Xung đột toàn diện sẽ là thảm họa cho cả Israel và Hezbollah
Cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah đang có chiều hướng leo thang nghiêm trọng, song một cuộc xung đột toàn diện đều không có lợi cho bất cứ bên nào.
Israel đánh chặn máy bay không người lái của Hezbollah nhằm vào miền Bắc (Ảnh: AFP).
Khi Hezbollah bắt đầu bắn tên lửa vào Israel vào tháng 10 năm ngoái, Israel, Li Băng và nhiều quốc gia đều lo ngại xung đột leo thang. Giờ đây, viễn cảnh đó dường như đang xảy ra.
Hơn 500 người đã thiệt mạng trong ngày khi Israel không kích các mục tiêu Hezbollah ở Li Băng. Hàng chục nghìn người Li Băng đã phải sơ tán khỏi miền Nam.
Hezbollah cũng bắt đầu những động thái đáp trả. Ngày 25/9, Israel đã đánh chặn một tên lửa đạn đạo của Hezbollah nhắm vào thủ đô Tel Aviv. Đây là lần đầu tiên Hezbollah nhắm vào thủ đô của Israel.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là khởi đầu, mọi việc có thể trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Israel dồn nhiều quân đến vùng biên giới phía bắc giáp Li Băng hơn.
Nỗi sợ hãi gia tăng khi cả Israel và Hezbollah đều đang mắc kẹt trên con đường dẫn đến một cuộc xung đột khủng khiếp. Tuy nhiên, cả hai bên vẫn còn thời gian và lý do chính đáng để lùi lại.
Cả 2 đều biết rõ sự tàn phá của xung đột toàn diện và mọi diễn biến sẽ quay lại như cuộc xung đột trước ngày 7/10 năm ngoái. Nhiều người sẽ thiệt mạng một cách không cần thiết.
Israel tuyên bố đã phá hủy tới 50% kho vũ khí của Hezbollah, nhưng lực lượng này có hơn 120.000 tên lửa và đạn pháo, những gì còn lại vẫn có thể gây thiệt hại nghiêm trọng.
Video đang HOT
Sức mạnh quân sự của Israel hiện không thể đảm bảo chiến thắng, các cuộc chiến trước đây ở Li Băng đã cho thấy điều này.
Một cuộc tấn công trên bộ sẽ khiến quân đội Israel lâm vào tình thế chống lại một đối thủ được vũ trang tốt trên chính lãnh thổ của họ, trong khi Israel đã mệt mỏi vì nhiều tháng chiến đấu ở Gaza. Một cuộc chiến tranh lớn thứ 2 sẽ tàn phá nền kinh tế Israel.
Còn với Li Băng, các cuộc tấn công của Israel vào cơ sở hạ tầng sẽ làm trầm trọng thêm nền kinh tế vốn đã khủng hoảng của họ.
Ngay cả Iran, lực lượng hậu thuẫn Hezbollah, dường như cũng cảnh giác với sự leo thang. Phát biểu tại Liên hợp quốc, Tổng thống đương nhiệm Iran Masoud Pezeshkian cho biết, họ sẽ không cho phép Israel lôi kéo nước này vào một cuộc xung đột khu vực. Các nhà lãnh đạo của Iran có thể muốn Hezbollah tiết kiệm vũ khí của mình như một biện pháp răn đe, tránh một cuộc tấn công trực tiếp của Israel vào đất nước của họ.
Israel cũng có thêm lý do để lùi bước. Họ không thể phá hủy Hezbollah mà chỉ có thể làm suy yếu lực lượng này với thiệt hại lớn kể từ tháng 7. Israel sẽ sớm tấn công hết các mục tiêu dễ dàng như kho dự trữ tên lửa tầm trung và chỉ huy cấp cao của Hezbollah, nhưng đó sẽ là giới hạn của họ.
Một khi Israel nhắm vào các lãnh đạo chính trị như thủ lĩnh Hassan Nasrallah hoặc các kho tên lửa tầm xa, Hezbollah và Iran sẽ tính toán rằng họ phải sử dụng kho vũ khí của mình thay vì để mất. Đó là lằn ranh mà Israel không muốn vượt qua.
Cách tốt nhất để thoát khỏi cuộc xung đột nằm ở phía nam Israel. Ông Nasrallah tuyên bố sẽ ngừng tấn công vào Israel khi có lệnh ngừng bắn ở Gaza. Một thỏa thuận như vậy sau đó có thể cho phép Hezbollah rút lui theo các đường được đặt ra bởi Nghị quyết 1701 của Liên hợp quốc, yêu cầu họ rút về phía bắc sông Litani, cách biên giới 30km.
Dù vậy, một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza dường như vẫn nằm ngoài tầm với vì cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và lãnh đạo Hamas Yahya Sinwar đều không muốn nhượng bộ.
Trong khi đó, một lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah có thể khả thi hơn với sự thúc đẩy của Mỹ, châu Âu và một số quốc gia Ả Rập. Dưới áp lực từ Iran, Hezbollah có thể bị thuyết phục và Israel cũng có thể hài lòng vì sự nhượng bộ này. Ngay cả một thỏa thuận ngừng bắn không chính thức cũng sẽ là một tín hiệu tích cực.
