Ashton Carter: Nhiều nước hợp tác với Mỹ ngăn Trung Quốc ở Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm qua cho rằng Trung Quốc đang tự cô lập mình khi xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, khiến các nước trong khu vực phải phản ứng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm qua nói về ngân sách quốc phòng. Ảnh: AFP
Foreign Policy dẫn lời Bộ trưởng Carter hôm qua cho rằng việc Trung Quốc cải tạo trái phép các đảo nhân tạo với đường băng và hải cảng ở Biển Đông gây quan ngại khắp khu vực, khiến các nước phản ứng, và một số nước hợp tác cùng Mỹ.
“Trên khắp khu vực, mọi người đang phản ứng”, trong đó có các đồng minh truyền thống như Australia, Philippines và Nhật, ông Carter nói trong phiên trả lời câu hỏi sau bài phát biểu về ngân sách tại Câu lạc bộ Kinh tế Washington. Ông Carter cho hay Việt Nam cũng mong muốn hợp tác với Mỹ trong vấn đề an ninh hàng hải.
Bộ trưởng Mỹ cho biết Trung Quốc đang tự cô lập mình, nhưng cách tiếp cận của Washington không phải là kích động Chiến tranh Lạnh trong khu vực.
Khi được hỏi về việc các tàu chiến Mỹ tuần tra gần đảo và đá Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, ông Carter nói hoạt động này sẽ không ngừng lại. “Chúng tôi phải phản ứng”, ông cho biết. “Chúng tôi sẽ di chuyển trên không và trên biển, hoạt động ở nơi luật quốc tế cho phép. Chấm hết”.
Video đang HOT
Ông Carter phát biểu chỉ vài ngày sau khi tàu khu trục tên lửa dẫn đường Mỹ USS Curtis Wilbur tiến vào phạm vi 12 hải lý gần đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tri Tôn là một cồn cát, có diện tích lớn thứ ba ở quần đảo Hoàng Sa, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng công bố kế hoạch đầy tham vọng về chi tiêu quân sự, mua vũ khí cho năm tài khoá 2017, một phần nhằm kiềm chế Trung Quốc. “Tất cả việc đầu tư mà các bạn thấy trong ngân sách quốc phòng chúng tôi đang thực hiện cụ thể nhằm kiềm chế sự phát triển của quân đội Trung Quốc”, Carter nói.
Để ngăn chặn sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc, trong đó có tên lửa chống hạm và hệ thống tác chiến điện tử, Bộ Quốc phòng Mỹ đề nghị khoản ngân sách trị giá 582,7 tỷ USD để chi vào an ninh mạng, tăng cường hoả lực cho tàu ngầm, các tàu robot và tàu dưới nước mới, cũng như hệ thống chặn tên lửa mới lắp đặt trên tàu chiến Mỹ.
Trọng Giáp
Theo VNE
Điều tàu áp sát Hoàng Sa, Mỹ khiến Trung Quốc bị cô lập
Trung Quốc là nước duy nhất có tiếng nói lạc lõng trong việc tàu chiến Mỹ thực hiện hoạt động đi qua vô hại theo luật pháp quốc tế gần đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Tàu khu trục Mỹ USS Curtis Wilbur. Ảnh: US Navy
Hải quân Mỹ cuối tuần trước điều khu trục hạm USS Curtis Wilbur đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974. Lầu Năm Góc cho hay hành động trên nhằm thách thức những hạn chế về quyền và tự do hàng hải của Mỹ cũng như các nước khác trên Biển Đông, ABC News đưa tin.
Phản ứng trước diễn biến này, phía Trung Quốc tỏ thái độ giận dữ, cho rằng hoạt động của Mỹ "có thể gây ra những hậu quả vô cùng nguy hiểm". Bắc Kinh cũng lên tiếng đe dọa "lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết" để bảo vệ cái mà họ gọi là "chủ quyền và an ninh" trên Biển Đông.
Theo giáo sư Julian Ku từ Đại học Luật Hofstra, Mỹ, thoạt nhìn, lần điều động tàu này có nhiều điểm giống với sự việc hồi cuối tháng 10, khi Mỹ đưa tàu khu trục USS Lassen đến gần đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp từ năm 2014. Tuy nhiên, ông Julian Ku cho rằng động thái vừa qua của tàu Mỹ đã đạt được những thành công đáng kể, thể hiện ở hai điểm.
Thứ nhất, hành động lần này mang thông điệp rõ ràng và cứng rắn hơn. Washington trước đây tuyên bố điều tàu USS Lassen tới Trường Sa để duy trì lợi ích của Mỹ với tự do đi lại trên không, trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào trên thế giới luật quốc tế cho phép.
Giới chuyên gia và các nhà lập pháp từng cảm thấy mơ hồ về mục đích chuyến tuần tra của tàu USS Lassen đến mức Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Thượng nghị sĩ John McCain, còn yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter giải thích về hoạt động này. Thông điệp nhiễu loạn khiến tính hiệu quả cũng như mục tiêu của hành động không khỏi bị hoài nghi, giáo sư Julian Ku đánh giá.
Sau hơn ba tháng, chính quyền Mỹ nay chuẩn bị một thông điệp tương đối trực tiếp, đề cập đến cả cơ sở pháp lý cũng như mục tiêu của hoạt động. Lầu Năm Góc cho biết Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Hoạt động của tàu USS Curtis Wilbur nhằm thách thức những "đòi hỏi quá mức" của các bên tranh chấp làm giới hạn các quyền hàng hải và tự do hàng hải xung quanh những thực thể mà họ tuyên bố chủ quyền, bằng cách đòi nước khác phải xin phép hay thông báo trước khi đi qua.
Sớm làm rõ trọng tâm pháp lý của hành động, Mỹ đã tránh được các mối hoài nghi như đối với sứ mệnh ở Trường Sa. Việc truyền tải một thông điệp minh bạch ngay từ đầu thực sự là một thành công lớn đối với Mỹ, ông Julian Ku nhận định.
Bên cạnh đó, hoạt động tự do hàng hải (FONOP) của tàu USS Curtis Wilbur cũng phát huy tác dụng khi cô lập được Trung Quốc khỏi các bên có liên quan khác trong tranh chấp chủ quyền. Trung Quốc là nước duy nhất phản đối và lên án quyền đi qua vô hại của tàu Mỹ ở Hoàng Sa.
Việt Nam trong khi đó khẳng định các nước, bao gồm cả Mỹ, có quyền đi qua vô hại trên biển theo luật pháp quốc tế.
"Là quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là điều 17 của Công ước", ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, hôm 31/1 cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne trước đó cũng bày tỏ ủng hộ việc tàu Mỹ tuần tra ở Biển Đông, cho rằng đây là hành động nhằm bảo vệ luật pháp quốc tế.
Mục tiêu pháp lý được thừa nhận của FONOP là thực thi quyền đi qua vô hại của tàu chiến mà không cần yêu cầu sự cho phép từ trước. Mục đích chiến lược khác là nhằm khiến Trung Quốc bị xa rời khỏi các nước láng giềng trong khu vực. "Ít nhất thì đến nay, chuyến đi của tàu Wilbur đã thành công trong việc thúc đẩy cả hai mục tiêu này", Julian Ku bình luận.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Mỹ tính chi thêm hơn 7 tỷ USD diệt IS Mỹ tăng nguồn tài chính phục vụ cho cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo lên hơn 7 tỷ USD trong ngân sách quốc phòng đề xuất cho năm 2017. Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Reuters. Ngân sách Lầu Năm Góc năm tài khóa 2017 dự kiến chi hơn 7 tỷ USD cho cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo...