Yêu lắm 12 ơi…
Năm 11 kết thúc, tôi chỉ cầu mong thời gian trôi nhanh để được tốt nghiệp ra trường. Bởi mỗi thành viên trong lớp đều có vẻ xa cách, giao tiếp hời hợt, chỉ lo học và thỉnh thoảng “ghét ngầm” nhau…
Hai năm. Một khoảng thời gian đủ lâu để tôi thích nghi với sự chững chạc.
Đôi lúc tôi muốn có một cô bạn gái đứng trước mặt mình và nói: “Tôi không ưa bạn”, hoặc bọn con trai trong lớp chọc ghẹo tôi. Tôi cũng mong bị ai đó ném vào đầu một nhúm giấy vo viên để tôi tức lên, giãy nãy, và…”phản pháo” lại…
Nhưng đó chỉ là những hình ảnh thời cấp hai xưa…
Lớp 11 – đủ lớn và đã biết suy nghĩ sâu xa. Vì thế, những bạn “không thích” tôi sẽ không bao giờ biểu lộ ra khuôn mặt, cử chỉ. Bên ngoài, họ vẫn nói cười, giao tiếp vui vẻ. Nhưng kì thực, tôi “nghe loáng thoáng” những sự “bình phẩm”, và cảm nhận được những cái bĩu môi sau lưng mình.
Bọn con trai cũng đã lớn, đã biết tôn trọng phái yếu. Và tất nhiên, mọi người hành xử với nhau “kiểu người lớn” nên cuộc sống cũng vì thế mà “người lớn” nốt…Lớp không có lấy một cặp “tình nhân”, và mọi người chỉ thích chơi thân với “bạn bên ngoài”….
Họ quan trọng từng con điểm và chẳng để ý đến những chuyến đi dã ngoại.
Tâm trạng của tôi: lạc lõng, buồn bã và nuối tiếc thời thơ ấu…
Quen rồi những sự hời hợt, nỗi cô đơn và những sự hiểu lầm giữa những cái đầu suy nghĩ phức tạp
Mong thời gian trôi nhanh…Sống trong một bầu không khí lớp học quá ngột ngạt, bao mâu thuẫn xô đẩy chen lấn, và phải mang vác một tính cách giả tạo, tôi chịu không được…
Lớp 12 yêu thương….(Ảnh: Zing)
Video đang HOT
Vậy mà…
Tôi hoàn toàn bất ngờ trước những điều bí mật được “phanh phui”…Nào là Bin và Jam đã từng…quen nhau (nhưng không công khai), và chia tay một tháng sau đó; nhỏ lớp trưởng từng “say nắng” một anh chàng ngồi cạnh mình; và cậu Fuyu đã từng…để ý tôi vào đầu năm học…Tất tần tật mọi chuyện, tôi “tổng hợp” được từ nhiều nguồn…Hai năm qua, vì mãi chúi mũi vào chuyện học, tôi chẳng hề quan tâm đến…
Thì ra, lớp mình cũng có những chuyện thật thú vị…
Lên 12, tự nhiên lớp tôi có nhiều nhân vật bắt đầu…để ý nhau công khai. Họ trở thành đề tài bất tận của những bạn còn lại trong lớp. Năm cuối cấp, chúng tôi học chung mỗi ngày 10 tiết, nên trò chuyện ngày càng nhiều…Những “tình cảm khó nói” dần nhen nhóm từ khi ấy, có thể là tình bạn, tình yêu, hoặc cái gì đó cao đẹp hơn…
Tôi phát hiện ra mình cười nhiều hơn…Tiết học nào đối với tôi cũng là sự thú vị, khi bạn bè pha trò hoặc thầy cô đùa ghẹo.
