9X Việt trả lời câu hỏi làm thế nào để vào Harvard
Tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Chính sách công tại ĐH Harvard, anh Trần Hà Dương cho biết trong một thời gian dài trước đây, ngôi trường danh giá này là “một thứ gì đó hoàn toàn xa vời với mình”.
Tôi chọn Harvard chứ không phải Harvard chọn tôi
Trần Hà Dương nói vui rằng anh từng nghĩ chỉ có hai cách để vào Harvard: “Một là bạn phải là siêu nhân, hai là bố mẹ bạn phải là siêu nhân”.
“Với cách 1, bạn phải giỏi 5 ngoại ngữ từ lớp 1 và đạt giải Nobel trước năm 18 tuổi. Với cách 2, bố mẹ bạn phải là nguyên thủ quốc gia hoặc top 100 người giàu nhất thế giới”.
Với suy nghĩ này, trong suốt một thời gian dài, anh Dương cho rằng Harvard là một thứ gì đó hoàn toàn xa vời với mình và chưa bao giờ là mục tiêu cuối cùng.
Thế nhưng, sau khi học xong đại học và làm việc một thời gian, anh Dương lại đặt Harvard là lựa chọn cho việc học cao học.
Lý do, như anh lý giải, những điều nghĩ trước đó không hoàn toàn đúng.
Anh Trần Hà Dương và mẹ trong ngày tốt nghiệp ĐH Harvard
“Mình bắt đầu suy nghĩ đến việc nộp đơn vào Harvard sau khi giúp đỡ các bạn trẻ Việt Nam phát triển kỹ năng tư duy, tranh luận, hùng biện, và nhận ra được nguồn cảm hứng từ những việc làm có ý nghĩa, vượt ra ngoài những tham vọng cá nhân. Khi đọc về chương trình Thạc sĩ Chính sách Công của Harvard, mình thực sự cảm nhận được rằng trường muốn giúp đỡ những người như mình để góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trên toàn thế giới”.
Thời điểm anh Dương quyết định đi du học cũng đồng nghĩa với việc phải nghỉ làm ở một tập đoàn đa quốc gia với mức thu nhập khá ổn và con đường thăng tiến đang rộng mở.
“Vì vậy, nhiều bạn có lẽ sẽ khá bất ngờ khi mình nói rằng suy nghĩ của mình lúc đó không phải là có đủ điều kiện để được Harvard nhận không, mà là Harvard có đáp ứng được điều kiện của mình, để mình sẵn sàng đánh đổi những cơ hội đang có hay không. Trong đó, điều kiện quan trọng nhất là Harvard phải giúp mình có thêm hành trang cần thiết để hiện thực hóa một khát vọng” – anh Dương nói.
Khát vọng đó, như anh Dương chia sẻ, là giúp cho giới trẻ Việt Nam có được bản lĩnh và những kỹ năng cần thiết, qua đó góp phần phát triển Việt Nam trở nên giàu mạnh, hùng cường.
Và trong bài luận nộp vào ĐH Harvard, anh Dương có kể cho ban tuyển sinh của trường về YVS – một tổ chức về kỹ năng tư duy, tranh luận, hùng biện cho giới trẻ Việt Nam mà anh đã sáng lập từ nhiều năm trước.
Trong bài luận này, anh Dương cũng kể về sự ngưỡng mộ của mình đối với khát vọng của ba và những người bạn của ông đã chiến đấu ra sao trong cuộc kháng chiến cứu nước.
Thạc sĩ Trần Hà Dương
“Và mình tự hỏi tại sao thế hệ của chúng ta lại không thể có một ngọn lửa chung như vậy? Nếu như khát vọng của thế hệ ngày đó là độc lập, tự do, thì khát vọng lớn nhất của thế hệ trẻ ngày nay phải là một Việt Nam giàu mạnh, hùng cường. Mỗi người chúng ta có thể đóng góp cho điều đó theo một cách riêng, nhưng tầm vóc, bản lĩnh của thế hệ ngày nay là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa khát vọng đó” – anh Dương khẳng định.
