10 đặc sản chỉ có ở Điện Biên
Chẳm chéo, bắp cải cuốn nhót xanh, sâu chít, pa pỉnh, măng đắng, rau hoa ban, gạo tám… là những món ngon không lẫn vào đâu được của vùng đất ghi dấu chiến thắng lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta.
Chéo (chẳm chéo)
Đây là tên một loại gia vị trở thành huyền thoại vùng Tây Bắc. Chéo làm từ loại quả của cây mắc khén. Mắc khén là một loài cây dại thuộc họ hồi, có tinh dầu, khi đơm trái sẽ kết thành những chùm quả nhỏ li ti, tỏa hương thơm dịu.
Người ta ví chéo như muối vừng của người Kinh. Dù khác nhau về nguyên liệu, nhưng ngay cách làm cũng có nhiều điểm tương đồng.
Quả mắc khén sau khi thu về, bắc chảo rang nóng rồi được giã mịn trộn chung với ớt khô bỏ hạt nướng giòn, muối rang, rau mùi tàu xắt nhỏ rang khô, (cũng được giã thành bột mịn) và sả.
Chéo thơm hăng hắc chứ không dễ chịu nhưng chính điều đó mới mang nét núi rừng khiến người ta đắm đuối. Chéo được dùng làm “nước chấm” cho các món: xôi nếp nương, bắp cải cuốn nhót xanh, thịt thú rừng… Ngoài ra còn được dùng để nướng cá… Mỗi món đều cho ra hương vị đặc biệt.
Bắp cải cuốn nhót xanh
Có lẽ người miền xuôi lên Điện Biên quá ấn tượng với món nhót xanh cuốn bắp cải, rau mùi, chấm với chẳm chéo nơi đây. Cho nên cứ truyền tai nhau rằng lên Điện Biên phải tìm bằng được ăn món “chẳm chéo”. Tuyệt chiêu hút khách của món bắp cải cuốn nhót xanh chính là “chẳm chéo”.
Nhót xanh tươi còn non trên cây được ngắt xuống, rửa sạch lớp phấn còn trắng bên ngoài.
Cách ăn của món này là lấy bắp cải cho nhót, gừng, mùi, lá tỏi vào cuốn rồi chấm với chẳm chéo. Miếng nào miếng ấy đều đủ vị chua, cay, mặn, ngọt và thơm lừng dù không có thịt.
Sâu chít Điện Biên Phủ
Đây là loại sâu nằm trong thân cây Chít. Thân cây nào có sâu thì không thể ra hoa. Người đồng bào bắt sâu bằng cách chẻ đôi thân cây chít ra, sâu chít có đặc điểm là trắng sữa, căng mọng, rất ngon lành, sau đó đem về thả trong chậu rượu nhạt, loại rượu này sẽ giúp cho sâu không bị biến đổi, sau đó được ngâm làm rượu hoặc cũng có thể đem nấu cháo. Đây là món rất nổi tiếng và được tiêu thụ rất mạnh ở vùng xuôi bởi hàm lượng dinh dưỡng trong sâu rất cao, rất tốt cho sức khỏe, và lại rất ngon.
Xôi nếp nương
Nói đến Điện Biên, người ta nghĩ ngay đến nếp nương với những hạt nếp căng tròn, mềm dẻo. Cách đồ xôi nếp nương khá công phu, gạo nếp phải được ngâm trong nhiều giờ liền khi đồ xôi mới không bị sượng. Xôi phải được đồ trong chõ gỗ đặc biệt của dân tộc, chín bằng hơi, mềm dẻo chứ không dính tay, qua hai lần đồ mới dẻo thơm. Sau khi đồ lần thứ nhất, người ta đổ ra rá rồi lấy đũa trải ra cho đều, để một lúc sau lại cho vào chõ và tiếp tục đồ cho đến khi xôi xín đều.
Video đang HOT
Ngoài xôi trắng, để tạo màu sắc cho sặc sỡ cho xôi, người ta còn lấy các loại cây rừng để tạo màu xanh đỏ, tím, vàng làm cho món xôi càng trở nên hấp dẫn. Vo từng nắm xôi trên tay, nhẩn nha thưởng thức mới thấy hết được hương vị dẻo thơm của loại xôi này.
Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp là một những món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc ở Điện Biên. Để làm món thịt trâu ngon, người ta phải lọc cẩn thận hết gân, lọc sạch bạc nhạc, sau đó thái miếng dọc thớ rồi ướp với hỗn hợp gia vị gồm sả, gừng, tỏi, ớt khô băm nhỏ, mắc khén giã nát rồi để khoảng 2-3 tiếng, sau đó lấy que xiên và sấy trên than củi, để xa cho thịt chín từ từ, chín đều. Thịt được sấy cho đến khi vừa chín để không làm mất vị ngọt của thịt. Khi ăn, người ta hay cho vào chõ hấp lại khoảng 30 phút. Vị ngọt của thịt trâu đượm trong sự đậm đà của các gia vị tạo nên sức hấp dẫn cho đặc sản vùng cao.
Pa pỉnh (cá nướng)
Với sự pha trộn khéo léo và kết hợp giữa các loại gia vị độc đáo, món cá nướng là món ăn mang đậm hương vị Tây Bắc. Để làm món cá nướng, người ta dùng các loại cá như cá chép, trôi, mè trắm, khoảng hơn 1kg được mổ ở dọc phía lưng, rồi rửa sạch để ráo nước, xoa một ít muối rang vào bên trong cá để thêm đậm đà. Hỗn hợp để tẩm ướp gồm mắc khén, ớt tươi nghiền nát, hành tươi, rau thơm, rau mùi thái nhỏ…trộn đều rồi nhồi vào bụng cá. Sau đó, cá được gập đôi lại rồi dùng nẹp tre nẹp cá nướng lên than hồng.
Khi cá chín vàng, con cá được gỡ ra phải nguyên vẹn, không vỡ nát, dậy mùi gia vị bên trong, khi ăn cảm nhận được vị ngọt béo của cá, vị cay của ớt, mắc khén, màu xanh của hành, rau thơm lẫn màu vàng của thịt da cá trông rất hấp dẫn.
Măng đắng
Măng đắng là sản vật và là món ăn rất phổ biến của người Điện Biên. Với măng đắng, người ta có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như xào, luộc, nướng, hầm xương. Đơn giản nhất là món măng đắng chấm với chẩm chéo (thứ nước chấm độc đáo đặc trưng của người Thái) khiến nhiều người mê mẩn.
Với nhiều người lên Điện Biên lại thích món măng đắng nướng vì nó vẫn còn giữ được nguyên vị đắng, chát. Khác với các loại măng tươi khác khi chế biến cần phải ngâm muối để khử hết vị đắng, cái ngon ở măng đắng Điện Biên chính là vị đắng khó quên.
Rau hoa ban
Những du khách lên Điện Biên vào tháng 3 sẽ thấy ngập sắc ban trắng, ban đỏ, ban tím. Người Thái ở đây thường sử dựng loại hoa và lá ban non để chế biến thành các món ăn phục vụ cho bữa ăn hàng ngày như hoa ban xào thịt lợn rừng, nộm hoa ban củ riềng, hoa ban nộm vừng… Các món ăn này đều rất ngon và rất dễ ăn, vị ngon ở từng món ăn cũng rất khác nhau, mang lại những hương vị đặc biệt.
Gạo tám Điện Biên
Gạo Điện Biên nơi Mường Thanh mang vị thơm ngon khác lạ. Không biết có phải do rừng, do đất, do nước sông Nậm ngấm vào hay không mà gạo tám lại ngon đến thế. Gạo tám Điện Biên nhìn vào là thấy khác, đều, căng bóng, hạt nhỏ, màu đục chứ không trắng như gạo tám thường. Chưa cần nấu thành cơm đã thấy mùi vướng vất.
Cơm gạo Điện Biên dẻo như cơm nếp, thơm thoang thoảng, khi nhai có vị đậm… Gạo tám vừa thơm vừa dẻo nên đồng bào thường dùng nấu cơm lam hay làm khẩu cắm (như đồ xôi với lá cẩm, khiến vị xôi ngậy, dẻo thơm, ngon miệng), khẩu háng (đồ thóc rồi đem phơi khô, xát vỏ rồi đồ chín), khẩu papa (tựa như dưới xuôi làm bánh nếp).
