Ai bị lãng quên đằng sau cơn sốt kéo dài gần 30 năm của ‘Tây du ký’?
29 năm phát sóng liên tiếp, “Tây du ký” vẫn gây sốt. Trong khi đó, phim truyền hình Việt dành cho thiếu nhi từ lâu đã là một khoảng trống lãng quên.
Đến hẹn lại lên, Tây du ký, bộ phim truyền hình nổi tiếng chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Ngô Thừa Ân tiếp tục được phát lại trên sóng VTV từ tháng 7. Như vậy, kể từ thời điểm bắt đầu phát sóng ở Việt Nam vào năm 1990, tác phẩm của đạo diễn Dương Khiết đã phát sóng 29 năm liên tiếp trên màn ảnh Việt.
Mỗi dịp hè về, trên hệ thống của VTV luôn có Tây du ký. Những năm gần đây, phim được phát sóng trên VTV2 vào khung giờ 19-20h. Khung giờ này trùng với khung giờ Thời sự, chương trình có rating cao nhất trên sóng VTV, nhưng vẫn được cho là phù hợp vì Tây du ký hướng đến đối tượng khán giả giả nhí.
Tây du ký vẫn được say mê dù đã phát sóng ở Việt Nam gần 30 năm.
Dù không phải sự kiện gây bất ngờ, nhưng việc Tây du ký tiếp tục chiếu lại cũng được chú ý trên mạng xã hội. Nhiều người nhận xét bộ phim là thanh xuân của thế hệ 8X, đầu 9X, chứa đựng nhiều kỷ niệm thơ ấu, học trò. “Đã xem 20 năm và xem thêm 20 năm nữa cũng không sao”, một khán giả bình luận.
Tây du ký quả thực có một sức hút mạnh mẽ đối với khán giả Việt. Hơn một thế hệ đã lớn lên qua những mùa hè cùng với Tây du ký. Do đó, những say mê đối với tác phẩm này vẫn còn nguyên vẹn.
Bộ phim của Dương Khiết cũng được cho là xứng đáng với tình cảm của người hâm mộ. Bởi lẽ, sau nhiều năm phim vẫn là hình mẫu cho diễn xuất, bối cảnh, thậm chí kỹ xảo. Nội dung Tây du ký cũng truyền tải nhiều thông điệp nhân văn, vừa có tính giải trí, vừa có tính giáo dục mạnh mẽ.
Với sức ảnh hưởng ấy, Tây du ký được cho là một cơn sốt xứng đáng. Thế nhưng, cũng có một câu hỏi được nhiều người đặt ra: “Nếu không có Tây du ký, trẻ em Việt biết xem phim gì trên sóng truyền hình hiện nay?”.
Tuổi thơ trên… sóng truyền hình
Quang Tùng, sinh năm 1991, quê ở Hưng Yên nhưng từ nhỏ đã sống ở TP.HCM. Anh gọi truyền hình là “cái hộp lưu trữ một phần tuổi thơ rực rỡ”.
Video đang HOT
“Tôi và nhiều người bạn của mình đã lớn lên cũng với truyền hình. Ngoài Tây du ký còn nhiều phim Việt khác như Đội đặc nhiệm nhà C21, Kính vạn hoa, Đất phương nam, Gia đình phép thuật… đều là những bộ phim hay, những ký ức không thể nào quên được”, chàng trai 28 tuổi chia sẻ với Zing.vn.
Cũng như Quang Tùng, một thế hệ 8X và đầu 9X đã coi truyền hình là “một người bạn nhỏ”. Những buổi chiều chạng vạng, tắm vội tắm vàng, nhanh nhanh làm những việc cha mẹ giao để được ngồi trước màn hình tivi và xem những bộ phim dành riêng cho lứa tuổi của mình.
Đất phương nam là một trong những phim truyền hình gắn liền với tuổi thơ của 8X, đầu 9X.
Ngoài những phim kể trên, màn ảnh VTV và HTV từng có nhiều phim khác dành cho thiếu nhi như Mệnh lệnh hoa hồng, Ngũ quái Sài Gòn, Hoa ngũ sắc, Cổ tích Việt Nam, Kỷ vật, Những nẻo đường phù sa … Đặc biệt, trên sóng VTV một thời có rất nhiều phim ngắn tập, tức khoảng 1-2 tập dành riêng cho thiếu nhi. Nhiều diễn viên nhí được khán giả biết đến thông qua những bộ phim này.
Tất cả đã tạo nên những ký ức tuổi thơ rực rỡ trong thế hệ 8X, đầu 9X. Truyền hình từng gần gũi với thiếu nhi như thế, để mỗi khi nhớ lại những cảm xúc tràn ngập, khó quên, không chỉ với Quang Tùng mà còn với nhiều cô gái, chàng trai nay đã trưởng thành.
Nhưng, đó là những rực rỡ của thế hệ đã đi qua thơ ấu.
Phim thiếu nhi vắng bóng triền miên
Trên mạng xã hội, nhiều ông bố, bà mẹ chia sẻ về việc con của họ giờ ít xem VTV hay HTV vì cũng không có gì phù hợp để xem. Đồng nghĩa, truyền hình từ một người bạn gần gũi của trẻ nhỏ đã trở nên ngày càng xa cách.
