Ý nghĩa thực sự của màu sắc được dùng trong ảnh minh họa về SARS-CoV-2
Hình ảnh minh họa về virus corona mới đang xuất hiện với tần suất lớn trên các chương trình TV và Internet, nhưng với đủ loại màu sắc xanh đỏ khác nhau. Có bao giờ bạn tự hỏi cuối cùng thì con virus này có màu gì?
Trong các bức ảnh minh họa phổ biến về SARS-CoV-2, con virus corona đang gây ra đại dịch trên toàn thế giới, nó dường như rất dễ nhận biết bởi thường có màu sắc rực rỡ và được làm nổi bật trên nền mờ. Trong hầu hết các bức ảnh đại diện, hình dạng của virus là tương tự nhau: một hạt hình cầu có gai, giống như một kẻ xâm lược ngoài hành tinh.
Nhưng có rất ít sự đồng thuận về màu sắc. Nó có thể có màu đỏ, cam, xanh dương, vàng, xanh lá cây đậm hoặc nhạt, màu trắng với gai đỏ, màu đỏ với gai xanh và nhiều kiểu màu ở giữa. Có thể nói, trong việc mô tả về con virus này, các nhà thiết kế, họa sĩ minh họa và đơn vị truyền thông đang tự đưa ra các quyết định đầy sáng tạo và gợi mở.
Vậy tại sao lại có sự khác biệt quá lớn như thế này? Chúng có ý nghĩa và tác hại gì tới việc tuyên truyền hay phòng chống dịch bệnh không?
Virus có màu gì?
Trên thực tế, sự nhầm lẫn về màu sắc của SARS-CoV-2 bắt đầu từ việc hầu hết mọi người không hiểu về bản chất của màu sắc trong thế giới siêu nhỏ.
Nhận thức của chúng ta về màu sắc phụ thuộc vào sự hiện diện của ánh sáng. Ánh sáng trắng từ mặt trời là sự kết hợp tất cả các bước sóng của ánh sáng khả kiến – từ màu tím ở một đầu của quang phổ đến màu đỏ ở đầu bên kia.
Khi ánh sáng trắng chiếu vào một vật thể, chúng ta thấy màu sắc của nó nhờ vào ánh sáng được vật thể đó phản chiếu về phía mắt chúng ta. Quả mâm xôi hay viên hồng ngọc xuất hiện màu đỏ vì chúng hấp thụ hầu hết ánh sáng nhưng phản xạ các bước sóng màu đỏ.
Minh họa ấn tượng của một nghệ sĩ về virus SARS-CoV-2.
Nhưng khi các vật thể trở nên nhỏ hơn, ánh sáng không còn là một công cụ hiệu quả để nhìn thấy chúng. Và virus rất nhỏ đến nỗi, cho đến những năm 1930, một trong những đặc tính được khoa học công nhận là khả năng… tàng hình của chúng. Do đó, tìm kiếm virus bằng kính hiển vi sử dụng ánh sáng cũng giống như cố gắng tìm ra một con kiến trong sân bóng đá vào ban đêm bằng cách sử dụng đèn pin. Sự khác biệt về quy mô giữa vật thể và công cụ là quá lớn.
Mãi cho đến khi kính hiển vi điện tử có những bước phát triển đột phá vào những năm 1930, các nhà nghiên cứu mới có thể thấy được virus. Bằng cách sử dụng các electron, nhỏ hơn rất nhiều so với các hạt ánh sáng, người ta có thể xác định được hình dạng, cấu trúc và kết cấu của virus. Nhưng vì không có ánh sáng liên quan đến hình thức quan sát này, nên chúng không có màu sắc. Hình ảnh của virus cho thấy một thế giới đơn sắc của màu xám. Giống như các điện tử, nguyên tử và quark, virus tồn tại trong một thế giới nơi mà màu sắc không có ý nghĩa.
Vì lý do này, virus nhìn thấy bằng kính hiển vi điện tử thực sự có màu đen và trắng như trong hình dưới đây.
Video đang HOT
Lý do tồn tại của những bức hình về virus đầy sống động
Như bức hình trên, màu xám của virus như các đốm màu nhợt nhạt, không tạo ra sự thuyết phục hoặc gây xúc động cho các nội dung truyền thông.
