Xây dựng trường học hạnh phúc theo nguyên tắc nào?
Trường học hạnh phúc cho trẻ em là mong mỏi của toàn xã hội chứ không riêng gì giáo viên, học sinh hay phụ huynh.
Và kể cả trong trường học hạnh phúc thì vẫn sẽ có những lúc học sinh có lỗi, bị kỷ luật nhưng các em vẫn sẽ cảm thấy mình hạnh phúc vì được thầy cô tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ và sẵn sàng hỗ trợ.
Trường học hạnh phúc là nơi các em được thầy cô tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ . (Ảnh minh họa) .
Hiểu học sinh để giải quyết thấu đáo
Cuối năm 2019, trong một lần trao đổi với truyền thông, cô giáo Nguyễn Thị Minh Nguyệt, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A5 Trường Trung học phổ thông Lê Văn Thịnh ( huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, ở lớp cô từng chủ nhiệm có một học sinh bố mẹ chia tay và em ở với bố.
Dù mẹ kế hết mực yêu thương nhưng em rất ngang bướng không nghe lời gia đình, chểnh mảng học hành. Qua tìm hiểu cô Nguyệt biết được hoàn cảnh của em này và dành thời gian riêng ngồi trò chuyện, tâm sự với học trò để phân tích, chia sẻ giúp em thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực, cố gắng hơn trong học tập và cách ứng xử trong gia đình.
Sau đó em đã thay đổi tích cực, mẹ kế của em rất hài lòng.
Một lớp khác cô chủ nhiệm có học sinh thường xuyên bỏ học đi chơi điện tử. Cô Nguyệt đã mất rất nhiều thời gian để gặp riêng học sinh đó, đồng thời thường xuyên đến nhà để gặp gỡ trò chuyện với phụ huynh cùng tìm cách tháo gỡ. Rất mừng sau đó em đã quyết tâm không chơi điện tử, tập trung học tập.
“Mỗi giáo viên chủ nhiệm có phương pháp và cách làm riêng. Đặc biệt đối với lớp có nhiều học sinh cá tính. Dù bằng phương pháp nào đi nữa, điều quan trọng nhất là giúp học sinh hạnh phúc, vui vẻ đến trường, truyền cảm hứng để các em cố gắng phấn đấu trong học tập và cuộc sống. Công việc của giáo viên chủ nhiệm thật sự bận không khác gì con mọn, cần tìm hiểu về từng hoàn cảnh, gia đình các em ra sao, điều kiện như thế nào…
Khi hiểu các em một phần tính cách và hoàn cảnh gia đình các em mình sẽ có cách xử lý vấn đề được thấu đáo. Đối với học sinh trung học phổ thông, giáo viên chủ nhiệm như người mẹ thứ hai. Tuổi các em rất dễ nổi loạn, ương bướng nên giáo viên chủ nhiệm phải thật kiên nhẫn, mềm mỏng, nhưng khi cần cũng phải cứng rắn, nghiêm khắc. Điều quan trọng hơn hết đó là tận tâm với học trò của mình, em nào cá tính mình phải dành nhiều thời gian để giúp đỡ, chia sẻ”, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết.
Ngày 15/9/2021 Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Theo đó, các hình thức kỷ luật như phê bình trước lớp, trước trường; cảnh cáo ghi học bạ; buộc thôi học có thời hạn không còn nữa mà thay vào đó là các biện pháp nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
Thông tư này nhận được nhiều sự đồng tình của giáo viên, phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên theo nhiều nhà giáo, trong quá trình áp dụng các biện pháp mới này cũng cần có những cách thức áp dụng phù hợp, không máy móc, rập khuôn và cũng cần tránh các rủi ro có thể đem lại từ việc áp dụng các biện pháp giáo dục này. Mỗi giáo viên nên coi việc áp dụng kỷ luật tích cực là một “lối sống” tích cực, chứ không phải là việc bắt buộc phải làm, theo quy định của ngành giáo dục hay của nhà trường.
Giáo dục tích cực – mềm mỏng hay cứng rắn?
Tiếp tục luồng tư duy này, mới đây Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em thực hiện Tọa đàm trực tuyến “Mềm mỏng hay cứng rắn – Giáo dục tích cực” dành cho thầy, cô giáo.
