Xu hướng chọn ngành 2021: An ninh quốc phòng, báo chí ‘hot’ nhất
Theo thống kê của Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), nếu căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh và nguyện vọng 1 của từng nhóm ngành thì an ninh quốc phòng, báo chí thông tin là những ngành “hot” nhất, chứ không phải kinh doanh – quản lý.
Thống kê của Bộ GD-ĐT về số lượng thí sinh đăng ký NV1 theo một số ngành – CHỤP TÀI LIỆU
Ngày 18.5, Vụ Giáo dục đại học đã thống kê nguyện vọng (NV) của 15/24 nhóm ngành tuyển sinh năm 2021, từ đó đưa ra một số nhận định giúp thí sinh (TS) có thông tin định hình về xu hướng chọn ngành năm nay.
Những ngành nào nhiều thí sinh quan tâm ?
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, để đánh giá tình hình, xu hướng đăng ký ngành năm nay cần phải căn cứ số liệu đăng ký NV1 vì NV1 thể hiện ưu tiên số 1, ngành mong muốn, lựa chọn đầu tiên của TS. Chỉ khi không đỗ NV1, các em mới bắt đầu lựa chọn các ngành nghề khác bằng các NV2, NV3.
Tỷ lệ NV1/chỉ tiêu cho thấy những ngành “hot” nhất, nhiều TS đăng ký nhất năm nay là: an ninh quốc phòng (566,82%); báo chí và thông tin (311,65%); nghệ thuật (210,7%); du lịch khách sạn, dịch vụ cá nhân (201%), khoa học xã hội và hành vi (197,97%). Những con số thống kê này cho thấy nhóm ngành dịch vụ, báo chí thông tin vẫn đang ở vị thế cao, còn an ninh quốc phòng vẫn duy trì vị thế là nhóm ngành hấp dẫn số 1 đối với TS.
Khi xét tổng số NV thì nhóm ngành kinh doanh quản lý chiếm tỷ lệ đăng ký NV cao nhất (32,77%), nhưng khi chỉ xét NV1 thì nhóm ngành này chỉ chiếm 186,1%, đứng thứ 6 trong những nhóm ngành hút TS nhất. Điều này cho thấy nhóm ngành này được nhiều TS lựa chọn cho các NV tiếp theo, nếu NV1 không đỗ.
Đáng chú ý, ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên có tỷ lệ NV đăng ký ở nhóm cao (vị trí thứ 9 trong 24 nhóm ngành tuyển sinh). “Điều này cho thấy việc Chính phủ ban hành và hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên, với ưu đãi chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm học phí và sinh hoạt phí, đảm bảo đầu ra sau tốt nghiệp cũng đã mang lại thêm sức hút cho ngành sư phạm”, bà Thủy nhận xét.
Ngược lại, nhóm ngành ít hấp dẫn nhất (tính theo NV1) là khoa học sự sống (26%) và khoa học tự nhiên (20,1%). Đây là các nhóm ngành khoa học cơ bản, nhu cầu nguồn nhân lực không cao, luôn bị học sinh coi là khô khan và khó.
Học sinh lớp 12 tại TP.HCM làm hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH,CĐ khối ngành sư phạm – ĐÀO NGỌC THẠCH
Thách thức với thí sinh chọn ngành “hot”
Cũng theo bà Thủy, không nên chỉ nhìn vào việc TS đăng ký tập trung vào một số nhóm ngành mà từ đó cho rằng có sự mất cân bằng trong việc chọn nghề của người học. Những con số đó thể hiện xu hướng nghề nghiệp của năm, hoặc của giai đoạn đó (là ngành “hot”, thu nhập đang cao), thể hiện NV của TS và thể hiện phần nào là nhu cầu, là sự dịch chuyển của thị trường lao động, của nền kinh tế.
“Đây là điều hết sức bình thường, vẫn diễn ra mỗi kỳ tuyển sinh, từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, TS cần lưu ý, ở những nhóm ngành “hot” này thì mức độ cạnh tranh sẽ cao, khả năng trúng tuyển sẽ khó hơn các nhóm ngành khác. Đây là thách thức mà các em cần hết sức lưu ý”, bà Thủy khuyến cáo.