Trên sóng VTV, Tây du ký có lẽ là phim hiếm hoi dành cho thiếu nhi, và lại là một bộ phim chiếu lại. Dù phim Việt trên sóng VTV đang lấy lại khán giả, nhiều bộ phim gây bão, nhưng tuyệt nhiên không dành cho thiếu nhi.
Những bộ phim đang lên sóng của VTV là Mê cung, Về nhà đi con, Nàng dâu Order. Đây là các bộ phim về đề tài tình yêu, gia đình hoặc điều tra tội phạm, tệ nạn xã hội.
Những tác phẩm được chú ý của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) những năm gần đây cũng chủ yếu thuộc mảng đề tài tương tự với Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Quỳnh búp bê, Cả một đời ân oán, Tuổi thanh xuân, Zippo mù tạt và em,…
Phim truyền hình về đề tài gia đình, hôn nhân, tình yêu được ưa chuộng trên sóng VTV.
Trong khi phim truyền hình miền Nam gần như “ngủ đông”. Bộ phim mới nhất gây chú là Gạo nếp gạo tẻ của HTV cũng là một bộ phim về đề tài gia đình. Nhiều năm nay, trên sóng truyền hình không còn những bộ phim thiếu nhi được chú ý.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, giám đốc của VFC từng lý giải rằng hoạt động sản xuất phim truyền hình hiện nay đa phần là phim dài tập.
Thể loại phim này cần một quy trình sản xuất dài và diễn viên phải theo đoàn ít nhất từ 4-5 tháng. Như vậy rất khó để các em nhỏ tham gia và cũng rất khó để làm phim dài tập cho thiếu nhi, trong khi phim ngắn tập, VFC từ lâu đã không còn thực hiện, trừ phim Tết.
Rõ ràng, việc khan hiếm phim truyền hình dành cho thiếu nhi là một thực tế không thể chối cãi. Nhiều ý kiến cho rằng trẻ em dường như đang bị lãng quên ở mảng phim truyền hình.
Không chỉ khán giả mà chính giới trong nghề và cả nhà quản lý cũng nhận thức được điều này. Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình trạng thiếu vắng phim đề tài lịch sử dân tộc và phim dành cho thiếu nhi ở cả điện ảnh lẫn truyền hình, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã thừa nhận thực tế.
Nhưng giải pháp ra sao và bao giờ trẻ em mới lại được xem phim truyền hình Việt dành riêng cho lứa tuổi của mình vẫn là vấn đề nan giải. Và, rất có thể năm 2020, Tây du ký vẫn là phim duy nhất dành cho thiếu nhi mỗi dịp hè về.
Theo zing.vn
Không còn phim Việt cho thiếu nhi?
Phim dành cho khán giả nhỏ tuổi không còn được quan tâm sản xuất bởi tình trạng khó khăn chung của phim truyền hình khi lên sóng, kể cả phim điện ảnh
Hè là dịp thiếu nhi được vui chơi và thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật qua sách, phim để bồi dưỡng tâm hồn. Tuy nhiên, phim truyền hình đề tài về thiếu nhi vốn đã khan hiếm vài năm gần đây, đến nay gần như chẳng còn tác phẩm mới nào ra mắt. Nhà sản xuất tư nhân "bỏ hoang" hoàn toàn mảnh đất này, trong khi các đài, hãng phim nhà nước lại trông chờ vào nhà nước.
Khan hiếm từ vài năm nay
Truyền hình từng có giai đoạn chú trọng sản xuất phim thiếu nhi. Nhiều tác phẩm ra đời chinh phục người xem như: "Đất phương Nam", "Kính vạn hoa", "Đội đặc nhiệm nhà C21", "Chiến dịch trái tim bên phải", "Trinh thám nghiệp dư", "Ngũ quái Sài Gòn"... Phim có nội dung đa dạng, thú vị, diễn viên diễn xuất tốt, tạo dấu ấn trong lòng khán giả, chuyển tải thông điệp về tình bạn, tình cảm gia đình. Hãng phim Truyền hình TP HCM (TFS) - Đài Truyền hình TP HCM, từng là đơn vị tích cực sản xuất phim thiếu nhi nhưng vài năm gần đây không thấy. Phim thiếu nhi cho khán giả màn ảnh nhỏ ngày càng hiếm. Tác phẩm mới nhất dành cho thiếu nhi là "Cậu bé nước Nam" do Đài Truyền hình Vĩnh Long hợp tác cùng Phương Nam Phim thực hiện. Phim này đã được phát sóng từ mùng 6 Tết Kỷ Hợi với tổng cộng 50 tập. Hiện tại, nếu muốn xem phim thiếu nhi, khán giả sẽ phải tìm phim cũ hoặc thưởng thức tác phẩm do nước ngoài sản xuất. Một mùa hè không phim, với những thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, nơi không có rạp để xem phim ngoại, chỉ trông chờ vào truyền hình sẽ là thiệt thòi nhân đôi. Các em sẽ phải tìm kiếm, thỏa mãn nhu cầu nghỉ ngơi ngày hè của mình vào những trò chơi khác có thể khiến phụ huynh lo ngại thay vì được thưởng thức những tác phẩm có nội dung, thông điệp phù hợp trên truyền hình.
