Ăn thức ăn để tủ lạnh qua đêm sẽ bị ung thư “ghé thăm”?
Thời tiết nắng nóng, hầu hết các bà nội trợ đều cho thức ăn thừa vào tủ lạnh để bảo quản và họ yên tâm rằng như thế là an toàn. Tuy nhiên, không ít thông tin cho rằng ăn thức ăn để tủ lạnh qua đêm dễ bị ung thư. Vậy chuyên gia nói gì về vấn đề này?
Khủng hoảng về chuyện ăn thức ăn qua đêm
Trường hợp được nhiều người nhắc tới nhất là vụ một phụ nữ người Trung Quốc đã bị ung thư trực tràng năm 2017. Bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân gây nên là do thói quen ăn đồ qua đêm trong suốt 10 năm của bệnh nhân.
Được biết, bệnh nhân cùng chồng làm việc tại một nhà máy nhựa ở Quảng Đông. Để tiết kiệm tiền và thời gian, cô thường nấu sẵn đồ ăn từ tối hôm trước để vào tủ lạnh đến hôm sau ăn.
Người phụ nữ bị nghi ngờ mắc mắc ung thư do ăn thức ăn qua đêm.
Theo bác sĩ điều trị cho nữ bệnh nhân, thức ăn để qua đêm tạo ra rất nhiều nitrite, đặc biệt là rau lá xanh và hải sản. Bản thân nitrite không gây ung thư, nhưng nó phản ứng với các sản phẩm phân giải protein trong điều kiện axit để tạo ra nhiều loại chất gây ung thư. Nói chung, lượng rau qua đêm mà người bình thường tiêu thụ không quá lớn, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhưng nếu ăn lâu dài thì sẽ tích tụ chất độc ngày càng nhiều, làm tăng đáng kể khả năng ung thư.
Thông tin này được nhiều báo mạng trong nước đăng lại khiến nhiều người khủng hoảng, bởi từ trước tới nay họ toàn cho thức ăn thừa vào tủ lạnh và bữa sau hâm nóng lại ăn. Dù có khéo mấy cũng chẳng bà nội trợ nào dám đảm bảo bữa nào cả nhà cũng ăn hết sạch đồ ăn. Nếu giờ ăn đồ thừa bị ung thư thì để cho an toàn phải đổ hết đi, tạo sự lãng phí rất lớn.
Nhiều nhân viên văn phòng, nhất là phái nữ, thường nấu đồ ăn từ tối hôm trước, cho vào tủ lạnh để sáng hôm sau mang đi làm ăn trưa, nhằm hạn chế ăn cơm bên ngoài, sợ không đảm bảo vệ sinh.
Video đang HOT
Chị T. (Cầu Giấy) cho hay: “Sáng ra mình rất bận, lo đánh thức con dậy, cho ăn uống rồi đưa đi học, vì thế mình không có thời gian nấu cơm mới mang đi làm. Nếu đúng là ăn thức ăn cũ để qua đêm trong tủ lạnh mà bị ung thư thì từ nay mình chỉ có ăn mỳ tôm và cơm bụi. Mà nếu ăn thế thì cũng có đảm bảo an toàn chứ?”.
Chuyên gia dinh dưỡng giải thích
Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Lâm Văn Mân, trưởng phòng Nghiên cứu phát triển và Chuyển giao công nghệ – Viện An toàn thực phẩm khẳng định, hiện nay chưa có một bằng chứng khoa học nào chứng minh thức ăn thừa hâm nóng lại có nguy cơ gây ung thư.
Chưa có bằng chứng khoa học cho thấy ăn thức ăn thừa để tủ lạnh qua đêm rồi hâm nóng lại gây ung thư.
“Nitrit có phải là nguyên nhân gây ung thư hay không vẫn chưa được giới khoa học thống nhất. Người ta biết rằng Nitrate có sẵn trong thực phẩm, khi ăn dưới tác dụng enzyme tiêu hoá hoặc vi sinh vật sẽ chuyển hoá thành Nitrit dạng Nitric Oxide tốt cho sức khoẻ hoặc Nitrosamines – không tốt cho sức khoẻ”, tiến sĩ giải thích rõ quá trình chuyển hóa thành Nitrit.
Tiến sĩ lý giải thêm, trong chế biến thịt, Nitrit được cho vào với mục đích giữ cho thịt có màu đỏ hồng và người ta nhận thấy người ăn nhiều thịt chế biến sẵn có nguy cơ bị ung thư cao và Nitrit bị quy là nguyên nhân. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu cho thấy, trong rau quả hàm lượng Nitrate cao hơn rất nhiều so với thịt – và rau quả đã được chứng minh tốt cho sức khoẻ.
“Nitrit độc hại khi nào? Đó là khi nitrit ở nhiệt độ cao với sự có mặt của axit amin như khi nướng thịt thì nó sẽ chuyển thành dạng nitrosamines độc hại, không tốt cho sức khoẻ”, tiến sĩ Lâm nhấn mạnh.
