Xác lập lại vị thế người thầy: Bắt đầu từ đâu, làm thế nào ?
Trao đổi với Thanh Niên, nhiều nhà giáo cho biết hơn ai hết họ mong mỏi vị thế nhà giáo được xác lập trở lại xứng đáng với công sức – tâm huyết của các thầy cô, với cả ý nghĩa mà nghề giáo mang đến cho xã hội.
Giáo viên mong mỏi vị thế nhà giáo được xác lập trở lại xứng đáng với công sức – tâm huyết của mình – NGỌC DƯƠNG
Theo các nhà giáo, họ mong mỏi vị thế của người thầy được xác lập như nó vốn có. Nhưng việc xác lập lại làm sao để không chỉ là lời nói suông và bắt đầu từ đâu, làm thế nào… là những câu hỏi không chỉ dành cho người đứng đầu ngành GD-ĐT mà còn nằm ở chính các nhà giáo.
Ngày thứ 2 làm việc tại Bộ GD-ĐT với tư cách Bộ trưởng, ông Nguyễn Kim Sơn đã có bức thư gửi các nhà giáo trên toàn quốc. Trong thư, tân Bộ trưởng đề cập “vị thế của nhà giáo”, với sự thấu hiểu “chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo chúng ta cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được giữ gìn”.
Trao đổi với Thanh Niên, nhiều nhà giáo cho biết hơn ai hết họ mong mỏi vị thế nhà giáo được xác lập trở lại xứng đáng với công sức – tâm huyết của các thầy cô, với cả ý nghĩa mà nghề giáo mang đến cho xã hội.
Phải từ đời sống giáo viên
“Vị thế người thầy”, từ ngày tôi theo nghề sư phạm, tôi luôn nghĩ đến điều tương tự. Con người ta sống và làm việc muốn hiệu quả, muốn phát triển thì phải có tình yêu với nghề và niềm tự hào, niềm kiêu hãnh làm nghề.
Suốt gần 30 năm dạy học, rất nhiều khi tôi có được niềm tự hào và kiêu hãnh ấy. Bởi vì sự trân trọng, yêu quý của học sinh, của cha mẹ học sinh như một thứ men dễ làm say lòng người, làm thăng hoa tình yêu nghề nghiệp nơi tôi.
Tuy vậy, cũng rất nhiều khi niềm kiêu hãnh và tự hào bị tổn thương, có những khi là trầm trọng. Nguyên nhân từ nhiều phía. Từ sự đãi ngộ không tương xứng mà càng ngày càng rõ, khoảng cách với các nghề khác ngày một xa là một nỗi day dứt của rất nhiều nhà giáo giỏi và tâm huyết.
Từ những bất công với nghề giáo mà ta thấy hằng ngày. Từ những giáo điều, sáo rỗng. Từ sự tha hóa của những người làm thầy. Từ sự chao đảo của ngành trong những năm qua…
ẢNH: NVCC
Vị thế người thầy mà được nâng cao thì sẽ là bước đột phá lớn. Nhưng bắt đầu từ đâu? Sẽ làm thế nào? Làm sao để đó không chỉ là lời nói suông? Đây là bài toán khó. Theo tôi, có lẽ phải từ đời sống giáo viên, từ sự đãi ngộ tương xứng, công bằng. Mặt khác, phải nâng tầm tri thức và hiểu biết cho những người đứng trên bục giảng. Chắc phải có nhiều hơn nữa sự tôn vinh và tri ân những người thầy giỏi. Phải làm sao để người thầy được tự hào khi làm tốt và phải xấu hổ khi làm tồi. Nếu có sự quyết tâm từ người đứng đầu thì chắc bài toán khó trên sẽ được giải dần dần.
