72 giờ nuôi cấy virus corona mới của Việt Nam
Sau 72 giờ nghiên cứu, phân lập, các nhà khoa học Việt Nam đã nhìn thấy hình hài con virus corona trong phòng thí nghiệm.
Ngày 7/2, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã nuôi cấy, phân lập thành công virus corona mới (nCoV) trong phòng thí nghiệm. Thành công này giúp Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia nuôi cấy thành công loại virus này cùng với Nhật Bản, Pháp.
Để nuôi cấy, nhóm nghiên cứu lựa chọn 2 trong số 9 mẫu bệnh phẩm dương tính với virus corona mới và nuôi cấy trên 2 mẫu tế bào được cung cấp bởi phòng thí nghiệm của trường ĐH Nagasaki (Nhật Bản).
Nhóm nghiên cứu thực hiện nuôi cấy virus corona mới trong phòng thí nghiệm
Sau khi gây nhiễm, tế bào gây nhiễm được theo dõi và quan sát hàng ngày bằng kính hiển vi và xác định sự có mặt của virus bằng phương pháp realtime RT-PRC.
Video đang HOT
Kết quả, sau 72 giờ nghiên cứu, phân lập, lúc 9h40 ngày 7/2, các nhà khoa học Việt Nam đã nhìn thấy hình hài con virus corona trong phòng thí nghiệm.
Toàn bộ quá trình nghiên cứu diễn ra phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3 – cấp độ an toàn sinh học áp dụng đối với các tác nhân gây bệnh nguy hiểm.
PGS.TS Lê Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương chia sẻ, thông thường khi virus thâm nhập vào tế bào, nó sẽ phá hủy tế bào nhưng theo thông tin từ một số quốc gia đã phân lập thành công thì nCoV không có biểu hiện phá hủy nên rất khó để quan sát được xem virus có sống và nhân lên trong môi trường thí nghiệm hay không.
Hình ảnh phân lập của virus corona mới
May mắn trong 2 mẫu tế bào “nuôi” virus đã có một mẫu tế bào nhân lên. Dưới kính hiển vi, virus corona mới có kích thước khoảng 100 nanomet với hình dạng như vương miện, được mô tả trong y văn. Khi nhìn thấy kết quả, cả nhóm nghiên cứu đã vỡ oà sung sướng vì không nghĩ thành công đến nhanh vậy.
Ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương cho rằng, kết quả nuôi cấy thành công này sẽ giúp giải mã chính xác về nguồn gốc của virus corona mới, độc lực, cơ chế gây bệnh, khả năng miễn dịch, sức chịu đựng của virus trong các môi trường… Đây cũng là dữ liệu tiên quyết để nghiên cứu các liệu pháp điều trị, phát triển các sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và vắc xin ngừa bệnh.
Với việc nuôi cấy, phân lập thành công virus corona mới, Việt Nam có khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm mỗi ngày.
Ngay sau khi Việt Nam nuôi cấy thành công virus corona mới, Hội đồng khoa học công nghệ cấp quốc gia đã họp, thẩm định kinh phí để triển khai các đề tài: Nghiên cứu chế tạo Bộ Sinh phẩm RT-PCR và Realtime RT-PCR phát hiện chủng mới của virus nCoV-2019; nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc nCoV; nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng virus bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV gây ra.
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet.vn
Cả 3 trường hợp cách ly tại Kon Tum đều âm tính với nCoV
3 bệnh nhân được cách ly tại các cơ sở y tế ở tỉnh Kon Tum đều cho kết quả âm tính với chủng mới của virus corona.
Trước đó 3 bệnh nhân, gồm: N.V.H (28 tuổi) cùng vợ là chị Y. T (25 tuổi) nhà ở làng Kon Sút, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum được nhập viện cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum và bệnh nhân C.T.T (27 tuổi) được cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Ia H'Drai trong tình trạng bị ho, sốt nhẹ giống triệu chứng của cảm cúm.
(Ảnh minh họa)
Nghi ngờ các bệnh nhân có thể bị viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, ngày 4,5/2/2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum đã lấy mẫu nhiễm trùng đường hô hấp của ba bệnh nhân này gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên xét nghiệm. Bằng kỹ thuật Real-timeRT-PCR, kết quả xét nghiệm cho thấy cả ba mẫu bệnh phẩm đều âm tính với virus corona./.
Theo VOV
Dịch corona: Đối tượng nào cần cách ly tại nhà? Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dấn cách ly tại nhà, nơi lưu trí để phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV). 6 đối tượng cần cách ly Đối tượng cách ly tại nhà, nơi lưu trú là những người không có các triệu chứng nghi nhiễm nCoV (ho, sốt, khó thở) và có...