Theo BS. Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, về mặt dinh dưỡng, mọi người không nên ăn thức ăn nấu lâu ngày, đun đi đun lại nhiều sẽ làm mất hết chất dinh dưỡng không tốt cho sức khoẻ. Khi cho thức ăn thừa vào tủ lạnh, những vi sinh vật trong đó chỉ ngừng hoạt động. Vì vậy, lấy thức ăn ra hâm nóng lại cũng không thể diệt hết các vi khuẩn này và người ăn dễ có nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao.
Do vậy, ngay từ đầu khi ước lượng thực phẩm chín dùng không hết, các bà nội trợ nên lấy riêng ra một lượng nhất định, để nguội, cho vào hộp đậy nắp kín rồi để vào tủ lạnh. Khi nào cần ăn thì lấy ra hâm nóng. Như vậy, sẽ bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khỏe của con người.
Cách bảo quản thực phẩm an toàn trong tủ lạnh
- Thực phẩm sau khi nấu chín cần đưa vào tủ lạnh cất giữ trong vòng 2 giờ, nếu để ở ngoài hơn hai giờ không nên đưa vào cất giữ trong tủ lạnh.
- Thực phẩm khi cất giữ trong tủ lạnh nên chia thành các lượng vừa đủ cho một lần dùng. Khi lấy thực phẩm ra khỏi tủ lạnh nên chế biến ngay không được lấy ra rồi lại đưa vào bảo quản tiếp.
- Không được đưa thực phẩm vào bảo quản trong tủ lạnh khi còn nóng, vì nó có thể làm tăng nhiệt độ của tủ lạnh và làm các thực phẩm khác tăng nhiệt.
- Các thực phẩm chín lưu giữ trong tủ lạnh cũng chỉ nên sử dụng trong vòng 3 ngày.
Minh Minh
Theo ĐS&PL
Tại sao không nên để khoai tây trong tủ lạnh?
Bạn vừa đi chợ về với một túi khoai tây lớn. Nhưng bạn sẽ không ăn hết chúng ngay một lần, vậy có nên cất chúng vào trong tủ lạnh để giữ tươi ngon không?
Câu trả lời là không, vì việc để khoai tây trong tủ lạnh có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Tại sao? Đây là lý do:
Nhiệt độ lạnh hơn của tủ lạnh có thể chuyển đổi tinh bột trong khoai tây thành đường. Sau đó, khi bạn nướng hoặc chiên khoai tây ở nhiệt độ trên 121 độ C, đường này sẽ kết hợp với a-xít amin asparagin và tạo ra một chất gọi là acrylamid, theo Hội Ung thư Hoa Kỳ.
Acrylamide là một chất được sử dụng để làm giấy, thuốc nhuộm và nhựa, cũng như để xử lý nước uống và nước thải, theo Viện Ung thư Quốc gia. Con đường chính mà mọi người tiếp xúc với acrylamid là hút thuốc lá, nhưng nó cũng được tìm thấy trong các loại thực phẩm như khoai tây chiên và bim bim khoai tây, bánh giòn, bánh mì, bánh quy, ngũ cốc và cà phê.
Vậy acrylamid nguy hiểm đến mức nào? Nghiên cứu ở chuột đã chỉ ra rằng chất này làm tăng nguy cơ ung thư trên chuột. Các nghiên cứu ở người chưa chứng minh bằng chứng nhất quán rằng tiếp xúc với acrylamid qua chế độ ăn uống làm tăng nguy cơ, nhưng đã có kết quả chưa thống nhất về ung thư thận, nội mạc tử cung và ung thư buồng trứng.
Mặc dù chuột và người chuyển hóa acrylamid ở các mức độ khác nhau, Chương trình độc chất quốc gia của Mỹ phân loại chất này là một chất gây ung thư dựa trên các nghiên cứu về động vật thí nghiệm tiêu hóa acrylamid trong nước uống.
Tin tốt? Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng không bảo quản lạnh khoai tây và giảm thời gian nấu để tránh màu nâu có thể làm giảm lượng acrylamid. Vì vậy, hãy thận trọng và làm theo khuyến cáo của Hiội Ung thư Mỹ về khaoi tây: Bỏ chúng ra khỏi tủ lạnh, bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, chẳng hạn như trong ngăn tủ hoặc chạn và chỉ nấu đến màu nhạt.
Cẩm Tú
Theo Dân trí
Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đưa vào sử dụng hệ thống xạ trị gia tốc Tại Nghệ An, nhờ chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ đào tạo từ tuyến trung ương, hiện nay, nhiều người mắc ung thư không phải đi Hà Nội xạ trị hàng tuần. Dù đang trong đợt xạ trị tại Bệnh viện K, nhưng khi nghe tin Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã có hệ thống xạ trị gia tốc và nhận...