9X chuyên Văn tốt nghiệp xuất sắc ngành Khoa học máy tính ở Mỹ
Từ chuyên văn rẽ hướng sang ngành khoa học kỹ thuật, Trần Khả Vy (SN 1998) đã có những trải nghiệm đặc biệt về hành trình du học “xê dịch” tại Minerva Schools at KGI (Mỹ).
Đây được coi là một trong những trường ĐH có tỉ lệ chọi khắc nghiệt nhất nước Mỹ khi tỉ lệ học sinh được nhận vào chỉ 1,8% toàn thế giới.
Đam mê khoa học và những “chuyến du hành”
Ước mơ du học được Vy ấp ủ từ năm tháng THPT nhưng do điều kiện không cho phép nên chưa được thực hiện. Tạm gác lại dự định, Khả Vy theo học một năm chuyên ngành kỹ thuật Y sinh tại Đại học Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM.
“Dù học chuyên văn suốt từ lớp 8, từng trong đội tuyển thi học sinh giỏi văn quốc gia nhưng em không phải kiểu người mơ mộng mà thiên hơn về tư duy, lập luận, thích hỏi tại sao lại như vậy. Từ đó em quyết định chuyển hướng”, Vy chia sẻ.
Trong cuộc thi khởi nghiệp VietChallenge 2017, cùng với các anh chị trong khoa Kỹ thuật Y sinh tại ĐHQT, Khả Vy may mắn có cơ hội sang Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) để thuyết trình về đề tài dự thi. Chuyến đi đã “khơi lại” mong muốn du học của Vy. Với sự giúp đỡ của một người bạn, Vy bắt đầu làm hồ sơ và bất ngờ giành học bổng toàn phần tại Minerva Schools.
Nữ sinh tốt nghiệp xuất sắc ngành Khoa học máy tính ở Mỹ
Nói về quãng thời gian học tập tại đây, Vy cho hay đặc biệt thích chương trình học linh động, sinh viên được lựa chọn môn học, chú trọng phát triển kỹ năng và tư duy phản biện khi nhìn nhận vấn đề. Ngoài ra, mỗi kỳ học cô được trải nghiệm ở một quốc gia khác nhau. Tính đến nay, Khả Vy có cơ hội học tập và nghiên cứu tại 4 nước: Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ và Đài Loan.
Video đang HOT
“Chuyến du hành” qua nhiều đất nước giúp em có thêm trải nghiệm về sự đa dạng văn hoá. Em có góc nhìn sâu sắc hơn về các vấn đề như: văn hoá làm việc đa quốc gia, vấn đề vô gia cư nghiêm trọng ở Mỹ hay phân biệt giới tính khắc nghiệt tại Ấn Độ,…”, Vy cho biết.
Nữ sinh tốt nghiệp xuất sắc ngành Khoa học máy tính ở Mỹ
Học tập tại Silicon Valley đã khiến Vy ngày càng hứng thú với ngành Khoa học máy tính và quyết định theo đuổi chuyên sâu về lĩnh vực này.
Ngay từ năm nhất đại học, Vy đã tìm cơ hội thực tập để có thêm trải nghiệm thực tế. Kỳ thực tập đầu tiên của Khả Vy diễn ra tại Keck Graduate Institute (California), tham gia nghiên cứu xử lý thu thập số liệu để phát triển dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo dự đoán biến chứng bệnh tiểu đường tuýp 2.
Sang hè năm 2, Vy lại làm thực tập sinh nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Vật lý Hạt cơ bản tại Đại học Hanyang, tham gia nghiên cứu phân loại và cô lập hạt từ dữ liệu thử nghiệm CERN CMS. Khả Vy tiếp tục tham gia nghiên cứu về ứng dụng AI vào lĩnh vực y tế trong hè năm 3 tại AI Healthcare Company.
“Đối với em được tham gia nghiên cứu còn quan trọng hơn cả điểm số. Tại đây em được ứng dụng kiến thức trong sách vở vào phân tích, thu thập, xử lý số liệu và học hỏi thêm nhiều kỹ năng khác. Bên cạnh được thực hiện đam mê nghiên cứu em còn xây dựng “profile dày” về kinh nghiệm. Từ đó giúp em nhận được lời mời đi học của nhiều chương trình khác, được giới thiệu học bổng, nhận được lời đề nghị đi làm từ nhà tuyển dụng”, Khả Vy nói.