Cảnh trong phim "Cậu bé nước Nam", phim thiếu nhi hiếm hoi được sản xuất, phát trên Đài Truyền hình tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Nhà sản xuất tư nhân không quan tâm
Phim truyện còn gặp khó thì nhà sản xuất đâu còn nhiệt tình, đam mê nào để làm phim phục vụ thiếu nhi. "Việc sản xuất phim truyền hình của tư nhân hiện nay trăm điều khó, nhất là phần vốn. Nếu phim bán quảng cáo không được, chuyện thua lỗ là điều chắc chắn, trong khi các thương hiệu, nhãn hàng có vô số kênh lựa chọn để quảng bá" - bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc sản xuất Công ty Sena Film, nói.
Nhiều người trong giới cho rằng phim thiếu nhi Việt bị "ghẻ lạnh" không phải lỗi từ phía nhà sản xuất. Trong tình hình khó khăn chung, những nội dung có tính giáo dục, cần tuyên truyền phải có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý. Bởi phim truyền hình cho thiếu nhi khó thu hồi vốn, sản xuất là lỗ. Nhà đài không hỗ trợ sóng, cơ quan quản lý nhà nước không hỗ trợ vốn nên nhà sản xuất tư nhân chẳng dám chạm tay đến mảng đề tài này. Kinh doanh buộc phải có lời hay ít nhất hoàn vốn.
Trách nhiệm của nhà nước
Nhà đài không hỗ trợ sóng, cơ quan quản lý ngó lơ thì phim thiếu nhi chắc chắn khó có thể được sản xuất trở lại như giai đoạn hoàng kim của nó. Khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình trạng thiếu vắng phim về đề tài lịch sử dân tộc và phim dành cho thiếu nhi ở cả điện ảnh lẫn truyền hình, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận thực tế này. Ông cho rằng giải pháp là nhà nước phải đặt hàng để sản xuất. Việc đặt hàng này cũng rất hiếm hoi trong vài năm trở lại đây. Nhiều người trong giới nhận định, với truyền hình, cơ quan quản lý cần có cơ chế buộc nhà đài phải dành thời lượng trình chiếu với tỉ lệ phim thiếu nhi Việt nhất định. Đó không phải phim mua bản quyền từ nước ngoài, chuyển ngữ rồi phát lại. "Lực lượng sáng tác, ê-kíp tạo ra những phim thiếu nhi hay không thiếu, nhà sản xuất cũng sẽ tham gia nếu họ được sự hỗ trợ phù hợp từ nhà nước. Nếu nhà nước chỉ kêu gọi trong khi sóng nhà đài vẫn bán cho các game show, cơ chế tính toán thu tiền quảng cáo theo kiểu phim truyện như hiện tại thì rất khó cho phim thiếu nhi" - nhà báo Cát Vũ trăn trở.
Không có phim thiếu nhi Việt trên màn ảnh rộng
Không chỉ truyền hình, khán giả nhí muốn thưởng thức phim thiếu nhi Việt trên màn ảnh rộng cũng không có cơ hội. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc phát hành phim của CGV Việt Nam, cho biết sẽ không có phim thiếu nhi Việt trên màn ảnh rộng trong suốt hè 2019. Các phim cho thiếu nhi hiện đang chiếu ngoài rạp từ hoạt hình đến phim truyện đều do nước ngoài sản xuất. Đây là điều rất đáng buồn cho nền điện ảnh, truyền hình của Việt Nam. "Thiếu nhi là mầm non hôm nay nhưng là rường cột tương lai của đất nước. Lẽ ra, các em phải được nuôi dưỡng từ vật chất lẫn tinh thần, thỏa mãn nhu cầu học tập, trau dồi kiến thức cho đến vui chơi, giải trí. Nhưng hiện nay, các em bị bỏ rơi ở mảng phim ảnh. Nhà sản xuất không mặn mà, cơ quan quản lý cũng chưa cải thiện được tình hình. Ở các nước, người ta rất chú trọng các chương trình, phim cho thiếu nhi, chi tiền đầu tư để các nhà sản xuất thực hiện. Họ lồng ghép vào các phim, chương trình giải trí từ văn hóa bản địa cho đến các bài học giáo dục nhân cách để phục vụ khán giả nhí của mình" - nhà báo Cát Vũ nói.
Theo nld.com.vn
Cứ mùa hè đến, những bộ phim này được chiếu lại Cứ mấy độ ve kêu râm rang khắp các bụi cây, phượng đỏ rợp trời thì những bộ phim này lại thay phiên nhau xuất hiện trong khắp các khung giờ vàng trên truyền hình. Với thế hệ 8x, 9x những cái tên kể trên không chỉ là tuổi thơ tươi đẹp mà còn là món ăn tinh thần trong mùa hè oi...