Tôi không còn học vì danh hiệu. Vì thế mà việc học trở nên nhẹ nhõm dù bài vở càng nhiều mỗi ngày. Đối với chúng tôi, bằng tốt nghiệp loại trung bình cũng được, miễn là đậu đại học và làm được những điều mình muốn khi chạm vào tuổi 18…
Tôi bắt đầu mong ngóng được đến lớp vào mỗi ngày. Vì khi ấy, tôi có thể quan sát cảnh anh chàng mọt sách “liếc mắt đưa tình” với cô bạn lớp phó, hay “xóm nhà lá” thường làm những trò quái đản, vui vui…Tôi cũng muốn được nghe những trận cãi nhau ùm trời từ hai nhân vật bàn cuối (có lẽ họ đang thích nhau đấy, hi hi)… Lớp mình ngày càng vui, lúc nào cũng có sự mới lạ…
Vì phải học hai buổi nên rất nhiều bạn ở lại trường để nghỉ ngơi sau khi học xong 5 tiết buổi sáng. Chúng tôi thường bày đủ trò để giết thời gian, khi thì tán phét, lúc lại…kể chuyện nhảm…Lớp học như một “trại tị nạn” khi bàn ghế xếp cạnh nhau la liệt, và mỗi người…nằm một góc để ngủ, nghe nhạc hoặc làm bài! Thỉnh thoảng, một số đứa lại “tự sướng” bằng những bức ảnh cực vui…
Tôi bắt đầu cảm thấy nhớ những điều đang hiện hữu trước mắt. Vì không lâu nữa, chúng tôi sẽ phải rời xa trường, chia tay nhau…Không ngờ, năm cuối cấp cũng chính là lúc chúng tôi xích lại gần nhau nhất, nhiều kỉ niệm nhất và vui nhất…
o0o
Lớp học đang chí chóe…”Xóm nhà lá” không hiểu có chuyện gì mà làm nhóm nữ ở tổ 4 “nổi điên”, họ rượt nhau, gồng tay, so chuột, thậm chí…ngắt nhéo, cấu xé, những tiếng thét inh ỏi cũng những tràng cười thả giàn liên tục cất lên. Giờ ra chơi nhộn nhịp như cái chợ…
o0o
Đêm đã khuya, tôi vẫn chong đèn học bài và hàng loạt tin nhắn bay tới tấp thông báo: “E hèm, ngày mai có áo lớp đó bà con!”…
Một cảm xúc lạ chợt xuất hiện, dâng đầy trong tim tôi…
Và tôi hiểu rằng, tôi đang yêu lớp mình, nhiều lắm lắm…
Ai thông cảm cho học sinh cuối cấp?
Trong khi chúng tôi - những học sinh lớp 12 phải gồng mình "nhồi" hết môn này đến môn khác, thì thầy cô vẫn có suy nghĩ "coi trọng bộ môn của mình" và xã hội thì quan niệm "vào được đại học mới giỏi".
Thầy cô: "Học đi mấy em!"
Hãy thử tưởng tượng bạn đang học lớp 12 và ở bộ môn nào bạn cũng được giao một "sứ mệnh": học thuộc lòng kiến thức, và làm trọn vẹn các bài tập! Giáo viên nào cũng cho rằng "môn này quan trọng" nên chẳng thèm quan tâm rằng học sinh có "nuốt" nổi bài học hay không.
Một ví dụ cụ thể: chúng tôi học lớp cơ bản A nâng cao, và là lớp tuyển. Vì thế chúng tôi chú trọng Toán, Lí, Hóa phần nhiều. Thế nhưng, môn chúng tôi sợ lại là... giáo dục công dân và Sử!
Cứ mỗi hai tiết, chúng tôi lại được học... 3 bài Sử. Vậy nhưng đôi lúc vẫn không theo kịp chương trình. Vì thế, thay vì đọc - chép, chúng tôi gạch ý trong sách và học dần. Dù đã được rút gọn, nhưng mỗi bài không dưới 5 trang. "Tội nghiệp" hơn, chúng tôi toàn "được" khảo một lúc cỡ... 5 bài! Có bạn vì phải học thêm quá nhiều môn nên phải thức trắng đêm để học, một số bạn không thèm học, vì "chẳng nhồi vào đâu được nữa, đầu óc bão hòa rồi, nhiều bạn có "mưu đồ" chép phao, vì họ đã quá "túng", chẳng còn cách nào khác...
