Xung đột tại Ukraine xuất hiện trong hầu hết cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị G20
Hội nghị Ngoại trưởng G20 tập trung tìm kiếm giải pháp cấp bách cho khủng hoảng lương thực và năng lượng toàn cầu cũng như tình trạng khan hiếm phân bón và giá cả hàng hóa tăng cao.
Tuy nhiên, xung đột tại Ukraine mới là vấn đề xuất hiện trong hầu hết các cuộc gặp song phương.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (thứ 3, phải) và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov (thứ 3, trái) tại cuộc hội đàm ở đảo Bali (Indonesia) ngày 7/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Dù bầu không khí căng thẳng được dự báo trước cũng như việc thiếu vắng các thỏa thuận hoặc tuyên bố chung, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khép lại tại Bali (Indonesia) sau hai ngày làm việc với sự nhất trí rộng rãi về sự cần thiết tăng cường chủ nghĩa đa phương, chấm dứt xung đột, hợp tác cùng giải quyết các cuộc khủng hoảng trầm trọng mà thế giới đang phải đối mặt.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị với chủ đề “Cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng hơn”, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho rằng tình hình thế giới hiện nay làm cho thế giới mất niềm tin vào chủ nghĩa đa phương và khả năng ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu, song chắc chắn rằng mọi điều sẽ còn tồi tệ hơn nếu không có chủ nghĩa đa phương. Khẳng định đây là cơ chế duy nhất mà tất cả các quốc gia, bất kể quy mô và mức độ giàu nghèo, đều bình đẳng và được đối xử bình đẳng, đồng thời cũng là cách duy nhất phối hợp các ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu, bà Retno nhấn mạnh rằng tiếng nói của tất cả các quốc gia – dù lớn hay nhỏ, dù phát triển hay đang phát triển – phải được lắng nghe.
Video đang HOT
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi các thành viên G20 đẩy mạnh các nỗ lực đa phương nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực và biến đổi khí hậu. Ông cho rằng tăng cường chủ nghĩa đa phương – một trong hai chủ đề trong chương trình nghị sự chính của hội nghị – “không phải là một lựa chọn, mà là sự cần thiết”, khẳng định rằng đây là “cách duy nhất” để vượt qua tình trạng khan hiếm lương thực trên diện rộng, sự hỗn loạn về khí hậu ngày càng sâu sắc và sự đói nghèo cùng cực mà không một quốc gia nào bị bỏ qua.
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi các nước duy trì chủ nghĩa đa phương thực sự và phát triển mối quan hệ đối tác mang tính xây dựng vào thời điểm đầy thách thức này. Theo đó, trước hết, các nước cần là các đối tác tôn trọng lẫn nhau và tham vấn trên cơ sở bình đẳng; giải quyết các vấn đề quốc tế thông qua tham vấn và tuân thủ các quy tắc. Các nước cũng cần chung sống hòa bình, hợp tác cùng có lợi, thiết lập quan hệ đối tác cởi mở, bao trùm, liên kết và cạnh tranh công bằng.
Góp thêm góc nhìn về chủ nghĩa đa phương, Ngoại trưởng Australia Penny Wong khẳng định rằng các quốc gia và dân tộc đều muốn sống trong một thế giới được vận hành dựa trên các quy tắc và chuẩn mực được chấp nhận, trong đó cho phép thương mại cởi mở, thịnh vượng và tiến bộ, cũng như một thế giới hòa bình, dễ đoán và chủ quyền được tôn trọng. Quan chức ngoại giao hàng đầu của Australia nhấn mạnh rằng thế giới đó có được nhờ hệ thống đa phương được ghi trong Hiến chương LHQ và được xây dựng dựa trên lòng tin, sự tin tưởng, góp phần thúc đẩy hợp tác và tiến bộ.
Tại hội nghị, cũng như ở các cuộc gặp bên lề, đại diện nhiều nước G20 như Trung Quốc, Ấn Độ, Argentina, Nam Phi, Indonesia, cũng như các nước khách mời như Senegal, Fiji… đã chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của việc tăng cường tiếng nói của các nước đang phát triển nhằm duy trì ổn định khu vực và giải quyết các vấn đề toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh rằng đã đến lúc tiếng nói của các nước đang phát triển phải được lắng nghe trong nhiều vấn đề quốc tế. Các ý kiến cũng đánh giá cao vai trò Chủ tịch G20 của Indonesia trong việc ủng hộ các nước đang phát triển, thể hiện qua việc mời Liên minh châu Phi và đại diện các nước đang phát triển tham dự sự kiện.
Bên cạnh việc tăng cường chủ nghĩa đa phương và tiếng nói của các nước đang phát triển, các nước tham dự hội nghị đã cùng lên tiếng hối thúc chấm dứt xung đột, tìm kiếm giải pháp cấp bách nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng toàn cầu, cũng như tình trạng khan hiếm phân bón và giá cả hàng hóa tăng cao. Đại diện nước chủ nhà Indonesia nhấn mạnh: “Trách nhiệm của chúng ta là sớm chấm dứt xung đột và giải quyết các bất đồng trên bàn đàm phán, chứ không phải trên chiến trường”. Cũng theo bà Retno, cuộc xung đột tại Ukraine đã được thảo luận tại hầu hết các cuộc gặp song phương bên lề hội nghị.