Phạm Văn Hoan (Hiệu trưởng Trường PTCS Xã Đàn, Hà Nội)
Làm tốt vai trò dạy chữ, dạy người
ẢNH: NVCC
Khi nhà giáo làm tốt vai trò của người dạy chữ, dạy người, nhà giáo đã củng cố vị thế và xứng đáng với vị thế của mình. Nếu dạy xong một bài, làm xong một việc, người giáo viên cảm thấy hạnh phúc vì đã tận tâm, tận lực tìm tòi những giải pháp tốt nhất để lợi ích của học trò luôn được đặt lên trên hết thì người giáo viên đó chắc chắn không chỉ có tầm ảnh hưởng lớn lao, có vị trí quan trọng trong trái tim của mỗi học trò mà còn nhận được sự tin yêu, tôn trọng của cha mẹ học sinh. Cộng đồng những nhà giáo như vậy sẽ xây dựng được vị thế xứng đáng của nghề giáo trong xã hội.
Cũng có những ý kiến cho rằng nhiều nhà giáo đã làm rất tốt công việc của họ, nhưng vị thế mà họ được nhận chưa xứng đáng, do xã hội ngày nay bớt sự tôn trọng dành cho người thầy. Để nhìn nhận một vấn đề cần phải có sự bao quát. Không thể chỉ nhìn vào một vài hiện tượng để nói là xã hội không tôn trọng. Nếu thầy cô tâm huyết, hết lòng vì học trò, chịu khó trau dồi chuyên môn, sớm muộn gì cũng được phụ huynh, học sinh nhận ra và dành cho họ sự quý trọng.
Video đang HOT
Nguyễn Thị Thu Anh (Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)
Nghĩ về học sinh để bồi đắp tình yêu nghề
Tôi đồng ý với Bộ trưởng, khi chúng ta nghĩ về học trò, thì chúng ta như được bù đắp những cảm giác mất mát, nếu có. Nếu nhận thức sâu sắc ý nghĩa về “nghề thầy”, thì mỗi nhà giáo chúng ta sẽ tự biết cần phải làm gì để bồi đắp tình yêu nghề.
ẢNH: NVCC
Nếu một người thầy tồi, rất có thể họ sẽ làm hỏng nhiều thế hệ. Vì vậy giáo viên hãy giúp các em sống “đam mê” và có trách nhiệm; giúp các em có niềm tin vào bản thân mình. Phải là các em, bằng chính bản thân mình, làm cho cuộc sống của mình, của bao người khác tốt đẹp hơn.
Sự bền vững của xã hội cần được chăm bón từ những tâm hồn thơ ngây. Để một mai, các em lớn lên đủ sức thực hiện những khát vọng. Để các em có thể mở rộng trái tim, chào đón mọi người.
Một xã hội, với những con người như thế, chắc chắn sẽ tươi đẹp và đáng sống. Vậy nên, giáo viên hãy đem đến những điều đúng, những điều tốt đẹp, tiếp cho học sinh sức mạnh để tin vào lẽ đúng sai, có lý tưởng, có dũng khí, để vươn lên những tầm cao.
PGS Chu Cẩm Thơ (Phó trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục – Viện Khoa học giáo dục Việt Nam)
Hãy học hỏi và trau dồi để xứng đáng với học sinh
Xưa, khi người thầy là “đỉnh cao trí tuệ”, là tinh hoa tri thức của xã hội, họ được trọng vọng. Nay, mọi sự đã khác. Người thầy nếu không chịu học hỏi thêm về chuyên môn kiến thức, không rèn luyện tu dưỡng nhân cách, không chăm chút trong cách đối nhân xử thế thì đừng trách vì sao xã hội không còn trân trọng như xưa!
ẢNH: NVCC
Đối tượng học sinh của chúng ta đã khác. Phụ huynh của chúng ta càng khác. Nên đừng nghĩ được gắn cái mác giáo viên mà mặc định họ phải tôn trọng. Đừng nghĩ mình là thầy cô mà áp đặt trò. Đừng nghĩ cái cách ngày hôm qua đúng là ngày mai cũng đúng. Tôi từng viết rất chân thành rằng “học trò là người thầy đặc biệt của tôi”. Bởi vì tôi luôn học từ trò, luôn rút ra bài học kinh nghiệm cho mình từ trò. Muốn được học sinh và phụ huynh tôn trọng, hãy tôn trọng họ! Muốn được họ tôn trọng, hãy học hỏi và trau dồi để mình xứng đáng.