Video đang HOT
Hãy thay đổi cách đặt câu hỏi
Dự án YVS – “Youth’s View, Voice and Vision in Society” mà Trần Hà Dương đề cập tới trong bài luận nộp vào Harvard, được anh cùng bạn bè bắt tay thực hiện từ mùa hè năm 2012. Đây là một dự án nhằm tạo ra môi trường thân thiện giúp các bạn trẻ trong nước chia sẻ kỹ năng tư duy, tranh luận và hùng biện về các vấn đề xã hội có liên quan đến giới trẻ.
“Hồi đó, mình vừa học xong năm đầu tiên đại học ở Mỹ và vừa trải qua một cú sốc văn hóa lớn, khiến cho bản thân liên tục đặt câu hỏi về những giá trị của chính mình. Cùng lúc đó, mình nhận ra rằng giới trẻ Việt Nam trong đó có cả mình, còn thiếu rất nhiều những kỹ năng và sân chơi cần thiết để có thể tự tin trình bày quan điểm cá nhân” – anh Dương chia sẻ lý do thực hiện dự án.
Trong năm đầu tiên thành lập, YVS đã tổ chức thành công nhiều cuộc hội thảo và cuộc thi lớn về tư duy, tranh luận, hùng biện như IChallenged 2012, 2013, BNW 2013.
Trước đó, bản thân Trần Hà Dương cũng là một người “nói giỏi”. Ngay từ những những năm học trung học, Dương đã là đại biểu tại các Hội nghị Mô phỏng Liên Hợp Quốc (Model United Nations). Anh cũng từng nhận giải thưởng Nhà Ngoại giao Trẻ của Hiệp hội Liên Hợp Quốc tại Singapore năm 2010.
Lên đại học, anh là thành viên của đội tuyển tranh luận Amos. J. Peaslee của trường ĐH Swarthmore, tham dự các giải thi đấu tranh luận tại các trường đại học nổi tiếng như Harvard, Princeton, New York University….
Anh cũng đại diện Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Thanh niên tại Liên Hợp Quốc lần thứ 11, tổ chức tại New York vào tháng 1/2013…
Trần Hà Dương là đại diện của Việt Nam tham dự Diễn đàn Thanh niên UNESCO lần thứ 8, tổ chức tại Pháp năm 2013
Anh nhận ra mình có khả năng hùng biện từ khi nào? Khả năng này đã giúp này như thế nào trong quá trình học tập trước đây và khi đi làm? – Trả lời câu hỏi này, anh Dương cho biết mình luôn tâm niệm rằng những lời nói có sức ảnh hưởng tích cực nhất là khi đến từ trái tim của người nói.
“Trong học tập và khi đi làm cũng vậy, mình không phải là người nói nhiều nhất hay nói lưu loát nhất, nhưng mình luôn cố gắng là người nói có sức ảnh hưởng tích cực nhất cho đồng nghiệp xung quanh hoặc hướng đi chung của nhóm làm việc”.
So với 10 năm trước, thì theo anh Dương, bây giờ các bạn trẻ có nhiều cơ hội hơn để luyện tập kỹ năng tư duy, tranh luận và hùng biện qua các cuộc thi và các hoạt động ngoại khóa. Xã hội Việt Nam cũng đã có những nhận thức sâu sắc hơn về sự cần thiết của những kỹ năng này. Tuy nhiên, không phải bạn trẻ nào cũng đã có cơ hội tiếp cận, nhất là các bạn ở vùng sâu, vùng xa.
“Để giúp các bạn trẻ có những kỹ năng này thì chính thầy cô và các phụ huynh phải có sự cởi mở hơn về tư duy, biết chấp nhận và thậm chí là khuyến khích những quan điểm khác biệt từ học trò hay con mình. Để những thay đổi này đi vào từng lớp học và trong từng gia đình là một chặng đường sẽ phải mất nhiều năm nữa”.
Anh Trần Hà Dương trong một buổi trò chuyện với các bạn trẻ về định hướng hướng nghiệp
Theo anh Dương, một trong những trở ngại lớn nhất của các bạn trẻ là thói quen nghĩ theo đám đông, hoặc hay để áp lực từ thầy cô, phụ huynh, bạn bè chi phối những quyết định của mình.
“Các bạn trẻ có thể tập thói quen thay vì chỉ hỏi câu hỏi “Cái gì?” hay “Nên làm gì?” , thì tập hỏi “Vì sao?” và “Thế thì sao?” “.
