Xếp loại hạnh kiểm học sinh, cần sự sâu sát của giáo viên chủ nhiệm
Về các thầy cô giáo chủ nhiệm, cách đánh giá, xếp loại hạnh kiểm học trò cũng muôn hình vạn trạng, mỗi người một vẻ.
Thông tư số: 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông đang là căn cứ chính để nhà trường, giáo viên đánh giá, xếp loại học sinh về học lực lẫn hạnh kiểm.
Nếu như đánh giá về học lực dễ dàng, thuận lợi bao nhiêu (vì nghiêng nhiều về định lượng) thì việc đánh giá hạnh kiểm lại khó khăn, vất vả bấy nhiêu (vì nghiêng nhiều định tính).
Khi đánh giá, phân loại hạnh kiểm học sinh phổ thông, mặc dù từng nhà trường có thêm những quy định riêng, cụ thể hơn nhưng các thầy cô giáo chủ nhiệm vẫn phải đắn đo, suy nghĩ rất nhiều, mới mong có được sự đánh giá, phân loại tương đối chính xác, đúng với từng em.
Có thực trạng một số thầy cô giáo hiện nay đánh giá, xếp loại hạnh kiểm học sinh chưa sát, đúng, gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, tương lai, lựa chọn ngành nghề của các em.
Xếp loại hạnh kiểm học sinh, cần sự sâu sát của giáo viên chủ nhiệm. (Ảnh minh họa: NOP/ Hoinhabaovietnam.vn)
Theo nhiều giáo viên, các quy định chung, khái quát về đánh giá hạnh kiểm của học sinh tại Thông tư 58 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đã rõ ràng và phù hợp, không có vấn đề gì phải bàn luận thêm.
Vậy, căn nguyên mấu chốt đặt ra ở đây là cách xây dựng, thống nhất quy định của từng đơn vị nhà trường và quá trình theo dõi, đánh giá, ghi nhận mức độ tiến bộ của học sinh ở mỗi giáo viên chủ nhiệm.
Hiện nay, nhiều nhà trường vẫn đưa ra những nội quy quá cứng nhắc, khắt khe đối với học sinh, đi trễ 2 lần trong học kỳ không xếp hạnh kiểm khá, tốt, 7 lần không thuộc bài, không bài tập trong học kỳ bị mời phụ huynh và hạnh kiểm yếu…
Video đang HOT
Một số nhà trường nhầm lẫn, duy ý chí giữa năng lực học tập và hành vi, thái độ đạo đức, hạnh kiểm.
Học sinh đó học yếu, lười học, không thuộc bài nhiều lần đã bị điểm yếu, kém, rồi lại còn bị cõng thêm “tội” về hạnh kiểm nữa.
Để đơn giản, thuận tiện trong việc đánh giá hạnh kiểm của học sinh, một số nhà trường đưa ra những tiêu chí mang tính chất định lượng, phép cộng đơn thuần, bao nhiều lần vi phạm tác phong, áo quần, mấy buổi đi trễ, vắng không có phép, mấy lần nói chuyện riêng, gây mất trật tự trong giờ học… mà quy ra hạnh kiểm: tốt, khá, trung bình, yếu, hoàn toàn không phù hợp với bản chất, tính đa diện của phạm trù đạo đức, hạnh kiểm và tâm lý lứa tuổi các em phổ thông.
Về các thầy cô giáo chủ nhiệm, cách đánh giá, xếp loại hạnh kiểm học trò cũng muôn hình vạn trạng, mỗi người một vẻ.
Phạt học trò, đừng làm các em phải ấm ức, sợ hãi!
Học sinh gặp giáo viên sâu sát, hiểu đúng tâm tính, bản chất của học trò thì được nhờ, học sinh gặp giáo viên cứng nhắc, chỉ toàn căn cứ vào biểu hiện, hành vi, thái độ bên ngoài của các em thì chịu phần thiệt thòi.
Họp xét lên lớp, thi đua, khen thưởng cho học sinh cả trường vào cuối học kỳ thường rất gay cấn, căng thẳng, nhất là mặt hạnh kiểm của các em, các tập thể lớp.
Có giáo viên xếp loại hạnh kiểm học sinh khá tùy tiện và cảm tính. Học sinh nọ không vi phạm gì lớn, chỉ “tội” ngủ gật, nói chuyện mấy lần trong tiết học, đùng một cái cuối năm, cô giáo chủ nhiệm xếp hạnh kiểm loại yếu.
Thấy điều bất thường, Hội đồng xét lên lớp, thi đua, khen thưởng nhà trường đề nghị cô giáo giải trình cụ thể về trường hợp đó, cô giáo nói vòng vo một hồi và kết luận câu nghe xanh rờn: “Tôi xếp hạnh kiểm loại yếu đối với trường hợp đó, tại vì em đó có ánh mắt nhìn tôi rất khó ưa.”
Cả Hội đồng sư phạm nhà trường cười một trận ngả nghiêng.
Kết thúc học kỳ, nhiều phụ huynh và các em từng bị “sốc” và phản ứng gay gắt, thậm chí khiếu nại với nhà trường, cấp trên về cách “chấm” hạnh kiểm chẳng giống ai của một số thầy cô giáo chủ nhiệm.
Đánh giá, xếp loại hạnh kiểm của học sinh là một việc nhạy cảm, vô cùng khó khăn và quan trọng, không phải nhà trường, giáo viên chủ nhiệm nào cũng đã làm tốt.