Phạm Thị Thái Lê (Giáo viên Trường THCS Marie Curie, Hà Nội)
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân
ẢNH: NVCC
Thời gian gần đây có một số câu chuyện không vui của ngành giáo dục, là một trong những nguyên nhân khiến vị thế người thầy chưa thực sự tương xứng với những nỗ lực của các thầy cô giáo. Là những người trong nghề, chúng tôi luôn nhắc nhau mỗi khi xảy ra sự việc không vui: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.
Chúng tôi tự nhận thức ý nghĩa của chữ “thầy” bao hàm cả nhân cách, tri thức trong đó. Người thầy thực sự cần tấm lòng bao dung, tâm huyết, yêu nghề và công tâm… luôn tự giác nâng cao nghiệp vụ, mở mang vốn tri thức và bắt kịp xu thế đổi mới của giáo dục.
Là những nhà giáo dạy học ở cấp THCS, cấp học mà học sinh ở độ tuổi có sự thay đổi tâm sinh lý, chúng tôi vẫn tự nhận thức được rằng người thầy lại càng phải yêu thương và bao dung với trò. Phải luôn đóng vai người truyền lửa tích cực cho học trò, phải nhận thấy ở mỗi học sinh một thế mạnh để biết chia sẻ và không tạo áp lực cho các em.
Đồng thời nhiều khi người thầy còn phải là người thuyết phục phụ huynh chọn con đường phù hợp với con mình, để các con thấy việc học là vừa sức, và như thế các con mới thấy hạnh phúc.
Nguyễn Thị Diệu Hà – (Trường THCS Ngọc Lâm, Q.Long Biên, Hà Nội)
6 thách thức đang chờ tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn
Lương giáo viên, vị thế người thầy, chương trình sách giáo khoa mới... là những thách thức đặt ra cho tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Sáng 8/4, Quốc hội họp phê chuẩn ông Nguyễn Kim Sơn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2021-2026. Trên cương vị người đứng đầu ngành giáo dục Việt Nam, phó giáo sư Nguyễn Kim Sơn gặp phải nhiều thách thức, khó khăn và vướng mắc cần giải quyết trong nhiệm kỳ tới.
Thi THPT có thay đổi?
Kỳ thi THPT quốc gia ra đời từ năm 2015, được gộp từ hai đợt thi là tốt nghiệp THPT - tuyển sinh đại học, cao đẳng. Ngoài những thành công được xã hội ủng hộ cao thì kỳ thi vướng phải nhiều bê bối trong coi thi, chấm thi, nâng sửa điểm ở Sơn La, Hà Giang, Hoà Bình (năm 2018) khiến dư luận bức xúc.
Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ từng đánh giá, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức từ năm 2015 đến 2019 ngày càng hoàn thiện hơn. Kỳ thi được tổ chức ở 63 tỉnh, thành phố do Sở GD&ĐT chủ trì, các trường đại học, cao đẳng phối hợp tổ chức.
Đặc biệt, kỳ thi lần đầu áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan với hầu hết các bài thi (trừ môn Ngữ văn); bảo đảm mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng; kết quả làm bài của thí sinh được chấm bằng máy quét với phần mềm máy tính.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT.
Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của COVID-19, kỳ thi được tổ chức muộn hơn một tháng rưỡi so với mọi năm. Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực (1/7/2020), kỳ thi đổi tên từ "thi THPT quốc gia" thành "thi tốt nghiệp THPT". Năm 2021, kỳ thi giữ ổn định.
Sau 6 năm thực hiện, kỳ thi THPT đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, tiết kiệm, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội. Đây là bước đột phá trong đổi mới thi cử, khâu quan trọng của lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.
" Giai đoạn 2021- 2025, tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn liệu có tiếp tục giữ ổn định kỳ thi THPT hay sẽ thay đổi?" , câu hỏi này được chuyên gia đặt ra trong bối cảnh các trường đại học đẩy mạnh tự chủ tuyển sinh bằng nhiều phương thức, không quá phụ thuộc kết quả kỳ thi THPT.
