Xã hội hóa sách giáo khoa: Nỗi lo độc quyền trở lại
Ở năm thứ 2 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, việc quyết định lựa chọn sách giáo khoa (SGK) được giao toàn quyền cho hội đồng tuyển chọn sách theo Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT.
Ảnh minh họa.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, nếu tiếp tục như vậy thì chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK sẽ khó được triển khai, dẫn tới nguy cơ quay trở lại tình trạng độc quyền của một mình doanh nghiệp trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đó là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Theo Thông tư 25, việc lựa chọn SGK sẽ do UBND cấp tỉnh thực hiện. Trong đó, Hội đồng lựa chọn SGK (Hội đồng) do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập, giúp UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn SGK.
Mặc dù Thông tư 25 nêu rõ quy trình lựa chọn SGK được triển khai theo 4 bước. Bước 1: Cơ sở GDPT đề xuất lựa chọn SGK; Bước 2: Phòng Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) danh mục SGK được các cơ sở GDPT đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự SGK có số cơ sở GDPT đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp; Bước 3: Sở GDĐT tổng hợp, chuyển cho Hội đồng danh mục SGK; Bước 4: Hội đồng tổ chức lựa chọn SGK. Song trên thực tế, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, nhiều cơ sở giáo dục đã phải lên tiếng phàn nàn về thông tư này, khi trao toàn quyền quyết định lựa chọn SGK cho những hội đồng tuyển chọn sách mà không quan tâm đến ý kiến của cơ sở.
Ở năm học trước, việc lựa chọn SGK thực hiện theo Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT, hội đồng lựa chọn SGK do người đứng đầu cơ sở GDPT thành lập sẽ sát với thực tế yêu cầu của nhà trường hơn, bởi ý kiến của giáo viên – người trực tiếp đứng lớp giảng dạy cho học sinh sẽ được quan tâm hơn, là căn cứ quan trọng để lựa chọn sách phù hợp với việc dạy và học của học trò ở từng trường, thậm chí từng lớp.
Cũng theo bà Thúy, điểm mới nhất trong lĩnh vực SGK được Nghị quyết 88 và Luật Giáo dục xác định là xã hội hóa để phát huy nguồn lực xã hội, bảo đảm đa dạng hóa và không ngừng nâng cao chất lượng SGK. Tuy nhiên, vào đầu năm học mới vừa qua, báo chí lên tiếng phê phán khá gay gắt một số bài học thiếu tính khoa học, tính giáo dục trong các bộ SGK Khoa học Tự nhiên, Ngữ văn và Tiếng Việt của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Báo chí cũng đã phát hiện một tác giả trong 2 năm viết đến 50 đầu SGK, sách bài tập các loại ở cả 3 cấp học. Vì vậy, bà Thúy kiến nghị Bộ GDĐT sớm sửa đổi Thông tư 25, tiến hành thanh tra các công việc biên soạn, lựa chọn, phát hành SGK và điều chỉnh những bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện.
Trước đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã từng nêu quan điểm: Chất lượng SGK được thẩm định từ thực tiễn, hay nói cách khác sự cạnh tranh của thị trường sẽ dần thải loại sách yếu. Xã hội hoá SGK là một chủ trương đúng, những va đập từ thực tiễn sẽ giúp các nhà xuất bản có những điều chỉnh kịp thời. Trong đó, tiếng nói của thầy cô giáo và học sinh, người trực tiếp sử dụng những cuốn sách ấy cần được coi trọng.
Trong bối cảnh SGK không còn là pháp lệnh, giáo viên có quyền tự chủ trong quá trình giảng dạy, GS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, khi giáo viên đã nắm được chương trình thì việc lấy “nguyên liệu” ở sách này sách kia là việc của giáo viên, miễn là những nội dung đó dạy cho học sinh đáp ứng được chương trình. Đây là cách làm rất mở.
Video đang HOT
Nhìn nhận việc giáo viên phụ thuộc vào SGK không hẳn là đi ngược lại với tinh thần đổi mới, GS Báo cho rằng, nhiều khi việc phụ thuộc vào SGK là một thói quen chứ không phải vấn đề năng lực giáo viên. Việc thay đổi tư duy của đội ngũ giáo viên có thể làm được, nhưng cần có thời gian để họ có sự nhạy cảm, phản xạ trước những tình huống thực tiễn. SGK là công cụ, tuy nhiên phải rèn luyện cho giáo viên biết tham khảo nhiều nguồn tư liệu để dạy, biết được cái hay của nhiều sách khác nhau, đó là năng lực cần phải đào tạo. Nếu giáo viên chỉ xem 1 quyển SGK rồi dạy mà không biết chọn lọc những cái hay của sách khác để kết hợp thì rất hạn chế.
Ai nên quyết định chọn sách giáo khoa?
Dù đã hơn 1 năm kể từ ngày Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề xoay quanh việc thực hiện việc hướng dẫn chọn sách này.
Mặc dù đã nhiều lần ban hành các hướng dẫn, sửa đổi việc lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp với địa phương và người học, nhưng trên thực tế, nhiều chuyên gia giáo dục và các địa phương vẫn còn cho rằng những quy định đó vẫn chưa giải quyết triệt để câu chuyện "lựa" và "chọn" sách.
