Bác sĩ ơi: Có nên đi bơi và tập trong phòng gym mùa dịch nCoV?
Môi trường ở phòng tập gym và hồ bơi liệu có nguy cơ lây nhiễm nCoV không? Tôi đang lo lắng không biết trong thời gian có dịch này, có nên vào phòng gym và đi bơi không? (Hà Bảo Châu, Q.4, TP.HCM)
Người tập nếu đang bị ho hoặc hắt hơi thì phải mang khẩu trang – Ảnh: Shutterstock
Thạc sĩ – bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng Bộ môn nhiễm, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM):
Hiện nay, chưa có bằng chứng khoa học về sự hiện diện của nCoV 2019 trong nước hồ bơi công cộng, nhất là trong điều kiện nước hồ có chất tẩy chlorine.
Tuy nhiên, một trong các đường lây đã được xác định của vi rút này là qua đường hô hấp và một đường lây đang được xem xét là lây qua niêm mạc mắt.
Vì vậy, giả định nếu có một người đang mang nCoV trong đường hô hấp, bơi trong hồ thì khi người này hắt hơi hoặc ho có thể sẽ lây cho những người đang bơi gần trong phạm vi 2 m. Tuy nhiên, trường hợp như vậy rất hiếm xảy ra.
Để an toàn khi tham gia các hoạt động bơi lội tại hồ bơi trong mùa dịch thì mọi người cần chú ý:
- Lớp học bơi nên chia ra từng nhóm nhỏ khoảng 4 – 5 người. Kiểm tra sức khỏe những thành viên trong nhóm trước khi vào hồ bơi, theo khuyến cáo chung của Bộ Y tế.
Video đang HOT
- Mang kiếng bơi khi bơi trong hồ.
- Giữ khoảng cách an toàn giữa những người bơi trong hồ từ 2 m trở lên.
Đường lây phổ biến của nCoV là qua đường hô hấp. Do vậy, trong một phòng tập gym, nếu có người đang mang nCoV đến tập thì vẫn có thể lây cho những người đứng gần trong phạm vi dưới 2 m.
Để phòng chống lây nhiễm nCoV tại các phòng tập gym trong mùa dịch, cần nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp phòng ngừa do Bộ Y tế hướng dẫn. Bao gồm:
- Thường xuyên vệ sinh các bề mặt trong phòng tập với Chloramin B hoặc nước Javel.
- Mở cửa phòng tập cho thoáng và để nắng trời ùa vào.
- Nếu buộc phải sử dụng máy lạnh thì để nhiệt độ 26 – 27 độ C.
- Buộc người tập nếu đang bị ho hoặc hắt hơi thì phải mang khẩu trang.
- Kiểm tra thân nhiệt người tập trước khi cho vào phòng tập.
- Bố trí dụng cụ tập sao
cho khoảng cách giữa 2 người tập là 2 m.
- Có chỗ rửa tay hoặc gel rửa tay cho mọi người sử dụng.
- Có thùng rác có nắp đậy cho mọi người bỏ khẩu trang vào sau khi sử dụng.
Theo Thanh niên
Văn hóa... bắt tay
Có người bạn ở nước ngoài bảo tôi: "Người Việt Nam rất chủ động đeo khẩu trang phòng chống virus nhưng vẫn vô tư bắt tay khi gặp nhau, không biết rằng đó là con đường dễ gây bệnh truyền nhiễm...".
Ngược lại, có người bạn trong giới khoa học còn bảo virus corona có gì mà phải sợ, nó tồn tại trong cuộc chiến sinh tồn của hệ sinh thái ở thời đại 4.0 như "chuyện thường ngày ở huyện".
Thực tế, diễn biến của dịch bệnh virus corona thay đổi từng giờ rất phức tạp, không chỉ đơn thuần lây qua đường hô hấp, tiếp xúc với bệnh nhân. Nghiên cứu mới nhất của các chuyên gia Trung Quốc cảnh báo rằng virus corona mới có thể lây qua cả đường tiêu hóa.
Trong lúc Bộ Y tế khuyến cáo để phòng chống lây nhiễm phải rửa tay nhiều lần hằng ngày bằng nước rửa tay tiệt trùng, xà phòng hay dung dịch rửa tay có chất cồn thì hành vi bắt tay có lẽ cần được coi lại trong văn hóa ứng xử ở Việt Nam. Thời xưa, các cụ nhà ta gặp nhau thường vái để tỏ lòng tôn trọng lẫn nhau, còn trẻ em thường khoanh tay lễ phép chào hỏi người lớn.
Và trong những ngày chúng ta đang gồng mình đối phó với dịch corona, nghe ngành y tế khuyến nghị một số biện pháp phòng ngừa tối thiểu là khi giao tiếp nên đứng cách xa nhau một chút (để tránh nước bọt hay hơi thở không sạch phát tán) và thường xuyên phải rửa kỹ bàn tay của mình thì phải chăng đây là "cơ hội đã chín muồi" để đưa ra một khuyến nghị liên quan đến một cách hành xử rất phổ biến và tưởng như rất tự nhiên trong giao tiếp xã hội đương đại: Cần phải điều chỉnh lại hành vi... bắt tay!?
Trong thực tế, bàn tay với chức năng hàng đầu là công cụ tiếp xúc nên đó cũng là bộ phận cơ thể dễ bẩn nhất, chứa chất nhiều nguồn bệnh nhất; vì vậy mà ngành y tế khuyến nghị ngay trong cuộc sống đời thường (chứ không chỉ khi có dịch) phải rửa tay thường xuyên.
Hãy hạn chế việc bắt tay, ít nhất là trong thời điểm dịch bệnh này. Nên trở lại với cách thể hiện truyền thống của ông cha ta trước khi ta học (hay bắt chước) người phương Tây từ thời tiếp xúc đầu tiên, đặc biệt là thời thuộc địa với lối sống được coi là "tân thời". Đó là cách chào khá phổ biến ở phương Đông, đứng đối diện ở khoảng cách thích hợp và cúi chào nhau theo những mức độ, động tác phù hợp với mối quan hệ giữa hai hay nhiều người (như góc độ cúi đầu, tư thế và động tác của 2 bàn tay...).
Ở nhiều nước (như Nhật, Hàn, Thái, Lào...), thời nay, người ta vẫn chào theo cách này. Đương nhiên việc bắt tay vẫn duy trì nhất là trong đối ngoại nhưng nên cần "chuyên nghiệp" hơn, hạn chế những kiểu bắt tay tùy tiện, không đúng lúc và phải đúng quy ước (đàn ông chỉ bắt tay phụ nữ khi phụ nữ đưa tay ra trước, người nhỏ tuổi hơn chỉ bắt tay người lớn tuổi khi người lớn tuổi đưa tay ra trước...).
Tóm lại, nhân dịp ứng phó với đại dịch corona này, ta nên khởi động một tiến trình điều chỉnh từng bước nhằm hạn chế việc bắt tay nếu không cần thiết và tin rằng vấn đề "bàn tay sạch" theo nghĩa đen vẫn là một nhu cầu càng ngày càng phải quan tâm để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng.
TS Tô Văn Trường
Theo nguoilaodong
Phòng chống dịch virus corona: Minh bạch để dân không hoang mang PGS. TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng dịch khẩn cấp Bộ Y tế nhận định, dịch virus corona mới diễn biến quá nhanh, những hiểu biết của y học về virus này còn hạn chế nhưng những kinh nghiệm trong việc dập đại dịch SARS năm 2003 sẽ được áp dụng rất tốt đối với dịch...