Xem xét tiếp nhận du học sinh, sinh viên quốc tế học tiếp tại Việt Nam do dịch COVID-19
Ngày 15/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các cơ sở giáo dục đại học về việc tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế không tiếp tục học tập ở nước ngoài do dịch COVID-19.
Các du học sinh vào khu tập trung tại sân bay quốc tế Washington Dulles, Washington DC, Mỹ để chuẩn bị khởi hành về Việt Nam, ngày 15/5/2020. Ảnh: Đặng Huyền/PV TTXVN tại Mỹ
Công văn nêu rõ, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, việc học tập của một số du học sinh Việt Nam ở nước ngoài bị ảnh hưởng. Hiện nay, nhiều du học sinh đã về nước và có nguyện vọng được tiếp tục học tập ở các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam.
Thực hiện Thông báo kết luận số 238/TB-VPCP ngày 12/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định hiện hành, để hỗ trợ các du học sinh và sinh viên quốc tế có nguyện vọng được học tiếp tại Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các trường triển khai thực hiện một số công việc liên quan đến tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế.
Cụ thể, các trường xem xét, tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế có nhu cầu, có đủ điều kiện tiếp tục học tập vào các chương trình đào tạo quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
Quá trình tiếp nhận này cần phù hợp với điều kiện tuyển sinh và năng lực đào tạo của trường. Người học được tiếp nhận phải đáp ứng yêu cầu đầu vào không thấp hơn điều kiện trúng tuyển chương trình đào tạo tương ứng của trường xin chuyển đến.
Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cần căn cứ vào chuẩn đầu ra, nội dung, yêu cầu của chương trình đào tạo tại trường và số tín chỉ, nội dung học tập, kết quả học tập mà người học đã tích lũy trong thời gian học ở cơ sở giáo dục nước ngoài để xem xét miễn giảm tín chỉ, học phần cho người học theo các quy định hiện hành. Đồng thời, các trường tiến hành rà soát, mở rộng đối tác để phát triển các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và hình thức hợp tác giáo dục khác.
Video đang HOT
Trước ngày 30 hằng tháng, các cơ sở giáo dục đại học cần báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Giáo dục Đại học) kết quả tiếp nhận du học sinh Việt Nam từ nước ngoài trở về và sinh viên quốc tế tới Việt Nam tiếp tục học tập tại trường, theo địa chỉ email vugddh@moet.gov.vn.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các trường liên hệ trực tiếp với Vụ Giáo dục Đại học qua địa chỉ email vugddh@moet.gov.vn để được giải đáp, hướng dẫn.
Du học sinh Việt tại Mỹ phải làm gì trong đại dịch?
Sinh viên tốt nghiệp trong tháng 5 phải cân nhắc kỹ việc về nước vì Mỹ chưa có chính sách cho nộp hồ sơ xin ở lại làm việc từ bên ngoài nước Mỹ.
Làm việc tại Khoa Sinh hóa và Sinh học Phân tử, Oklahoma State University (OSU), tiến sĩ Ellie Phương D. Nguyễn chia sẻ những điều quan trọng du học sinh cần làm trong bối cảnh Covid-19 lan rộng.
Từ ngày 18/3, trường OSU chính thức thông báo chuyển sang chế độ học online cho đến hết học kỳ xuân và sẽ hủy các lễ trao giải thưởng hay tốt nghiệp cuối kỳ nếu tình hình dịch vẫn còn. Giáo viên được tập huấn online để trang bị kỹ năng dạy trực tuyến và được hỗ trợ giải đáp tất cả thắc mắc về việc tổ chức, thiết kế dạy online thế nào cho hiệu quả. Nhà trường gửi đi các thông báo đến nhân viên, sinh viên mỗi ngày để cập nhật tình hình và hướng dẫn các vấn đề quan trọng, có số điện thoại để hỗ trợ 24h/7 khi sinh viên cần tư vấn.
1. Về ăn ở: Trường khuyến khích sinh viên không ở lại ký túc xá đông để hạn chế lây nhiễm, nhưng sẽ hỗ trợ ăn, ở cho sinh viên phải ở lại, như sinh viên quốc tế. Các bữa ăn sẽ được để trong hộp để mọi người lấy mang về phòng chứ không ngồi ăn tại chỗ như trước đây nhằm tránh lây nhiễm.
Nếu sinh viên không ở ký túc xá thì nên tự dự trữ thức ăn, nhu yếu phẩm và thuốc men đủ dùng trong ít nhất 2 tuần hay tốt nhất là 30 ngày, phòng trường hợp phải cách ly trong nhà vài tuần.
Sinh viên Đại học Boston, bang Massachusetts, thu dọn đồ đạc rời khỏi ký túc xá ngày 18/3. Ảnh: Nancy Lane/ Boston Herald.
2. Về y tế và bảo hiểm: Khi sinh viên có dấu hiệu nhiễm bệnh cần liên hệ các chuyên viên y tế hay bác sĩ qua điện thoại hoặc website trực tuyến được trường cung cấp (liveMD) để mô tả triệu chứng cụ thể, từ đó sẽ được hướng dẫn xét nghiệm Covid-19 nếu cần. Bảo hiểm y tế của sinh viên sẽ chi trả hoàn toàn phí xét nghiệm nếu có yêu cầu xét nghiệm của bác sĩ hoặc chuyên viên y tế. Do vậy sinh viên không tự ý làm xét nghiệm, hãy xin chỉ định của bác sĩ, tránh mất phí.