Một thỏa thuận như vậy sẽ cho phép người dân miền Bắc Israel, miền Nam Li Băng trở về nhà. Israel vẫn sẽ sống cùng một đối thủ gần biên giới của mình, một thỏa thuận ngừng bắn lúc này sẽ không đảm bảo xung đột biến mất ngay sau đó, nhưng vẫn tốt hơn là không có tiến triển.
Quốc tế cảnh báo nguy cơ xung đột toàn diện Israel - Hezbollah
Cộng đồng quốc tế lo ngại căng thẳng hiện nay giữa Israel và Hezbollah có thể lan rộng thành một cuộc chiến khu vực, ảnh hưởng đến nỗ lực đàm phán chấm dứt xung đột ở Gaza.
Khói lửa bốc lên khi Israel không kích khu vực biên giới Marjayoun, Li Băng hôm 23/9 (Ảnh: AFP).
Liên hợp quốc ngày 23/9 "quan ngại sâu sắc" về các cuộc tấn công của Israel nhằm vào Li Băng.
Người đứng đầu Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Catherine Russell bình luận, bạo lực ngày càng gia tăng thể hiện sự "leo thang nguy hiểm" đối với dân thường.
Israel ngày 23/9 tiến hành cuộc không kích quy mô lớn chưa từng có vào các mục tiêu Hezbollah ở Li Băng. Theo Bộ Y tế Li Băng, các cuộc tấn công đã khiến ít nhất 492 người thiệt mạng, hơn 1.600 người bị thương.
Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cơ quan này đang liên lạc với giới chức Li Băng và Israel suốt ngày đêm nhằm xoa dịu tình hình, ngăn chặn một cuộc xung đột toàn diện.
Người phát ngôn nhấn mạnh, Mỹ không muốn chứng kiến sự leo thang hơn nữa trong khu vực bởi "bất kỳ bên nào", đồng thời khẳng định Mỹ sẵn sàng bảo vệ các đồng minh và đối tác trong khu vực.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty đổ lỗi cho các hành động của Israel đang khiến căng thẳng trong khu vực leo thang, đồng thời cảnh báo nguy cơ xung đột Israel - Hezbollah lan ra khắp khu vực.
"Tình trạng căng thẳng hiện nay có nguy cơ sẽ kéo theo một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực", ông Abdelatty nói với AFP.
Bộ Ngoại giao Ai Cập kêu gọi cộng đồng quốc tế, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc "can thiệp ngay lập tức" nhằm ngăn chặn các hành động leo thang nguy hiểm.
Theo Ngoại trưởng Abdelatty, giao tranh leo thang đã "tác động tiêu cực" đến hoạt động đàm phán ngừng bắn ở Gaza.
Ai Cập đang đàm phán với các đồng minh quốc tế nhằm ngăn chặn tình hình leo thang. Ông nhấn mạnh, nếu để xảy ra một cuộc xung đột khu vực rộng hơn, nó sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào.
Ai Cập, Qatar và Mỹ đang làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin giữa Hamas và Israel. "Tất cả các bên của thỏa thuận đã sẵn sàng. Vấn đề là sự thiện chí chính trị từ phía Israel", ông Abdelatty cho biết.
Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) hôm qua cũng bày tỏ quan ngại về làn sóng tấn công của Israel vào Li Băng.
UAE khẳng định lại quan điểm phản đối bạo lực, phản đối những hành động thiển cận coi thường pháp luật, thông lệ liên quan đến quan hệ ngoại giao và chủ quyền quốc gia
Bộ Ngoại giao Ả rập Xê út cũng kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tối đa, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế thể hiện vai trò, trách nhiệm chấm dứt xung đột trong khu vực.
Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib mô tả tình hình hiện nay ở Li Băng "cực kỳ đáng lo ngại". Bà kêu gọi các bên kiềm chế và nhấn mạnh ngoại giao là cách duy nhất giải quyết xung đột.
Xung đột Israel - Hezbollah leo thang từ cuối năm ngoái khi Hezbollah tập kích qua biên giới Li Băng vào Israel để phản đối chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza.
Tình hình căng thẳng hơn nữa từ đầu tuần trước khi Hezbollah cáo buộc Israel đứng sau vụ nổ bí ẩn hàng nghìn thiết bị liên lạc ở Li Băng khiến khoảng 40 người thiệt mạng, hơn 3.000 người bị thương.
Israel không phủ nhận hay xác nhận cáo buộc, nhưng tuyên bố xung đột đang chuyển sang giai đoạn mới. Israel cũng tuyên bố mục tiêu của giai đoạn này là đưa hàng chục nghìn người dân miền Bắc trở về nhà an toàn sau khi phải sơ tán do các cuộc tập kích của Hezbollah.
Bước ngoặt nguy hiểm ở Trung Đông Cuộc tấn công tên lửa vào một sân bóng đá ở Cao nguyên Golan đã khiến ít nhất 12 trẻ em thiệt mạng. Israel cáo buộc Hezbollah chịu trách nhiệm, nhưng nhóm này phủ nhận. Israel đã tiến hành các cuộc không kích trả đũa vào Liban, đẩy khu vực vào nguy cơ bùng nổ xung đột toàn diện. Cảnh đổ nát sau...