1.021.340 TS đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021
Đến thời điểm Bộ GD-ĐT đóng hệ thống dữ liệu (17 giờ ngày 16.5), qua số liệu trên hệ thống dữ liệu quốc gia về thi và tuyển sinh cho thấy có 1.021.340 TS đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Trong đó, số TS chỉ xét tốt nghiệp là hơn 222.500 em. Số còn lại, gần 798.840 TS đăng ký xét tuyển ĐH và xét tuyển CĐ sư phạm mầm non.
Số TS đăng ký NV1 là 792.261 (có con số chênh giữa số TS đăng ký xét tuyển ĐH với số NV1 là do nhiều TS không đăng ký xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021).
Trong khi đó, cả nước có 544.578 chỉ tiêu ĐH và CĐ sư phạm mầm non (trong đó chỉ tiêu CĐ sư phạm mầm non là 14.534). Như vậy, nếu tất cả các trường đều tuyển đủ chỉ tiêu thì tối đa sẽ có khoảng 530.000 TS đỗ ĐH.
Về số NV, đến nay cả nước có 3.821.450 lượt NV, bình quân mỗi TS đăng ký 7 NV. Cá biệt, TS đăng ký đến… 99 NV. Tuy nhiên, đa số (57,57%) các TS đăng ký từ 4 NV trở lại. Từ 5 NV trở lại có hơn 350.000 em (chiếm 44,22%). Tổng số TS đăng ký dự thi bài thi khoa học tự nhiên là 346.399 (chiếm 33,92%). Tổng số TS đăng ký dự thi bài thi khoa học xã hội là 546.041 em (chiếm 53,46%).
Có lo lắng khi chọn học khối ngành xã hội nhân văn ?
Nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng khi con chọn các ngành khối xã hội nhân văn hay sư phạm để xét tuyển vào các trường đại học.
Các chuyên gia tham dự chương trình tối 18.3 cho rằng vẫn có nhiều cơ hội việc làm cho người học khối ngành khoa học xã hội nhân văn, sư phạm - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong buổi tư vấn Chọn ngành học tương lai vào tối 18.3, học sinh không nên có những lo lắng vì cơ hội việc làm vẫn cao và những giá trị khối ngành này mang lại cho người học.
Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, facebook.com/thanhnien, YouTube, TikTok Báo Thanh Niên .
Tuyển sinh 2021: Nên chọn ngành, nghề như thế nào?
Công nghệ phải đi liền với xã hội nhân văn
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho rằng nếu hiện nay chúng ta làm cuộc phỏng vấn nhỏ với học sinh thì có lẽ hơn 50% sẽ muốn học lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, công nghệ để dễ kiếm việc làm và có thu nhập cao.
Trong khi đó, ở khối ngành xã hội nhân văn, những năm gần đây có 2 xu hướng: Tỷ lệ chọi cao rơi vào các ngành luật, du lịch nhưng lại ít thí sinh tham gia xét tuyển vào các nhóm nghiên cứu chuyên sâu như văn hóa, lịch sử, địa lý, Việt Nam học...
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Trường ĐH Duy Tân:
Để hiểu về một con người thì cần nhiều thời gian hơn nên khối ngành khoa học xã hội nhân văn vô cùng quan trọng.Theo tiến sĩ Hải, sự lựa chọn này của học sinh sẽ dẫn đến một thực tế trong tương lai là nhân lực ở một số ngành xã hội nhân văn sẽ bị khan hiếm. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng công nghệ phải gắn với xã hội nhân văn thì mới phục vụ được một xã hội phát triển toàn diện và bền vững.
"Công nghệ không phân biệt được quốc gia này với quốc gia khác nhưng văn hóa sẽ phân biệt được vùng này với vùng khác, dân tộc này với dân tộc khác. Yếu tố nhân văn vẫn là nền tảng. Học kỹ thuật chỉ cần học 3 - 6 tháng là vận hành được máy móc nhưng để hiểu về một con người thì cần nhiều thời gian hơn. Vì thế khối ngành khoa học xã hội nhân văn vô cùng quan trọng", tiến sĩ Hải chia sẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Ân, Trường ĐH Hoa Sen:
Nhóm ngành này còn mang lại cho các em cơ hội hiểu chính bản thân, hiểu các vấn đề xã hội, học được cách quan tâm, kỹ năng xã hội cần thiết.