Bí quyết vượt qua rào cản
Năm đầu tiên sang Mỹ, Khả Vy gặp một vài khó khăn, khác biệt văn hoá và giao tiếp khiến cho Vy có phần rụt rè. Trong khi sinh viên đến từ nhiều quốc gia rất sôi nổi thì Vy lo mình chậm hơn, sợ sai nên ngại phát biểu. Khả Vy giao tiếp tốt hơn sau những ngày thường xuyên lên thư viện học bài, trao đổi cùng các bạn, thầy cô. Những lúc vướng mắc, Vy thường tìm tới cố vấn học tập để nhờ hỗ trợ.
Tuy nhiên, theo Vy, còn phải vượt qua cả rào cản tinh thần, một số định kiến về giới trong ngành khoa học công nghệ. Thi thoảng Khả Vy rơi vào tâm thế là nữ duy nhất trong lớp, trong nhóm nghiên cứu nên hơi lạc lõng. Tuy nhiên bằng nỗ lực hoà nhập, tinh thần cầu toàn học hỏi, Vy đã xoá tan ranh giới đó để tham gia cùng mọi người.
“Em cũng từng trải qua khoảng thời gian tự ti về năng lực bản thân, do xuất phát là dân văn, không có nhiều lợi thế về môn khoa học. Mới đầu em không thích ngành Khoa học máy tính lắm và lăn tăn sao mình không chọn ngành dễ hơn. Nhưng càng học, hiểu sâu mới thấy mình không hề chọn sai. Những bạn nữ trong ngành khoa học công nghệ cần tin vào chính mình, tự tin bứt phá mọi rào cản, cứ bước đi rồi sẽ tới được đích thôi”, Vy bày tỏ.
Nữ sinh tốt nghiệp xuất sắc ngành Khoa học máy tính ở Mỹ
Theo đuổi ngành Khoa học máy tính, dù lượng kiến thức phải học rất lớn nhưng Vy vẫn cảm thấy hài lòng và quyết tâm vượt qua áp lực đó.
“Bản thân Vy rất thích cô Li Fei Fei – một nhà Khoa học máy tính nổi tiếng tại Stanford. Em còn có hẳn một danh sách các nhà khoa học nữ, mỗi người đều gắn liền với những câu chuyện cảm động, nghị lực vượt lên khó khăn. Mỗi khi tự ti về giới tính hay gặp vấn đề về ngành học em đều nhìn nhận lại cố gắng của thần tượng để có thêm động lực vượt qua”.
Một động lực to lớn nữa của Vy là gia đình.
“Gia đình buôn bán nhỏ lẻ, không phải lúc nào cũng may mắn gặp được người tử tế. Từ nhỏ, em chứng kiến ba mẹ bị người ta xem thường vì không có điều kiện. Những lúc như vậy lại cho em quyết tâm phấn đấu vươn lên”.
Khả Vy vừa tốt nghiệp xuất sắc ngành khoa học máy tính tại trường Minerva với GPA toàn khoá đạt 3.9/4.0. Trong tương lai, Vy định học thạc sĩ nghiên cứu chuyên sâu về ứng dụng Khoa học máy tính trong lĩnh vực y tế.
Điểm trúng tuyển lớp 10 công lập không phụ thuộc vào tỷ lệ "chọi"
Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hà Nội công bố chi tiết số lượng học sinh dự tuyển vào lớp 10 các trường trung học phổ thông (THPT) công lập, nhiều phụ huynh, học sinh không khỏi băn khoăn, lo lắng.
Tuy nhiên, theo các thầy, cô giáo, thí sinh không nên quá lo tỷ lệ "chọi" vì điểm trúng tuyển tăng hay giảm phụ thuộc nhiều vào chất lượng thí sinh dự thi chứ không phải số lượng hồ sơ.
Năm nay, toàn TP Hà Nội có 93.362 học sinh đăng ký dự tuyển, số học sinh đăng ký nguyện vọng 1 là 93.254 em, 108 học sinh chỉ đăng ký dự tuyển vào các lớp chuyên. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của các trường trên địa bàn TP Hà Nội năm học 2021-2022 là 67.446 học sinh.
Thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) năm 2020.