Trước tiên, mỗi nhà trường cần xây dựng, thống nhất các tiêu chí đánh giá hạnh kiểm học sinh một cách vừa khoa học, bài bản vừa phù hợp, nhân văn, làm chỗ “dựa” tin cậy để các giáo viên chủ nhiệm triển khai, vận dụng.
Mỗi năm, nhà trường nên có điều chỉnh, bổ sung nếu thấy cần thiết, một số điều khoản đã lỗi thời, cứng nhắc, không còn phù hợp với thực tiễn nữa.
Bản thân, từng giáo viên cũng phải tự đổi mới, nâng cao ý thức trách nhiệm của mình đối với con em phụ huynh, theo dõi sâu sát, đánh giá đúng bản chất, hành vi, mức độ cố gắng, tiến bộ của mỗi em, không cảm tính, tùy hứng khi xếp loại hạnh kiểm.
Cuối học kỳ, cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm nên dành thời gian hướng dẫn cho các em học sinh (từ lớp 3 trở lên) tự đánh giá, tự kiểm điểm về quá trình tu dưỡng, rèn luyện của mình trong năm học qua (ở nhà).
Sau đó, tổ chức cho cả lớp phát biểu, nhận xét, bình bầu về hạnh kiểm của từng tổ, từng học sinh với tinh thần nhẹ nhàng, cởi mở, chia sẻ, luôn lấy việc nhắc nhở, động viên làm đầu.
Từ bản kiểm điểm của cá nhân học sinh; nhận xét, chia sẻ của tập thể tổ, lớp và quá trình theo dõi của giáo viên, ban quản sinh nhà trường, thầy cô giáo chủ nhiệm cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng và đưa ra quyết định cuối cùng.
Kết hợp hài hòa nhiều nguồn nhận xét, đánh giá như thế, cộng với cái tâm sáng, luôn thấu hiểu, trân trọng, yêu thương học trò như con mình của giáo viên chủ nhiệm thì chắc chắn sẽ không còn chuyện đáng buồn, than trách về hạnh kiểm của học sinh.
Theo GDVN
Cách đánh giá học sinh hiện nay gây nhiều hệ lụy
Bài Không nên đánh giá học sinh chỉ ở hạnh kiểm và học lực trên Báo Thanh Niên số ra ngày 7.9 phản ánh rất đúng về bất cập trong việc đánh giá học sinh (HS).
Ảnh minh họa: Ngọc Dương
Việc đánh giá hiệu quả giảng dạy của giáo viên và việc học của HS chỉ dựa vào điểm số của một số bài kiểm tra như hiện nay là vẫn còn lạc hậu.
Quan trọng hơn, nó dẫn đến nhiều hệ lụy và là rào cản cho lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sắp tới đây. Bởi cốt lõi của chương trình giáo dục phổ thông mới là đổi mới ở 5 phương diện: mục tiêu giáo dục, nội dung chương trình, phương pháp dạy học, cách thức kiểm tra đánh giá và cách quản lý. Trong đó việc đổi mới cách kiểm tra đánh giá là rất quan trọng. Nó hướng đến cách đánh giá năng lực (gồm hiểu biết, kỹ năng và thái độ của người học), khác với cách đánh giá nặng về kiến thức trước đây.
Tuy nhiên, kế hoạch giảng dạy của hầu hết các tổ bộ môn hiện nay chủ yếu là các bài kiểm tra lý thuyết rất hàn lâm theo kiến thức đóng, học gì thi nấy, cách đánh giá quá xem trọng điểm số. Nhiều trường phổ thông coi đó là "tôn chỉ" của việc dạy và học, và chủ trương của ngành giáo dục là hướng đến việc kiểm tra đánh giá mở, chú trọng kỹ năng của HS trong đa dạng các hoạt động đã bị những "tôn chỉ" này ngãng đường.
Chẳng hạn ở môn văn, cách đánh giá HS hiện nay chỉ dừng lại ở đọc và viết. Trong khi đó môn văn rất cần kỹ năng nói. Nếu cứ chú trọng học để thi, học vì điểm thì HS chúng ta sẽ giỏi viết trên giấy nhưng lại vụng về khi giao tiếp. Lối học "vẹt", thiếu sáng tạo, quá lệ thuộc tài liệu của HS, suy cho cùng cũng từ đây mà ra.
Cùng với đó, việc đánh giá xếp loại giáo viên bằng hiệu quả giảng dạy qua điểm số các bài kiểm tra định kỳ của HS là quá phiến diện. Nó dẫn đến hệ lụy là giáo viên tùy tiện cắt xén chương trình học để dạy học "tủ" những trọng tâm. Hơn nữa nó sẽ là rào cản, làm cho giáo viên ngại đổi mới việc dạy học.
Theo Thanh niên
Học lực, hạnh kiểm từ khá trở lên được dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh Sở GD&ĐT Vĩnh Long hướng dẫn thi học sinh giỏi THPT cấp tỉnh năm học 2019-2020 khóa thi ngày 12/1/2020. Ảnh minh họa/internet Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, đối tượng dự thi là học sinh đang học lớp 12 của các trường THCS-THPT và THPT trong tỉnh. Học sinh được dự thi cần có kết quả xếp loại cuối học kỳ I...