10 món ăn đặc sản của người Hoa tại Sài Gòn
Sài Gòn – đô thị phồn hoa bậc nhất Việt Nam này có không ít khu phố Tàu, với nhiều món ăn hấp dẫn của ẩm thực Trung Hoa.
Hủ tiếu, sủi cảo, chè hột gà… là một vài đại diện trong vô số các món ngon của người Hoa ở Sài Gòn.
1. Hủ tiếu cá
Hủ tiếu cá là món ăn nổi tiếng của người Hoa. Cá dùng để chế biến là cá lóc tươi, đã bỏ xương làm sạch và lóc thịt, thái lát, ướp chút muối, hạt nêm. Nước lèo được nấu từ xương lợn nên có vị ngọt đậm đà, nước lèo cũng sẽ trong hơn. Gia vị nêm nước lèo ngoài những loại phổ biến còn có một gia vị đặc biệt là tăng xại (hay còn gọi là cải nặm). Hủ tiếu cá được ăn kèm với xà lách, giá, ớt, chanh và không thể thiếu nước tương (xì dầu).
2. Hủ tiếu sa tế
Hủ tiếu sa tế là món ăn của người Tiều ở khu vực quận 5, 6, 11. Cái tạo nên hương vị cho món ăn chính là nước dùng khi nó được pha chế từ gần 20 loại hương liệu và gia vị. Một bát hủ tiếu đầy đủ ngoài nước dùng, bánh hủ tiếu, thịt bò hay bò viên… thì còn có các loại rau ăn kèm như dưa leo thái sợi, giá, khế chua, húng quế, ngò gai… vừa tăng thêm hương vị vừa tạo thành một gia vị rất riêng cho món ăn rất đặc trưng này.
3. Hủ tiếu hồ
Hủ tiếu hồ cũng là món đặc trưng chỉ có ở các tiệm do người Tiều (Triều Châu) làm chủ. Hủ tiếu hồ có “cọng” hủ tiếu làm từ những miếng bột mỏng gần như bánh ướt nhưng dày hơn và có hình vuông. Ngoài ra, hủ tiếu hồ không ăn chung với thịt heo, gà hay cá mà chỉ dùng với lòng heo khìa cùng cải chua.
4. Sủi cảo
Sủi cảo vốn là món ăn nổi tiếng của ẩm thực Trung Hoa. Ở Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung, không chỉ ở các phố Tàu mới bán sủi cảo, nhưng các quán do chính người gốc Hoa chế biến hay truyền bí quyết kinh ngiệm mới có hương vị ngon hơn cả.
Ở Sài Gòn, sủi cảo có bán nhiều ở các con phố khác nhau, nổi tiếng nhất là đường Hà Tôn Quyền (quận 11) với hơn chục quán bán món ăn này. Sủi cảo được chế biến gần giống với hoành thánh nhưng lớn hơn và nhiều nhân hơn. Nhân thường được làm từ tôm, thịt lợn, các loại rau… băm nhuyễn với nhau và trộn gia vị cho vừa ăn, bọc ngoài bởi vỏ gói hoành thánh. Sủi cảo có thể chế biến theo nhiều cách như ăn nước, hấp hay chiên, thường ăn kèm cải ngọt, ít dầu mỡ ngấy ngán và rất ngon miệng.
5. Cháo cá người Hoa
Ở Sài Gòn, có hai món cháo của người Hoa rất nổi tiếng là cháo cá và cháo Tiều. Cháo cá của người Hoa được chia làm 2 phần riêng biệt gọi là “núi” và “biển”. “Núi” là phần gạo nở nằm phía trên, còn “biển” là phần nước phía dưới. Cả hai nằm tách riêng chứ không trộn lẫn vào nhau. Dùng kèm với tô cháo lạ này là lòng và trứng cá khá lạ. Món này là phải chấm với sa tế mới đúng điệu.
6. Cháo Tiều
Video đang HOT
Cháo Tiều gần giống với món cháo lòng của người Việt với các thành phần như: tim, gan, phèo, cật… ngoài ra còn có thêm nấm rơm, mực tươi và đặc biệt là cho rất nhiều hành lá, gừng thái sợi nên đây là món ăn thích hợp trong ngày se lạnh hoặc với những người bị bệnh cảm.
7. Mì vịt tiềm
Mì vịt tiềm ở Sài Gòn không giữ nguyên bản với nơi xuất xứ, mà được chế biến cho phù hợp với khẩu vị của người Việt. Nước dùng ngọt mà không béo, thịt vịt giòn, mềm mà không tanh.