Video đang HOT
Tại Tọa đàm, là một cô giáo có nhiều năm giảng dạy và đồng hành cùng học sinh, cô giáo Phạm Thị Bích Hồng (Giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) chia sẻ “phương pháp mà tôi đang áp dụng với học sinh của mình là mềm mỏng, linh hoạt nhưng có nguyên tắc và có kỷ luật. Việc áp dụng “mềm mỏng” hay “linh hoạt” phụ thuộc vào từng hoàn cảnh, tình huống, tích cách của mỗi học sinh hay tính chất của sự việc. Tôi luôn cố gắng để các con cảm thấy rằng con luôn có người đồng hành và được yêu thương kể cả khi con bị kỷ luật”.
Có thể thấy, hiện nay, dù có nhiều thay đổi về nhận thức cũng như hành động nhưng hai xu hướng giáo dục khá đối lập nhau vẫn tồn tại trong các nhà trường, đó là “mềm mỏng” và “cứng rắn”. Không ít giáo viên có tâm lý e ngại rằng nếu thân thiện, “mềm mỏng” với học sinh thì học sinh sẽ “nhờn”, sẽ không chấp hành nội quy lớp học, dẫn đến ảnh hưởng tới nền nếp và kỷ luật chung của cả trường. Chính vì vậy mà rất nhiều giáo viên hiện nay vẫn quan niệm rằng thầy cô phải “cứng rắn”, phải áp dụng kỷ luật “thép” thì mới tạo được “uy” trước học sinh, mới rèn giũa học trò vào nền nếp được.
Chia sẻ về việc phối hợp giữa giáo viên và gia đình trong việc giáo dục trẻ em, bà Đỗ Thị Trang (Thạc sỹ tâm lý học, Trưởng phòng Tham vấn học đường Trường Marie Curie) cho biết: “Việc có nhiều phụ huynh yêu cầu giáo viên “phạt nặng” đối với con mình, thực chất cũng là muốn con tốt lên.
Tuy nhiên, các giáo viên hãy sử dụng những phương pháp, kĩ năng, kiến thức của mình để phối hợp với gia đình uốn nắn trẻ, áp dụng phương pháp kỉ luật tích cực. Việc nghiêm khắc, cứng rắn khi áp dụng với trẻ nhỏ sẽ khiến trẻ sợ và nghe lời, tuy nhiên sẽ không còn phù hợp với trẻ lớn hơn, khi đó trẻ dễ làm theo kiểu đối phó. Hầu hết các em mong muốn được khuyên nhủ, “mềm mỏng”, được lắng nghe và tôn trọng. Nếu giáo viên có suy nghĩ, tư duy tích cực thì sẽ tìm ra những phương pháp giáo dục tích cực với học sinh”.
Xây dựng trường học hạnh phúc cho trẻ em – đó là mong mỏi của toàn xã hội chứ không riêng gì giáo viên, học sinh hay phụ huynh. Là một chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm về quản lý giáo dục, ông Đặng Tự Ân – Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (VIGEF) đưa ra quan điểm:
“Trường học hạnh phúc không phải khái niệm phức tạp, đó đơn giản là nơi mà mọi người ở đó, bao gồm cả học sinh, giáo viên, nhân viên của nhà trường và phụ huynh đều hạnh phúc. Vai trò của hiệu trưởng, giáo viên rất quan trọng, bản thân họ phải hạnh phúc thì mới có thể lan tỏa sự hạnh phúc tới học sinh”.
Khen công khai – Phạt cá nhân
Theo cô giáo Phạm Thị Bích Hồng (Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam), để một đứa trẻ hạnh phúc, cần một hệ thống thống nhất, từ hiệu trưởng đến thầy cô rồi đến học sinh. “Trong những lúc chúng tôi giảng dạy, cũng có lúc các em mắc lỗi.
Do vậy ngay từ đầu năm học, thầy trò chúng tôi đã cùng thảo luận để các em thống nhất về những mục tiêu, biện pháp thưởng – phạt và sau đó cùng thực hiện theo thỏa thuận. Và tôi cũng có nguyên tắc là “Khen công khai – Phạt cá nhân”.
Những lúc nói chuyện riêng với các em phạm lỗi, tôi cùng các em chia sẻ nguyên nhân vì sao các em mắc lỗi và thỏa thuận rằng với những lỗi này, cô có thể xử lý không, xử lý như thế nào và cùng trao đổi với các em để tìm ra biện pháp khắc phục”, cô Hồng cho biết.
Cô hạnh phúc dạy trò biết yêu thương
Bén duyên với ngôi trường tiểu học xinh xắn nằm bên bờ sông Hồng sau bước ngoặt lớn trong cuộc đời, cô Nguyễn Thị Hương Nhung - giáo viên Mỹ thuật Trường Tiểu học Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội) luôn tâm niệm:
Cô Hương Nhung (ngoài cùng bên phải) bên học sinh đoạt giải thưởng Sáng tạo Thanh Thiếu niên Nhi đồng cấp thành phố năm 2020.