Ví dụ như trong đại dịch Ebola vào năm 1995, các hình ảnh được truyền thông lựa chọn không phải là những con virus hình giun mà là hình ảnh các chuyên gia y tế phương Tây đang nỗ lực làm việc tại các ngôi làng ở châu Phi trong bộ đồ bảo hộ kín đáo. Sự biểu hiện trực quan của virus AIDS thì tập trung vào cơ thể tiều tụy của những người mắc bệnh, thường là những người đàn ông trẻ tuổi.
Một hình ảnh được tô màu mô tả tế bào VERO E6 (màu xanh) bị nhiễm nặng các hạt virus SARS-COV-2 (màu cam), được phân lập từ mẫu bệnh phẩm.
Với Covid-19, các triệu chứng tương tự như cảm lạnh thông thường và tỷ lệ tử vong ban đầu cao ở người cao tuổi, không phù hợp để trở thành các tài liệu trực quan ấn tượng dùng trong truyền thông. Để lấp đầy khoảng trống này, một loạt các hình ảnh đầy màu sắc của SARS-CoV-2 là lựa chọn thay thế, có sức hấp dẫn mạnh mẽ.
Nhiều hình ảnh đến từ các nghệ sĩ, họa sĩ minh họa thay vì hình ảnh từ kính hiển vi điện tử.
Ví dụ, Thư viện Y tế Công cộng thuộc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) của chính phủ Mỹ sử dụng một ảnh minh họa virus là một quả cầu bên ngoài màu trắng với các hạt protein màu vàng được gắn vào thân, cùng với các gai màu đỏ nổi bật lên trên bề mặt, tạo ra ngoại hình như chiếc vương miện (ý nghĩa của từ corona)
Hình minh họa virus SARS-CoV-2 của CDC
Một số hình ảnh màu của SARS-CoV-2, có sẵn trên nền tảng Flickr của Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID), miêu tả virus có nhiều màu vàng, cam, đỏ tươi và xanh dương.
Một số hình ảnh minh họa về coronavirus.
Nên sử dụng màu sắc nào? Xám!
Mặc dù những hình ảnh trên trông rất nổi bật về mặt thẩm mỹ, nhưng chúng không giải quyết được mối lo ngại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về mức độ nguy hiểm và sự rõ ràng về virus và bệnh tật. Các màu sắc đa dạng nói trên có thể lấn át mối đe dọa của virus hoặc khiến cho nhiều người hoảng loạn.
Một giải pháp thay thế là quay lại thế giới siêu nhỏ không màu mà những con virus sinh sống. Tức là chấp nhận màu xám của chúng.
Ảnh minh họa ấn tượng của một số nghệ sĩ, mô tả virus màu xám bên cạnh tiểu cầu máu.
Điều này có một số lợi thế khác biệt. Thứ nhất, nó phù hợp với khoa học rằng màu sắc không thể được quy cho nơi ánh sáng không chiếu tới. Thứ hai, nó tái hiện hình ảnh của virus một cách ít đe dọa hơn: không có gai đỏ hoặc thân màu xanh lá cây, hay mô tả chúng có vẻ giống như những kẻ xâm lược thù địch từ một câu chuyện khoa học viễn tưởng. Và ý tưởng về màu xám cũng phù hợp với quan niệm khoa học rằng virus nên được “treo lơ lửng” ở đâu đó giữa ranh giới của người chết và người sống .
Ngoài ra, việc tước bỏ các màu sắc sống động gây mất tập trung của virus – và xem nó như một hạt xám trơ – có thể giúp giảm nỗi sợ cộng đồng về dịch bệnh. Nó cũng cho phép chúng ta tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ tập thể to lớn là quản lý tác động sinh học và xã hội của đại dịch Covid-19.
Bảo Nam
Sự thật về chuyện 'tái nhiễm' SARS-CoV-2
Thông tin "3-10% bệnh nhân phục hồi ở Vũ Hán tái dương tính với SARS- CoV-2" xuất hiện trên các phương tiện truyền thông vừa qua khiến giới khoa học giật mình. Tuy nhiên, sự thật có phải như vậy?
Những thông tin liên quan đến dịch bệnh COVID-19 được nhiều người quan tâm. Do vậy, các thông tin liên quan đến khoa học của bệnh này cần phải có ý kiến kiểm chứng của các chuyên gia khoa học trong lĩnh vực này.