Anh Dương lấy ví dụ: “Có rất nhiều bạn trẻ từng hỏi mình “Em nên học chuyên ngành gì?”, “Em nên theo đuổi nghề gì?” Những câu hỏi này bản chất đã hàm ý phụ thuộc tư duy vào một người khác. Thay vào đó, các bạn có thể tự hỏi “Vì sao mình lại thích/ không thích ngành này?”, “Nếu mình quyết định đi theo nghề này, trái với ý muốn của bố mẹ, thì sao?” . Đây là những câu hỏi giúp phát triển tư duy phản biện và là nền tảng giúp các bạn tự tin trình bày và bảo vệ quan điểm của mình hơn”.
Tuy nhiên, anh Dương cũng khẳng định rằng thực chất việc trau dồi những kỹ năng này không phải là mục tiêu cuối cùng, mà chúng chỉ là những hành trang cần thiết cho mỗi bạn trẻ có thể tự tìm hướng đi cho riêng mình và đóng góp cho xã hội theo cách riêng của mình.
Trần Hà Dương sinh năm 1991.
Khi đang học lớp 9, Dương giành được học bổng A*Star của Chính phủ Singapore. Anh luôn có thành tích đứng đầu khi theo học 4 năm ở ngôi trường hàng đầu Singapore là Hwa Chong Institution.
Sau đó, Dương nhận học bổng 4 năm của ĐH Swarthmore (bang Pennsylvania, Hoa Kỳ) và tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành Kinh tế tại đây.
Anh từng làm việc tại các tập đoàn, tổ chức phi chính phủ lớn tại Mỹ, Singapore và Việt Nam…
Sau khi học Thạc sĩ chính sách công tại ĐH Harvard, Trần Hà Dương hiện đang làm trong ngành tư vấn chiến lược tại một tập đoàn lớn ở Việt Nam.
Bài học của thủ khoa người Việt đạt điểm tuyệt đối ở ĐH lớn nhất Canada
Theo anh Cao Bảo Anh, trong quá trình học tập có những điều rất nhỏ nhưng sẽ làm nên sự khác biệt rất lớn trong điểm số đạt được.
Cao Bảo Anh hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Harvard, từng tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Toronto ở Canada với điểm GPA tuyệt đối 4.0
VietNamNet xin giới thiệu bài viết của anh về phương pháp học tập - làm thế nào để đạt được điểm số tuyệt đối, hay cao nhất có thể.
Mỗi người đều có những tố chất rất riêng, không ai thực sự giống nhau. Do đó, không có một công thức chung cho tất cả mọi người. Nhưng chúng ta có thể học hỏi, thử ứng dụng, và giữ lại những gì hợp với mình.
1. Xác định được những gì là có thể
Sau khi tốt nghiệp, mình gặp một số câu hỏi trên diễn đàn dạng như: "Ở trường đại học Toronto, có được điểm A không nhỉ?". Trong quá trình học, mình chưa đặt ra câu hỏi này, bởi mình đương nhiên xem nó là có thể, thậm chí đặt đó là mục tiêu tối thiểu phải đạt được.
Hành vi và nhận thức có liên quan đến nhau. Nhận thức phải xác định là có thể thì hành vi mới được tạo ra để đáp ứng.
2. Lập mục tiêu rõ ràng
Mục tiêu phải rõ ràng, lượng hóa được thì càng tốt, tránh kiểu như: "năm nay phải học sinh giỏi" hay "tốt nghiệp thủ khoa". Trong các môn học mình đều đặt ra mục tiêu cụ thể "tối thiểu 95%" để hướng đến việc tốt nghiệp thủ khoa. Thậm chí, mỗi ngày, trong cuốn nhật ký hồi ấy đều viết đi viết lại mục tiêu này.
Dĩ nhiên mục tiêu phải phù hợp với khả năng của bản thân ở điều kiện hiện tại (có thể đặt mục tiêu để nâng cao dần khả năng của mình).
3. Vị trí ngồi trong lớp
Cái này nghe rất buồn cười. Nhưng ngồi ở đâu quyết định một phần lớn thái độ học tập của mỗi người. Bạn cũng có thể nghĩ ngược lại - thái độ học tập thế nào thì chọn chỗ ngồi tương ứng.