Chương trình, sách giáo khoa mới
Tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định với báo chí: "Chương trình giáo dục phổ thông mới là bước đổi mới rất quan trọng, vấn đề là cách triển khai sách giáo khoa và việc tổ chức dạy học thế nào cho phù hợp. Vấn đề là cách làm. Tôi tin trẻ em sẽ hào hứng và thích học".
2020 - 2021 là năm học đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa áp dụng dưới hình thức một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Chương trình được coi là gốc, sách giáo khoa là bổ trợ, thay vì như trước đây sách giáo khoa là kim chỉ nam cho các hoạt động dạy và học một cách dập khuôn thiếu sự sáng tạo, đột phá.
Tuy nhiên, sau một tháng triển khai, nhiều phụ huynh, giáo viên đánh giá việc dạy và học môn Tiếng Việt "nặng và khó hơn" so với chương trình cũ. Tiếp sau đó, phụ huynh và dư luận liên tục "nhặt sạn" về từ ngữ và ngữ liệu trong cả 5 bộ sách Tiếng Việt 1 được Bộ GD&ĐT cho phép sử dụng.
Những "sạn" trong sách Tiếng Việt 1 được 12 đại biểu quốc hội phản ánh và nêu quan điểm xử lý ngay tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 14 (diễn ra vào cuối tháng 10/2020). Sau đó, Bộ GD&ĐT thừa nhận trách nhiệm khi sách giáo khoa Tiếng Việt 1 xuất hiện lỗi và yêu cầu nhà xuất bản, nhóm tác giả sách phải chỉnh sửa, hiệu đính nội dung chưa phù hợp.
Năm học 2021 - 2022 đang cận kề, giáo viên và các địa phương cần khẩn trương lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6. Liệu rằng trong năm học tới sách giáo khoa sẽ có những lỗi sai, dư luận xã hội có phản đối chương trình giáo dục phổ thông hay không. Sức ép trong khâu triển khai là bài toán mà tân Bộ trưởng Sơn sẽ phải tìm hướng giải quyết trong nhiệm kỳ tới.
Giáo viên sống bằng lương?
Giáo viên dạy học.
Ngày 20/3, chính sách về lương mới cho giáo viên chính thức hiệu lực. Theo đó, mức lương thấp nhất của giáo viên tương đương bậc 2.1 là 3,1 triệu đồng. So với mức lương cũ, lương của giáo viên khoảng 400 nghìn đồng.
Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, đây là lần tăng duy nhất trong 5 năm qua. Con số tương đối khiêm tốn so với những lời hứa từ các nhiệm kỳ trước đó. Đến nay mục tiêu tăng lương, cải thiện đời sống cho giáo viên chưa được hoàn thành theo cách trọn vẹn nhất. So với nhiều ngành nghề trong xã hội, nghề giáo vẫn là một nghề có mức thu nhập thấp nhưng công việc lại vô cùng áp lực.
Lời hứa "giáo viên sống được bằng lương" vẫn còn dang dở. Liệu tư lệnh mới của ngành giáo dục mới có giải quyết được bài toán mà hơn 2 triệu giáo viên mong mỏi không?
Mua bán bằng và chứng chỉ giáo viên
Theo điều tra của cơ quan công an, từ năm 2016 đến năm 2018, Đại học Đông Đô cấp trái phép 626 bằng cử nhân tiếng Anh theo hình thức đào tạo văn bằng 2. Trong đó 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng (số bằng này cấp trong giai đoạn từ tháng 5/2018 đến tháng 3/2019).
Trong số 193 trường hợp, 60 trường hợp đã sử dụng bằng giả để làm việc (55 người sử dụng để nộp hồ sơ xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ; 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên; 1 trường hợp thi công chức; 2 trường hợp khai vào hồ sơ cán bộ; 1 trường hợp nộp hồ sơ xét tuyển thạc sĩ).
Sự việc làm dấy lên nhiều hoài nghi về kiểm soát đào tạo và cấp bằng cũng như chất lượng giáo dục đại học.
