4 sắc thái của SARS-CoV-2 tại Việt Nam
“Dich bệnh Covid-19 tại nước ta đã xuất hiện đúng sắc thái đa dạng của một bệnh lý hô hấp”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết qua quan sát, tìm hiểu và thống kê tình hình dịch bệnh, ông rút ra được 4 nhóm sắc thái cơ bản của dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Nhóm đầu tiên là những người có triệu chứng nhẹ, không rõ ràng như đau mỏi người. Thông thường, những trường hợp này có thể tự mua thuốc uống và hết các triệu chứng như trường hợp bệnh nhân ở thôn Hạ Lôi hay nhân viên nhà máy Samsung.
Nhóm thứ hai là những người có triệu chứng bất ngờ như sốt, đau rát họng, khó chịu… một cách bất thường như trường hợp nữ bệnh nhân là điều dưỡng tại Bệnh viện Bạch Mai.
Nhóm thứ 3 là những bệnh nhân gặp biến chứng nặng trong quá trình điều trị, phải thở máy, lọc máu thậm chí can thiệp ECMO (oxy hóa màng ngoài cơ thể).
Theo bác sĩ Khanh, nhóm sắc thái mới nhất và cũng là nhóm “hấp dẫn” nhất là trường hợp hết bệnh nhưng dương tính trở lại chuyển sang người mang trùng. Trường hợp này trong y văn có ghi nhận, nghĩa là sau khi hết bệnh, họ chưa đẩy hết virus ra và trở thành người mang trùng.
“Theo tôi, dịch bệnh tại nước ta đã xuất hiện đúng sắc thái đa dạng của một bệnh lý hô hấp”, bác sĩ Khanh nói.
Virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam xuất hiện đúng sắc thái của bệnh lý hô hấp. Ảnh: The Guardian.
Chuyên gia này cho rằng khi xác định được những nhóm đối tượng và các trường hợp tại nước ta, việc phòng ngừa vẫn không thay đổi. Đặc biệt, nguy cơ vẫn còn, thái độ của chúng ta đối với dịch bệnh phải càng mạnh hơn, càng bảo vệ đối tượng nguy cơ.
Video đang HOT
Điều này khiến virus lây lan chậm lại đến mức khiến nó tự thuần hoặc chờ đến khi có vắc xin. Nếu buông lỏng phòng hộ cá nhân và không tuân thủ giãn cách, số ca bệnh tăng lên ngày càng nhiều lên thì ngành y tế không thể chịu nổi.
“Đợt bệnh đầu tiên, chúng ta thấy chủ yếu là nhóm người ở Vũ Hán về, tất cả đều biểu hiện bệnh nhẹ. Đợt 2, người bệnh chủ yếu từ châu Âu, Hàn Quốc, Malaysia…, có bệnh nhân nặng, trong khi những ca mới phát hiện trong cộng đồng thì nhẹ, theo tôi đây là điều khá lạ”, bác sĩ Khanh cho biết thêm.
Chuyên gia nhận định hiện nay, virus SARS-CoV-2 đã tấn công vào đối tượng người lao động trong cộng đồng. Dù thời gian gần đây không ghi nhận thêm ca mắc mới, người dân không nên chủ quan. Nếu buông lỏng giãn cách xã hội, không tuân thủ quyết liệt, chính người lao động sẽ trở thành nguy cơ và lây bệnh cho gia đình, hàng xóm… lúc này hậu quả sẽ nặng nề hơn nếu không có cách phòng ngừa quyết liệt.
Trả lời câu hỏi Việt Nam liệu đã qua đỉnh dịch hay chưa, bác sĩ Khanh cho biết việc có qua đỉnh dịch hay không phụ vào sự can thiệp của con người.
“Nếu chúng ta buông thỏng thoải mái thì mới có đỉnh dịch. Nếu tất cả cùng nhau làm, cùng phòng hộ thì sẽ không có đỉnh dịch. Hiện nay không loại trừ trường hợp nhiều người không triệu chứng có thể tự hết bệnh, tuy nhiên đối tượng này sẽ lây nhiễm cho rất nhiều người”, bác sĩ Khanh nói.
Dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng, cảnh giác với người người bị sốt, ho
PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cho rằng người nào có biểu hiện sốt, ho cũng cần khai báo y tế để được xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2.
Theo phân tích khoảng 80% bệnh nhân mắc Covid-19 ở mức độ nhẹ, chỉ cần điều trị thông thường là có thể khỏi. Tuy nhiên 15,3% có biến chứng và gần 6% có biến chứng nặng.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã ghi nhận nhiều trường hợp không hề có biểu hiện bệnh nhưng lại có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Mới đây nhất là trường hợp bệnh nhân 243 ở thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội.