Cũng như mọi năm, "sức nóng" chủ yếu đến từ các trường THPT khu vực quận Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hà Đông... Những trường này có số lượng thí sinh đăng ký cao gấp 2, thậm chí gấp 3 so với chỉ tiêu. Trường có tỷ lệ "chọi" cao nhất năm nay là THPT Yên Hòa (với tỷ lệ là 2,91 lấy 1). Xếp ngay sau đó lần lượt là các Trường THPT Lê Quý Đôn-Hà Đông (2,58); THPT Nguyễn Thị Minh Khai (2,31); THPT Quang Trung-Hà Đông (2,3); THPT Nhân Chính (2,28); THPT Kim Liên (2,2); THPT Phan Đình Phùng (2,15).
Hầu hết học sinh đăng ký nguyện vọng dựa theo trình độ, năng lực của bản thân. Nhưng với tỷ lệ "chọi" của nhiều trường khá cao, kể cả các trường tốp giữa khiến thí sinh dè dặt, nảy sinh tâm lý may rủi khi thi. Chia sẻ về điều này, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy cho rằng, phụ huynh, học sinh không nên quá lo lắng về tỷ lệ "chọi" khá cao ở một số trường mà tin tưởng vào sự lựa chọn của học sinh.
Trường THPT Yên Hòa năm nay có 2.096 nguyện vọng 1/720 chỉ tiêu. Tuy nhiên trong số đó, nhiều em đã đăng ký thi vào trường chuyên. Về cơ bản, nếu đỗ trường chuyên, những em này sẽ không vào học trường Yên Hòa. "Vì vậy, ở thời điểm này, thay vì băn khoăn, lo lắng, học sinh tập trung học và ôn tập thật tốt để thi đỗ", cô Nguyễn Thị Nhiếp khuyến nghị.
"Theo một khảo sát nhỏ với các học sinh lớp 10 hằng năm, rất nhiều em chọn thi vào Trường THPT Yên Hòa theo nguyện vọng cá nhân mà không theo tư vấn của thầy cô, cha mẹ. Điều đó cho thấy khi học sinh đã cân nhắc và quyết định lựa chọn vào những trường có tỷ lệ "chọi" cao hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu nếu các em thực sự quyết tâm và nỗ lực", cô Nguyễn Thị Nhiếp chia sẻ và lý giải thêm về tỷ lệ "chọi" cao hơn mọi năm, có thể do quy chế thay đổi, giữa các nguyện vọng chỉ chênh nhau 1 điểm, năm nay thí sinh lại có 3 nguyện vọng nên tâm lý phụ huynh là "cố lên một chút" để con được vào môi trường học tốt hơn.
Có lời khuyên học sinh nên bình tĩnh, không nên lo lắng nhiều, thầy Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi, Long Biên cho rằng, tỷ lệ "chọi" chưa nói lên điều gì và học sinh có nhiều cơ hội học tập lớp 10. Năm nay, Trường THPT Phúc Lợi có 1.022 nguyện vọng 1/720 chỉ tiêu, tỷ lệ đó tương đương mọi năm (trừ năm 2020) nên khi các em đã tự tin đăng ký thì cố gắng và bình tĩnh trong quá trình thi sẽ đạt được nguyện vọng. "Không có căn cứ nếu "chọi" cao thì điểm trúng tuyển sẽ cao, cũng như "chọi" thấp thì điểm sẽ thấp. Tỷ lệ này không ảnh hưởng đến điểm trúng tuyển mà căn cứ vào đối tượng "chọi", năng lực của thí sinh. Giai đoạn này, tuy các em gặp những khó khăn do dịch bệnh nhưng đây là khó khăn chung. Do đó, chỉ cần các em nỗ lực vượt qua chính mình thì sẽ đạt được kết quả tốt nhất", thầy Nguyễn Quý Xuân nhấn mạnh.
Nữ sinh đam mê lập trình chia sẻ bí quyết giành học bổng 10 trường đại học Mỹ Phạm Phương Thúy (lớp 12, Trường trung học phổ thông năng khiếu, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) quyết định theo học Đại học Cornell, với học bổng gần 7 tỷ đồng. Những ngày đầu tháng tư, Phạm Phương Thúy (sinh năm 2003, Thành phố Hồ Chí Minh) liên tục nhận tin vui khi trúng tuyển vào 10 trường đại học...