Giáo dục công dân, kiến thức khô đã đành, chúng tôi còn phải chống mắt nghe giảng trong cơn buồn ngủ rũ rượi. Các môn Toán, Lí, Hóa, chúng tôi còn chưa có thời gian làm bài tập, thì nói gì đến giáo dục công dân. Vậy mà khi năn nỉ giáo viên cho kiểm tra 15 phút trắc nghiệm thì nhận được cậu trả lời: "Như thế thì không tổng quát", và cô vẫn giữ ý định trắc nghiệm kèm tự luận. Cả lớp nhìn nhau thở dài.
Trong một tuần, chúng tôi có... nhiệm vụ: Làm bài tập đề cương Toán, Lí, Hóa; học "vài trang" Sinh kèm với giải 50 câu hỏi trắc nghiệm soạn sẵn; học 10 bài Sử, 5 trang Địa, chưa kể chúng tôi học 4 ngày trái buổi, và đi học thêm ít nhất 3 môn...
Nhưng giáo viên bộ môn nào cũng giao cho chúng tôi: "Có gì trong sách giáo khoa phải học hết, làm hết nhé mấy em".
Vì thế, mỗi học sinh đều quyết định "buông xuôi" một số môn, và đầu tư cho những môn quan trọng.
Teen 12 đang phải đối mặt những áp lực vô cùng nặng nề. (Ảnh minh họa)
Gia đình: "Phải thi đậu!"
Trên 70% học sinh lớp 12 thú nhận: "Học để vào đại học, vào đại học để... vừa lòng bố mẹ!"
Ngoài áp lực, học sinh còn phải chịu những cơn đau tinh thần khi ba mẹ rầy la vì điểm thấp. Đôi khi phụ huynh không thông cảm cho con mình mà còn trách: "Học cho lắm vào mà chẳng có kết quả gì cả! Chắc là chơi nhiều chứ gì!". Thỉnh thoảng, dân 12 cảm thấy như đang "rơi tự do" vì không biết mình sống vì điều gì, khi việc học trượt dốc, thầy cô đốc thúc và gia đình càm ràm...
Thời điểm cuối cấp là lúc học nhiều, ít có thời gian dành cho gia đình, nên họ rất muốn có sự động viên, chia sẻ từ ba mẹ. Vậy mà có không ít bậc phụ huynh chỉ thấy kết quả kém và trách móc, không hiểu rằng con mình đang chịu sức ép quá lớn.
Thực tế cho thấy, nhiều bậc phụ huynh hiện nay muốn con mình vào đại học cốt yếu để... nở mặt nở mày với láng giềng, hàng xóm, chứ họ cũng biết "Đại học không phải con đường duy nhất"...
Xã hội: "Bằng cấp là thước đo giá trị!"
Nếu muốn bớt áp lực, đôi khi chúng tôi buộc phải "học lệch" vì không còn cách nào khác.
Chính vì "học lệch" mà một số môn có điểm không cao.
Chính vì điểm không cao nên bằng tốt nghiệp cũng "không đẹp", dù thật sự, sức học cũng chưa đến nỗi...
Nhưng buồn thay, người ta chỉ nhìn vào danh hiệu, bằng cấp và điểm số để đánh giá về một học trò?
Chúng tôi tự thông cảm lẫn nhau
Đôi khi, chúng tôi có những bất công, oan ức trong học tập, nhưng không thể giãi bài cho ai cả, thế là tâm sự với bạn bè. Chúng tôi động viên nhau: "Cố lên, chỉ năm nay thôi, thời gian trôi qua nhanh mà".
Chúng tôi quả quyết một điều rằng, khi xưa, ba mẹ và thầy cô không mang nặng áp lực như chúng tôi hiện tại, và học cũng không nhiều như chúng tôi bây giờ.
Nhưng ai thông cảm cho chúng tôi? Trong khi chờ câu trả lời thì chúng tôi tự thông cảm cho chính mình.
Bởi chỉ có dân 12 mới thấu...