27 ngày giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19
Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, chức năng phổi suy giảm nghiêm trọng vào thời điểm nhập viện.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đó là ông N.V.Đ., 61 tuổi, trú tại Việt Yên, Bắc Giang. Bệnh nhân nhập viện ngày 26/6 trong tình trạng nguy kịch với biểu hiện khó thở nhiều, thở oxy lưu lượng cao không đáp ứng, phải can thiệp đặt ống nội khí quản, thở máy cùng bệnh lý nền tăng huyết áp.
Sau khi thăm khám tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân được xác định chức năng phổi suy giảm nghiêm trọng, xuất huyết tiêu hóa, dịch dạ dày nâu đen, mạch quay yếu, tĩnh mạch cổ xẹp, huyết áp tụt, duy trì thuốc vận mạch nâng huyết áp. Các bác sĩ tiên lượng tình trạng bệnh nhân rất xấu và chuyển ông Đ. tới khoa Hồi sức tích cực.
Trước đó, bệnh nhân đã có 12 ngày thở oxy lưu lượng cao (HFNC) và 2 ngày thở máy xâm nhập. Với tình trạng suy giảm chức năng phổi, tắc mạch, rối loạn đông máu, sốc nhiễm trùng, các bác sĩ đánh giá đây là ca bệnh khó, xem xét chỉ định can thiệp tim phổi nhân tạo ( ECMO) và phẫu thuật chi để lấy huyết khối.
Bệnh nhân được xuất viện sau 27 ngày điều trị hồi sức tích cực. Ảnh: BVCC.
Một ngày sau, các bác sĩ quyết địch can thiệp ECMO cho bệnh nhân kết hợp thở máy thông số kỹ thuật cao đảm bảo chức năng hô hấp, duy trì thuốc vận mạch và điều trị nội khoa huyết khối tĩnh mạch sâu.
Bệnh nhân cũng được theo dõi sát diễn biến lâm sàng kết hợp đánh giá xét nghiệm đông máu cơ bản cùng một số thông số khác, từ đó kịp thời điều chỉnh thuốc, truyền máu và chế phẩm máu, ECMO, thở máy cũng như lọc máu.
Ngày 28/6, một ê-kíp đã phải mổ khí quản cấp cứu ngay tại giường cho bệnh nhân đồng thời chăm sóc hô hấp tích cực.
Sau 9 ngày, bệnh nhân bắt đầu có tiến triển tốt, chức năng phổi cải thiện, được giảm thông số máy thở và ECMO. Ngày 6/7, ông Đ. được cai ECMO thành công. Bệnh nhân chính thức qua cơn nguy kịch.
Video đang HOT
Các nhân viên y tế tiếp tục chăm sóc, tập luyện phục hồi chức năng hô hấp, vận động tại giường kết hợp dinh dưỡng qua ống thông dạ dày, nuôi tĩnh mạch, nâng cao thể trạng cho bệnh nhân.
Ngày 12/7, sức khỏe của ông Đ tiến triển, cơ lực tốt, ho khạc được, chức năng phổi cải thiện rõ, chỉ số đông máu ổn định hơn. Các bác sĩ cho bệnh nhân tập tự thở, rút ống nội khí quản, chuyển sang thở oxy kính.
Sau 8 ngày thở oxy kính, bệnh nhân khỏe mạnh, da niêm mạc hồng, thể trạng tốt, tiếp xúc ổn và có thể tự vận động.
Tới hôm nay (22/7), sau 27 ngày chăm sóc tích cực, bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. Các xét nghiệm đông máu cho kết quả ổn định, âm tính với SARS-CoV-2 3 lần liên tiếp. Ông được xuất viện và trở về nhà bằng xe của bệnh viện.
Bác sĩ Đặng Văn Dương, khoa Hồi sức tích cực, cho biết: “Đây là trường hợp rất nặng, tình trạng bệnh phức tạp. Không chỉ tổn thương phổi trầm trọng, sống nhiễm trùng, ông Đ. còn rối loạn đông máu rất nặng, huyết khối tĩnh mạch sâu. Do đó, chúng tôi phải đánh giá, can thiệp rất cẩn thận và sát sao”.
Theo bác sĩ Dương, những bệnh nhân như ông Đ. có thể hồi phục, khỏe mạnh là điều kỳ diệu với toàn bộ đội ngũ nhân viên y tế.
Hiện tại, khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương còn điều trị cho 21 bệnh nhân diễn biến nặng. Trong đó, 17 ca thở máy, 6 trường hợp phải can thiệp ECMO.