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tư vấn truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho biết hiện nay thông tin về cách mạng công nghiệp 4.0 tràn lan nên nhiều học sinh trăn trở chọn lựa về khối ngành khoa học xã hội nhân văn, sư phạm. Những người rất tinh tế và sâu sắc mới chọn học khối này và đây là điều rất cần thiết trong xã hội hiện nay. Điểm chuẩn các năm ở khối ngành này khá cao. Nhiều ngành như báo chí truyền thông chưa bao giờ lấy dưới 25 điểm.
Nhưng trong thời đại công nghệ phát triển rất nhanh này, con người có bị thay thế hay không? Theo tiến sĩ Ngô Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định, trong 10 năm nữa, trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế cho cuộc sống con người rất nhiều. Trên YouTube bây giờ cũng có thể thấy rõ điều này. Nhưng công nghệ không bao giờ thay thế hoàn toàn được con người. Công nghệ phát triển đến đâu thì cũng cần người giỏi. Mà người học các khối ngành xã hội nhân văn là những người máy móc không bao giờ thay thế được.
Học không chỉ vì mục tiêu việc làm
Theo thạc sĩ Nguyễn Hồng Ân, quyền Trưởng bộ môn tâm lý học - Khoa Khoa học xã hội và ngôn ngữ, Trường ĐH Hoa Sen, đối với nhóm ngành khoa học xã hội, sinh viên học không chỉ vì mục tiêu việc làm. Nhóm ngành này còn mang lại cho các em cơ hội hiểu chính bản thân, tiềm năng của bản thân, hiểu các vấn đề xã hội, học được cách quan tâm, kỹ năng xã hội cần thiết. Thị trường lao động hiện nay luôn cần kỹ năng linh hoạt, thích ứng thời đại mới... như vậy.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thạch, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM:
Sinh viên khối ngành này cần thêm kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, nắm bắt tâm lý, thích ứng nhanh... thì sẽ thành công.
Vậy học khối ngành này nên chuẩn bị gì để khi ra trường có được công việc tốt nhất? Tiến sĩ Ngô Minh Hải cho biết theo một thống kê tại Mỹ, sinh viên ngành xã hội nhân văn thì 15% làm quản lý, 14% văn phòng hành chính, 13% kinh doanh, 12% giáo dục, 10% làm kinh doanh - tài chính. Trong đó, có những ngành nghề rất "hot" như trợ lý kinh doanh, thư ký giám đốc, quảng cáo, quan hệ công chúng... Gần như những gì chúng ta học khi mới ra trường chỉ là bước đầu tiên của sự nghiệp.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thạch, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho rằng thời này học một ngành có thể làm nhiều vị trí khác nhau. Trong đó, học khối ngành xã hội nhân văn thì càng dễ có cơ hội việc làm. Sinh viên cần thêm kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, nắm bắt tâm lý, thích ứng nhanh... thì sẽ thành công.
Thạc sĩ Trần Thị Thanh Trà, Trường ĐH Mở TP.HCM:
Cơ hội việc làm ngành này khá nhiều và rộng, không chỉ trong cơ quan nhà nước mà còn là các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, giảng dạy...
Chẳng hạn với ngành công tác xã hội, thạc sĩ Trần Thị Thanh Trà, giảng viên Khoa Xã hội học - Công tác xã hội - Đông Nam Á, Trường ĐH Mở TP.HCM, cho rằng cơ hội việc làm ngành này khá nhiều và rộng, không chỉ trong cơ quan nhà nước mà còn là các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, giảng dạy...
Tương tự, thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng khoa Du lịch và Việt Nam học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, lấy ví dụ du lịch đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng chúng ta học xong để 4, 5 năm nữa đi làm, các em đừng quá lo lắng. Ngoài kiến thức chuyên môn, các em hãy rèn luyện thái độ tốt, kỹ năng tốt, đó chính là cái doanh nghiệp cần.
Thạc sĩ Nguyễn A Say, Phó trưởng khoa Xã hội và Truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, khuyên sinh viên khối ngành khoa học xã hội cũng đừng lo lắng việc làm trong tương lai vì quan trọng là thái độ học tập và kỹ năng tích lũy được có đáp ứng với yêu cầu của xã hội hay không.
Thông tin mới về khối ngành xã hội nhân văn và sư phạm Vào 18 giờ 40 hôm nay (18.3), Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến Chọn ngành học cho tương lai với khối ngành xã hội nhân văn và sư phạm. Chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến Chọn ngành học cho tương lai với khối ngành xã hội nhân văn và sư phạm đồng thời sẽ...