Ngoài ra, món ăn còn hấp dẫn với những sợi mì tươi được làm từ trứng, màu vàng rất bắt mắt. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được sợi mì mềm, dai rất ngon miệng, bên cạnh đó là những cọng cải ngọt giòn giòn.
8. Xôi cadé
Một món ăn bình dân nhưng không thể thiếu khi nhắc đến ẩm thực người Hoa là xôi cadé. Món ăn pha trộn giữa xôi, lòng đỏ trứng gà cùng hương sầu riêng thoang thoảng rất hấp dẫn người ăn. Thành phần chính là cadé, được pha trộn giữa các nguyên liệu như trứng, đường, nước cốt dừa, sầu riêng theo một công thức rất riêng để cho ra một hỗn hợp hơi sánh, có màu vàng cùng hương thơm thoang thoảng rất quyến rũ.
Ngoài cadé còn có dừa nạo, đậu phụng giã nhuyễn là bạn đã có một gói xôi hấp dẫn, thơm ngon để thưởng thức.
9. Bánh mì phá lấu
Cùng cách gọi nhưng bánh mì của người Hoa khác hẳn món phá lấu nội tạng heo hay bò dùng chung với nước cốt dừa. Cụ thể, ngoài phá lấu lòng heo, đặc sản của người Tiều còn có thêm phá lấu chân gà, tàu hũ chiên, trứng…
Cái hấp dẫn của ổ bánh mì phá lấu nằm ở hậu vị ngọt dịu của nước chấm đi kèm, cái dai dai, sừn sựt của tai heo, một chút béo của những miếng bao tử, phèo… Kẹp chung với hành, dưa leo với vị cay nồng của ớt, cắn vào một miếng là thấy hết ngay hương vị đậm đà của món bánh mì độc đáo này.
10. Chè trà hột gà
Chè trứng gà trà Tàu là một món ăn rất nổi tiếng của người Hoa, giúp an thận bổ phổi, đẹp da, thanh giọng. Chè hột gà trà Tàu chỉ đơn giản là hột gà hầm với nước trà tàu, chế thêm đường thật ngọt nhưng có hương vị rất hấp dẫn. Nước trà sóng sánh màu có vị ngọt đậm, vị đắng, hương thơm thoang thoảng, uống đến đâu mát đến đó. Còn trứng gà, nhìn có vẻ lạc điệu với trà nhưng không những không tanh mà còn thơm ngon với hương trà ủ bên ngoài.
Theo MNMN
8 loại mắm độc đáo chỉ có ở Việt Nam
Đi dọc đất nước, ta dễ dàng bắt gặp một món ăn tuy chung tên gọi nhưng khác nhau về cách chế biến và mang đặc trưng rất riêng của mỗi vùng miền: món mắm.
1. Mắm tôm
Mắm tôm là thứ đặc sản đất Bắc, có mùi vị vô cùng đặc trưng. Mắm được làm từ tôm hoặc moi và muối ăn, qua quá trình lên men tạo màu tím thẫm và mùi nồng đặc trưng đến nỗi "mùi mắm tôm" trở thành một từ thông dụng trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều người yêu thích mắm tôm nhưng cũng có không ít người chỉ ngửi thấy mùi mắm tôm đã "chạy làng".
Mắm tôm có thể ăn sống là một loại nước chấm, đánh với rượu trắng và cốt chanh để giảm mùi gắt. Mắm cũng có thể dùng với bún, tạo thành món bún đậu mắm tôm ngon nổi tiếng hay gia tăng hương vị cho bún riêu, bún thang. Trong các món nấu, mắm tôm là thức không thể thiếu để pha chế các món giả cầy và rựa mận.
2. Mắm cáy
Nếu ai không chịu được mùi mắm tôm, thì chắc chắn còn phải hoảng hốt hơn nhiều với hương mắm cáy. Mắm cáy được làm từ cáy, một loài cua sống chủ yếu ở vùng duyên hải. Mắm cáy có màu nửa xanh nửa nâu, vị nồng hơn mắm tôm rất nhiều. Song nếu vượt qua được mặc cảm ban đầu, không ít người phải công nhận mắm cáy không chỉ ngon và còn rất dễ nghiện. Mắm cáy chấm rau khoai lang là món ăn bình dị quen thuộc của người dân vùng duyên hải Bắc Bộ.
3. Mắm cái
Mắm cái còn được gọi là mắm nêm, là loại được làm từ cá như mắm nước nhưng có cách chế biến hoàn toàn khác. Nếu mắm nước lấy mắm từ nước chắt ra ở thân cá và muối thì mắm cái sử dụng cả xác cá. Sau quá trình ướp muối, lên men, cá được trộn một số phụ liệu như thính, thơm, đường...để tạo hương vị đặc trưng.
