Việt Nam – EU thúc đẩy hợp tác về vấn đề an ninh và khí hậu
Phiên họp lần thứ 4 của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – EU trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác và Hợp tác Việt Nam – EU (PCA) vừa diễn ra tại Brussels (Bỉ).
Quang cảnh Phiên họp lần 4 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – EU triển khai Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU, ngày 27/10/2023. Ảnh: TTXVN phát
Theo thông cáo báo chí sau phiên họp, Việt Nam và EU đã nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác nhiều mặt sâu rộng giữa hai bên, thảo luận nhiều chủ đề trong các lĩnh vực hợp tác song phương, bao gồm các vấn đề chính trị, hợp tác quốc phòng – an ninh, thương mại – đầu tư, phát triển bền vững, viện trợ phát triển chính thức, nghề cá, biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng bền vững, quản trị tốt, pháp quyền và quyền con người. Phía EU đã giới thiệu về Đạo luật Chip và Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng mới của khối, nhấn mạnh nhu cầu đa dạng hóa và bảo đảm chuỗi cung ứng.
Hai bên đã tổng kết các phiên họp trước đó tại Hà Nội của các tiểu ban trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác và Hợp tác; nhất trí tiếp tục tổ chức các phiên họp tiếp theo vào năm 2024.
Việt Nam và EU đã rà soát tình hình hợp tác và quan hệ thương mại trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và cam kết hợp tác thúc đẩy sự thịnh vượng bền vững và bao trùm, hướng tới giải quyết một số tồn tại về quy định và triển khai đầy đủ hiệp định. Hai bên mong muốn tăng cường hợp tác thông qua chuyến thăm Việt Nam vào đầu tháng 11 của Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, ông Valdis Dombrovskis và phiên họp Ủy ban Thương mại lần thứ ba ở cấp Bộ trưởng sẽ diễn ra tại Brussels vào ngày 1/12, tiếp sau các phiên họp lần ba của Ủy ban Thương mại và Phát triển Bền vững, Ủy ban Thương mại Hàng hóa và phiên họp Nhóm Tư vấn trong nước.
Video đang HOT
Phía EU đánh giá cao cam kết của Việt Nam trở thành nước trung hoà carbon vào năm 2050. Tại phiên họp, Việt Nam và EU đã rà soát những tiến triển gần đây trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP).
Khuôn khổ này sẽ thúc đẩy một nỗ lực chung giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế để hỗ trợ Việt Nam phát triển với phát thải thấp và có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. JETP sẽ thúc đẩy đầu tư nhằm giảm phát thải carbon trong hệ thống điện của Việt Nam, đóng góp vào chương trình nghị sự quốc tế về biến đổi khí hậu. Việt Nam và EU sẽ tiếp tục nỗ lực chung để triển khai Kế hoạch Huy động nguồn lực của JETP sớm nhất. Hai bên nhấn mạnh rằng để quá trình chuyển đổi được công bằng, cần tham vấn thường xuyên với truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác để bảo đảm đồng thuận xã hội rộng rãi.
Phía EU đã mời Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lần ba tại Brussels vào ngày 2/2/2024. Việt Nam và EU nhất trí rằng trên cơ sở thành công của các hội nghị trước đó ở Paris, Pháp (2022) và Stockholm, Thụy Điển (2023), Hội nghị Bộ trưởng tại Brussels sẽ tạo cơ hội quan trọng khác để thảo luận về các vấn đề toàn cầu và cách giải quyết hiệu quả hơn các thách thức từ tình hình phức tạp của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Hai bên cũng trao đổi quan điểm về các diễn biến an ninh gần đây và nhất trí cần tìm kiếm giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Về Ukraine, Việt Nam và EU đã nhắc lại quan điểm của mỗi bên như đã được thể hiện ở các diễn đàn khác.
Hai bên cũng nhấn mạnh cần một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững tại Ukraine phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Việt Nam và EU tái khẳng định cam kết đối với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bao gồm việc cần phải tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia. Hai bên cũng trao đổi quan điểm về tình hình ở Trung Đông, Myanmar và thảo luận về quan hệ đối tác EU – ASEAN.
