Xung đột Hamas – Israel: WHO thông báo 20 bệnh viện tại Dải Gaza ngừng hoạt động
Ngày 10/11, người phát ngôn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Harris cho biết 20 bệnh viện ở Dải Gaza đã ngừng hoạt động hoàn toàn, đồng thời cảnh báo bệnh viện Al Shifa – bệnh viện lớn nhất ở Dải Gaza, có nguy cơ bị tấn công.
Người dân hoảng loạn sau vụ tấn công của Israel nhằm vào bệnh viện ở thành phố Gaza ngày 1/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu với báo giới, bà Harris không đề cập thêm chi tiết về thông tin trên, nhưng cho biết tình hình bạo lực đang leo thang nghiêm trọng ở khu vực. Bệnh viện Al Shifa nằm ở thành phố Gaza, hiện là nơi trú ẩn của nhiều gia đình người Palestine ở Dải Gaza. Israel cho rằng đây là nơi đặt trụ sở của lực lượng Hồi giáo Hamas kiểm soát Gaza và đã kêu gọi người dân ở vùng lãnh thổ này sơ tán về phía Nam.
Cũng tại cuộc họp báo trên, người phát ngôn của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo Liên hợp quốc (OCHA), ông Jens Laerke, cho biết có một số khó khăn trong việc tiếp nhận hàng viện trợ nhân đạo thông qua cửa khẩu Rafah của Ai Cập vào Gaza. Theo ông, trong ngày 8/10, có 65 xe tải chở lương thực, thuốc men, bộ dụng cụ vệ sinh và nước sạch cùng 7 xe cứu thương vào Gaza qua cửa khẩu Rafah. Tuy nhiên, đoàn xe viện trợ này không thể đến được khu vực phía Bắc do địa hình khó tiếp cận.
Rafah là cửa khẩu do Ai Cập kiểm soát và là lối ra duy nhất từ Gaza mà không dẫn đến lãnh thổ của Israel.
Video đang HOT
Cùng ngày, Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga cho biết nước này đã gửi 25 tấn hàng viện trợ nhân đạo đến Ai Cập để đưa vào Dải Gaza.
Trên trang mạng xã hội, bộ trên đăng hình ảnh nhân viên chất hàng hóa viện trợ lên máy bay Il-76 tại sân bay ở thành phố Kazan, miền Trung nước Nga. Thông báo cho biết lô hàng này bao gồm thực phẩm, các sản phẩm vệ sinh, quần áo và bếp xách tay. Hàng hóa nhân đạo đã được bàn giao cho đại diện của Hiệp hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Ai Cập để gửi đến người dân ở Dải Gaza. Đây là chuyến hàng viện trợ thứ 5 của Nga đến Gaza.
Cũng trong ngày 10/11, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này đã điều một tàu bệnh viện dã chiến, vận chuyển các trang thiết bị, xe cứu thương và máy phát điện tới Ai Cập để hỗ trợ người bị thương trong cuộc xung đột ở Gaza.
Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca nêu rõ một tàu chở tổng cộng 51 container vật tư y tế, máy phát điện và 20 xe cứu thương đã rời cảng Alsancak ở thành phố Izmir và khởi hành đến Ai Cập. Bệnh viện này là một phần của gói viện trợ của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho người dân Dải Gaza, được trang bị đầy đủ công năng gồm các phòng mổ và phòng chăm sóc đặc biệt.
Theo Bộ trưởng Koca, con tàu dự kiến sẽ cập cảng Al Arish của Ai Cập vào ngày 11/11. Các bệnh viện dã chiến và xe cứu thương sẽ được triển khai tới Gaza hoặc các điểm gần cửa khẩu Rafah với sự phối hợp của chính quyền Ai Cập.
Liên quan đến hoạt động sơ tán ở Gaza, truyền thông Ba Lan cùng ngày cho biết nước này đã bắt đầu tiến hành sơ tán công dân khỏi vùng lãnh thổ này.
Indonesia hối thúc Israel ngừng tấn công các bệnh viện ở Dải Gaza
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 6/11, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi đã hối thúc Israel ngừng sát hại dân thường và tấn công các cơ sở dân sự, như bệnh viện và nhà thờ tại Dải Gaza.
Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống Gaza, ngày 4/11/2023. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Bộ trưởng Retno kêu gọi Tel Aviv tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, đồng thời khẳng định Bệnh viện Indonesia ở Gaza sẽ tiếp tục hoạt động để điều trị cho các nạn nhân của cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel mặc dù nguồn cung nhiên liệu sắp hết. Bộ trưởng Retno cũng cho biết Bộ ngoại giao Indonesia đang tiếp tục liên lạc với 3 thành viên của nhóm tình nguyện viên MER-C tại bệnh viện trên để đảm bảo an toàn cho họ.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tôn giáo Indonesia Yaqut Cholil Qoumas thông báo đã nhận được chỉ thị của Tổng thống Joko Widodo tìm hiểu thêm các hình thức hỗ trợ khác bên cạnh chuyến hàng viện trợ nhân đạo mà Indonesia đã chuyển cho người dân Palestine ở Dải Gaza hôm 4/11 vừa qua.
Cuộc xung đột Hamas-Israel đã kéo dài gần một tháng kể từ khi Hamas tấn công vào Israel hôm 7/10. Theo thống kê tính đến ngày 6/11 của Cơ quan Y tế tại Dải Gaza, ít nhất 10.022 người Palestine đã thiệt mạng trong các vụ tấn công trả đũa của Israel vào Gaza, trong đó có 4.104 trẻ nhỏ và hàng nghìn dân thường. Bên phía Israel, số người thiệt mạng là khoảng 1.400 người, chủ yếu là dân thường.
* Ngày 6/11, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố cáo cáo cho thấy kể khi nổ ra xung đột Hamas-Israel, khoảng 61% trong tổng số lao động tại Dải Gaza đã mất việc làm, tương đương 182.000 người. Con số ghi nhận tại Bờ Tây là 208.000 người mất việc. Tổng số người mất việc tại cả Dải Gaza và khu Bờ Tây là khoảng 390.000 người, tương đương tổn thất thu nhập lao động mỗi ngày 16 triệu USD.
ILO lưu ý số người mất việc làm và tổn thất thu nhập sẽ ngày càng tăng nếu các hoạt động quân sự ở Gaza và cuộc khủng hoảng nhân đạo ở vùng lãnh thổ bị chiếm đóng này vẫn tiếp diễn.
Giám đốc ILO phụ trách các nước Arab, bà Ruba Jaradat cảnh báo tình trạng thù địch hiện nay không chỉ gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng mà còn gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội "với những hệ lụy sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới". Quan chức ILO cũng nhắc lại lời kêu gọi của tổ chức này về việc đảm bảo tiếp cận nhân đạo nhanh chóng và an toàn cho dân thường ở Dải Gaza.
Cộng đồng quốc tế tiếp tục nỗ lực viện trợ cho người dân Gaza Nhiều nước tiếp tục nỗ lực viện trợ cho người dân tại Dải Gaza trong bối cảnh xung đột Hamas - Israel chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đoàn xe chở hàng viện trợ nhân đạo qua cửa khẩu Rafah để vào Dải Gaza, ngày 21/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN Trong thông báo trên mạng xã hội X rạng sáng 6/11, Quốc vương Jordan Abdullah...