Hạnh phúc trong cuộc sống và trong công việc dạy học của cô có được là bởi được hòa mình trong mái trường hạnh phúc, giàu lòng yêu thương, nhân ái...
Bước ngoặt cuộc đời
Cô Hương Nhung từng là giáo viên công tác tại Khoa Công nghệ may và thiết kế thời trang, Trường Cao đẳng nghề số 17 - Bộ Quốc phòng.
Hơn 10 năm công tác tại trường, qua mỗi bài dạy, cô luôn cố gắng truyền cảm hứng, động lực đến với các thế hệ học trò nhằm giúp các em có được những định hướng rõ nghề nghiệp cho mình.
Miệt mài với công việc nhiều sáng tạo, cuộc sống của cô Hương Nhung trở nên xáo trộn kể từ khi cô sinh con thứ hai.
Như bao bà mẹ khác, cô đón con trai ra đời trong niềm hạnh phúc vô bờ, mừng vui khôn xiết của gia đình.
Nhưng "niềm vui ngắn chẳng tày gang", khi nuôi bé, cô nhận thấy con mình chậm hơn những em bé bình thường khác, bé hành động vô thức, khác lạ...
Nước mắt người mẹ trẻ đã âm thầm chảy ngược vào trong, cô luôn ám ảnh suy nghĩ: Tương lai của con sẽ ra sao nếu như con chỉ là một đứa trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ?
Cô mong muốn có phép nhiệm màu để con trai bé bỏng của mình trở nên bình thường, nhanh nhẹn, hoạt bát như những đứa trẻ cùng trang lứa.
Nhưng thời gian để chăm sóc và dạy dỗ con cứ hẹp dần theo năm tháng khi con trai ngày càng lớn mà cô vẫn phải đi làm cả ngày, đường sá xa xôi.
Mỗi khi về đến nhà, cô mong những bước chân nhỏ bé của con chạy ra cổng, líu lo chào mẹ và sà vào lòng mẹ để được nũng nịu, yêu thương... nhưng con chỉ nhìn mẹ và không hề có biểu cảm gì. Cô thương con và trăn trở, đau đáu những nghĩ suy...
Khi đến tuổi đi học, con may mắn được Ban giám hiệu Trường Tiểu học Giang Biên tiếp nhận vào học lớp Một theo diện "trái tuyến", học "hòa nhập".
Hiểu được hoàn cảnh, các cô giáo muốn tạo cho con cơ hội để được chơi, được học, hòa mình vào môi trường học tập như bao bạn nhỏ đồng lứa khác, chứ không bị kỳ thị hay e ngại ảnh hưởng đến hoạt động dạy, học của trường.
Ngày mới đến trường, con chậm chạp, nhút nhát, khả năng giao tiếp và tiếp thu rất hạn chế. Dù yên tâm gửi gắm con học tại ngôi trường thân thiện, nhưng cô Nhung luôn mong ước được làm người thầy của con ở mái trường nơi con đang học, sát cánh từng bước đi của con.
Cô đã mạnh dạn đề đạt nguyện vọng với Ban giám hiệu nhà trường và được tạo điều kiện tuyển hợp đồng dạy môn Mỹ thuật tại trường.
Cô quyết định xin thôi việc tại Trường Cao đẳng nghề số 17 - Bộ Quốc phòng để chuyên tâm công tác và có điều kiện dạy dỗ, chăm sóc con trai tại ngôi trường mới.
"Dạy và học tại Trường Tiểu học Giang Biên, điều mà mẹ con tôi thấy hạnh phúc chính là lòng nhân ái, tình yêu thương, sự sẻ chia của Ban giám hiệu và đồng nghiệp. Chính sự trao yêu thương ấy là "sức mạnh" để tôi muốn làm việc và cống hiến lâu dài tại nhà trường" - cô Nhung chia sẻ.
Em Đinh Đức Hùng - lớp 4A3 (con trai cô Hương Nhung) đoạt Huy chương Vàng Triển lãm nghệ thuật trực tuyến Quốc tế Nirantar Art Group (tại Ấn Độ) năm 2021.
Niềm vui bên học trò, niềm hạnh phúc bên con
Ngoài thời gian đi dạy học, cô Hương Nhung còn tích cực tự học, bồi dưỡng. Cô tham gia thêm lớp học can thiệp, học hỏi kinh nghiệm từ các giáo viên chuyên biệt để có phương pháp dạy học phù hợp, giúp con phát triển, thay đổi bản thân thích ứng với môi trường học tập, khả năng tự phục vụ. Cô đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm - Khoa Giáo dục đặc biệt.