Đại đa số ý kiến đều hối thúc đối thoại, đàm phán hòa bình nhằm giải quyết điểm nóng căng thẳng này, đồng thời ủng hộ nỗ lực giải tỏa các chuyến hàng chở ngũ cốc, phân bón từ Ukraine và Nga. Tổng Thư ký LHQ Guterres cho biết cơ quan này đang làm việc để cho phép lương thực của Ukraine được vận chuyển qua Biển Đen một cách an toàn và đảm bảo, đồng thời tháo gỡ khó khăn để thực phẩm và phân bón của Nga tiếp cận thị trường toàn cầu.
Nhấn mạnh yêu cầu “hành động tối khẩn” nhằm khai thông các tuyến đường vận chuyển lương thực tại Biển Đen, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã công bố ba gói giải pháp. Cụ thể, EU sẽ huy động hơn 7 tỷ euro từ nay đến năm 2024 để đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, hỗ trợ khả năng chi trả lương thực thông qua việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô ở các nước dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, EU cũng sẽ thúc đẩy năng lực sản xuất và thích ứng của các hệ thống lương thực; dỡ bỏ mọi rào cản đối với xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp ở châu Âu. Về thương mại, trong bối cảnh nỗ lực của LHQ nhằm khai thông tuyến đường vận tải qua Biển Đen đang bị đình trệ, EU sẽ thúc đẩy các “Làn đường Đoàn kết”, giúp Ukraine xuất khẩu ngũ cốc.
Cuối cùng, điều cũng được tất cả các nước nhất trí chia sẻ và đánh giá cao ở Hội nghị Ngoại trưởng G20 là vai trò điều phối của nước chủ nhà Indonesia với việc triệu tập đầy đủ đại diện của các thành viên. Theo công bố chính thức của Bộ Ngoại giao Indonesia, tất cả các bộ trưởng ngoại giao G20 đã tham dự trực tiếp hội nghị trong hai ngày 7-8/7, ngoại trừ Ngoại trưởng Anh Liz Truss phải rời Bali trước khi toàn bộ chuỗi sự kiện kết thúc. Bên cạnh đó, ngoại trừ Ukraine, 8 bộ trưởng khách mời cùng đại diện của 9 tổ chức quốc tế cũng trực tiếp tham gia vào chương trình nghị sự của hội nghị.
Theo các nhà phân tích, thành công của Indonesia trong vai trò “cầm lái” 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ ở cách tiếp cận cân bằng, khách quan, lập trường vững vàng và độc lập, giúp dung hòa quan điểm của tất cả các bên và bảo vệ sự thống nhất của cả khối, mà còn ở việc lựa chọn các vấn đề ưu tiên mang tính thời sự và tạo diễn đàn cho các nước phát triển. Cuối cùng, dù chưa đạt được kết quả cụ thể do mâu thuẫn và đối đầu, hội nghị lần này đã tạo điều kiện để các bên trình bày quan điểm của mình. Điều quan trọng là cánh cửa cho đối thoại và hợp tác vẫn được để ngỏ, ít nhất cho tới cuộc họp các nhà lãnh đạo G20 vào ngày 15-16/11 tới cũng tại Bali.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc thăm Philippines
Tổng thống Philippines Romualdez Marcos ngày 6/7 đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang ở thăm nước này.
Tại cuộc gặp, hai bên đã nhất trí về việc tăng cường quan hệ song phương và giải quyết những vấn đề liên quan tới Biển Đông thông qua liên lạc và đối thoại.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Ferdinand Romualdez Marcos cho biết Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Manila và là đối tác phát triển quan trọng, theo đó hai bên cần thúc đẩy hợp tác hiệu quả trong mọi lĩnh vực. Nhà lãnh đạo Philippines bày tỏ hy vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác với Bắc Kinh trong các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, thương mại, giáo dục, văn hóa...
Về phần mình, Bộ trưởng Vương Nghị cho biết quan hệ hai nước đang ở điểm khởi đầu mới và Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Philippines để duy trì mối quan hệ hữu nghị và hợp tác của hai bên. Bộ trưởng Vương Nghị cũng bày tỏ sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với chính phủ mới tại Philippines, đồng thời nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Philippines để đẩy mạnh hợp tác trong 4 lĩnh vực trọng điểm là nông nghiệp, năng lượng, cơ sở hạ tầng và văn hóa.
Cùng ngày 6/7, Bộ trưởng Vương Nghị cũng đã gặp Phó Tổng thống Philippines Sara Duterte-Carpio, trong đó hai bên thể hiện sự sẵn sàng thúc đẩy hợp tác thiết thực song phương trong các lĩnh vực nói trên.
Ấn Độ, Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết bất đồng Ngày 25/3, Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval và Ngoại trưởng nước này Subrahmanyam Jaishankar đã có các cuộc gặp riêng rẽ với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang ở thăm New Delhi, trong đó hai bên đều nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các bất đồng còn tồn đọng. Bộ trưởng Ngoại giao...