Vị trí ngồi ưa thích của mình là hai hàng đầu trong giảng đường. Dĩ nhiên vị trí ngồi này rất áp lực, nhưng có một số điểm lợi. Thứ nhất là tập trung ngồi học, không làm chuyện riêng. Hai là có thể quan sát ngôn ngữ cơ thể của thầy cô. Nhiều khi mình nói đùa, nghe thầy thở cũng có thể biết phần nào quan trọng và sẽ xuất hiện trong bài kiểm tra.
Mình biết không chỉ mình có sự lựa chọn này. Bạn á khoa, ngồi sau lưng mình. Và sau này mình đi trợ giảng, mình nhận mặt được các học sinh có kết quả tốt, bởi thường nhóm này ngồi ở hàng đầu. Do đó, tác dụng thứ ba của vị trí ngồi này đó là gây ấn tượng với thầy cô (còn tốt hay xấu là chuyện khác nữa).
4. Hiểu rõ bản chất môn học
Mỗi môn học có một đặc tính riêng. Toán không thể chỉ học thuộc công thức. Sinh học không thể chỉ suy luận. Hiểu rõ bản chất của môn học sẽ giúp chúng ta xây dựng được phương thức học phù hợp.
5. Hiểu rõ cách học của bản thân
Mỗi người do hoàn cảnh lớn lên khác nhau nên có những thế mạnh khác nhau. Người học bằng thị giác, có người lại học bằng âm thanh, hay thậm chí là vận động (học mà khoa chân múa tay một chút thì hiệu quả hơn). Mỗi thế mạnh cần một phương pháp tương ứng. Mình là dạng âm thanh và vận động.
6. Tương tác với thầy cô
Muốn là chủ được tri thức, thì tri thức đó phải SỐNG trong mình. Như học ngoại ngữ vậy, để giỏi phải thực hành. Một trong những bước rất quan trọng là tương tác với thầy cô (nếu thầy cô tạo điều kiện).
Quá trình nói chính là quá trình sắp xếp suy nghĩ và vận dụng ngay tại lớp học. Ngoài ra, còn có thể gặp thầy cô sau buổi học, ở các giờ trao đổi với sinh viên. Đừng ngại!
7. Tìm một ai đó để dạy
Khi bạn nhận thức như là một học sinh, bạn hành xử đúng là học sinh. Và bạn sẽ luôn dưới mức của bài kiểm tra được đặt ra cho bạn. Ngược lại, nếu bạn đổi điểm nhìn, nhìn từ điểm nhìn của thầy cô, cách học của bạn sẽ rất khác. Nếu thay đổi điểm nhìn như thế, khi đang học, bạn cũng có thể tạo ra các câu hỏi và sẽ bất ngờ về độ trùng hợp khi đi thi.
Do cách học của mình là âm thanh và hành động, nên mình học bài sẽ đọc một lượt, rồi giảng lại như là dạy một lớp học. Phần nào nói không trôi, ghi chú lại để đọc lại sau này. Mình cũng đi tìm các bạn trong lớp để dạy lại nếu họ gặp khó khăn. Đối diện với các câu hỏi những những người "học trò" này, bạn sẽ nắm kiến thức sâu và vững hơn.
Dĩ nhiên phải khéo léo. Vào lớp học đừng tỏ ra mình là thầy cô, không thì dễ gây họa.
8. Nỗ lực nhưng đừng dằn vặt
Dù bạn đặt mục tiêu thế nào, năng lực ra sao..., vẫn sẽ có những trắc trở, những lúc không như ý. Điểm giữa kỳ thấp hơn so với kỳ vọng chẳng hạn. Đừng dày vò bản thân bằng những lỗi sai của quá khứ. Luôn có cách để khắc phục
Cầu toàn không sai. Đặt trong trạng thái đúng đó là hướng đến kết quả TOÀN VẸN cuối cùng chứ không phải là hướng đến việc không có sai sót. Chúng ta có thể học rất nhiều từ những lỗi sai của mình.
Ngày hội Văn hóa đọc Trường Đoàn Thị Điểm Hạ Long Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 8, sáng 19/4, Trường Tiểu học, THCS, THPT Đoàn Thị Điểm Hạ Long tổ chức Ngày hội Văn hóa đọc để góp phần xây dựng, phát triển Văn hóa đọc trong nhà trường và nâng cao phong trào đọc sách - tự học suốt đời. Tại Ngày hội Văn hóa đọc, Trường Đoàn Thị Điểm...