Ngoài ra, sinh viên còn có thể đến các phòng khám hoặc gọi 911 nếu cần cấp cứu, bảo hiểm sẽ chi trả với mức đã ghi trong chính sách, phía bệnh nhân sẽ trả phí co-pay & deductibles được liệt kê cụ thể trong gói bảo hiểm.
3. Thư viện của trường vẫn mở cửa cho sinh viên vào truy cập Internet hoặc in ấn tài liệu học. Các trung tâm hỗ trợ việc học và thủ tục cần cho sinh viên vẫn làm việc trực tuyến để trả lời qua email hoặc điện thoại. Nhưng các trung tâm thể thao, sinh hoạt đội nhóm đều đóng cửa trong thời gian này.
4. Sinh viên đang được tài trợ làm nghiên cứu thì tùy theo sự phân công của giáo sư hướng dẫn mà có thể đến lab hoặc làm từ xa để tiếp tục đề tài, nhưng sẽ cắt giảm bớt nhân sự hoặc thay phiên nhau vào lab để giảm rủi ro lây nhiễm.
5. Nếu sinh viên quyết định về nước thì cần liên hệ trực tiếp với Trung tâm quốc tế (International Center) của trường mình để tiến hành thủ tục và lấy giấy tờ cần thiết. Ở OSU, sinh viên được hướng dẫn các bước sau, hầu hết là yêu cầu chung cho phần lớn đại học Mỹ.
- Kiểm tra tất cả tài khoản cần trả tiền của mình để thanh toán xong trước khi rời khỏi Mỹ để tránh rắc rối khi làm thủ tục quay lại học.
- Thảo luận với người phụ trách học thuật của mình (Academic Advisor) về các khóa học cần hoàn tất, các tín chỉ cần đăng ký cho học kỳ sau cho đúng thời hạn. Nếu chuẩn bị tốt nghiệp thì cần đăng ký tốt nghiệp trễ nhất là đầu tháng 4.
- Cần hoàn tất tốt các khóa học online đang theo học của trường để đảm bảo điểm số tốt dễ xin visa khi quay lại.
- Đặc biệt sinh viên tốt nghiệp trong tháng 5 này thì phải cân nhắc kỹ việc rời khỏi Mỹ vì hiện nay Mỹ chưa có chính sách cho sinh viên nộp hồ sơ xin OPT (Optional Practical Training), loại giấy phép để xin ở lại làm việc ở Mỹ sau khi tốt nghiệp, từ bên ngoài nước Mỹ. Do vậy bạn cần quay lại Mỹ kịp thời hạn để nộp hồ sơ xin OPT thì mai này mới được làm việc ở Mỹ một cách hợp pháp.
- Sinh viên cần điền form online của Trung tâm quốc tế (International Center) xin travel signature trên form I-20 để mai này có thể xin visa quay lại. Nếu phải quay về gấp không kịp chờ đến hẹn thì có thể về nước trước rồi đăng ký gửi form đó về nhà mình sau.
Để quyết định ở lại Mỹ hay quay về, du học sinh cần xem xét các chính sách hỗ trợ của trường mình và điều kiện hỗ trợ mà mình có thể nhận được, từ đó tùy theo tình hình thực tế mà cân nhắc. Nếu ở lại, các bạn tuân thủ theo hướng dẫn của trường và thành phố nơi mình ở, hạn chế đi lại, tụ tập đông người.
Còn nếu bạn quyết định về nước thì phải chuẩn bị đầy đủ thủ thục cần thiết hỗ trợ tốt nhất cho việc quay lại sau này khi hết dịch, và cũng hết sức cẩn thận khi đi máy bay vì khả năng phơi nhiễm trong không gian hẹp trong nhiều giờ là không thể kiểm soát được, nguy cơ lây nhiễm cũng cao hơn.
Đến ngày 20/3, Covid-19 đã lan ra hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, làm gần 245.000 người nhiễm bệnh, hơn 10.000 người chết. Riêng Mỹ ghi nhận hơn 14.360 ca nhiễm, 217 người chết; Việt Nam ghi nhận 87 ca nhiễm, trong đó 17 người đã khỏi.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 190.000 du học sinh Việt Nam đang học tập ở nước ngoài, Mỹ chiếm số lượng nhiều nhất - 29.000. Ngày 19/3, Bộ đã khuyến cáo du học sinh cân nhắc kỹ các rủi ro khi quay về Việt Nam, tuyệt đối tuân thủ quy tắc phòng dịch ở nước sở tại và bám sát nội dung khuyến cáo của đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài.
Du học sinh nên ở trong nhà và không đến nơi công cộng nếu không thực sự cần thiết; theo dõi chặt chẽ kế hoạch học tập, thủ tục liên quan đến việc nhập học lại. Trường hợp thật sự cần thiết phải trở về Việt Nam, du học sinh phải trung thực khai báo y tế, cách ly theo quy định của Bộ Y tế.
Tiến sĩ Ellie Phương D. Nguyễn
Du học sinh nên làm gì trong đại dịch? Về Việt Nam hay ở lại vùng dịch có nguy cơ như nhau, du học sinh nên cân nhắc thật kỹ, làm tất cả những gì có thể để bảo vệ mình. Chị Nguyễn Vũ Thanh An, thạc sĩ giáo dục học Đại học Harvard và Nguyễn Hạnh Chi, Trưởng văn phòng Tư vấn Đại học, Du học và Hướng nghiệp trường Olympia...