Nhiều bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng 'giả'
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang chi viện Đồng Tháp, nhận định nhiều bệnh nhân Covid-19 không có biểu hiện khó thở dù phổi tổn thương nặng, suy hô hấp.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp vào chi viện Đồng Tháp từ ngày 1/7 theo sự phân công tử Bộ Y tế. Lúc đó, 7 người mắc Covid-19 đã tử vong, khoảng 3 người khác đang nguy kịch tại bệnh viện Sa Đéc. Đến ngày 11/7, Đồng Tháp ghi nhận 17 ca tử vong, 16 ca nặng tiên lượng xấu, trong số hơn 500 ca Covid-19, theo ông Tạ Tùng Lâm, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp. Khoảng 80% trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng, 20% trường hợp có triệu chứng trong đó số ca nặng 5%.
Bác sĩ Cấp cho biết dịch bùng phát tại khoa Nội Bệnh viện Sa Đéc, nơi điều trị các bệnh nhân có sẵn nhiều bệnh nặng như tiểu đường, suy thận giai đoạn cuối, thiếu máu cơ tim, ung thư... Các bệnh nhân này nhiễm nCoV giống giọt nước tràn ly, dẫn đến nhiều ca tử vong.
Số bệnh nhân không triệu chứng hiện khoảng 80%, song bác sĩ Cấp cho biết cần cảnh giác với các ca ban đầu không có triệu chứng này. Nhiều bác sĩ nhầm lẫn, cho rằng bệnh nhân nhập viện không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ, nghĩa là bệnh nhân nhẹ, do đó không theo dõi sát nên không phát hiện diễn biến nặng kịp thời.
"Thực tế, nhiều bệnh nhân Covid-19 khi khởi phát có thể không có triệu chứng gì đáng kể, nhưng sau 7-8 ngày diễn tiến rất nặng hoặc thậm chí tử vong", bác sĩ Cấp nói.
Bên cạnh đó, một đặc điểm nữa là nhiều bệnh nhân Covid-19 không có biểu hiện khó thở dù bị tổn thương phổi nặng và suy hô hấp - hiện tượng "không triệu chứng giả". Tình trạng này không mới, đã xuất hiện ở nhiều đợt dịch Covid-19 trong nước, được gọi là "thiếu oxy yên lặng" . Nếu thầy thuốc không có kinh nghiệm tốt và không có đủ thiết bị đo độ bão hòa oxy máu, có thể bỏ sót dấu hiệu khiến bệnh nhân nguy kịch hoặc tử vong, theo bác sĩ Cấp.
Để phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ diễn biến nặng, bác sĩ cần làm chủ xét nghiệm đánh giá về đông máu, miễn dịch, có năng lực phiên giải phù hợp kết quả xét nghiệm này. Song ở nhiều địa phương, hệ thống cơ sở y tế chưa thực hiện xét nghiệm, y bác sĩ chưa có năng lực phiên giải kết quả. Đến khi bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nặng như khó thở, sốc mới được phát hiện, kết quả điều trị kém hiệu quả.
Từ kinh nghiệm thực tế, bác sĩ Cấp cho biết thời điểm mấu chốt để sàng lọc phân loại bệnh nhân nặng hay nhẹ là ngày thứ 7-8 điều trị. Tuy nhiên, tại thời điểm mới xuất hiện bệnh, bác sĩ không thể biết trước bệnh nhân nào sẽ nặng hay nhẹ và không xác định được ngày 7-8 của bệnh nhân không triệu chứng. Do đó, nơi thu dung ban đầu cần coi những bệnh nhân mới phát hiện dương tính trong tuần đầu tiên là nhóm có nguy cơ diễn biến nặng, theo dõi sát, sàng lọc dấu hiệu nặng. Nếu phát hiện các dấu hiệu nguy cơ hoặc biểu hiện nặng tại bất kỳ thời điểm nào trong giai đoạn này, đặc biệt vào ngày thứ 7-8, bác sĩ cần chuyển người bệnh sang khu điều trị sớm, ngăn ngừa xu hướng diễn biến nặng hoặc hồi sức kịp thời. Những bệnh nhân sau hơn một tuần không có dấu hiệu dự báo tiến triển nặng trên lâm sàng và xét nghiệm, bác sĩ mới coi là bệnh nhân nhẹ và chuyển sang khu cách ly chờ hồi phục.
"Với những bệnh nhân mắc mới tại cộng đồng, chúng tôi đang áp dụng mô hình điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế và những kinh nghiệm đã có để giảm tỷ lệ diễn biến nặng", bác sĩ Cấp cho biết.
Mô hình điều trị mà bác sĩ Cấp đề cập là mô hình "tháp ba tầng" đã áp dụng thành công ở Bắc Giang, Bắc Ninh và đang vận dụng tại TP HCM. Tức là, bệnh nhân không triệu chứng được xếp vào khu vực "tầng 1" là các bệnh viện dã chiến để theo dõi; bệnh nhân nhẹ đưa vào khu vực "tầng 2" là các bệnh viện trị Covid hoặc chuyển đổi công năng, điều trị theo triệu chứng; bệnh nhân nặng điều trị ở "tầng ba" là các bệnh viện chuyên sâu Covid có đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật cao và đơn vị hồi sức tích cực (ICU).