Mắm cái thường có hai dạng: dạng nguyên con (cá cơm, cá sơn đỏ...) và dạng xay nhuyễn (cá trích, cá nục, cá liệt...). Mắm nêm là loại nước chấm đặc trưng của miền Trung Việt Nam.
4. Mắm ruốc
Mắm ruốc được làm từ ruốc - một loại tôm nhỏ nhưng màu sắc và mùi vị khác hoàn toàn mắm tôm. Mắm ruốc có vị tanh vừa phải, thơm nhẹ, không quá mặn, màu đỏ hồng. Đây là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày của người dân xứ Huế.
5. Mắm tôm chua
Một loại mắm cũng được chế biến từ tôm, cũng là một món đặc sản đặc biệt tại Huế khác là mắm tôm chua. Mắm được làm từ tôm rảo tươi ủ chua. Khác với mắm tôm mặn có màu nâu và con tôm đã bị giã nhuyễn, mắm tôm chua có màu đỏ và con tôm còn nguyên hình, hương vị chua ngọt, pha chút vị cay nhẹ của riềng, ớt rất dễ chịu, dễ ăn hơn mắm tôm. Mắm tôm chua dùng chấm các món thịt luộc rất ngon.
6. Mắm rươi
Mắm rươi là món mắm ngon nổi tiếng của Việt Nam. Tuy nhiên, cách chế biến mắm rươi ở một số tỉnh duyên hải miền Bắc lại khác biệt hoàn toàn so với mắm rươi vùng Trà Vinh, đồng bằng sông Cửu Long.
Mắm rươi miền Bắc
Người miền Bắc làm mắm rươi thành dạng đặc với sự phối trộn cả vỏ quýt, gừng, muối rang vàng, rượu nếp và thính gạo. Món ăn từng được thị dân Hà Nội yêu thích đặc biệt một thời. Ngay đến tác giả cuốn "Ẩm thực Hà Nội" - nhà văn Vũ Bằng nhận xét thì "mắm rươi ăn với tôm he bông không có rau cần và rau cải cúc thì hỏng kiểu".
Mắm rươi Trà Vinh
Người vùng Trà Vinh thường làm rươi thành nước mắm. Công thức chế biến mắm rươi của cư dân Trà Vinh rất đơn giản, chỉ gồm rươi, muối ăn, nước sạch nhưng cho thành phẩm là loại nước mắm tương đối sánh đặc được các vua chúa triều Nguyễn vô cùng yêu thích. Vì vậy mắm rươi Trà Vinh còn có tên gọi vương giả là nước mắm ngự.
7. Mắm cá miền Tây
Ở miền Tây, bất kỳ loại cá nào cũng có thể làm mắm. Tiêu biểu hơn cả có thể kể tới mắm cá lóc, mắm cá linh, mắm bò hóc...
Mắm lóc Châu Đốc.
Mắm cá lóc là món mắm tiêu biểu của vùng Châu Đốc, An Giang và là nguyên liệu làm nên món bún cá Châu Đốc nổi tiếng. Nổi lầu mắm đất Cần Thơ lại không thể thiếu món mắm cá linh vàng ươm, thơm lựng. Mắm bò hóc là đặc sản của người Khmer, có mùi rất nồng nhưng lại là gia vị quen thuộc trong hầu hết các món ăn của người Khmer ở Sóc Trăng, Trà Vinh...
8. Mắm thái
Mắm thái cũng là một loại mắm đặc sắc ở miền Tây. Đây là món ăn được biến tấu dựa trên món mắm ruột (làm từ ruột cá lóc rất ngon và đắt tiền) bằng cách thái nhỏ thịt mắm cá lóc trộn với dưa đu đủ bào sợi, ướp thêm đường và gia vị. Có nhiều cách thưởng thức mắm thái nhưng ngon nhất là một mâm đầy đủ với bún tươi, rau xanh, thịt luộc, bánh tráng.
Theo Eva
Khám phá Tây Ninh từ đặc sản muối tôm Thật kì lạ, mảnh đất không có mặt nào giáp biển lại cho ra đời loại muối tôm mặn mòi, thơm ngon không ở đâu sánh được. Tây Ninh là tỉnh biên giới Tây Nam, giáp ranh Campuchia. Nhắc đến đặc sản Tây Ninh, người ta không thể quên bánh canh Tràng Bảng, bánh tráng phơi sương và một thứ gia vị độc...