Bánh dày – đặc sản Điện Biên – là một loại bánh không thể thiếu trong trong ngày tết của người Mông.
Cũng từ nếp nương, các công đoạn làm bánh yêu cầu phải làm thủ công nên rất mất thời gian. Nếp sau khi đồ là hương tỏa khắp buôn bản. Sau đó, phải dùng tay giã nhuyễn rồi mới gói bằng lá dong rừng.
Bánh dày có thể để được rất lâu, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh đầu xuân. Bánh dày này có thể ăn cùng với chả, giò, hay chỉ nướng trên than hồng hoặc chấm với chút mật ong rừng đều mang vị khó quên.
Theo Vietnamnet
Tiết canh rừng đặc sản có "một không hai" ở Điện Biên
Mặc dù không quá phong phú, nhưng ẩm thực ở Điện Biên lại ghi điểm bởi sự độc đáo, đặc biệt là các món đặc sản từ rau rừng.
Đến với mảnh đất hào hùng này, từ tiết canh rừng, nộm hoa ban cho đến món nhót xanh cuốn bắp cải,... chắc chắn cũng sẽ khiến du khách phải hài lòng.
Tiết canh rừng
Tiết canh rừng là món đặc sản riêng có ở bản Mường Luân, Điện Biên. Chỉ với nguyên liệu là lá cây bơ mó cùng một số loại gia vị, người dân tộc Lào đã khéo léo làm nên món ăn gây tò mò, kích thích vị giác của du khách.
Cây bơ mó là một loại cây rừng khá dễ kiếm, thường mọc vào mùa nóng. Cây có thân dây leo, lá màu xanh nhạt, phát triển rộ từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Sau khi hái lá bơ mó đem về, người ta thường mang đi rửa sạch, giã nhuyễn, pha với nước và vắt bỏ bã để có một hỗn hợp đặc, sền sệt màu xanh.
Tiết canh rừng gây tò mò cho nhiều người.
Tiếp đó, hỗn hợp này được trộn với các loại nguyên liệu khác gồm hành, tỏi, ớt, lá chanh, lạc rang, rau thơm... Để trong khoảng 5 phút, món ăn sẽ chuyển sang màu xanh thẫm và kết đông lại, có thể thưởng thức ngay lập tức.
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng ít ai biết rằng, tiết canh rừng đòi hỏi người chế biến phải nhanh tay, có kinh nghiệm để xác định chính xác lượng nước, trộn các nguyên liệu đi kèm cho phù hợp thì món ăn mới đông được.
Tiết canh rừng có vị ngọt, thanh mát của lá cây, hòa quyện với đó là mùi thơm của các loại gia vị, rau thơm khá dễ ăn. Người dân tộc Lào thường thưởng thức tiết canh rừng trong các bữa cơm hàng ngày, thậm chí đem dâng lên mâm cỗ cúng tổ tiên.
Hoa ban
Hoa ban là sản vật của núi rừng và là linh hồn của Tây Bắc. Không chỉ tô điểm cho đất trời, hoa ban còn góp phần làm phong phú cho văn hóa ẩm thực vùng cao, khiến bao người say mê với những món ăn thơm ngon, thanh sạch.
Hoa ban khoe sắc giữa đất trời Điện Biên.
Mùa xuân, khi hoa ban nở kín núi rừng, các cô, các chị lại tranh thủ đem gùi đi hái búp hoa. Họ nhặt lấy cánh và nhụy ban, đem rửa nhẹ nhàng rồi trần qua nước nóng, cuối cùng là vò nát hoa để nấu thành nhiều món ăn khác nhau.
Nào là bát canh hoa ban thanh khiết, đĩa hoa ban nhồi cá nướng dậy mùi hấp dẫn... Ngoài ra, khi nấu xôi, người Tây Bắc thường cho thêm hoa ban vào đồ cùng. Miếng xôi ban ngọt dịu, thơm bùi, chấm cùng chẩm chéo thì không gì có thể sánh bằng.
Hoa ban có thể chế biến thành vô vàn những món ăn quyến rũ, níu lấy lòng người.