Chọn bộ sách nào để dạy cho học sinh đã được quy định cụ thể trong Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ GD&ĐT. Tổng kết lại sau hơn 1 năm thực hiện, thông tư đã thể hiện nhiều mặt hạn chế.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, trước hết khẳng định sự cần thiết của chủ trương "một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa", ông khẳng định, việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa các nước trên thế giới đã thực hiện nhiều năm nay.
Về quyền quyết định lựa chọn SGK, nguyên Bộ trưởng cho rằng việc thực hiện theo Thông tư 25 như hiện nay tỏ rõ những bất cập. Khi mà, những người lựa chọn SGK không nắm sâu về chuyên môn.
"Chúng ta phải thay đổi quan điểm, quyết định chọn sách nào là phụ thuộc vào thầy cô giáo giảng dạy và nhà trường.
Theo tôi, trường nên có quyền quyết định việc này, bởi họ là người hiểu nội dung, hiểu phương pháp, điều kiện của nhà trường. Những người thực hành sử dụng sách được chọn sách sẽ phù hợp hơn là chính quyền địa phương", ông Nguyễn Minh Hạc khẳng định.
Tương tự, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) bày tỏ nhiều băn khoăn về Thông tư 25 đang thực hiện: "Chúng ta nên tôn trọng lựa chọn sách giáo khoa của từng trường, việc sử dụng loại sách nào phụ thuộc vào ý kiến của hội đồng của các tỉnh thành lập (theo Thông tư 25 - PV) là không hợp lý về mặt khoa học và thực tiễn.
Bởi người không sử dụng không thể chọn cho người sử dụng, hoặc một vài người lại chọn cho số đông là không hợp lý".
Thầy Lâm cho rằng, sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo, các giáo viên thấy bộ sách giáo khoa nào hợp với người dạy và người học thì họ chọn.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội
"Hiện nay chúng ta vẫn quan niệm sách giáo khoa là pháp lệnh là không đúng, sách chỉ mang tính tham khảo còn chương trình giáo dục mới là pháp lệnh. Không nên áp dụng theo kiểu cũ, coi sách giáo khoa là chính", chuyên gia bày tỏ.
TS.Nguyễn Tùng Lâm cho biết thêm "Việc lựa chọn của các hội đồng này phải căn cứ trên cơ sở biên bản của tổ chuyên môn của các trường học. Các trường lựa chọn như thế nào thì phải tôn trọng ý kiến đó.
Ngay cả việc lựa chọn những người tham gia hội đồng là các thầy cô giáo thì việc lựa chọn vẫn chỉ phản ánh ý kiến của nhóm nhỏ chứ không phải của tất cả giáo viên. Trách nhiệm của họ là xem xét, đánh giá lại những trường học nào lựa chọn thiếu trách nhiệm, lựa chọn không phù hợp với điều kiện của địa phương".
Thầy cô nên là người chọn lựa những bộ sách phù hợp
Những bộ sách giáo khoa được phát hành cũng đã trải qua rất nhiều vòng thẩm định và lựa chọn. Mỗi bộ sẽ có những thế mạnh riêng, theo chuyên gia giáo viên có quyền lựa chọn nhiều bộ sách chứ không nhất thiết chỉ sử dụng một bộ.
"Các địa phương nên lựa chọn nhiều bộ sách giáo khoa để đưa vào sử dụng chứ không nên cứng nhắc sử dụng một bộ duy nhất. Trên thế giới họ cũng không quá coi trọng việc lựa chọn sách giáo khoa nào, vì đấy là phụ thuộc vào nhu cầu của người cần", TS. Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (Đoàn Quảng Trị) cũng đã có những chia sẻ với Người Đưa tin, sau khi kết thúc đợt 2 của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: "Vừa qua ở nghị trường Quốc hội các đại biểu cũng có ý kiến về vấn đề này. Theo đó, hội đồng chọn sách chưa gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương với cơ quan quản lý chuyên môn. Trong hội đồng nên có cả thành viên của chính quyền, đội ngũ các chuyên gia, thầy cô chuyên môn mới phù hợp".
Quy trình chọn sách giáo khoa theo Thông tư Số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ GD&ĐT:
Theo đó cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn sách giáo khoa. Tổ chuyên môn của cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận và đánh giá các sách giáo khoa của môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa.
Phòng GD&ĐT tổng hợp, báo cáo Sở GD&ĐT danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự sách giáo khoa có số cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp.
Sau khi tổng hợp, chuyển giao cho Hội đồng danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự sách giáo khoa có số cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp.
Hội đồng tổ chức lựa chọn sách giáo khoa bằng việc tổ chức họp, thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất; bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.
Sách giáo khoa được lựa chọn phải đạt trên 1/2 (một phần hai) số phiếu đồng ý lựa chọn.
Sở GD&ĐT tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các Hội đồng, trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Căn cứ vào kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các Hội đồng do Sở GD&ĐT trình, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương.
Nhiều sách giáo khoa nhưng lại bất cập chọn Việc lựa chọn sách giáo khoa cho học sinh đang rơi vào tình trạng "chọn cho an toàn" hơn là chọn vì ý nghĩa giáo dục. Theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 cũng thuộc Điều 8 của TT 25/2020, cơ sở GDPT phải tổ chức xét chọn rất công phu: tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên (GV)...