"Có thể tưởng tượng hệ thống điều trị như một tòa tháp, càng bên dưới lượng bệnh nhân càng rộng nhưng số nhân viên y tế càng ít, càng lên trên lượng bệnh nhân giảm đi nhưng tập trung thầy thuốc và trang thiết bị kỹ thuật càng cao", bác sĩ Cấp giải thích.
Bệnh nhân Covid-19 mới phát hiện được nhập vào tầng hai của tháp là khu vực có khả năng theo dõi và sàng lọc dấu hiệu nặng. Nếu sau 7-8 ngày không có biểu hiện gì nặng, họ được chuyển xuống tầng một của tháp là khu vực cách ly chờ ra viện.
Trong trường hợp phát hiện được xu hướng diễn biến nặng ở bất kỳ thời điểm nào, bệnh nhân cần chuyển lên tầng ba của tháp điều trị, là khu vực có thể điều trị và hồi sức tích cực.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Cấp, hiện nay một số địa phương đang vận dụng chưa đúng mô hình "tháp ba tầng", do chưa có kinh nghiệm theo dõi nhóm bệnh nhân không triệu chứng như đã phân tích ở trên, đơn cử như tại Đồng Tháp. Ngoài ra, Đồng Tháp đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn, tuy nhiên gặp khó khăn nhất định về nhân lực và trang thiết bị hồi sức cấp cứu, năng lực kỹ thuật hồi sức. Một số cơ sở điều trị còn thiếu vật tư, trang thiết bị và nhân lực để triển khai các xét nghiệm và kỹ thuật hồi sức cần thiết.
Khó khăn của Đồng Tháp không phải là cá biệt, theo bác sĩ Cấp. Nhiều tỉnh khác rất hạn chế năng lực về hồi sức tích cực , phải nhận hỗ trợ từ trung ương và các tỉnh bạn khi dịch bệnh bùng phát. Hiện chỉ có ba trung tâm như Hà Nội, TP HCM, Huế - Đà Nẵng và một vài tỉnh lớn có đội ngũ y bác sĩ và trang bị hồi sức cấp cứu tương đối mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo.
Bác sĩ Cấp giải thích chuyên ngành Hồi sức cấp cứu (ICU) vốn khó, đòi hỏi đào tạo kỹ lưỡng, công việc vất vả. Từ nhiều năm qua, thầy thuốc theo chuyên ngành hồi sức không nhiều. Các trang bị hồi sức cấp cứu như máy thở, máy lọc máu, ECMO (hệ thống oxy hóa màng ngoài cơ thể) rất đắt tiền, không sinh lợi nhuận như những loại máy khác như máy siêu âm, can thiệp mạch... nên chưa được nhiều bệnh viện, nhiều địa phương ưu tiên đầu tư.
"Nếu Covid-19 bùng phát trên diện rộng, khó nhận được sự hỗ trợ nhiều cho đơn vị , một số địa phương có thể sẽ gặp khó khăn trong điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng", bác sĩ Cấp nói.
Thống kê của Tiểu ban Điều trị, Bộ Y tế, đến ngày 10/7, toàn quốc có hơn 15.000 ca Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế. Trong đó, 270 bệnh nhân Covid-19 có tiên lượng nặng, 106 người tiên lượng rất nặng, thống kê đến ngày 7/7. Tỷ lệ ca tiên lượng nặng chiếm 3,3%, tiên lượng rất nặng chiếm 1,3%, 9 người tiên lượng tử vong (0,1%). Nhiều ca bệnh dưới 40 tuổi, trẻ, không có bệnh nền song diễn biến nặng, nguy cơ tử vong thường trực.
Sở Y tế TP HCM ngày 28/6 nhận định khoảng 80% bệnh nhân Covid-19 trong đợt dịch này tại thành phố không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ, khoảng 1,3% bệnh nhân có triệu chứng nặng, cần hỗ trợ hô hấp, 68% ca mắc Covid-19 không có triệu chứng.
Hiện, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong tại Việt Nam thấp hơn so với thế giới. Tính đến ngày 11/7, số ca Covid-19 tử vong trong đợt dịch này là 81, số tử vong từ đầu năm 2020 đến nay lên 116 ca.
BV Bệnh Nhiệt đới TW đào tạo kỹ thuật lọc máu, ECMO trong điều trị COVID-19 cho tuyến dưới Với phương pháp đào tạo "cầm tay chỉ việc", các nhân viên y tế tuyến dưới sẽ được các bác sĩ, điều dưỡng có nhiều kinh nghiệm trong điều trị COVID-19 hướng dẫn điều trị, chăm sóc từ bệnh nhân COVID-19 thông thường đến các bệnh nhân nặng... Nhằm tạo nguồn nhân lực sẵn sàng ứng phó với đại dịch COVID-19 theo phương...