Khó khăn không nản, "trái ngọt" đã đến với cô sau một hành trình dài đồng hành cùng con bên sự giúp sức của nhà trường, cô giáo chủ nhiệm...
Đến nay con trai cô đã hoàn thành lớp 4 và có tiến bộ rõ rệt. Khả năng giao tiếp và nhận thức của con gần như các bạn cùng trang lứa.
Luôn chuẩn bị chu đáo bài giảng khi lên lớp, cô Nhung tràn đầy nhiệt huyết, truyền cảm hứng cho học sinh qua mỗi giờ học, nét vẽ. Các em đón nhận kiến thức của cô trong niềm hứng khởi, say sưa.
Những sản phẩm học tập của học sinh cô nhận được sau mỗi tiết học đã tạo cho cô niềm vui và sự sáng tạo, cống hiến.
Cô trao niềm vui trong học tập đến với các em. Và thứ cô nhận lại là niềm hạnh phúc đang lớn lên từng ngày ở trò, đó là sự cảm nhận và thẩm thấu cái đẹp, tư duy thẩm mỹ.
Niềm vui trong lao động, học tập của cô Hương Nhung cùng các em nhỏ được nhân lên khi trong hai năm học qua, hưởng ứng cuộc thi Sáng tạo Thanh Thiếu niên Nhi đồng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động, học sinh của cô đã giành được những giải thưởng đáng khích lệ: 5 em đoạt giải Ba cấp Thành phố với tác phẩm "Sinh hoạt văn hóa cộng đồng Tây Nguyên" năm 2019;
Bốn em đoạt giải Khuyến khích cấp Thành phố với tác phẩm "Bộ sưu tập thời trang họa tiết, hoa văn dân tộc" năm 2020; Một học sinh đoạt Huy chương Vàng; Một học sinh đoạt Huy chương Bạc Triển lãm nghệ thuật trực tuyến Quốc tế Nirantar Art Group (tại Ấn Độ) năm 2021... Trong đó, Huy chương Vàng thuộc về con trai cô Hương Nhung - em Đinh Đức Hùng lớp 4A3.
Cô Nhung cho biết: "Dạy học sinh tiểu học về Mĩ thuật, cái đẹp, tôi đã tập trung vào việc đổi mới cách dạy và học. Mục tiêu của tôi là luôn chú trọng vào học sinh, giúp các con hiểu và nhận thức ra vấn đề cần truyền tải một cách hiệu quả, từ đó phát huy khả năng sáng tạo của mình.
Cô Hứa Thu Huyền - nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Biên chia sẻ: Với lòng yêu thương của người mẹ, lòng yêu nghề, nhiệt tình tâm huyết của người thầy, cô Hương Nhung đã thổi vào tâm hồn học sinh tình yêu cái đẹp, chân, thiện, mỹ...
Cuộc hành trình cùng con đến với nghề dạy học sinh tiểu học của cô Nguyễn Thị Hương Nhung là những điều chúng tôi đã thấy và cảm nhận được từ cuộc sống luôn tiềm ẩn những điều kỳ diệu. Như một duyên lành, cô mang đến cho chúng tôi một cậu học trò nhưng ẩn sau đó là cả tấm lòng bao la, nghị lực vượt khó của một người mẹ...
Sau tất cả những hi sinh cho con, tận tâm cho nghề dạy học, cho học trò, cô Hương Nhung bộc bạch: Tất cả những gì tôi cố gắng thay đổi, nỗ lực cống hiến là để tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc bình dị nhất cho con trai mình và những học trò nhỏ thân thương. Các con xứng đáng được hưởng một cuộc sống an yên và một nền giáo dục đổi mới, sáng tạo, một môi trường hạnh phúc xuất phát từ tình yêu thương của mỗi thầy cô giáo và những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục nước nhà, đến sự phát triển của trẻ em.
Xây dựng trường học hạnh phúc: thầy Hiệu trưởng xin được làm bạn với học sinh Theo quan điểm của thầy giáo Đinh Hồng Tiệp, để xây dựng trường học hạnh phúc, mọi hoạt động phải thiết thực và luôn hướng về đúng chủ thể. Năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai cuộc vận động xây dựng "Trường học hạnh phúc". Các nhà trường trên khắp cả nước dựa trên tiêu chí yêu thương, an...