Vì từng đến Bệnh viện Bạch Mai ngày 12/3 nên bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm vào ngày 5/4, một ngày sau thì có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Trước đó, ngày 21/3 bệnh nhân cảm giác đau mỏi người, ngấy sốt và tự mua thuốc gần nhà để uống, sau uống một ngày thấy đỡ mỏi, không sốt.
Hàng trăm cán bộ y tế của Hà Nội có mặt tại UBND xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội để hỗ trợ công tác lấy mẫu. Ảnh: Mai Trang.
Không hề nghĩ mình mắc bệnh Covid-19, bệnh nhân tiếp tục cuộc sống sinh hoạt bình thường, đi đến nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều người. Ổ dịch tại thôn Hạ Lôi này đến sáng 13/4 đã ghi nhận 10 ca mắc Covid-19.
Hay như bệnh nhân số 20, lái xe của bệnh nhân số 17 khi có biểu hiện mệt mỏi, ho tự mua thuốc cảm cúm uống thì thấy đỡ.
Bộ Y tế đang chỉ đạo phải xét nghiệm được tất cả các ca sốt, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ ở tất cả các phòng khám.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng: "Trong giai đoạn này, người nào có sốt, ho phải khai báo y tế, để được xét nghiệm. Nếu không thì không thể nào biết được ca bệnh để phát hiện, khoanh vùng, xử lý ổ dịch".
Một số trường hợp khi có biểu hiện sốt, ho đã tự đi mua thuốc điều trị, không khai báo, dẫn đến lây cho cộng đồng.
"Không cảnh giác với những người bị ho, sốt trong thời điểm này rất nguy hiểm. Dù địa phương có đi từng ngõ, gõ từng nhà mà người dân không khai báo thì cũng không thể biết được", TS Phu nhấn mạnh.
TS Phu cũng khuyến cáo, bản thân người dân cũng cần tự cảnh giác khi thấy có biểu hiện sốt, ho; nếu không thì hại chính bản thân mình. Nhiều trường hợp nhẹ thành nặng rất nhanh, virus vào phổi. Một số ca mắc Covid-19 vào viện diễn biến nhanh, nặng.
Ổ dịch phức tạp tại thôn Hạ Lôi
Người dân thôn Hạ Lôi được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARs-CoV-2. Ảnh: Đức Vân.
Hiện nay ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên Hà Nội lại xuất hiện thêm ổ dịch mới tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ca mắc đầu tiên được xác nhận là bệnh nhân 243, không xác định được F0.
Hà Nội đã khoanh vùng, thiết lập vùng cách ly y tế đối với toàn bộ thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh gồm 11 xóm liền kề với 2.711 hộ dân, 11.077 nhân khẩu kể từ ngày 8/4 đến hết ngày 5/5 (28 ngày).
Ngày 12/4, hàng trăm cán bộ y tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội và đội cơ động các quận/huyện trên địa bàn tiếp tục điều tra, lấy mẫu cho người dân thôn Hạ Lôi. Ngành y tế đã lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc 6.895 người. Hiện kết quả 1.675 mẫu âm tính, số còn lại đang chờ kết quả.
Hà Nội đã tiến hành phun khử khuẩn tại các gia đình bệnh nhân và các khu vực liên quan. Theo dõi sức khỏe hàng ngày đối với tất cả người dân sinh sống trong khu vực cách ly 2 lần/ngày, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp. Cùng với đó là điều tra dịch tễ học, xác định các trường hợp F1, F2... có liên quan đến các bệnh nhân trong ổ dịch để lấy mẫu xét nghiệm, cách ly theo dõi.
Đối với ổ dịch tại Hà Nam, ngành y tế đã lấy mẫu 140 người tiếp xúc gần (gồm bệnh nhân cùng phòng, cùng phòng đã ra viện, cán bộ y tế), hiện đã có kết quả âm tính với 99 mẫu, số còn lại đang chờ kết quả. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam đang tiếp tục điều tra các trường hợp F1, F2.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, các ca mắc mới có diễn biến phức tạp hơn, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao tại cộng đồng là rất lớn. Người dân không nên chủ quan, lơ là với dịch bệnh, thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội... Các trường hợp cách ly tập trung khi về nhà cần tiếp tục cách ly 14 ngày tại gia đình.
Trên cả nước, hiện có 110 phòng xét nghiệm sàng lọc trong đó có 36 phòng xét nghiệm khẳng định. Công suất xét nghiệm đạt 27.000 mẫu/ngày.
Nam Phương
Cách tốt nhất để cắt đứt con đường lây của SARS-CoV-2 Theo chuyên gia, mỗi người phải tự hoài nghi với tất cả trường hợp mình tiếp xúc bên ngoài cộng đồng. Bởi họ đều có nguy cơ lây bệnh cho mình. Việt Nam đã ghi nhận 179 ca mắc Covid-19. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân liên tục được kêu gọi thực hiện các biện pháp để giảm...