Về Biển Đông, hai bên bày tỏ quan ngại về các diễn biến gần đây và tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải và hàng không tại khu vực, nhấn mạnh tất cả các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Phía Việt Nam và EU đã thảo luận về tiềm năng củng cố hợp tác an ninh, bao gồm cả lĩnh vực an ninh hàng hải và an ninh mạng. EU một lần nữa cảm ơn việc Việt Nam triển khai hai sĩ quan tới Phái bộ huấn luyện của EU tại Cộng hòa Trung Phi.
Hai bên cũng trao đổi quan điểm về phát triển bền vững, bao gồm các cơ hội hợp tác mới do sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu mang lại qua Hội nghị đầu tiên của Sáng kiến được tổ chức tại Brussels vào các ngày 25 – 26/10, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trần Hồng Hà. Phía EU nhấn mạnh sự cần thiết của việc tất cả các đối tác tham gia tích cực vào các vấn đề phát triển.
Việt Nam và EU đã thảo luận về phát triển bền vững nghề cá, bao gồm các biện pháp đang triển khai để chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Hai bên chia sẻ quan điểm và mục tiêu đối với các phiên đàm phán quốc tế về môi trường và đa dạng sinh học nhằm tạo dựng các nỗ lực chung cho phát triển toàn cầu bền vững.
Những yếu tố cơ bản của quan hệ Việt Nam – EU là sự ủng hộ luật pháp quốc tế và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế, quản trị tốt, pháp quyền, tôn trọng các quyền cơ bản và sự tham gia của các đối tác liên quan.
Tham dự phiên họp, về phía Việt Nam có Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng làm Trưởng đoàn. Về phía EU có Quyền Tổng vụ trưởng Tổng vụ châu Á – Thái Bình Dương của Cơ quan Đối ngoại EU Paola Pampaloni làm Trưởng đoàn. Phiên họp cũng có sự tham dự của các quan chức Ủy ban châu Âu, các nước thành viên EU cùng đại diện các cơ quan Chính phủ Việt Nam.
Xung đột Hamas-Israel: Qatar đề xuất duy trì các kênh liên lạc để giải quyết khủng hoảng
Lộ trình duy nhất đi đến giải pháp hòa bình cho Dải Gaza là duy trì các kênh liên lạc.
Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed Bin Abdulrahman al-Thani tại cuộc họp báo ở Doha, Qatar, ngày 25/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là nhận định do Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed Bin Abdulrahman al-Thani đưa ra tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tại Doha ngày 25/10.
Tại cuộc họp báo, ông Al-Thani cam kết Qatar sẽ tiếp tục hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác trong khu vực nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng tại Dải Gaza, đồng thời cho biết "Qatar lên án chính sách trừng phạt tập thể đối với người dân ở Dải Gaza". Ông Al-Thani cũng thông báo có một số tiến triển đạt được trong các cuộc đàm phán về việc thả các con tin bị phong trào Hamas bắt giữ kể từ khi xung đột leo thang giữa lực lượng này với Israel ngày 7/10 vừa qua. Ngoại trưởng Qatar hy vọng sẽ sớm có đột phá trong vấn đề này.
Về phần mình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cảnh báo chiến dịch tấn công trên bộ của Israel nhằm vào Dải Gaza sẽ biến xung đột tại vùng lãnh thổ này trở thành một "cuộc thảm sát".
Cùng ngày 25/10, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi cho rằng trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng là "sử dụng năng lực một cách khôn ngoan", đồng thời cần có giải pháp ngoại giao trong vấn đề Israel và Palestine. Theo Tổng thống Sisi, Ai Cập đang đóng vai trò tích cực trong nỗ lực hạ nhiệt cuộc khủng hoảng ở Dải Gaza.
Nhật Bản: Điều tra chống độc quyền đối với Google Hãng tin Kyodo ngày 23/10 đưa tin Ủy ban Thương mại Công bằng Nhật Bản thông báo bắt đầu mở cuộc điều tra tập đoàn công nghệ Google liên quan cáo buộc tập đoàn này gây sức ép với các nhà sản xuất điện thoại thông minh. Biểu tượng Google. Ảnh: AFP/TTXVN Google bị nghi ngờ ép buộc các nhà sản xuất điện...