Nộm hoa ban là món ăn cầu kì và ngon miệng, thể hiện sự tỉ mỉ của người vùng cao. Ban được trần nước sôi rồi trộn với các gia vị như vỏ dổi, ớt, hạt tiêu, mắc khén... Thêm vào đó, để món ăn đảm bảo độ béo ngậy thì không thể thiếu thịt cá suối nướng. Tất cả các nguyên liệu được đảo đều với nhau, chờ chừng 20 phút cho ngấm gia vị là dùng được.
Nộm hoa ban là món ăn có sự hòa quyện của nhiều vị chua, cay, mặn, đắng, ngọt, bùi, kích thích vị giác. Ngày xuân, khi đã chán ngán những món ăn béo ngậy, nộm hoa ban trở thành món ngon giải ngấy mang đậm hương vị núi rừng.
Rêu đá
Rêu vốn dĩ là 1 loại thủy sinh, nhưng với người dân tộc Tày, Thái, Mông, Mường... rêu đá là một nét văn hóa đặc sắc trong văn hóa ẩm thực. Đây là một món ăn vừa ngon, vừa bổ, lại có hương vị rất riêng.
Hái rêu đã là công việc vất vả, nhưng đập rêu còn đòi hỏi sự khéo léo và cầu kỳ không kém. Sau khi vớt rêu lên, người ta để lên thớt hoặc một hòn đá tảng to có mặt phẳng và đập cho rong rêu bong ra các tạp chất. Phải đập sao cho khéo để rêu không bị nát, dễ mất chất dinh dưỡng và màu xanh tự nhiên. Sau khi được vò đập thật kỹ cho sạch nhớt phù sa, rêu có thể chế biến thành nhiều món.
Nếu thực khách muốn thưởng thức món canh rêu tươi, người Tày sẽ đem rêu nấu với xương hầm hoặc nước luộc gà, cho mắm muối và các gia vị rồi ăn nóng. Với món nộm rêu, người ta thường lấy rêu non, đồ cho chín rồi trộn cùng súp, mì chính và các gia vị. Nhưng độc đáo và được ưa chuộng nhất, chắc chắn phải kể đến món rêu nướng.
Chọn loại rêu dài bằng ngón tay trộn cùng muối, ớt, rau mùi, hành, sả, mắc khén rồi đem bọc trong lá chuối đã được hơ nóng cho mềm và tránh rách. Cuối cùng, người chế biến chỉ cần nướng trên than hồng cho tới khi xém lớp lá bên ngoài.
Sau khi nướng, rêu đá trở nên mỏng tang, giòn, và vô cùng thơm ngon.
Theo kinh nghiệm dân gian, rêu nướng còn có khả năng chữa nhiều bệnh, giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng.
Bắp cải cuốn nhót xanh
Nhiều du khách truyền tai nhau rằng, lên Điện Biên phải tìm bằng được món bắp cải cuốn nhót xanh chấm cùng chẩm chéo.
Thực khách có thể thưởng thức bắp cải cuốn nhót xanh như món ăn chơi thú vị.
Đầu tiên, phải chọn những chùm nhót xanh vừa thành quả chưa lâu. Quả nhót phải xanh mướt, hơi mềm, chưa mọng nước, chua rôn rốt và cũng thoảng qua vị chát. Tiếp đến, bắp cải cũng phải là những lá vừa tầm, không già, không non quá. Sau cùng, chỉ cần thêm ít tỏi, lá rau mùi và gừng thái lát nữa là được.
Khi ăn, thực khách đặt các nguyên liệu vào trong lá bắp cải rồi cuốn và khẽ chấm vào bát chẩm chéo, vừa ăn vừa râm ran chuyện trên trời dưới biển. Món ăn chơi này là sự tổng hòa của các vị chua, cay, mặn, ngọt.
Theo Dân trí
Du lịch Điện Biên, khám phá những món ăn mê hoặc vị giác Sâu chít, xôi nếp nương hay gà đen Tủa Chùa.... là những món ngon Điện Biên làm nức lòng người lữ hành mỗi khi đặt chân đến vùng đất Điện Biên Phủ lịch sử Không quá cầu kỳ nhưng những món ngon Điện Biên luôn hấp dẫn du khách gần xa bởi sự độc đáo, hương vị khó quên. Những món ăn với...