Cùng với mua bán bằng là các loại chứng chỉ bồi dưỡng, hồ sơ sổ sách đối với giáo viên phổ thông đang thực sự trở thành gánh nặng, lực cản với sự phát triển giáo dục. Việc cởi bỏ gánh nặng này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo viên, đưa giáo dục trở về gần thực chất hơn.
Thiết nghĩ, thay vì chăm chú kiểm tra hồ sơ, tổ chuyên môn, nhà trường, thanh tra giáo dục các cấp cần chú trọng kiểm tra năng lực, hiệu quả thực chất của giáo viên bằng cách dự giờ, khảo sát, đánh giá chất lượng, sự tiến bộ của học sinh.
Liệu rằng trong 5 năm tới, những vụ bê bối mua bán bằng, những loại hồ sơ xổ sách và chứng chỉ bồi dưỡng vô bổ cho giáo viên như thời gian qua có còn tái diễn?
Tự chủ và đào tạo đại học
Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, ở giáo dục đại học, hiện các trường đại học có cơ chế tự chủ, giáo trình riêng, cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và chủ động đầu ra, nên chuệch choạc ở một trường nào đó thì toàn bộ hệ thống hơn 400 trường đại học, cao đẳng trong nước vẫn phát triển. Tuy nhiên, cần thống nhất thế nào là tự chủ, để "cởi trói" cho nhà trường phát triển mạnh hơn. Khi đó, ai làm sai tự chịu trách nhiệm.
Vấn đề quan trọng ở mảng giáo dục đại học, các trường cần liên kết với các doanh nghiệp để có đầu ra đáp ứng yêu cầu của thị trường và giảm thiểu thất nghiệp.
Đặc biệt, các trường đại học hàng đầu cũng phải xây dựng chiến lược dài hạn phấn đấu để được xếp vào top thế giới, như vậy mới thu hút được sinh viên từ các quốc gia lân cận.
Củng cố vị thế người thầy
Trong bức thư gửi giáo viên cả nước mới đây, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thể hiện sự trân trọng đối với nghề giáo, đồng thời là nỗi niềm về vị thế của người thầy trong xã hội hiện đại. Xuất thân là một nhà giáo, hơn ai hết Bộ trưởng Sơn hiểu rõ và trân trọng những giá trị của người làm thầy.
Tuy nhiên phải thừa nhận một điều đau lòng rằng, vị thế của người giáo viên trong xã hội hiện đại đang ngày càng bị xem nhẹ. Đó là những câu chuyện về lương, thưởng, chế độ chính sách dành cho giáo viên tương đối thấp khiến nhiều thầy cô phải sống trong cảnh nghèo khó. Đó là những câu chuyện người giáo viên bị hành hung, bị lăng mạ... ngay trên giảng đường mà không có cơ chế bảo vệ.
Để có thể vượt qua những khó khăn, thử thách đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong giáo viên trên cả nước cố gắng, gương mẫu và cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục bằng trí tuệ và tấm lòng yêu nghề yêu trò, yêu tri thức và lẽ phải, bằng sự tự trọng và tự tôn. Khi làm được những điều như vậy mới giúp nghề giáo trở nên tôn nghiêm trong xã hội, xứng đáng với danh xưng "nghề cao quý.
Bộ trưởng cam kết dưới cương vị là một nhà giáo, nhà quản lý, ông sẽ làm hết tâm sức để nâng cao vị thế của giáo dục Việt Nam, vì tất cả học sinh, giáo viên trên cả nước.
Cần cơ chế 'Khoán 10' trong giáo dục ông đảo nhà giáo đặc biệt quan tâm bức thư mà tân Bộ trưởng Bộ GD&T Nguyễn Kim Sơn gửi các thầy cô mới đây. Nhiều người cho rằng, ngành giáo dục hiện nay cần một cơ chế mang tính đột phá, "xé rào". Giáo viên mong được "cởi trói" hoàn toàn để thỏa sức sáng tạo. Ảnh: Thế ại Sau khi được...