phòng khám ngoại trú có bác sĩ thành thạo, được xuất viện sau 1-2 giờ.
Sau triệt sản, nam giới chỉ cần nghỉ ngơi khoảng 1-2 ngày sau đó hoạt động bình thường. Tuy nhiên, cần tránh làm việc, lao động nặng khoảng một tuần để vết thương nhanh lành.
Điều cần lưu ý là nam giới nên kiêng quan hệ tình dục với vợ trong một tuần đầu sau khi thực hiện triệt sản. Trong khoảng thời gian 3 tháng tiếp theo (hoặc từ 15-20 lần quan hệ tiếp theo), khi quan hệ, cần dùng bao cao su để phòng trường hợp tinh trùng bị sót lại ở túi tinh. Sau đó, không cần sử dụng biện pháp tránh thai nào nữa.
Vẫn có thể có con nếu nối lại ống dẫn tinh
BS Nguyễn Ngọc Thông cho biết, sau triệt sản, bệnh nhân vẫn có thể có con trở lại nếu được nối lại ống dẫn tinh. Tuy nhiên, đây là một vi phẫu khá phức tạp và tỷ lệ thành công thường không cao.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, trước khi thực hiện biện pháp tránh thai bằng triệt sản (kể cả nam hay nữ) các cặp vợ chồng cần phải cân nhắc thật kỹ, chắc chắn không muốn sinh thêm con và muốn chọn biện pháp kế hoạch hóa gia đình vĩnh viễn thì nên lựa chọn phương pháp này.
Những ai không nên đi triệt sản?
- Nam giới còn quá trẻ
- Nam giới trong độ tuổi sinh sản và vẫn muốn sinh con
- Chưa chuẩn bị tâm lý để triệt sản, dễ gây trầm cảm về sau
- Người mắc các bệnh lý ở vùng bìu, tinh hoàn, dương vật
- Người mắc các bệnh truyền nhiễm liên quan đến đường tình dục như lậu, sùi mào gà, giang mai...
Theo Gia đình và Xã Hội
TPHCM tăng cường nhân sự tham gia phòng, chống dịch Covid-19 Ngày 17/02, nhằm đảm bảo nguồn nhân lực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Sở Y tế điều động nhân sự tại các bệnh viện chuyên khoa thành phố hỗ trợ Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế. Nhận được Công văn số 68/TTKDYTQT-TCHC ngày 11/2/2020 của Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế về việc đề nghị bổ sung...