Thời gian gần đây xuất hiện một thông tin trên một số phương tiện truyền thông làm giật mình giới khoa học rằng, "3-10% bệnh nhân phục hồi ở Vũ Hán tái dương tính với SARS- CoV-2 theo các nghiên cứu khoa học của các bệnh viện ở Vũ Hán". Nếu tin này là đúng thì đây là một thảm hoạ cho thế giới. Vậy sự thật là gì?
TSKH Nguyễn Quốc Bình, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM
Xét trên khía cạnh chuyên môn, "tái dương tính" khác với "tái nhiễm". Tái dương tính có nghĩa là sự hiện diện của virus vẫn còn trong cơ thể bệnh nhân ở lần xét nghiệm sau mà những xét nghiệm lần trước không xác định được, có thể do sai sót cách làm xét nghiệm dẫn đến âm tính giả, hoặc bệnh nhân tái nhiễm bệnh. Trong khi đó "tái nhiễm" chỉ có thể là tái nhiễm bệnh.
Vậy thông tin tái dương tính trên có xác thực hay không? Cần hiểu thế nào cho đúng. Thứ nhất việc xét nghiệm trên diện rộng dẫn đến sai sót trong kết quả là chuyện rất dễ xảy ra, nhất là trong trường hợp chống dịch của thế giới hiện tại. Thứ hai: chưa có một bài báo khoa học nào được đăng (thông qua hội đồng khoa học) nói về sự tái nhiễm của virus SARS-CoV-2, nhất là với tỷ lệ tái nhiễm cao ngất trời như nêu trên. Thông tin chính thức của chính phủ Trung Quốc cũng không đưa tin về các ca nhiễm mới hay tái nhiễm ở Vũ Hán. Do vậy, tái dương tính có thể là tin không chính xác, hoặc giả là thông tin chưa xử lý của một số xét nghiệm không chính xác.
Trên khía cạnh khoa học, cơ thể con người có thể bị tái nhiễm cùng một loại vi khuẩn (bacterie) chứ ít khi có trường hợp tái nhiễm ngay lập tức cùng loại virus. Nguyên lý kháng virus là cơ thể tạo ra đội quân diệt virus của chính mình mới khỏi được bệnh. Các loại thuốc chỉ giúp cơ thể ngăn chặn hoặc giảm sự nhân lên của virus chứ không diệt được chúng.
Các bệnh nhân dịch bệnh COVID-19 đang được chăm sóc tại bệnh viên Trung ương Vũ Hán. Ảnh Bệnh viện Trung ương Vũ Hán
Mỗi khi đội quân này đã được tạo ra để diệt được hết virus (khỏi bệnh) thì khả năng tái xâm nhiễm của loại virus đó hầu như bằng không. Có thể có một tỷ lệ rất, rất nhỏ trường hợp (~1/1000000) bị tái nhiễm là do cơ thể bị suy kiệt hoàn toàn. Việc tái nhiễm với tỷ lện 3-10% là hoàn toàn không thực. nếu đó là thực thì đây là một thảm hoạ cho thế giới.
Theo kiến thức khoa học và tổng hợp những thông tin đã công bố chính thức trên thế giới ta có thể nói rằng thông tin 3-10% bệnh nhân khỏi bệnh tái nhiễm trên là không có cơ sở. Nếu có chăng đó là những sai sót xét nghiệm đã có một tỷ lệ nhất định âm tính giả trong quá trình hồi phục của các bệnh nhân gây ra một tỷ lệ "tái dương tính" và gây ra sự hiểu lầm gây hoang mang này.
Hiện nay, tất cả mọi người đều mong muốn góp sức chống dịch. Việc xác minh một tin khoa học phải cần có chuyên gia khoa học góp sức. Với tư cách là người làm khoa học, tôi muốn đưa đến đọc giả một góc nhìn khoa học về thông tin liên quan đến bệnh dịch nghiệm trọng này
Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quốc Bỉnh
Nguyên Phó giám đốc Trung tâm CNSH TP HCM; Chuyên gia Y tế công ty TWG
HUY THỊNH (GHI)
Bằng chứng khoa học chứng minh súc miệng phòng chống bệnh Covid-19? Hiện chưa có xác nhận khoa học chứng minh chắc chắn "việc súc miệng ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra, cũng như bất kỳ loại virus, hoặc vi khuẩn nào khác". Chưa có chứng minh khoa học chắc chắn "việc súc miệng ngăn ngừa nhiễm trùng do SARS-CoV-2 gây ra, cũng...